Đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kì 2020-2025, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có một năm đầu tiên tất bật với các đổi mới cũng như xây dựng mục tiêu hướng đến sự phát triển lâu dài của Hội Nhà văn. Mặc dù khởi đầu nhiệm kì bằng một năm vướng nhiều khó khăn do đại dịch Covid – 19, nhưng từ các hoạt động sôi nổi cũng như các kế hoạch sắp tới, có thể thấy một nhiệm kì đầy thách thức cho vị tân Chủ tịch. Tạp chí Sông Lam đã có buổi trò chuyện đặc biệt với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về những dự định, mong mỏi về giá trị văn chương đối với cuộc sống, đặc biệt có những chia sẻ của nhà thơ về mảng đề tài chiến tranh – một đề tài nhận được rất nhiều quan tâm từ trước tới nay.

Kỳ vọng, khát vọng và những mối lo ngại

Thưa nhà văn Nguyễn Quang Thiều, với vị trí Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông đánh giá một năm qua hoạt động của Hội đã đáp ứng được kì vọng của ông chưa và những điều còn tiếc vì chưa thực hiện được?

Những kế hoạch quan trọng của Hội Nhà văn không chỉ cho một nhiệm kỳ mà cho một tương lai lâu dài đã bắt đầu được triển khai trong một năm qua và có những dấu hiệu đáng mừng như chiến lược văn học thiếu nhi, giải thưởng Tác giả trẻ, giải thưởng hàng năm và kết nạp hội viên. Một năm với tình hình Covid vô cùng phức tạp mà Hội Nhà văn vẫn khởi sự được những việc như vậy là một niềm vui. Chỉ tiếc một điều là giải thưởng Tác giả trẻ lần đầu tiên chưa được trọn vẹn bởi một tác phẩm liên quan đến vấn đề bản quyền vẫn còn đang được các cơ quan có trách nhiệm xem xét.

Văn học trẻ đã có những khởi sắc trong năm vừa rồi nhưng vẫn còn nhiều lo ngại cho sự phát triển đường dài, Hội Nhà văn Việt Nam có những định hướng, kế hoạch gì để các tác giả trẻ có thêm cơ hội phát triển hơn?

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – Nguyễn Quang Thiều công bố Giải thưởng “Tác giả trẻ” sáng 6/1/2022. Ảnh nguồn: nongnghiep.vn

Chúng ta nói đến lo ngại thì chúng ta phải xác định được nỗi lo ngại ấy là gì. Trong cách nhìn cá nhân tôi, nỗi lo ngại ấy chính là sự dấn thân và một thái độ nghiêm túc trong mục đích sáng tác. Bởi thế mà khẩu hiệu của Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 sẽ tổ chức vào tháng 6/2022 tại Đà Nẵng là một câu hỏi: “Vì sao chúng ta viết?”. Thực tế, câu hỏi này không phải chỉ đối với những nhà văn trẻ mà đối với mọi nhà văn. Nhưng những nhà văn trẻ cần trả lời câu hỏi này hơn ai hết để đi trên chặng đường sáng tác dài lâu của mình. Hội Nhà văn Việt Nam phải hướng nhà văn trẻ đến câu trả lời tưởng đơn giản nhưng vô cùng quan trọng đó. Tôi cho đó là điều quan trọng nhất đối với mọi nhà văn khi cầm bút. Ngoài ra việc lập ra giải thưởng Tác giả trẻ là một hình thức phát hiện, cổ vũ những nhà văn trẻ. Lần đầu tiên Hội Nhà văn lập ra giải thưởng này và sẽ đầu tư nhiều cách cho những nhà văn trẻ tài năng như: đào tạo, trợ cấp sáng tác và in tác phẩm. Năm 2021 Hội đã in tác phẩm cho một nhà văn, năm 2022 dự kiến sẽ in một số tác phẩm của nhà văn trẻ. Về đào tạo, chúng tôi đã giới thiệu một nhà văn trẻ cho chương trình viết văn Iowa. Đã có những nhà văn tham dự chương trình này và đoạt giải Nobel văn học.

Vừa rồi làng Văn xôn xao chuyện khi lần đầu tiên Việt Nam nhận được thư mời tham gia đề cử cho giải Nobel, với vị trí Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nếu được chọn lựa đề cử thì ông sẽ đề cử nhà văn nào? Vì sao?

Cá nhân tôi chưa đề cử nhà văn nào bởi trong cách nhìn của tôi chưa có nhà văn Việt Nam nào đang sống hội đủ những yếu tố cần thiết cho một nhà văn tham dự giải Nobel văn học. Nhưng có thể có những nhà văn Việt Nam được đề cử bởi các cá nhân nhà văn, giáo sư văn chương… nước ngoài mà Viện Thụy Điển tín nhiệm.

Câu chuyện giải thưởng Nobel luôn là một câu chuyện mang tính hấp lực với các nhà văn, theo ông các nhà văn muốn vươn tầm thế giới thì cần những yếu tố nào?

Trong cách nhìn của tôi, những nhà văn đó phải hội tụ được những điều cơ bản: mang tới một giọng nói riêng biệt đặc sắc, tạo ra một hệ thống ngôn ngữ đặc trưng, có tư tưởng mới và có tính phổ cập mang tính quốc tế.

Câu chuyện giải thưởng luôn mang nhiều ý kiến đa chiều khi công bố ra dư luận. Với những giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam đã trao năm qua, ông thấy có xứng đáng không? Và vì sao?

Năm 2021, năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới đã có những thành công trong việc trao các giải thưởng: giải thưởng Hội Nhà văn và giải thưởng Tác giả trẻ. Thành công thứ nhất bởi các tác phẩm được trao giải đã tạo được sự đồng thuận khá cao giữa những người sáng tác, phê bình và công chúng bạn đọc. Điều thứ hai là họ mang đến những giọng nói riêng biệt. Điều thứ ba là tác phẩm được giải có tính tư tưởng.

“Sẽ có một vương quốc sách văn học”

Văn chương vài năm trở lại đây bị ảnh hưởng khá nhiều trước các hình thức giải trí khác nhau trên nhiều phương tiện, theo ông để văn chương thật sự lan tỏa và có được công chúng của riêng mình, các nhà văn cần làm gì? Và Hội Nhà văn Việt Nam cần làm gì?

Khu vực triển lãm sách của nhà văn Việt Nam tại Diễn đàn các nhà văn châu Á lần thứ Nhất 2019 tại Kazakhstan. Ảnh nguồn: vanvn.vn

Câu trả lời này đã được các nhà văn trên toàn thế giới trả lời hay nói cách khác là tiếp tục đi tìm câu trả lời. Có thời, người Việt Nam phải xếp hàng, thậm chí phải có giấy giới thiệu của cơ quan mới mua được một cuốn sách. Nhưng giờ đây, sách văn học phong phú, đa dạng hơn trước kia cả ngàn lần và ở đâu người đọc cũng có thể mua được những tác phẩm văn học mà họ muốn đọc. Chính vì vậy, để có một tác phẩm văn học được bạn đọc săn đón đòi hỏi chất lượng rất cao. Nếu nhà văn không viết với tất cả sự sáng tạo mới mẻ nhất, với lương tâm lớn lao nhất và với sự mê đắm nhất của mình thì không thể có tác phẩm bạn đọc quan tâm. Bên cạnh đó, Hội Nhà văn cần phát hiện ra những tác phẩm văn chương sáng giá và định danh một cách chính xác những tác phẩm đó. Nếu sự định danh của Hội Nhà văn sai thì bạn đọc càng ngày càng xa lánh.

Chúng ta đều thấy tác động rõ rệt của mạng xã hội đến đời sống người dân, văn chương mạng từ đó cũng hình thành một dòng riêng biệt, một số tác giả từ đó cũng định danh. Nhưng con đường “mạng” vẫn là con đường mới, đầy rủi ro, và thiếu kiểm soát với các tác giả viết. Vậy theo ông, Hội Nhà văn Việt Nam có những kế hoạch gì để văn chương hay các tác giả thoát khỏi chiếc áo “mạng” để được nhìn nhận bằng cái nhìn chính thống và chuyên nghiệp?

Trước hết tôi thấy, càng ngày càng nhiều hơn các nhà văn nhận ra con đường ‘’mạng’’ là con đường chứa trong nó sự ‘’bất trắc’’ cho một nền văn học thực sự. Nhiều năm trước, khi thế giới mạng xuất hiện đã có không ít người cảnh báo cái chết của những tác phẩm văn chương in. Lúc đó, tôi đã nói đó là một sự hiểu lầm và cũng là sự sai lầm. Thực tế ngay ở những nước “đẻ’’ ra công nghệ này thì sách in vẫn là con đường chính thống. Sách in không chỉ chứa đựng nội dung tác phẩm mà là một ấn phẩm có tính tổng hợp và đầy tính nghi lễ của văn hóa đọc. Hội Nhà văn chuẩn bị khởi công một không gian cho sách và nhà văn. Chắc chắn không gian đó sẽ trở thành một ‘’vương quốc sách văn học’’, nơi những cuốn sách in qua từng thời đại của sách được trú ngụ ở đó, nơi các nhà văn sẽ gặp gỡ đồng nghiệp và bạn đọc, nơi nhà văn và bạn đọc đến đó và chìm trong một thế giới sách và những cảm xúc về sách. Hơn nữa, việc in sách sẽ giúp nhà văn “chậm” lại để cảm nhận tác phẩm của mình ở nhiều nghĩa trước khi quyết định cho tác phẩm ra đời. Nhà xuất bản Hội Nhà văn cũng vừa lập ra một phòng mà trước đó chưa hề có. Đó là phòng Sáng tạo và truyền bá sản phẩm. Đó là sách. Chúng tôi muốn tạo ra những cuốn sách đẹp, trang trọng và chứa đựng một tinh thần văn hóa cho sách.

Không gian mới của văn học viết về chiến tranh

Ảnh minh họa, nguồn: vannghequandoi.com.vn

Văn học chiến tranh cũng luôn là mảng đề tài rất nhiều nhà văn viết và ngay cả tác giả trẻ cũng hào hứng. Nhưng làm sao để có được tác phẩm hay chạm đến không chỉ giới văn chương mà ngay cả độc giả cũng bị chinh phục?

Từ năm 1990, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã nhận giải thưởng Hội Nhà văn và cho thấy một không gian mới của văn học viết về chiến tranh. Càng lùi xa chiến tranh thì văn học viết về chiến tranh càng đến gần bản chất của nó. Cách nhìn chiến tranh càng ngày càng được mở rộng biên độ không chỉ đối với các nhà văn mà cả các nhà sử học và chính khách. Điều đó sẽ tạo ra cơ hội và điều kiện cho những sáng tác về chiến tranh trong thời bình.

Công chúng vẫn luôn đánh giá tác phẩm lớn, nhà văn lớn hầu như đều xuất phát từ thời chiến tranh, theo ông vì sao?

Không hẳn là như vậy. Ở Việt Nam, cuộc chiến tranh quá lớn và dư âm của nó vẫn còn nhiều trong đời sống. Và cùng trong thời đó, số lượng tác phẩm văn học được in rất hạn chế và không có bất cứ lĩnh vực giải trí nào đủ sức vượt qua nó. Chính vậy mà người ta đọc sách về chiến tranh nhiều và nó ám ảnh họ không dễ thoát ra được. Sau này, chúng ta có những tác phẩm hay nhưng sự đón nhận văn học đã thay đổi. Hơn nữa, nền xuất phát của những tác phẩm văn học bây giờ cao hơn trước kia, nhưng lại có không ít những tác phẩm như vậy cùng xuất hiện. Đó cũng là một lý do làm cho người đọc mang cảm giác sự nổi trội của các tác phẩm văn học bây giờ không có được như ngày xưa.

Chiến tranh hay hòa bình với người cầm bút theo ông cái nhìn của chúng ta như thế nào để không ảnh hưởng đến sự sáng tạo của mình?

Nếu chúng ta đặt vấn đề số phận con người lên tất cả thì chiến tranh hay hòa bình chỉ là một không gian mà những số phận tồn tại và vươn lên trú ngụ trong đó mà thôi. Đề tài không làm ra giá trị của một tác phẩm văn học mà là sự khác biệt, tính tư tưởng và những khám phá mới mẻ. Cũng với lý do đó, nhiều nhà văn ở các quốc gia trên thế giới vẫn viết về chiến tranh rất hay cho dù họ sống trong một quốc gia không có chiến tranh nhiều thế kỷ nay. Chiến tranh là một hoàn cảnh và hòa bình cũng là một hoàn cảnh, và trong bất cứ hoàn cảnh nào con người đều phải đối mặt với những thách thức khủng khiếp và phải trả lời về giá trị sống.

P.V (thực hiện)

(Bài đăng tạp chí Sông Lam số 22, tháng 4/2022)