Vượt chặng đường hơn 10 nghìn km, sáng sớm ngày 21/05/2022, máy bay đưa tôi về quê nhà sau bốn năm xa cách. Trước đó, đại dịch Covid-19 buộc tôi phải hủy chuyến thăm quê dự kiến vào tháng 3/2020. Chính vì thế mà trước khi bay, mấy đêm liền tôi thấp thỏm, khó ngủ. Và lần nào cũng vậy, mỗi khi máy bay vào không phận Việt Nam, trong tôi cảm xúc lại dâng trào. Khác với những lần trước, lần này thời tiết quê hương dành cho tôi một sự ưu ái đặc biệt. Một cơn mưa rào vừa dứt trước khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài và sau đó, trên đường về phương Nam, những cơn mưa nhỏ mang theo không khí mát lành đã đi theo tôi suốt từ Hà Nội về Thanh Hóa – nơi mẹ tôi đang mong chờ. Ba, bốn ngày sau cũng vậy, trời mát mẻ, giúp tôi quen dần với thời tiết xứ nhiệt đới quê nhà.

Trước đó, sáng 20/05/2022, khi đang trên tàu cao tốc ICE đến sân bay quốc tế Frankfurt tôi nhận được tin nhắn của anh Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, biết tin tôi sẽ có mặt ở Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Nghệ An mời tôi về thăm tỉnh nhà. Điều này khiến tôi thực sự xúc động. Tôi chọn ngày 26/05/2022 để vào thành Vinh.

Tác giả (bên trái) và ông Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An

Trên đường vào Vinh, chú lái xe mở ca khúc “Tìm em câu ví sông Lam”, những câu từ mộc mạc với âm điệu đặc trưng của xứ Nghệ đã làm trái tim tôi rung động. Nước mắt bỗng rưng rưng, không thể kìm nén. Hình như hiểu được tâm trạng của tôi, chú lái xe không trò chuyện nữa. Dù đã sống hàng mấy thập kỷ ở phương Tây, nơi mà nhạc Pop, nhạc Rock rất thịnh hành và được nhiều người yêu thích, nhưng dân ca xứ Nghệ luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với tôi. 2017-2018, là những ngày tháng sóng gió nhất trên đường đời của tôi tại xứ người. Để có thêm sức mạnh tinh thần, tôi thường xuyên nghe ca khúc “Ai vô xứ Nghệ”. Nó trở thành động lực mạnh mẽ thôi thúc tôi vượt qua tất cả và như là lời nhắn nhủ rằng tôi không đơn độc ở xứ người. Phía sau tôi vẫn còn một hậu phương vững chắc: “Nghe câu hò ví giặm, càng lắng lại càng sâu/ Như sông Lam chảy chậm, đọng bao thuở vui sầu/… Tình xứ Nghệ không mau, nhưng bén rồi mà sâu lắng/ Quen xứ Nghệ quen lâu, càng tình sâu nghĩa nặng/ Đất này đất Xô-viết, Đảng mở hội cờ hồng/ Lửa thử vàng mới biết/ Mặn mà tình công nông…”.

Tôi sinh ra và sống ở Thanh Hóa cho đến khi tròn tuổi 18 thì đi bộ đội vào đầu năm 1972. Ba tôi sinh ra và lớn lên ở TP Huế rồi học Trường Quốc học Huế. Ông nội tôi sinh ra ở Triệu Phong, Quảng Trị, làm quan lục lộ trong triều đình Huế. Nhưng với tôi, về Nghệ An là về quê cha đất tổ. Bởi như gia phả họ Hồ ở Quảng Trị ghi lại thì ông tôi, cha tôi có nguồn gốc từ xứ Nghệ, đã di cư về phương nam theo lời kêu gọi của triều đình nhà Lê khi mở mang bờ cõi. Các cụ ta, trong đó có đông đảo con cháu họ Hồ, đã rời xứ Nghệ vào Quảng Trị. Vì vậy ngày nay ở làng Cổ Thành, có rất nhiều thành viên dòng họ Hồ.

Lần nào về Việt Nam tôi cũng về thăm Vinh, nơi đặt bàn thờ cho người anh trai của ba tôi, ông sống gần như toàn bộ cuộc đời ở Cầu Giát – Quỳnh Lưu và qua đời ở đó. Một ông bác khác giáp ba tôi, sinh thời cũng gắn bó gần như trọn đời với Cầu Giát.

Ở Vinh, tôi thực sự rất xúc động trước sự đón tiếp chân tình của những con người tôi gặp. Các anh chị là lãnh đạo tỉnh, đại diện các ban ngành và đều là bạn bè facebook của tôi Sự chuẩn bị chu đáo, tiếp đón ân cần thể hiện rất rõ sự mến khách của người xứ Nghệ. Các anh chị lưu tâm đến từng chi tiết nhỏ, như một ngày trước khi vào Vinh, mọi người gọi điện hỏi tôi muốn thưởng thức món ăn gì của xứ Nghệ, nguyện vọng của tôi là muốn thưởng thức những món ăn dân dã của quê hương, tuyệt đối không dùng bia rượu. Những điều đó được đáp ứng hoàn toàn, cho thấy sự trân quý của người xứ Nghệ dành cho tôi. Bữa ăn trưa tại Vinh đã để lại trong tôi một ấn tượng tuyệt vời. Tôi có cảm giác mình như là một người con đã lưu lạc rất lâu và rất xa, nay được trở về ấm áp trong gia đình. Khoai lang nướng, ngô nếp luộc còn nóng hổi, bát canh ngao,… đó là những món ăn lâu lắm rồi tôi không được thưởng thức.

Trong chuyến đi này, tôi đã đến thăm tòa soạn Tạp chí Sông Lam. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi, bởi đây là lần đầu tiên tôi tới thăm một địa chỉ truyền thông không thể thiếu trong đời sống văn hóa của tỉnh nhà. Nhiều năm nay, tôi là cộng tác viên và được độc giả của Tạp chí Sông Lam đón chào, hoan nghênh vì các bài viết chân thật kể lại những kỷ niệm đã mãi mãi ăn sâu trong tâm trí tôi, với Vinh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Nỗi khát khao về thăm quê hương Bác Hồ muôn vàn kính yêu và mảnh đất giàu truyền thống cách mạng của quê hương Xô-viết Nghệ – Tĩnh luôn là nguồn cảm hứng để tôi trải lòng mình với những bài ký giàu cảm xúc. Hơn một tiếng đồng hồ trò chuyện thân mật với các thành viên của Ban Biên tập, cho tôi cảm giác đó như là cuộc trò chuyện, tâm sự giữa những người thân trong một gia đình, hơn là giữa những đồng nghiệp.

Tác giả chụp ảnh lưu niệm tại Tượng đài Bác Hồ (Quảng trường Hồ Chí Minh)

 

Biết rằng tôi chỉ lưu lại một ngày, các anh chị đã bố trí thời gian hợp lý, cho tôi được tự chọn các địa danh tham quan ở Vinh và vùng lân cận. Địa điểm đầu tiên tôi chọn là Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ. Tôi mong muốn được đến đây, đến với công trình kiến trúc đặc sắc, thể hiện tấm lòng kính yêu của người xứ Nghệ và Nhân dân cả nước dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Tận mắt chứng kiến, tôi mới thấy Quảng trường Hồ Chí Minh thật sự là công trình kiến trúc có giá trị tư tưởng và văn hóa – nghệ thuật cao. Không chỉ là một địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, mà còn là một không gian xanh, sạch, đẹp để hằng ngày mọi người vui chơi, giải trí. Đi qua tất cả các bậc thang tôi lên đến chân tượng đài Bác Hồ để được ngắm nhìn kỹ hơn. Trước lúc đi đến đây, tôi đề nghị chú lái xe chạy theo tuyến đường Nguyễn Văn Cừ và Quang Trung, là những con đường tôi thường đi trong những lần về thăm Vinh. Từ hai con đường mang tên hai người con ưu tú của dân tộc, tôi đến với tượng đài Bác Hồ, lựa chọn này cho tôi cơ hội phát hiện những đổi thay của thành Vinh trong bốn năm qua. Các trục đường ở trung tâm được sửa lại, mở rộng khang trang, đặc biệt tôi khá ngạc nhiên với lượng xe ô tô mới lưu thông trên đường phố. Cuộc sống sôi động và nhộn nhịp cho thấy Vinh đang trên đường phát triển thành một thành phố hiện đại và năng động.

Điểm tham quan tiếp của tôi là cầu Cửa Hội và khu du lịch Cửa Lò. Trong lần thăm Vinh và Cửa Lò vào tháng 5 năm 2018, tôi đã biết kế hoạch xây dựng cầu Cửa Hội nối liền Nghệ An và Hà Tĩnh, nơi con sông Lam đổ ra biển Đông. Từ đó tôi theo dõi sát sao qua phương tiện truyền thông tiến trình xây dựng cây cầu này. Qua đài truyền hình VTV4, ngày 14/03/2021, tôi sung sướng trước hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nay là Chủ tịch nước, cắt băng thông xe cầu Cửa Hội. Tôi còn nhớ rõ, phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND Nghệ An, nêu rõ hai bên bờ hạ lưu sông Lam, nhất là vùng Cửa Lò, Nghệ An và Nghi Xuân, Hà Tĩnh không xa về địa lý nhưng lại gặp rất nhiều cách trở. “Bao đời nay, Nhân dân hai bên bờ mơ ước có cây cầu. Dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần cải thiện hệ thống giao thông giữa hai bờ sông Lam, giảm tải số lượng xe đi trên tuyến quốc lộ 1, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực Bắc Trung Bộ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”. Khi đứng trên cây cầu hiện đại ngắm nhìn toàn bộ cảnh quan của một vùng biển và ven biển bằng chính mắt mình, tôi càng hiểu quê hương tôi đã phát triển như thế nào, và tại sao du khách gần xa lại đến với xứ Nghệ nhiều hơn. Vùng đất này sẽ mang đến nhiều hứa hẹn khi Nhà nước tập trung phát triển vùng ven biển thành các trọng điểm phát triển kinh tế và quốc phòng, rồi đây các miền quê sẽ được nối liền bởi đường vành đai ven biển.

Về thăm Vinh lần này, anh Nguyễn Văn Thông trao cho tôi một món quà vô cùng ý nghĩa, đó là cuốn sách song ngữ Việt – Anh nhan đề “Hồ Chí Minh biểu tượng của hòa bình, tình hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới – Symbol of peace, friendship between Vietnam and the world”. Cuốn sách được xuất bản nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021); 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/6/2021) với sự chủ trì, phối hợp tổ chức biên soạn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An. Cuốn sách quý này đã nằm trên bàn làm việc của tôi ở Đức từ ngày 24/06/2022. Tôi dặn con cháu, sau này khi tôi mất rồi, nên tặng cuốn sách cho một thư viện ở Đức để họ lưu giữ giúp.

Hai ngày trước khi tôi rời Thanh Hóa, mẹ tôi – người được bà con trong vùng gọi với cái tên trìu mến “bà Giáo” (vì ba tôi là một nhà giáo được quý trọng), đã bất ngờ và cực kỳ xúc động khi được đón khách từ Vinh ra. Anh Nguyễn Văn Thông cùng với các anh trong Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, không ngại đường xa, nắng nóng đã ra thăm, trao quà cho mẹ tôi, đồng thời chia tay tôi. Việc làm này khiến mẹ tôi và con cháu hạnh phúc vô cùng.

Từ những gì đã chứng kiến trong chuyến về thăm xứ Nghệ vừa qua, từ những con người đầy nhiệt huyết, chân thành và dồi dào tri thức mà tôi đã gặp, tôi càng tin quê hương tôi sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn để ngày càng giàu đẹp như Bác Hồ đã căn dặn trước lúc đi xa.

Hồ Ngọc Thắng

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 26, tháng 8/2022)