Nghi Thủy là một phường của thị xã Cửa Lò có lịch sử hình thành từ hơn 500 năm trước. Cùng với tiến trình phát triển của Cửa Lò, Nghi Thủy cũng đang vươn lên mạnh mẽ. Bên cạnh không gian đô thị phồn hoa, Nghi Thủy còn ẩn chứa trong mình những lớp trầm tích văn hóa lâu đời, vốn làm nên sự phát triển bền vững của miền quê ven biển này.

Nghi Thủy có đường bờ biển không dài nhưng còn mang vẻ đẹp hoang sơ. Ảnh: Hải Vương.

Có thể nói, Cửa Lò nói chung, Nghi Thủy nói riêng là một đô thị trẻ, nhưng văn hóa Cửa Lò, văn hóa Nghi Thủy thì không còn trẻ nữa; bởi nơi đây có cả bề dày và chiều sâu của những địa tầng văn hóa, tín ngưỡng dân gian giàu bản sắc.

Vùng đất Cửa Lò do Thái úy, Quận công, Phò mã Nguyễn Sư Hồi (1444 – 1506) khai khẩn. Ông là con trưởng của khai quốc công thần, Thái sư Quận công Nguyễn Xí, danh tướng phò Lê Lợi từ Lam Sơn, lập nên triều Lê. Năm 1469, Nguyễn Sư Hồi về trấn thủ vùng biển Nghệ An, khai hoang lập làng, xây dựng tuyến phòng thủ tại vùng biển trọng yếu này. Vua Lê Thánh Tông phong ông làm Trấn thủ Thập nhị hải môn (trấn thủ 12 cửa biển từ Sầm Sơn đến Cửa Tùng). Ông lập căn cứ ở Cửa Xá (nay là Cửa Lò) lập ra một làng mới. Nghi Thủy cũng nằm trong những biến thiên lịch sử ấy.

Ngày 29 tháng 8 năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định 113-CP về việc thành lập thị xã Cửa Lò thuộc tỉnh Nghệ An. Theo đó, phường Nghi Thủy cũng được thành lập trên cơ sở diện tích tự nhiên 94 hécta với 5.400 nhân khẩu.

Những địa tầng văn hóa

Chỉ là một vùng đất hẹp nằm ven biển Cửa Lò, đất và người Nghi Thủy luôn giữ trong nó và lưu truyền, bảo tồn qua các thế hệ thật nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng dân gian đặc sắc. Trên tuyến đường du lịch dọc ngang toàn phường dài chỉ chừng vài cây số mà có tới 03 di tích lịch sử cấp tỉnh và quốc gia: đền Mai Bảng, đền Yên Lương, nhà thờ Nguyễn Trọng Đạt, với nhiều nghi lễ mang bản sắc riêng của ngư dân vùng biển như lễ cầu ngư, lễ cầu đinh, lễ giỗ Thành hoàng làng, lễ Phúc lục ngoạt và còn có cả các giếng cổ…

Bia tưởng niệm Linh Quốc Công Nguyễn Trọng Đạt bên cạnh nhà thờ dòng họ. Ảnh: Hữu Vinh.

Nhà thờ Nguyễn Trọng Đạt được xây dựng tại nơi ông cùng 3 bà vợ và các con sinh sống ở làng Yên Lương xưa nay là phường Nghi Thủy, mộ và đền thờ ông ở phường Nghi Hương (Cửa Lò) đều là di tích lịch sử quốc gia. Nguyễn Trọng Đạt là con trai thứ 10 của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí. Ông vốn là bậc kỳ tài trong thiên hạ, có công với dân, với nước, được triều Lê sơ phong Linh Quận Công.

Năm 1471, ông cùng các anh trai theo vua Lê Thánh Tông đi đánh quân Chiêm Thành, do bị thương nặng nên trên đường trở về ông đã mất và được an táng tại Bàu Sen Kim Ổ (nay thuộc phường Nghi Hương) và được người dân nơi đây suy tôn là Thành hoàng làng. Còn nhà thờ ông thì được người con trai thứ hai xây dựng tại làng Yên Lương (phường Nghi Thủy).

Đền Mai Bảng thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Thủy Tinh phu nhân, cùng 6 vị thủy tổ họ Trần, Lê, Võ, Nguyễn, Hoàng và họ Phạm đã có công khai cơ lập làng.

Lễ tế tại đền Mai Bảng. Ảnh: Xuân Thủy.

Theo “Lịch sử Đảng bộ phường Nghi Thủy (1930-2022)”: Lê Khôi, tên thụy là Võ Mục, là con trai của Lê Từ, cháu ruột Lê Lợi, người làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, trấn Thanh Hoa (nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ông tham gia nghĩa quân Lam Sơn từ năm 1418 và lập được nhiều chiến công.

Năm 1446, khi đang làm Đốc trấn Nghệ An bảo vệ biên giới phía Nam Đại Việt, Lê Khôi cùng Lê Thận, Nguyễn Xí cầm quân đánh thành Đồ Bàn (Vương quốc Chăm Pa). Cuộc chiến thắng lợi, trên đường trở về, ông bị ốm nặng rồi mất ngày 3 tháng 5 âm lịch. Nhân dân mai táng ông ở núi Long Ngâm (Thạch Hà – Hà Tĩnh) và lập miếu thờ. Cư dân vùng Mai Bảng (có gốc từ làng Mai Phụ – Thạch Hà – Hà Tĩnh) sau khi di cư đến làng Mai Bảng thì lập bài vị để thờ tướng quân Lê Khôi và tôn ông làm Thành hoàng làng. Niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (năm 1487), ông được Vua Lê Thánh Tông truy phong là Chiêu Trưng Đại vương.

Chế Thắng phu nhân  Nguyễn Thị Bích Châu, người làng Bảo Lộc (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Năm 1373, bà được vua Trần Duệ Tông tuyển làm cung phi, sau thăng làm quý phi. Năm 1377, bà theo vua Trần Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành, lúc đến biển Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trời nổi phong ba, nhiều thuyền chở binh lính bị đánh chìm. Đêm đó, nhà vua nằm mơ thấy thuồng luồng đến đòi vua ban cho một người thiếp để làm vợ  Giao Long. Vua hỏi ý các cung phi, ai nấy đều sợ hãi từ chối, chỉ riêng quý phi nhận lời. Sau khi quý phi tự nguyện gieo mình xuống biển, bỗng sóng yên, biển lặng, thuyền quan quân nhà Trần đi qua dễ dàng. Sau khi mất, bà được nhân dân tôn làm Phúc thần do nhiều lần hiển linh giúp dân. Bà được triều đình ban sắc “Chế Thắng phu nhân”.

Đền Mai Bảng lúc đầu chỉ là một cái miếu nhỏ, sau đó nhân dân tôn tạo dần và xin chân hương từ đền Sót (Thạch Hà – Hà Tĩnh)  về thờ phụng. Trải qua những biến thiên lịch sử, đền còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí cổ có giá trị như bàn thờ, hương án, long ngai, bài vị, đại tự, câu đối… Đặc biệt, đền còn lưu giữ 13 đạo sắc gốc quý giá, 75 hiện vật cổ.

Hằng năm, đền Mai Bảng diễn ra hai lễ trọng gồm lễ hội đầu năm vào ngày 12/2 (âm lịch), là ngày giỗ Chế Thắng phu nhân và lễ lập làng, lễ cầu ngư, cầu đinh. Ngày 3/5 (âm lịch) là ngày lễ Húy nhật chính kỳ (lễ giỗ) Đức thánh Chiêu Trưng Đại vương.

Năm 2016, di tích đền Mai Bảng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Cách đền Mai Bảng không xa là đền Yên Lương. Đền được xây dựng từ thời hậu Lê (1630), đây là công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng thờ Tứ vị Thánh nương, thần Cao Sơn, Cao Các. Ngày nay, đền còn phối thờ tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát, tượng Tam Thế, Nam Tào -Bắc Đẩu, Ngư Ông, Đức thánh Sơn thần đảo Lan Châu.

Cổng đền Yên Lương. Ảnh: Hữu Vinh.

Tài liệu “Lịch sử Đền Yên Lương” chép lại: Đền Yên Lương khởi nguồn là một cái miếu 1 gian, 2 hồi được dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII.

Tương truyền, vào những năm cuối thế kỷ XVII, cuộc sống của người dân Yên Lương gặp nhiều tai ương, bất ổn. Ngư dân đi biển gặp sóng to, gió lớn; mùa màng thất bát, đói kém, bệnh tật triền miên. Làng đã cử người ra đền Cờn (Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu) rước chân hương Tứ vị Thánh nương về thờ. Từ đó cuộc sống dân làng trở nên bình an, làm ăn khấm khá.

Hiện đền còn lưu giữ 132 hiện vật, trong đó có 16 hiện vật cổ như long ngai bài vị, chuông đồng, hoành phi, câu đối, bộ xương cá Ông….

Hằng năm, đền Yên Lương có 2 kỳ lễ trọng là Lễ Kỳ Yên vào rằm tháng Hai (âm lịch) và lễ Phúc lục ngoạt vào các ngày 14, 15, 16 tháng 6 (âm lịch).

Giếng cổ ở làng Yên Lương, nơi được xem là long mạch của làng. Ảnh: Hữu Vinh.

Làng Mai Bảng và Yên Lương còn là nơi lưu giữ được nhiều giếng cổ (4 giếng). Giếng làng được xây dựng từ bao giờ không ai biết, những bậc cao niên của làng cho biết, khi họ sinh ra đã thấy giếng làng. Ngày trước, giếng làng là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, giếng còn được được xem là long mạch của làng. Theo huyền tích của làng, khi đào giếng xong, long mạch hướng về núi Gươm thì cuộc sống dân làng sẽ được bình an, con cháu học hành phát đạt. Giếng được đào sâu 5- 6 mét, xung quanh đáy giếng được vây bằng những hòn đá lớn nên nước giếng quanh năm mát mẻ, trời hạn hán bao nhiêu cũng không bao giờ cạn.

Đến nay, giếng làng không còn là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng nữa mà đã là  một chốn tâm linh. Bà con trong làng thường đến giếng làng lấy nước về dùng trong các dịp thờ cúng, hoặc đem về tắm rửa trong những ngày lễ trọng nhưng không còn được phép giặt giũ ở giếng làng. Đặc biệt, trong những dịp như xây mới nhà cửa, đóng mới thuyền hay mua lưới mới, người dân đem nước giếng làng về tẩy để uế cho thanh sạch. Giếng làng vẫn luôn được giữ gìn sạch sẽ, mỗi năm, làng phải làm lễ để chọn người nạo vét, dọn dẹp, nên dòng nước vẫn ngọt ngào, tươi mát quanh năm.

Nước giếng quanh năm mát mẻ được người dân đem về thờ cúng và dùng trong những ngày lễ trọng. Ảnh: Hữu Vinh.

Giờ đây, giếng làng Yên Lương và làng Mai Bảng là những chứng tích lịch sử ghi dấu sự chuyển biến trong đời sống sinh hoạt cộng đồng và sự phát triến về văn minh vật chất của làng.

Danh thắng thiên nhiên tuyệt mĩ

Bờ biển Nghi Thủy không dài nhưng được thiên nhiên ban tặng cho một vùng non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình. Đảo Lan Châu được xem là “hòn ngọc” của biển Cửa Lò nằm sát ngay bờ biển. Người xưa gọi đảo Lan Châu là Rú Cóc vì nhìn từ xa, đảo như một con cóc khổng lồ đang nhoài mình ra biển.

Đảo Lan Châu, nơi thờ sơn thần đảo, nay là một địa điểm du lịch thú vị. Ảnh: Hữu Vinh.

Xưa, những ngư dân vùng này khi đi biển về thì neo thuyền tại đảo Lan Châu để tránh sóng gió. Ngư dân được che chở bình yên nên họ lấy làm biết ơn vị thần giữ đảo. Người dân lập một ngôi miếu nhỏ trên đảo để thờ Sơn Thần Lan Châu, mong thần phù hộ bình an qua những cơn giông bão.

Đảo Lan Châu có một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú, vừa thơ mộng vừa hùng vĩ. Khi thủy triều lên, Lan Châu được bao phủ bởi nước biển, khi thuỷ triều xuống, phía tây được nối với đất liền tạo thành bán đảo. Phía đông là những vách đá lô nhô trải dài ra biển. Trải qua sự bào mòn của gió sóng hàng ngàn năm, tạo hóa đã nhẫn nại tạo tác cho núi đá nơi này có những hình thù kỳ thú.

Bình minh trên đảo Lan Châu thật rực rỡ, ánh hào quang phản chiếu mặt nước biển, hắt vào vách núi, những núi đá lô nhô khiến cho vùng non nước này trở nên lung linh huyền ảo. Trên đỉnh ngoại, giáp biển, ngọn hải đăng Lan Châu vẫn kiên nhẫn chờ đón những ngư dân từ phía biển đi về. Có lẽ, đây là mắt Sơn Thần vẫn dõi theo chở che cho những người con vùng biển đang hằng ngày neo mình giữa biển khơi.

Trên đỉnh giữa còn có lầu Nghinh Phong của vua Bảo Đại dựng lên để ngắm mây trời non nước. Qủa đây là một vị trí đắc địa, từ lầu Nghinh Phong, ta có thể ngắm bình minh từ phía đảo Ngư, đảo Mắt và thu trọn Cửa Lò trong tầm mắt.

Làng nghề – từ truyền thống đến hiện đại

Có lẽ, nghề đi biển đánh bắt hải sản là nghề gắn bó với người dân Nghi Thủy ngay từ khi mới lập làng, bởi những người có công khai cơ lập làng đều là những người một đời gắn mình với biển.

Sau này, khi những ngư dân từ vùng Cửa Sót (Hà Tĩnh) tìm đến đây định cư, lập nghiệp thì nghề đi biển Nghi Thủy không ngừng lớn mạnh. Đến nay, Nghi Thủy có gần 800 hộ tham gia các nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản. Phường có trên 139 tàu khai thác, đánh bắt hải sản, trong đó có 46 tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 700 CV trở lên. Nghi Thủy được xếp vào hàng phường có nhiều tàu thuyền nhất thị xã. (1000 lao động đánh bắt hải sản, 30% còn lại làm nghề dịch vụ, du lịch… Hiện nay, phường có 139 tàu thuyền các loại, trong đó có 46 tàu lớn đánh bắt xa bờ.)

Nghề đi biển đã tạo việc làm cho gần 1.000 lao động trực tiếp đánh bắt thủy, hải sản, chưa kể hàng nghìn lao động khác trong các hoạt động dịch vụ, thương mại, hậu cần nghề biển.

Đi cùng với nghề khai thác, đánh bắt là nghề chế biến. Đây cũng là nghề truyền thống có từ lâu đời của Nghi Thủy. Xưa, người Nghi Thủy chủ yếu làm làm nước mắm và ruốc. Người ta đổ nước mắm, ruốc vào chum hoặc thùng gỗ, gọi là vưn, rồi đưa xuống thuyền đi trẩy đến nhiều tỉnh thành trong nước, theo dọc bờ biển đến các lạch sông để giao thương.

Sau quá trình ủ chượp vất vả, công phu, bà con Nghi Thủy được thu hoạch những thùng nước mắm thơm ngon. Ảnh: Hải Vương.

Đến nay, bên cạnh ruốc, nước mắm, Nghi Thủy còn có các loại cá khô, mực khô, hải sản đông lạnh, hàng đóng hộp… vô cùng phong phú. Thị trường cũng được mở rộng ra cả Bắc, Trung, Nam bởi hải sản nơi đây có hương vị thơm ngon, được nhiều người ưa thích. Hiện nay Nghi Thủy có khoảng 60 hộ dân tham gia vào làng nghề chế biến hải sản.

Để phát triển làng nghề theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chính quyền địa phương đã cử người đi học hỏi kinh nghiệm từ những làng nghề chế biến hải sản nổi tiếng ở Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Yên… Áp dụng cách làm mới nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống của hải sản Nghi Thủy.

Chợ cá là nơi nhộn nhịp trao đổi bán, mua từ 4 – 5 giờ sáng. Ảnh: Hải Vương.

Người dân Nghi Thủy còn lập nên làng nướng cá. Có thể xem đây là nghề dịch vụ, hậu cần nghề cá. Nướng cá là nghề cũng lắm công phu và không kém phần gian nan vất vả. Ngay từ 4 – 5 giờ sáng, hàng trăm tiểu thương đã nô nức tụ tập tại bến cá Nghi Thủy. Những sản phẩm mặn mòi vị biển với hàng chục loại cá to nhỏ, tôm biển, tôm tít, cua, ghẹ, mực, sứa, ngao, sò, ốc… ngập tràn bến cá. Người nướng cá mua những lô cá còn tươi rói, rửa sạch, cá to thì cắt chéo từng miếng, cá nhỏ để nguyên, để cho ráo nước, người ta dùng chiếc tăm lấy những mạch máu đỏ trong thân cá ra rồi đem nướng trên than hoa. Để miếng cá thơm ngon và sạch đẹp, trước khi nướng, những người nướng cá sẽ quấn một lớp lá chuối tươi xung quanh thanh sắt. Những thanh sắt này được xếp làm sàn lên bếp than, người ta chỉ việc xếp cá lên và trở đều. Mùi cá nướng thơm lừng tỏa đi trong không gian làm những du khách mới đến nôn nao.

Những lò nướng cá rực rỡ than hồng và hương thơm ngào ngạt. Ảnh: Hải Vương.

Nghi Thủy có trên 20 hộ gia đình chuyên làm nghề nướng cá, bình quân mỗi ngày các lò nướng tiêu thụ 5 – 6 tấn cá các loại, đưa đi các chợ trong tỉnh.

Về với Nghi Thủy – Cửa Lò là về với một miền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc của cư dân miền biển với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng dân gian, những di tích lịch sử – văn hóa… Về với Nghi Thủy là về với những danh lam thắng cảnh kỳ thú mà ít nơi nào có được. Đô thị trẻ này như một cô gái miền duyên hải đang độ xuân thì dạt dào sức sống, đã bắt đầu điểm tô bằng những chất liệu hiện đại nhưng sâu thẳm trong mình vẫn là nét đẹp truyền thống Á Đông và tâm hồn mặn mà vị biển.

Trần Hữu Vinh