Về rừng Đông Hồi lần này, tôi không được gặp lại vị giám đốc quen thuộc có dáng cao gầy, da xạm, tóc muối tiêu, nụ cười hiền từ với cái tên gắn vào tổ chức: Doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên. Mà tôi gặp là chàng thanh niên thanh mảnh khoảng trên 30 tuổi, tên Lê Duy Khánh có đôi mắt sáng, nhanh nhẹn, vui vẻ chào hỏi khách quen. Anh Lê Duy Khánh, người kế cận chuyển giao thế hệ sự nghiệp trồng rừng của người cha đã đi xa!
Ai bước chân đến Khu rừng Đông Hồi bao giờ cũng thấy ngay dòng chữ trên phiến đá như lời chào và cũng là lời hỏi “Bạn có yêu thiên nhiên không?”. Ấm áp nhẹ nhàng đó, nhưng câu hỏi thầm lặng khiến mọi người đều phải tự vấn mình trước thiên nhiên? Buổi sáng ở rừng bao giờ cũng trong lành, không ngoài tiếng sóng biển rì rầm, gió vi vút trên cành phi lao, và xào xạc lá tràm. Yên lặng hơn nữa sẽ có tiếng chim trong trẻo hòa lẫn vào sóng trầm hùng như dội lên từ lòng biển.
Tôi đã từng đến Đông Hồi từ ngày còn nhỏ. Đó là một điểm giao như ốc đảo giữa bán đảo Nghi sơn( Thanh Hóa) với Nghệ An thuộc về xã Quỳnh Lập, Thị xã Hoàng Mai, địa đầu tỉnh Nghệ. Nơi ấy trùng điệp núi đồi rừng tạp, dây leo, đá, cát sỏi, và nắng, và gió Lào bỏng rát, bao quanh biển cả mênh mông. Đường đi của dân bản địa phải luồn lách trong rừng cây cỏ dại. Người dân muốn ra đường Quốc lộ 1A phải mất nửa ngày băng núi, lội khe theo tuyến độc đạo về phía tây, cuốc bộ nửa ngày để ra tới “đường quan” Quốc lộ.
Chóp núi ngày xưa mờ mờ ảo ảo, những đám mây luôn nặng trĩu nước. Các quả đồi hình mâm xôi với rừng tạp, người dân do đói nghèo đã chặt, đào cả gốc cây, hay đốt than mang về nhà dùng, sinh hoạt, hoặc bán làm củi ở các chợ để lấy tiền mua gạo. Tệ nạn phá rừng ở đâu đó để làm giàu, chứ những người dân Đông Hồi nghèo khổ phải bám đất, bám rừng kiếm gạo ăn hằng ngày cũng đã là may mắn. Đừng “quy tội” phá rừng tất cả tại dân? Không có rừng thì dân sống bằng gì? Thiên nhiên đã ban tặng cho con người đất trống, đồi trọc màu mỡ phì nhiêu, biển thì mênh mông sao không chinh phục bắt nó phải theo ý người mà chịu đói nghèo mãi sao?

Ông Võ Văn Dũng (Bí thư Thị Uỷ Hoàng Mai ) và Lê Duy Khánh (con trai ông Lê Duy Nguyên) với công nhân

Ông Lê Duy Nguyên quê ở Đông Hồi, dạy học ở trường THPT chuyên Phan Bội Châu tại Vinh mỗi lần về thăm quê nhìn các quả đồi phơi nắng, phơi gió, dân thì lầm lũi, ông trăn trở, đau đáu với những câu hỏi như thế. Đến năm 1993, Nhà nước chủ trương cho tập thể, cá nhân thuê đất trồng rừng ông xin nghỉ hưu ở tuổi chưa đến 50, để thực hiện ước mơ trồng rừng, đem lại không khí trong lành, vành đai màu xanh ven biển chắn sóng, giảm bớt xói mòn của các quả đồi, tạo công ăn việc làm cho những con người một nắng hay sương ngay tại mảnh đất chôn rau cắt rốn của ông.
“Vạn sự khởi đầu nan”, ước mơ trồng rừng của ông Lê Duy Nguyên ban đầu được lãnh đạo huyện ủng hộ, động viên. Nhưng còn một số người dân cư Đông Hồi vốn quen với cảnh sống muôn sự “tại trời”. Nay thấy ông Lê Duy Nguyên đã định cư tại Vinh với sự nghiệp “trồng người”, nay lại xuất hiện cùng  công nhân phát cây dại trên đồi để tiến hành trồng cây. Điều đó gây sự ngạc nhiên tò mò trước cái nhìn ích kỷ của một nhóm người với câu hỏi: Tại sao vùng đồi bỏ hoang nằm im bao nhiêu năm nay, là nơi nhặt nhạnh kiếm sống cho dân nghèo, nay có người khác đến để khơi dậy, làm mới là sao? Vậy là việc trồng rừng của ông Nguyên đã có sự ngăn trở, phá hoại. Đầu tiên là việc ươm giống bị nhổ cây ra khỏi bầu. Tiếp theo, cây bạch đàn, cây tràm, phi lao…mới trồng xuống, vừa bén đất bị chăm sóc bằng…muối. Ông Nguyên xót xa, cay đắng nhìn những cây non bị nhiễm mặn, úa vàng rồi chết khô, chết héo dưới bàn tay của kẻ nhẫn tâm. Nhưng ngày ấy lãnh đạo huyện và bà con cô bác ở Đông Hồi đã không để ông Nguyên cô đơn. Người tốt bao giờ cũng ủng hộ việc làm tốt. Kẻ xấu đã phải cúi đầu hối lỗi.
Ngày mới trồng, cây trong rừng còn non, bé lắm, tôi đã đến Đông Hồi nghe ông Nguyên và những người công nhân chăm sóc chia sẻ. Tôi đã lắng nghe, hỏi ông Nguyên: khó khăn nhất về việc trồng rừng là gì? Ông Nguyên cầm  điếu thuốc trên tay, loay hoay mãi, nhìn ra biển khơi, cuối cùng mới trả lời:
– Khó khăn thì nhiều, nhưng cố gắng mọi chuyện cũng qua khi đã quyết tâm. Gay go nhất vẫn là vốn. Việc trồng rừng không phải một vài năm là có thu hoach. Mà phải hàng chục, hoặc hàng trăm năm sau như cây lim chẳng hạn mới có tính toán thu hồi vốn.
Tôi lại hỏi:
– Thế còn chuyện “vành đai xanh” chắn sóng, “lá phổi” của thiên nhiên, ngăn xói lở trên quả đồi thì sao? Không được tính đến à?
Ông Nguyên cười:
– Đó lại là chuyện khác, có những việc làm đem lại lợi ích cho con người lại không tính ra tiền được, mà không nên tính…
Tôi biết khó khăn của ông Nguyên, khởi đầu những ngày trồng rừng, vốn liếng của gia đình có bao nhiêu ông bỏ cả vào vướm ươm. Rồi đi vay bạn bè, tiếp đến là vay Ngân hàng.
– Ông trồng được bao nhiêu ha rừng rồi? Hiện tại nợ nần bao nhiêu?
– Chưa đến một nghìn ha, nhưng nợ tiền tỷ là chắc chắn rồi – Ông Nguyên cười.
Nợ nần tiền tỷ của những người làm lương thiện quá là lớn, gánh nặng trên vai khiến mất ăn mất ngủ không phải là chuyện nhỏ. Nhưng trước mắt, chưa khai thác rừng tính ra tiền, nhưng rừng cũng đã đem về khí hậu trong lành, đất lành chim đậu. Đó cũng là một trong ước mơ của ông Nguyên đã thành hiện thực. Được biết ông đã mua và xin hàng chục con hươu thả về rừng. Rồi những người bạn cho chim, tắc kè, muông thú các loài ông đều thả tất về rừng. Những đêm trăng sáng, ông không ngủ, lò dò ngồi bên hồ nước trong rừng chờ xem các loài thú có ra uống nước không. Hình ảnh đàn hươu, hay nghe tiếng chim hót trong rừng, ông mừng vô kể. Chuyện kể rắng, có lần đi rừng, ông gặp xác con cò nằm duỗi cánh dưới tán cây. Chỉ thế thôi, vậy mà cũng trăn trở suy nghĩ mãi: Tại sao cò chết? Cò thường bay về rừng theo đàn cơ mà? Bây giờ cả đàn cò bay đi đâu, có ở trong rừng nữa không?
– Sau trồng rừng, ông định làm những gì nữa?
Ông Nguyên không trả lời ngay, chậm rãi đi cùng tôi lên đỉnh đồi cao sát biển, xung quanh toàn cây bạch đàn và tràm. Gió vi vút mát mẻ an lành, sóng biển rì rầm như ru ngủ. Một khoảnh đất mấy mét vừa dọn gọn gàng, bên cạnh là ngôi mộ mới chuyển nơi khác về. Ông Nguyên nói:
– Bố tôi nằm đây, còn tôi sẽ nằm bên cạnh cụ.
Tuổi chưa phải là nhiều, việc trồng rừng đang dở dang, ông Nguyên đã nghĩ sớm ngày “về với ông bà” là sao? Bi quan chăng? Không phải, ông Nguyên đã quyết định cả cuộc đời sẽ hòa lẫn và tan vào rừng, vào đất, và biển Đông Hồi. Đó là ước mơ của ông.
Đó là chuyện ngày trước, ngày ông Lê Duy Nguyên còn là chủ Doanh nghiệp trồng rừng, cần mẫn với công việc hằng ngày. Ngày ấy, ông cũng nhiều bạn, hầu như ngày nào cũng có khách, vui nhộn. Ông làm thơ, nhạc: “Đời doanh nhân biết bao khó khăn/ Bao nắng mưa, nắng mưa đong đầy/ Vượt xa khơi vẫn vững tay chèo/ Gặp phong ba quyết không buông chèo…”. Tâm hồn, cuộc sống của ông là vậy!
Nhưng giờ ông đã ra đi, thanh thản, vào một buổi sáng( tháng 5 năm 2016) ngủ mãi không bao giờ dậy nữa, không làm phiền đến ai. Ông đã chuyển giao thế hệ cháu con sự nghiệp trồng rừng trong thầm lặng. Thân thể ông đã hào lẫn vào đất, thành đất, thành cỏ cây, nhưng cuộc đời ông còn mãi mãi! Trên mảnh đất ông lựa chọn và nằm xuống, từng đàn cò trắng xóa bay về như từng tờ giấy trắng chứng thực cho tấm lòng của ông trong sạch. Ông ra đi, không đem theo cái gì! Trong văn phòng làm việc giản dị, đơn sơ của ông còn lưu Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bảng vàng ghi danh doanh nhân tiêu biểu trong cả nước tại văn Miếu Quốc tử giám có tên ông; Huân chương lao động hạng ba; Nhiều cờ, cúp thi đua xuất sắc dẫn đầu nghề trồng rừng của UBND tỉnh Nghệ An tặng. Ông Nguyên cũng đã từng là Đại biểu Quốc hội khóa X, chủ doanh nghiệp trồng rừng lớn trong cả nước.
Bây giờ quản lý và phát triển Doanh nghiệp trồng rừng Lê Duy Nguyên là anh Lê Duy Khánh, con trai ông Nguyên. Rừng Đông Hồi ngày trước chưa đến một nghìn ha, giờ thì đã hơn 200 ha thông đã có nhựa, gần 500 ha hỗn giao keo, phi lao, bạch đàn. Và hơn nữa, quan trọng lâu dài bền vững cho hàng trăm năm sau là xây dựng rừng nguyên sinh với lim xanh, sao đen, trầm gió và cây sưa khoảng 350 ha. Ngoài ra, hiện tại phát triển thêm ngành nuôi trồng thuỷ sản “lấy ngắn nuôi dài” chi trả cho đội ngũ người công nhân cố định gắn bó lâu dài máu thịt với rừng.

Anh Lê Duy Khánh và Bí thư Thị Uỷ Hoàng Mai nghỉ ngơi khi dạo rừng

Con đường dọc ngang xuyên rừng khoảng 20 km được rải đá cẩn thận để bảo vệ khi có hỏa hoạn, nơi công nhân đi về bằng xe máy, đó là vành đai, giờ tiếp tục phát triển. Hai hồ nước trong lành chứa hàng triệu mét khối nước để giữ độ ẩm cho rừng, cho chim thú uống nước và cũng là vẻ đẹp của thiên nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái ở Bắc Nghệ và Nam Thanh.
Tôi đã gặp anh Lê Duy Khánh và Bí thư Thị ủy Hoàng Mai, ông Võ Văn Dũng vào một ngày đầu mùa đông đang dạo rừng như thế. Ngày còn bố, anh Khánh vô tư hơn, giờ thì trầm lặng, ít nói, lo lắng sự tồn tại sống còn phát triển của hơn nghìn ha rừng và lương hàng tháng cho gần trăm công nhân không phải là nhỏ! Tôi hỏi:
– Cuộc sống của anh Khánh, của rừng bây giờ có nhiều thuận lợi hơn cha hồi xưa. Bây giờ anh có ước mơ và làm tiếp những gì?
Khánh vui vẻ trả lời:
– Cũng không phải là ước mơ, mà doanh nghiệp đang thực hiện kế hoạch biến Đông Hồi thành một vùng du lịch. Doanh nghiệp đang triển khai trồng thay thế các loại cây mới, tạo ra hệ sinh thái tự nhiên bền vững, gia cố lại hồ chứa nước. Sau nữa, đường đi tốt, hồ đẹp, Khánh muốn làm vườn chim ngay trong rừng này. Rừng Đông Hồi sẽ trở thành khu du lịch sinh thái! Khánh đã đến Singapo, xem hàng ngàn con chim, hàng trăm loài khắp nơi trên thế giới về, thật tuyệt. Vườn chim đem về cho con người bao điều hay: giải trí, tránh ồn ào cuộc sống ở đô thị. Và nữa, từ vườn chim hoạt động môi trường có vai trò quan trọng khi nguy cơ tuyệt chủng của một số loài chim đang bị đe dọa.
Khánh nói say sưa, tự tin với những gì đang ấp ủ trong lòng của tuổi trẻ.
Chia tay với ông Võ Văn Dũng người sống gần dân, với anh Lê Duy Khánh, chủ trẻ rừng, tôi tin tưởng ở con người năng động, dám làm dám chịu và có ước mơ này. Hơn nữa, dẫu bố đã đi xa, nhưng bên cạnh Khánh còn có những người bạn thân tình của bố sẽ luôn dõi theo và động viên… Tôi tin về điều ấy! Một thời gian không xa nữa tôi sẽ trở lại Đông Hồi này với tư cách là khách du lịch để hát vang: “Rừng ơi ta đã về đây”!

Đàm Quỳnh Ngọc