1. Có một Văn phái Quỳnh Lưu (xứ Nghệ – Việt Nam)

1.1. Về khái niệm Văn phái

Thuật ngữ “phái” có mối liên kết với nhiều thuật ngữ khác để hình thành một số khái niệm văn hóa – xã hội. Tham khảo một số từ điển để tìm nghĩa của “phái”, từ đó chúng tôi tự hình dung khái niệm Văn phái theo định hướng nhận thức của mình về một Văn phái Quỳnh Lưu.

Trong số các từ điển được tham khảo, chỉ có hai cuốn có mục từ Văn phái. Trong Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh) nêu nghĩa chung: “Môn phái về văn chương”; Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) nêu nghĩa cụ thể hơn: Văn phái là “Trường phái văn học của nhóm nhà văn cùng một khuynh hướng nghệ thuật”. Các từ điển cấp thêm nhiều mục từ liên quan tới nghĩa của Văn phái: trào lưu, trường phái, môn phái, văn đoàn, thi xã… Tham khảo nghĩa của các thuật ngữ này, chúng tôi tự rút cho mình ba tiêu chí để hình dung nghĩa của Văn phái:

Văn phái phải là một nhóm văn nghệ sĩ có chung một khuynh hướng nghệ thuật (có phái hình thành do uy tín của một nhà văn vĩ đại lôi cuốn: Trường phái Pushkin, Trường phái Balzac).

Văn phái hoạt động trong một thời kỳ lịch sử nhất định do ảnh hưởng của những trào lưu văn hóa, xã hội nào đó.

Văn phái không chỉ xuất hiện đơn độc, mà cùng tồn tại với các văn phái khác có phân biệt về xu hướng nghệ thuật.

Ba tiêu chí Văn phái đó phản ánh tính quy luật của các quá trình văn học “nhằm khắc phục những mâu thuẫn nội tại để đưa văn học phát triển sang giai đoạn mới hoặc theo một hướng nhất định nào đó”(1).

Điều đáng chú ý là ba tiêu chí đó xét Văn phái như là hiện tượng có tính lịch sử. Nghĩa là hiểu Văn phái ở bình diện Sử – văn hóa. Nhưng ngay ở bình diện này, cách giải thích của các từ điển đều chỉ định một Văn phái chỉ tồn tại trong một phân khúc thời gian lịch sử nhất định (ví dụ: Các phái văn học thời kỳ 1932-1945). Chúng tôi thấy cần quan tâm đến một khía cạnh khác của Sử – văn hóa trong việc hình dung một văn phái. Đó là sự gặp gỡ, tiếp chuyển và nâng cao một khuynh hướng nghệ thuật từ truyền thống đến thời hiện tại.

Mặt khác, sự xuất hiện và tồn tại một Văn phái không chỉ từ bình diện Sử – văn hóa mà còn có vang hưởng của một bình diện thứ hai: Bình diện Địa – văn hóa. Bởi vì mọi sự truyền chuyển, gặp gỡ và cộng hưởng một quan niệm văn hóa có giá trị đều do con người. Mà con người vừa là sản phẩm của Sử – văn hóa và cả của Địa – văn hóa. Bình diện Địa – văn hóa rất quan trọng. Vì mỗi xứ văn hóa đều có sự kế thừa và nâng cao một số xu hướng giá trị nào đó của truyền thống. Và xứ khác, vùng khác lại ưu tiên tiếp nhận, kế thừa xu hướng giá trị khác.

Với những nhận thức trên, từ lâu chúng tôi đã nghĩ có một Văn phái Quỳnh Lưu từ truyền thống đến hiện đại.

1.2. Một cách hình dung Văn phái Quỳnh Lưu

Quỳnh Lưu là một trong những vùng văn hóa nổi nét đặc thù trong văn hóa xứ Nghệ – Việt Nam.

Theo thuyết Địa – văn hóa, văn hóa của con người ở một vùng đất nào đó do đặc điểm, tính chất của địa lý tự nhiên vùng đó quyết định. Điều này đúng nhưng phiến diện, vì Địa – văn hóa chưa tính đến con người như một chủ thể văn hóa. Cho nên, hoàn cảnh tự nhiên tác động đến con người trong chừng mực con người cũng tác động vào hoàn cảnh. Nhiều vùng, xứ ở Việt Nam ta vẫn được gọi là vùng địa linh nhân kiệt. Vậy phải chăng vì địalinh thì nhân mới kiệt? Theo chúng tôi, đó là một tác động ảnh hưởng qua lại, nhưng yếu tố con người là chủ thể, là động lực để làm cho chốn “địa linh” sẽ tồn tại và sinh tạo mãi mãi sức sống văn hóa của mình. Nếu con người chỉ là sản phẩm bị động thì nhiều nguy cơ suy vong sẽ đến không chỉ cho một vùng “địa linh” nào đó mà cho cả một dân tộc, một đất nước, nhất là từ thời kỳ loài người bước vào xã hội hiện đại.

Quỳnh Lưu – nhìn từ biển. Ảnh: Nhật Thanh

Trước hết xin nói lại một ý kiến mà chúng tôi đã phát biểu trên một số báo chí: Việt Nam ta đã có một số trào lưu đổi mới xã hội và văn hóa từ trong lịch sử chứ không phải chỉ đến cuối thế kỷ XX mới là lần đầu tiên. Có điều suốt trong lịch sử, những cuộc đổi mới lớn phần nhiều nhân vật khởi xướng hoặc điển hình đều là người Nghệ Tĩnh. Thời nghìn năm Bắc thuộc có thể nghĩ đến Mai Hắc Đế. Cuối thời Trần (cuối thế kỷ XIV đầu XV) xuất hiện nhà cải cách Hồ Quý Ly mà lịch sử, theo một quan niệm bảo thủ nào đó đã phán xét sai lầm là “cướp ngôi nhà Trần”. Trong thực tế, nhà Trần đến cuối thế kỷ XIV đã đi tới tình hình đổ nát, trong khi giặc Minh đang áp sát bờ cõi nước ta. Sự xuất hiện của Hồ Quý Ly và nhà Hồ vừa khơi dậy ý thức chống xâm lăng và xây dựng tính độc lập của văn hóa dân tộc: Ông duyệt xét lại lý thuyết Nho giáo, phê phán những yếu tố bất lợi cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước trong Luận ngữ của Khổng Tử. Ông chủ trương dùng Quốc ngữ (chữ Nôm) thay chữ Hán trong văn tự chính thống của nhà nước và sáng tác văn chương. Hồ Quý Ly vừa là nhà đổi mới chính trị xã hội, vừa là một nhà thơ Việt Nam. Cuối thế kỷ XVIII, sự xuất hiện của Nguyễn Huệ đáp ứng yêu cầu bức thiết của dân tộc: Chấm dứt cảnh đất nước chia cắt, phân quyền Trịnh – Nguyễn, Lê – Trịnh trong xu thế nhà Lê đã suy tàn và nguy cơ xâm lăng đang trở thành hiện thực. Những chính sách cách tân của Nguyễn Huệ rất gần gũi với Hồ Quý Ly và còn táo bạo hơn: Phát triển thương mại trong nước và với cả nước ngoài. Thế kỷ XVIII nửa đầu XIX cũng xuất hiện một trào lưu đổi mới trong văn học nghệ thuật mà có ý kiến cho rằng: đó là âm hưởng văn hóa từ cuộc cách mạng chính trị – xã hội của Nguyễn Huệ. Trào lưu đổi mới văn học nghệ thuật này ghi lại những tên tuổi lớn người Nghệ Tĩnh: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phan Huy Chú, Nguyễn Huy Tự, v.v… Cuối thế kỷ XIX, trong trào lưu Duy tân học tập phương Tây chống tư tưởng bảo thủ phong kiến phải kể đến một nhân vật đặc biệt của xứ Nghệ: Nguyễn Trường Tộ. Và đầu thế kỷ XX, nhân vật khởi xướng vừa là điển hình của cuộc Duy tân cách mạng giải phóng dân tộc là nhà cách mạng Phan Bội Châu, lại cũng là người xứ Nghệ.

Có hai nhận xét:

– Những nhân vật cách tân người Nghệ Tĩnh trong lịch sử đều chủ yếu lập thân, lập nghiệp, lập công và lập ngôn khi đã là người xa xứ nhưng huyết thống văn hóa xứ Nghệ không bao giờ mờ nhạt hoặc biến chất trong họ.

– Tất cả họ và các trào lưu đổi mới mà họ là những nhân vật điển hình cuối cùng đều lâm vào bi kịch. Nhưng từ trong bi kịch, những tư tưởng đổi mới, nhất là đổi mới trong văn chương chưa bao giờ là hình ảnh mơ hồ của khói sương quá khứ mà đang là những giá trị văn hóa đầy sức sống, truyền chuyển và cộng hưởng với sinh lực đổi mới tư duy nghệ thuật của văn học thời chúng ta.

Năm 1940, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã nói tới một Văn phái Hồng Sơn của xứ Nghệ hoạt động ở Thăng Long vào cuối thế kỷ XVIII đầu XIX. Trong đó không chỉ có các nhà văn hoạt động văn chương gốc quê quanh Hồng Lĩnh (…) mà còn các nhà thơ, nhà văn Quỳnh Lưu – địa đầu xứ Nghệ như Hồ Xuân Hương cùng các văn nhân thi sĩ nhiều xứ khác.

Đặc biệt với trường hợp Hồ Xuân Hương. Trong thời đại của bà có nhiều người đỗ đạt cao (chỉ tính riêng Quỳnh Lưu đã có 11 tiến sĩ gồm người của các họ: Hồ, Văn, Trần, Nguyễn, Phan, Dương…)(2). Tất cả họ đều là nam giới và văn chương của họ phần lớn vẫn là văn chương chính thống. Dù có đổi mới tư duy nhưng chưa thật sự thành một hiện tượng nghệ thuật. Hồ Xuân Hương – một phụ nữ, một thành phần nhân loại thường không được coi trọng trong quan niệm phong kiến, nhất là ở những hoạt động thiêng liêng như văn chương lại trở thành một hiện tượng văn học với đổi mới tư duy nghệ thuật xuất sắc, độc đáo không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà còn là của văn học nhân loại.

Trong lịch sử có những khuynh hướng đổi mới tư duy nghệ thuật có sức sống và sức tái sản xuất văn hóa lâu dài mặc cho thực tại khởi nguyên đã chấm dứt. Những khuynh hướng nghệ thuật như vậy thường bắt nguồn từ khát vọng tất yếu và vĩnh hằng của con người, loài người: Giải phóng những năng lực và nhu cầu nhân tính của con người như một khát vọng về tự do, quyền sống cho cá nhân hướng tới bảo vệ và phát triển quyền độc lập, sự giàu mạnh của cộng đồng dân tộc để hội nhập cùng nhân loại.

Hồ Xuân Hương là một hiện tượng đột xuất như vậy. Sức sống văn hóa trong đổi mới tư duy nghệ thuật của nữ sĩ xứ Quỳnh sau gần hai thế kỷ đã gặp gỡ một cách tự nhiên với ý thức và hành động đổi mới nghệ thuật của các nhà văn đồng hương đương đại trong trào lưu đổi mới chung của xã hội và văn học cuối thế kỷ XX. Đó là sự gặp gỡ tự nhiên, tự giác của các nhà văn trong tư cách một chủ thể văn hóa tự nhận thức các đặc điểm, giới hạn và nhu cầu của cuộc sống thời đại mình trước quy luật tiến hóa của loài người.

Với sự kết hợp giữa quan niệm Sử – văn hóa và Địa – văn hóa như trên, chúng tôi nhận thức có một Văn phái Quỳnh Lưu từ truyền thống đến hiện đại. Đây là sự tự trở thành một Văn phái, do yêu cầu và ý thức đổi mới tư duy nghệ thuật của các nhà văn vượt duyên cách lịch sử cho nên cũng không cần một tuyên ngôn, tôn chỉ có tính lý thuyết nào.

2. Tính năng động và khuynh hướng đổi mới tư duy nghệ thuật của các nhà văn trong Văn phái Quỳnh Lưu

Văn phái Quỳnh Lưu trong hình dung của chúng tôi theo chuẩn này từ Hồ Xuân Hương đến các nhà văn đương đại có thể kể rất nhiều tên tuổi: Nguyễn Minh Châu, Trần Huy Quang, Hoàng Trung Thông (trong Mời trăng – tập thơ cuối đời), Hồ Anh Thái, Thái Bá Lợi, Nguyễn Ngọc Oánh… Họ là những người chủ yếu sống và sáng tác xa xứ – cùng những nhà văn sống và viết ngay trên mảnh đất Quỳnh Lưu – xứ Nghệ như Hồ Phi Phục, Văn Hiền, Đàm Quỳnh Ngọc, Hồ Mậu Thanh, Trần Ngưỡng, Hồ Ngọc Quang, Tú Tâm, Phan Nam, Đậu Phi Nam…

Quỳnh Lưu nhìn từ trên cao. Ảnh: Nhật Thanh

Trong phần này, chỉ xin trình bày vài nhận thức sơ khảo về giá trị và sức sống đổi mới tư duy nghệ thuật của một số ít tác giả mà chúng tôi may mắn được đọc tác phẩm.

Trước xin được vắn tắt lại chuyện về nhà vua Trần Nhân Tông (1258-1308) là anh hùng hai lần chiến thắng quân Nguyên với “công mở nước, dựng nước to lớn”. Nhà vua vừa là Thiền sư đại đầu đà, sáng lập Thiền phái Phật giáo thuần túy Việt Nam, người đứng đầu Phật giáo Việt Nam thời đại mình. Lẽ thường, những nguyên lý của đạo Phật phải là những lý thuyết bất biến mà tín đồ không thể rời xa hoặc đòi duyệt xét lại. “Ly Kinh nhất tự tức đồng ma thuyết – Rời Kinh một chữ đồng nghĩa với biến kinh Phật thành ma thuyết”. Nhưng chính Phật hoàng Trần Nhân Tông lại có yêu cầu đổi mới rất cao trong nhận thức. Trong các bài giảng cho Thiền sinh ở các chùa, khi Thiền sinh hỏi về các kiến thức nguyên lý của đạo Phật và mục đích dùng các lý thuyết ấy để làm gì cho cuộc sống, lần nào Phật hoàng cũng chỉ trả lời: “Hiểu theo lối trước là chẳng phải”, “Mỗi lần nêu ra một lần mới”(3).

2.1. Hồ Xuân Hương

Bà được học chữ Nho, nghĩa cũng là một tín đồ của Nho giáo, được tiếp nhận những nguyên lý, lý thuyết bất biến của đạo ấy. Lẽ thường, nữ sĩ phải viết văn, làm thơ theo những công thức, quy tắc nghệ thuật và chuẩn thẩm mỹ chính thống của thời đại mình. Nhưng nữ sĩ cùng các nhà văn trong trào lưu đổi mới thế kỷ XVIII đầu XIX về cơ bản đã tạo một cuộc vượt thoát những barie nghệ thuật của lý thuyết văn chương chính thống. Cuộc vượt thoát, đổi mới tư duy nghệ thuật trên nhiều mặt. Đó là một quan niệm mới về sự sống, quyền sống với sự tự ý thức về những năng lực và nhu cầu nhân tính của con người. Nhiều công trình, tiểu luận đã giới thiệu giá trị của thơ Hồ Xuân Hương, ở đây chỉ xin nhấn mạnh một vài điểm:

Thơ Hồ Xuân Hương căn bản đã thoát khỏi lý thuyết vàng son phong kiến về những giá trị “hình nhi thượng” để trở về với thực tiễn của cuộc sống “hình nhi hạ”, cuộc sống trần gian, trần thế của kiếp người. Nhân vật điển hình của cơn “vượt cạn” nghệ thuật ấy lại là người phụ nữ với vẻ đẹp, tài trí, những nhu cầu nhân tính về tình yêu, hạnh phúc và bi kịch của đời người. Trong nỗi đau thân phận, thơ Nôm Hồ Xuân Hương không có một dòng nào diễn tả giấc mơ hoang tưởng về một cuộc sống tương lai hoặc cuộc sống ở một thế giới khác, kiếp khác như lý thuyết của các đạo giáo phong kiến. Thơ Hồ Xuân Hương tiếp tục một cách táo bạo hơn quan niệm sống mới của con người được báo hiệu từ nghiệm sinh của người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm (cùng trào lưu đổi mới thế kỷ XVIII – XIX nhưng trước Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương): “Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau”. Hồ Xuân Hương, ngay cả lúc nhân vật trữ tình đang Êm ái chiều xuân… chẳng bợn chút trần ai nào cũng khẳng định niềm vui sống là ở ngay chốn trần gian thực tại này: “… cực lạc là đâucực lạc là đây chín rõ mười” (Đài khán xuân).

Tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại quê nhà Quỳnh Lưu. Ảnh: Hữu Vinh

Nói theo thuật ngữ hiện đại: một khát vọng dân chủ, bình đẳng về quyền con người đã hình thành trong thơ Hồ Xuân Hương như một âm hưởng mạnh nhất, rõ nhất trong vang vọng của một thời đại. Đó là quyền dân chủ giữa mọi tầng lớp người. Trong thơ, nữ sĩ phủ nhận quan niệm phong kiến phân loại người với đẳng cấp bề trên và tầng lớp dưới đáy. Hồ Xuân Hương lại phân loại con người từ chính những năng lực nhân tính và phẩm chất văn hóa của họ. Thấp kém trong những chuẩn mực ấy là những nhân vật “bề trên”. Nữ sĩ gọi họ là những “kẻ”, là “phường”, là “”…

Trong khi đó, người phụ nữ vốn bị miệt hạ tận đáy cùng của xã hội phong kiến, đến Hồ Xuân Hương lại trở thành nhân vật trung tâm của thi ca với một quan niệm bình đẳng đưa họ lên ngang hàng, hơn nữa đứng trên thế giới “thượng nhân” đã nói.

Hai điểm nêu trên cùng nhiều giá trị đổi mới khác chủ yếu xuất hiện trong thơ Nôm của nữ sĩ. Hồ Xuân Hương còn có tập Lưu hương ký vừa thơ chữ Hán và chữ Nôm có phong cách khác với thơ Nôm truyền tụng. Vẫn là một tiếng nói thi ca chân thành nhưng thơ Lưu hương ký có thêm yếu tố lãng mạn và nhân vật trữ tình tỏ ra “biết dừng lại trên lễ nghĩa”(4). Có người đặt nghi vấn về hai người thơ khác nhau trong thơ Hồ Xuân Hương. Chúng tôi nghĩ khác: Hồ Xuân Hương cũng như các thi nhân văn sĩ khác ở thời đại nào cũng vậy: khao khát đổi mới, cách tân táo bạo có khi dám “bước qua lời nguyền” nhưng vẫn phải sống, phải viết trong khí quyển văn hóa của thời đại mình. Đổi mới văn học không phải là một hiện tượng quái đản, nó là văn hóa của con người mong muốn hoại thải dần cái lạc hậu, bảo thủ, giáo điều để hướng tới tính năng động của tư duy đưa cuộc sống chuyển hóa theo quy luật vận động của tiến bộ lịch sử.

2.2. Các nhà văn, nhà thơ Quỳnh Lưu đương đại

Tiếp bước nữ sĩ tiên phong của mình biến tính năng động nghệ thuật thành động lực của đổi mới, sáng tạo góp phần quan trọng vào trào lưu đổi mới văn học ở thời đại mình.

Những đổi mới trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu không chỉ từ sau 1986 mà đã xuất hiện từ trước đó với Miền cháy (1977), Những người đi từ trong rừng ra (1982), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985)… Nói rằng những tác phẩm đó là dự cảm về đổi mới văn học hoặc chính là tín hiệu khởi nguồn đổi mới nghệ thuật cũng đúng. Những tác phẩm này tuy vẫn tiếp tục cách nhìn sử thi với những giá trị cao cả của thời đại, nhưng nhà văn không dẫm lên “dấu chân” trước của mình. Tư duy nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu đã xuất hiện những đổi mới quan trọng. Nhà văn hướng vào những vấn đề trong cõi thực của cuộc sống con người kể cả trong chiến tranh và hòa bình với những phẩm chất nhân tính, văn hóa và cả những biểu hiện sa đọa, biến chất, tha hóa, có cả những tín hiệu của sự phản tỉnh, sự tự phán của con người về chính những giới hạn của mình trong thời đã qua.

Đỉnh cao đổi mới tư duy nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu để lại dấu ấn sâu thẳm, đa thanh trong những tác phẩm cuối đời viết về người nông dân ở ngay chính quê hương mình (Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát). Viết về Lão Khúng nhưng lại khái quát điển hình người nông dân Việt Nam – lực lượng cơ bản của dân tộc – bao nhiêu đời ra đi vừa phá thạch khai sơn trong khổ ải để mở mang đất sống, vừa xả thân trong những cuộc chiến khốc liệt bảo vệ cõi bờ và độc lập. Họ cũng là tầng lớp mang rõ tính cách nhiều mặt rất phức hợp của người sản xuất tiểu nông. Hành trình của nhân vật là một “con đường đau khổ”, đầy những nhọc nhằn, với những đọa đày, những sự phi lý, cái sống và cái chết… Người đọc vừa thương yêu vừa trách hận vừa soi vào mình để tự phán, nhằm vượt thoát những gì “vây bọc tưởng không bao giờ thoát ra nổi” của cuộc đời, số phận và những hoang tưởng. “Phiên chợ Giát có tầm cỡ lớn, gợi nhớ lịch sử loài người, anh hùng sáng tạo và vô cùng cơ cực… nâng cao tầm vóc con người”(5).

Các nhà văn đương đại khác của Quỳnh Lưu chắc chắn được lôi cuốn với trào lưu đổi mới cùng Nguyễn Minh Châu tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ, táo bạo hoặc những âm hưởng trầm tĩnh và sâu sắc.

Đó là những đổi mới dũng cảm, có văn hóa cao trong truyện ký của Trần Huy Quang hướng tới giải phóng năng lực và khát vọng sản xuất sáng tạo, làm giàu cho cá nhân và cho cả cộng đồng chống lại đói nghèo do những tai biến từ cơ chế bao cấp. Đó là cách nhìn mới mẻ, thấm đầy những suy tư triết luận về nhiều mặt của thực tại cuộc sống, tương lai của con người trong tản văn và thơ Hồ Phi Phục. Đó là cái nhìn nghệ thuật về những bi kịch anh hùng cao cả trong chiến tranh, trong lao động xây dựng với nhiều tác phẩm của Trần Huy Quang, Văn Hiền, Đàm Quỳnh Ngọc, Phan Nam, Đậu Phi Nam… Nhà văn Quỳnh Lưu bằng động lực và bản lĩnh đổi mới không ngại ngần xét nghiệm lại những nhược điểm, sai lầm của một thời duy ý chí, lấy nhiệt huyết thay cho hiểu biết quy luật và tri thức khoa học. Nhà thơ Dương Huy có những cách tân mới mẻ trong cách nhìn trào tiếu với cái hài của thời mới. Thơ của Hồ Mậu Thanh, Nguyễn Ngọc Oánh, truyện của Trần Ngưỡng, Hồ Ngọc Quang luôn thường trực cái nhìn mới về chính con người mình trong những hành trình đã từng trải.

Giới hạn của bài viết này không thể khái quát hết những đột phá mới mẻ của nhà văn Quỳnh Lưu từ cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ này. Điều thu hoạch quan trọng cho chúng tôi là sự nảy sinh ý niệm của mình về một Văn phái Quỳnh Lưu vượt khoảng cách thời gian lịch sử tạo ra cộng hưởng mỹ học và văn hóa trong khát vọng đổi mới nghệ thuật, vượt thoát biên giới của văn học minh họa để nhà văn trở thành một chủ thể văn hóa tự do như yêu cầu của K.Marx.

Chú thích

(1) Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, 1992, trang 243.

(2) Quỳnh Lưu huyện địa đầu xứ Nghệ, Nxb Nghệ Tĩnh, 1990, trang 39.

(3) Dẫn theo Hoàng Ngọc Hiến trong bài đăng Bản tin lý luận phê bình văn học nghệ thuật của Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, số 11, tháng 02/2010.

(4) Tốn Phong Thị: trong bài tựa tập thơ Lưu hương ký, in trong sách Hồ Xuân Hương thơ và đời, Nxb Văn học, 1996, trang 103.

(5) Đỗ Đức Hiểu trong bài “Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu”, in trong sách “Nguyễn Minh Châu tài năng và sáng tạo nghệ thuật” (nhiều tác giả), Nxb Văn hóa, Thông tin, 2001, trang 426.

Lê Văn Tùng

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 19, phát hành tháng 12/2021)