Vấn đề Năng lực sáng tạo qua luận giải thấu đáo của một nhà khoa học

Về thực chất, năng lực sáng tạo không phải là vấn đề mới. Cụm từ này từng xuất hiện trong vô số ngữ cảnh, bởi xưa nay mọi hoạt động của con người, dù thuộc bất cứ lĩnh vực nào, ít nhiều đều gắn với hai chữ “sáng tạo”. Đây cũng là vấn đề được đặt ra ở không ít công trình nghiên cứu hoặc các bài báo, thậm chí được phát động thành phong trào trong nghiên cứu khoa học hoặc trong lao động, sản xuất. Tuy nhiên, từ góc nhìn của một nhà khoa học từng đạt nhiều thành tựu nghiên cứu có giá trị, từ quan điểm của một nhà hoạt động xã hội có tầm bao quát nhiều phương diện của đời sống, một lần nữa, GS, TSKH Phan Đình Diệu nêu và luận bàn vấn đề năng lực sáng tạo theo cách riêng của mình. Những trải nghiệm thực tế hoạt động sáng tạo khoa học cũng như kiến văn, học vấn sâu rộng đã giúp nhà khoa học có những kiến giải thực sự mới mẻ, thấu đáo về vấn đề này.

Thoạt đầu, bài viết của Phan Đình Diệu có nhan đề Năng lực sáng tạo: Làm sao để có? (in trong cuốn Một góc nhìn của trí thức, tập bốn, NXB Trẻ, 2004). Về sau, khi in lại trong cuốn Trên đường đến những chuẩn mực khoa học (NXB Hà Nội, 2021), tên bài viết được rút gọn lại thành Năng lực sáng tạo. Rõ ràng, với tên ban đầu, dường như bài viết chỉ nhắm tới việc trả lời cho một câu hỏi, dù đó là câu hỏi then chốt. Ngược lại, cái tên được rút gọn có khả năng bao quát rộng hơn phạm vi vấn đề. Vì thế, xét trong quan hệ với nội dung toàn bài, nhan đề Năng lực sáng tạo hoàn toàn xứng đáng được xem là luận đề của bài nghị luận.

Là sản phẩm của kiểu tư duy duy lý, với nhiệm vụ chính là thuyết phục người đọc, sự chặt chẽ về cấu trúc, sự thấu lý đạt tình trong lập luận được xem là những phẩm tính hàng đầu của một văn bản nghị luận. Bài viết của GS Phan Đình Diệu hoàn toàn đáp ứng những tiêu chí đó.

Từ luận đề nêu trên, bài viết đã triển khai các luận điểm hết sức mạch lạc, rõ ràng:

Trước hết, tác giả hoàn toàn ý thức được rằng, năng lực sáng tạo được dùng ở đây không phải là một cụm từ thông dụng của ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày, mà là một khái niệm có nội hàm cần phải làm sáng tỏ. Theo tác giả, nội hàm của khái niệm “năng lực sáng tạo” gồm các khía cạnh cơ bản: Hoạt động tinh thần chỉ riêng con người mới có, thể hiện ở khả năng tư duy, tưởng tượng; Sản phẩm được tạo ra thường là những phát minh hoặc phát hiện mới mẻ.

Không dừng lại ở sự khái quát ít nhiều còn mang tính trừu tượng như trên, tác giả đã đi sâu diễn giải khái niệm rõ ràng, tỉ mỉ hơn: “Tính mới, tính độc đáo là những tính chất cốt yếu của kết quả sáng tạo; khả năng tư duy và trí tưởng tượng là những năng lực cần thiết cho sáng tạo”. Ý kiến riêng (cũng là lý lẽ) đó của người viết được củng cố vững chắc thêm nhờ viện dẫn một chân lý đã được thừa nhận rộng rãi bởi uy tín của chủ ngôn và đối tượng liên quan: “thiên tài sáng tạo là bằng ý thức đổi mới, không lệ thuộc nếp cũ nhân với bình phương của trí tưởng tượng và khả năng trừu tượng hóa” (F. Ba-li-ba, nhà vật lý Pháp nói về thiên tài của A. Anh-xtanh).

Hoạt động tư duy và tưởng tượng là khởi nguyên nảy sinh “ý tưởng” – yếu tố đóng vai trò quyết định sự ra đời của sản phẩm sáng tạo. Dẫn câu nói của nhà khoa học nổi tiếng H. Poanh-ca-rê, ở đó, hình ảnh “ánh chớp” được dùng để ví von rất đắt với tầm quan trọng của ý tưởng trong sáng tạo, Phan Đình Diệu tiếp tục phân tích sâu hơn về khía cạnh này. Ông khẳng định: “Ánh chớp không xuất hiện trong trời yên biển lặng, ánh chớp sáng tạo cũng chỉ có thể lóe lên một cách đột biến và tức thời như sự bùng phát của những tích tụ trí tuệ đến tột cùng”. Những dòng như thế không dễ được viết nên bởi trí thông minh thuần túy, bởi quan sát tinh nhạy, mà chủ yếu bởi trải nghiệm phong phú thực tế nghiên cứu của một người từng không ít lần lóe lên những “ánh chớp” ý tưởng, nhờ đó có được các phát minh khoa học đáng giá. Chính sự trải nghiệm phong phú của cá nhân đã cho phép tác giả hiểu rất đúng về quy luật sáng tạo của chủ thể trong tất cả các lĩnh vực: văn học nghệ thuật, toán học, vật lí, sinh học, kinh tế, quản lí… Và cũng nhờ trải nghiệm, người viết mới thấm thía sâu sắc rằng, không có quá trình lao động cần mẫn, không có những tích tụ “gió mây giông bão” trí tuệ thì đừng mong có được những ánh chớp thần diệu trong sáng tạo. Nghĩa là, ý tưởng khoa học chưa bao giờ là kết quả của sự “ăn may”!

Không luận về năng lực sáng tạo một cách chung chung, Phan Đình Diệu đặt vấn đề này trong bối cảnh cuộc sống hiện đại. Từ đó, ông nhìn thấy tính cấp thiết của vấn đề. “Tọa độ” cụ thể đó giúp nhà khoa học nhận thấy rằng, sáng tạo không phải là chuyện độc quyền, là hoạt động đặc hữu của trí thức (gồm các nhà khoa học, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ,…) như một quan niệm phiến diện từng tồn tại. Khái niệm “kinh tế tri thức” gắn với thời đại mới đã mở ra cho tác giả một tầm nhìn, giúp ông hiểu rằng, không chỉ ở tầng lớp trí thức, “cái năng lực sáng tạo để làm nên sự giàu có và sức cạnh tranh của nền kinh tế mới phải là từ mọi thành phần của nền kinh tế đó, tức là từ mọi người trong xã hội. Trong nền kinh tế mới, mọi người đều tham gia sáng tạo, và mọi người đều có năng lực sáng tạo”. Giờ đây đọc lại, ta cứ ngỡ kết luận này là chân lý hiển nhiên, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Chính GS Phan Đình Diệu đã không ngần ngại thú nhận “đó là điểm mới đầu tiên mà tôi nhận thức được trong quá trình đổi mới tư duy của mình”. Theo lập luận của tác giả, nhận thức này hết sức quan trọng, vì nó xác lập một niềm tin chắc chắn: “Mỗi người đều sáng tạo; sáng tạo, có năng lực sáng tạo là thuộc tính tự nhiên của con người”. Chỉ trên cơ sở nhận thức như vậy, năng lực tiềm tàng trong mọi con người mới được khơi mở, kích hoạt, nhờ đó, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật và lao động sản xuất… mới có những kết quả đột biến. Tùy vào tài năng, nghề nghiệp, vị thế xã hội khác nhau của người tham gia hoạt động mà kết quả sáng tạo có những điểm khác nhau. Đó có thể là những đóng góp lớn lao, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của nhân loại, nhưng cũng có thể là những thành quả khiêm tốn, có vai trò trong phạm vi nào đó, thậm chí chỉ là “chút hạnh phúc thầm lặng của một sự thỏa mãn tinh thần, của một đời sống có ý nghĩa” mang tính chất cá nhân mà thôi. Chẳng phải như thế cũng là giá trị đích thực của sự sáng tạo sao?

Dù ở tầm mức nào thì sáng tạo, theo tác giả, cũng là một loại lao động “phức tạp và vất vả”. Câu nói của nhà phát minh nổi tiếng Ê-đi-xơn: “Trong mỗi phát minh có 1% cảm hứng và 99% việc đổ mồ hôi” xuất hiện ở đây hết sức phù hợp. Với luận điểm này, câu nói được dùng như một dẫn chứng vì đó là chân lí hiển nhiên, đã được kiểm chứng qua thực tế lao động sáng tạo của bao nhiêu thế hệ nhà khoa học, không thể nghi ngờ. Loại lao động “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” như thế không thể tiến hành nếu thiếu “động lực”. Động lực tạo nên sự hăng say – một loại năng lượng tinh thần giúp con người bền bỉ tìm tòi, vượt qua khó khăn, vất vả. Biểu hiện của động lực hết sức đa dạng: Có khi là khát vọng hiểu biết, khát vọng tìm kiếm cái hay, cái đẹp của người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật; có khi là nhu cầu tạo nên sức mạnh của một đơn vị sản xuất để cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường; có khi là cái chìa khóa cần thiết mà các quốc gia phải tự trang bị trong tiến trình hội nhập quốc tế… Nói tóm lại, dù trong tình huống nào, phạm vi nào, “sáng tạo nhằm mục đích gì?” vẫn là một câu hỏi luôn được đặt ra.

Quan niệm sáng tạo là “năng lực riêng có của con người”, đồng thời đặt vấn đề này vào bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, GS Phan Đình Diệu đã nhận thấy mối quan hệ biện chứng giữa khả năng sáng tạo của “từng bộ óc, từng con người” với tập thể, cộng đồng. Yếu tố gắn kết các bộ óc riêng lẻ với nhau chính là các phương tiện công nghệ hiện đại. Nó tạo ra sự “gặp gỡ, đối sánh, lựa chọn” khiến “ý tưởng làm nảy sinh ý tưởng”. Tác giả khẳng định: “Đó là sự “cộng năng” sức mạnh của công nghệ tri thức hiện đại với trí tuệ sáng tạo riêng có của con người để làm nên năng lực sáng tạo chung của dân tộc”. Trong bài nghị luận, đây là một luận điểm có chức năng mở rộng ý nghĩa vấn đề. Nó vừa củng cố các luận điểm đã giải quyết ở trên, đồng thời mở ra một “biên độ” mới: Bàn về vai trò năng lực sáng tạo của cộng đồng đối với tiền đồ đất nước trong thời đại kinh tế tri thức, thời đại hội nhập quốc tế.

Chung quy, bài viết của tác giả Phan Đình Diệu đã lần lượt xoáy vào các khía cạnh của vấn đề được bàn luận: Bản chất của hoạt động sáng tạo và vai trò của ý tưởng trong hoạt động sáng tạo; phạm vi của hoạt động sáng tạo; những yếu tố quyết định năng lực sáng tạo của con người; vai trò của hoạt động sáng tạo trong nền kinh tế tri thức; điều kiện cần thiết để phát triển năng lực sáng tạo của con người trong bối cảnh cuộc sống hiện đại. Các luận điểm đó rõ ràng, khúc chiết, có quan hệ hữu cơ, tạo nên một hệ thống chặt chẽ, logic. Luận điểm trước là tiền đề, là cơ sở để dẫn đến luận điểm sau; luận điểm sau góp phần củng cố tính xác đáng của luận điểm trước đó.

Bài viết cho thấy tác giả rất nhuần nhuyễn trong việc kết hợp giữa nêu ý kiến chủ quan của cá nhân (qua lý lẽ) với thông tin khách quan (qua dẫn chứng). Các thao tác như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, đối sánh… được sử dụng hết sức linh hoạt. Bài viết có cách sử dụng dẫn chứng rất riêng: Bên cạnh thực tế đời sống, còn có các chân lí được đúc kết qua phát ngôn của các nhà khoa học nổi tiếng. “Lực ngôn trung” của lời văn bộc lộ rõ ở sự khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát tính đúng đắn của vấn đề qua từng luận điểm được bàn luận. Nó cho thấy nghệ thuật lập luận già dặn của tác giả.

Tuy nhiên, sức thuyết phục của bài viết này không chỉ ở các yếu tố kĩ thuật nghị luận như vừa nói trên, dù đó cũng là điều không kém phần quan trọng. Là một nhà khoa học lớn, tham gia hoạt động xã hội tích cực, Phan Đình Diệu có tầm nhìn bao quát, nhãn quan sắc sảo. Bám sát thực tế chính trị, xã hội, ông thường nêu ý kiến về các vấn đề lớn lao, hệ trọng, liên quan đến tiền đồ của đất nước, qua đó, bộc lộ tâm huyết của một nhà khoa học luôn hết lòng vì Tổ quốc. Những luận giải của ông về năng lực sáng tạo cũng nằm trong quỹ đạo tư tưởng ấy. Có thể khẳng định: khơi dậy năng lực sáng tạo trong từng con người và của cả dân tộc để đưa đất nước tiến kịp cùng thế giới trong thời đại kinh tế tri thức – đó là tư tưởng chính được Phan Đình Diệu gửi gắm vào bài viết này. Tư tưởng ấy thấm đẫm trong những lời văn vừa sắc sảo về lý, vừa chan chứa về tình, như mấy câu kết sau đây của bài viết: “Ta hi vọng là với tiềm năng vốn có, với những nhận thức mới về cuộc sống mới và thế giới mới, với những hiểu biết mới về những yêu cầu đối với tri thức trong thời đại mới, chúng ta sẽ tạo dựng được một năng lực sáng tạo hùng hậu, đủ đưa đất nước ta tiến kịp thế giới, tiến cùng thế giới, trong thời đại mới”.

Đặng Lưu