Đầu năm 2021, nhân một lần về Nghệ, nhà thơ Vân Anh tặng tôi tập sách “Nữ văn nghệ sỹ Nghệ An đương đại – Tác giả, tác phẩm chọn lọc”. Tập sách khá dày dặn, hơn 400 trang, khổ 16×24. Tác giả là nữ, người tuyển là nhà thơ nữ Vân Anh, “bà đỡ” in ấn là nữ Giám đốc Nhà xuất bản Nghệ An, nhà văn Bùi Ngọc. Chỉ riêng điều ấy đã gửi một “ẩn dụ” văn chương đến bạn đọc.

Về thơ, “Nữ văn nghệ sỹ Nghệ An đương đại – Tác giả, tác phẩm chọn lọc”, giới thiệu 17 gương mặt, mỗi tác giả 3 bài. 51 bài thơ, đề tài đa dạng, về người thân, làng quê, rộng lớn hơn là “Xứ Nghệ” (tên bài thơ đầu tiên của nhà thơ Vân Anh trong tập)… kể cả thế sự về Covid-19. Tôi đã đọc “Xứ Nghệ”, “Mùa tuổi” của nhà thơ Vân Anh được in trong tập thơ “Tìm trầm”, NXB Nghệ An năm 2020. Tôi muốn tìm những “câu thơ quăng quật kiếp người” (thơ Vân Anh) ở các chân dung thơ khác ra sao. Hẳn sẽ có nhiều thú vị.

Tôi tạm xếp nhóm 1 tác giả trong tập là nhà thơ Vân Anh, Trần Thu Hà, Nguyễn Thị Kim Cúc, Phạm Hà Giang, Trần Thúy Hà, Huệ Hương Hoàng (Hoàng Thị Quỳnh Anh), Mai Liễu, Nguyễn Thị Minh Lộc, Nguyễn Thị Tố Nga, Cẩm Thạch, Phạm Thái Lê, Thái Dương Liễu. Đây là lứa tuổi sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh, tâm hồn các chị ít nhiều được “va đập” cùng gian khó. Trong nhóm tác giả này, Vân Anh và Trần Thu Hà là hai tác giả đã thành danh, hội viên lâu năm của Hội Nhà văn Việt Nam.

Ở nhóm thứ 2, gồm Phạm Mai Chiên, Hoàng Vân Khánh, Phạm Thùy Vinh, Kha Thị Thường, Lê Thị Xuân. 5 tác giả này sinh ra khi đất nước đã hòa bình, dẫu lớn lên vẫn còn nhiều vất vả. Hoàng Vân Khánh và Phạm Thùy Vinh, là hai nhà báo, nhà thơ, hoạt động sôi nổi trong cả hai lĩnh vực báo chí và văn học nghệ thuật. Tác phẩm của hai chị tôi đã đọc, ít nhiều.

Vân Anh vẫn thế, nhà thơ của những “ký tự” giấu kín trong chiều sâu văn bản. “Ta ngủ say/ như hồ trên núi/ uống cạn cả bầu trời” (Trái tim thức giấc). Thi sỹ, hơn ai hết có trái tim đa cảm, chưa bao giờ ngủ, không bao giờ ngủ, “thức giấc” hay “trở mình” chỉ là một trạng thái. Khi mà “Sao người ném sỏi xuống mặt hồ /vỡ ngàn mảnh trăng trong?”.

Là phụ nữ, hẳn ai cũng khát khao tình yêu và hạnh phúc. Dù là viết về đề tài hậu chiến “Người đàn bà đi qua chiến tranh/ Tháng năm chị giặt là tấm áo nhân duyên chưa kịp mặc/ Thời gian phừng phừng lửa cháy/ Người đàn bà khỏa trăng tiếng rơi không chạm đáy/ Đêm đêm tự vỗ sóng lòng” (Người đàn bà đi qua chiến tranh). Đó là tiếng nói của nữ quyền, của sẻ chia, từ trắc ẩn trong trái minh vừa mong manh, vừa dữ dội của Trần Thu Hà.

buổi chiều trườn qua em/ với bóng anh mịt mờ như khói/ em cười với đám hoa và đám đàn bà nhàn rỗi/ chỉ biết dỗi hờn trên giá vẽ mềm môi” (Một buổi chiều rực rỡ, Hoàng Vân Khánh). “Giá vẽ” cuộc đời là sự khát khao, do vậy dù vẽ như thế nào thì bức tranh của Hoàng Thị Xuân Ban vẫn là “Còn lại những bức tranh đầy rêu/ Và con vẫn cầm cây cọ run run” (Vẽ).

Dẫu “Nữ văn nghệ sỹ Nghệ An đương đại – Tác giả, tác phẩm chọn lọc” chỉ có 51 bài, nhưng khá nhiều bài thơ về đề tài hậu chiến. Đó là “Những lư hương chiều ba mươi”, “Ru giấc ngủ vĩnh hằng” (Nguyễn Thị Kim Cúc); “Tượng đài trong anh” (Phạm Hà Giang); “Con sóng nào đã cuốn anh đi” (Thái Dương Liễu); “Tạc bia” (Nguyễn Thị Tố Nga)… Mảng thơ thế sự, trong đó có đề tài về biển đảo, cho thấy ngoài công việc thường nhật, cơm áo gạo tiền, chăm lo gia đình thực hiện thiên chức của nữ giới, những vấn đề lớn của đất nước, dân tộc vẫn ập đến “cày, xới” lên trái tim những người vốn mong muốn bình yên.

Đêm đêm/ Chúng tôi thấy cánh đồng bay lên/ Lượn lờ trên những hàng cây đang mở to cái nhìn ngơ ngác/ Từ những nhánh mạ non đến cây lúa bắt đầu cúi hạt…”; “Chúng cúi đầu đi trong lặng im/ Cây mạ già khẽ suỵt bông lúa non vì bóng con chuột đồng thoảng qua trong ký ức/ Chúng ngước nhìn ngôi nhà thân thuộc/ Se sẽ tiếng thở dài vào bóng tối những hàng cây” (Khóc cho những cánh đồng). Viết về làng quê thời nông thôn mới, Phạm Thái Lê có cái nhìn nhiều trăn trở về được và mất, hơn thế, chỉ với thi ảnh “con chuột đồng thoáng qua trong ký ức”, Phạm Thái Lê đã bước vào dòng chảy của thi ca sinh thái.

Phạm Thùy Vinh quan sát cuộc sống theo một góc đầy nhân vị, nỗi người. “Họ đi qua, quệt vào tay tôi, chạm vào áo tôi những tín hiệu mơ hồ/ Những hơi thở của sự đắm say, sự buông bỏ, sự cùng quẫn…/ Cùng một lúc phả vào không gian mờ mịt khói sương / Tôi xòe tay nắm lấy/ Chỉ thấy trên tay/ Trĩu nặng vô thường” (Những người lướt qua tôi mỗi ngày). Vô thường mà trĩu nặng như hữu thường, với tất cả. Hẳn nhiên, đó là nỗi buồn ngày, nỗi buồn tháng, nỗi buồn năm, nỗi buồn đời trên khuôn mặt nhân thế. Đến cả giấc mơ, cũng luôn thảng thốt “Trong giấc mơ tôi bay vào hun hút không gian/ Ngoảnh lại dưới kia/ Đôi vì sao lóe sáng/ Trái Đất còn đêm” (Huệ Hương Hoàng).

Có thể nói, 51 tác phẩm của 17 tác giả trong “Nữ văn nghệ sỹ Nghệ An đương đại – Tác giả, tác phẩm chọn lọc” là 51 “vỉa tầng” cảm xúc trong. Văn là người, “văn bản” ít nhiều là nơi “phơi” bản ngã tác giả. Lần giở và gấp lại từng trang sách thơm lên “nhân vị đàn bà”. Phụ nữ viết về phụ nữ hẳn nhiên tinh tế, viết về thế sự chắc chắn nhân hậu, vị tha. Điều đó làm nên tác phẩm thú vị.

Đọc các chị, tôi nhớ câu nói của nhà thơ Chế Lan Viên “Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi/ Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang”. Đúng thế, cuộc đời ồn ĩ ngoài kia, mỗi người quán chiếu một cách khác nhau.

Về văn xuôi, “Nữ văn nghệ sỹ Nghệ An đương đại – Tác giả, tác phẩm chọn lọc” giới thiệu 13 truyện ngắn của 13 tác giả. Trong số này, có những cây bút từ lâu đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Nguyễn Thị Phước, Đàm Quỳnh Ngọc hoặc có tác giả, tác phẩm đã được độc giả biết đến như Ngọc Bùi (Bùi Thị Ngọc), Nguyễn Hồng (Nguyễn Thị Hồng)… Điều đáng mừng là, chỉ có một tác giả thế hệ 5X, 12 tác giả đều trẻ 7X, 8X. Điều này cho thấy, văn chương có sức hấp dụ, luôn trẻ trung, tươi mới; hơn thế là điểm đáng mừng cho văn chương nữ giới Nghệ An – địa phương duy nhất hiện nay có Câu lạc bộ Nữ văn sỹ Nghệ An, thành viên của Hội Liên hiệp Văn học, Nghệ thuật Nghệ An.

Truyện ngắn, muôn thuở là những lát cắt đời sống, có thể đó là hồi ức về tuổi thơ qua “Ổi đường” (Phan Thị Thanh Bình), “Chạc chìu” (Nguyên Vũ), “Mùa Đông” (Phan Hiền), “Trời mưa bong bóng phập phồng” (Nhật Thành); ký ức chiến trường, thời hậu chiến qua “Nhớ về Triệu Voi” (Nguyễn Thị Hòa), “Những ban mai còn lại” (Hồ Thị Ngọc Hoài), “Trở lại cánh rừng ấy” (Nguyễn Thị Minh Thìn); tình yêu trong xã hội xô lệch qua “Gai hồng vàng” (Ngọc Bùi) “Đò chiều” (Lý Thu Thảo), hoặc trong một thế giới nghiêng qua “Facebook.com” (Nguyên Hồng); đời sống lam lũ, khắc nghiệt trong “Cuộc đời thật buồn” (Đàm Quỳnh Ngọc), “Mây bạc” (Nguyễn Thị Phước).

Tôi đọc khá kỹ truyện ngắn “Gia phả” của Lý Uyên. Đây là tác giả trẻ nhất, trong 13 gương mặt nữ văn xuôi, chị thuộc thế hệ 9X. Đây là truyện ngắn vạm vỡ, so với lứa tuổi, không chỉ nhìn ở hình thức gồm 14 trang in. Lý Uyên có một giấc mơ, giấc mơ có độ lùi vào trong lịch sử đầu thế kỷ 13, thời đại Nhà Trần với những chiến công hiển hách ba lần đánh thắng Nguyên – Mông, mở ra thời kỳ hưng thịnh trong lịch sử phong kiến tập quyền Việt Nam. Truyện ngắn đẹp, vừa siêu thực vừa dã sử, chứa đựng thông điệp lớn lao đến chủ quyền đất nước. Nhân vật “tôi” có đời sống.

Cơn say sóng làm tôi không tài nào tỉnh táo để ngắm biển bình minh từ boong tàu. Tôi mơ hồ đi theo tiếng gọi từ sâu thẳm tiềm thức, cùng những lời ghi trong gia phả. Tôi ra đảo để tìm lại báu vật gia truyền mà tổ tiên tôi đã từng gửi lại nơi nào đó ngoài vùng khơi xa. Nơi đảo xa tít, tổ tiên tôi đã từng sinh sống, đã từng truyền đời này sang đời khác trên vùng bãi từng có tên Vọng Cầm. Thanh kiếm gia truyền trong gia phả có tên là Thanh Mai ấy, đã giúp tổ tiên tôi chiến đấu trong quá trình chạy trốn để duy trì nòi giống. Thanh kiếm ấy, là nguồn sống đầu tiên của tổ tiên tôi, là sự bắt đầu cho những bãi dưa hấu được trồng tận ngoài biển khơi”, (trang 227).

Gia phả”, không phải là ghi chép, nhật ký của dòng họ Trần, hay một dòng họ nào khác, mà là “gia phả” về không gian sinh tồn của người Việt, thế hệ này đến thế hệ khác đã đổ máu xương gìn giữ. Chính vì thế, “Gia phả” là một truyện ngắn “lớn”, dẫu tác giả mới sinh năm 1991. Đây là một tín hiệu vui, không chỉ của đời sống văn chương mà bước ra ngoài văn chương đó là tình yêu đất nước, cội nguồn của sức mạnh và bất khả. Tác giả khá chắc tay với thể loại truyện ngắn.

Nữ văn nghệ sỹ Nghệ An đương đại – Tác giả, tác phẩm chọn lọc” còn giới thiệu 3 họa sỹ và 2 nghệ sỹ nhiếp ảnh; 5 tác giả lý luận phê bình; 8 tác giả lĩnh vực sân khấu và múa. Về mỹ thuật, Ngô Phương Bình một họa sỹ đương đại đã quá nổi tiếng; về sân khấu, Hồng Lựu (Trịnh Hồng Lựu) là một nghệ sỹ đã được Nhà nước phong tặng nghệ sỹ nhân dân, người có nhiều thành tựu trong việc sáng tác, truyền bá, bảo tồn dân ca ví giặm.

Gấp lại “Nữ văn nghệ sỹ Nghệ An đương đại – Tác giả, tác phẩm chọn lọc”, tôi có ba điều mừng. Trước hết là mừng cho “không gian” văn hóa nghệ thuật Nghệ An, mừng cho Câu Lạc bộ Nữ văn sỹ Nghệ An, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Nghệ An và mừng cho các tác giả.

Tiền thân của Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An là Chi hội Văn học, Nghệ thuật Nghệ An được thành lập năm 1967 tại rừng lim thuộc xã Lăng Thành (Yên Thành), đúng vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt. Từ mấy chục hội viên ban đầu, nay Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An có hơn 300 hội viên sinh hoạt ở 7 chuyên ngành (Văn, Thơ, Lý luận phê bình, Âm nhạc và Múa, Mỹ thuật, Sân khấu, Nhiếp ảnh). Trong đó, lực lượng sáng tác nữ sinh hoạt trong Câu lạc bộ Nữ văn sỹ Nghệ An đông đảo, giàu năng lượng sáng tạo.

Câu lạc bộ Nữ văn sỹ Nghệ An là mô hình “có một không hai” hiện nay, được thành lập đã hơn 20 năm, từ 20/10/2000. Câu lạc bộ đã có nhiều công lao trong việc phát hiện tài năng, tạo dựng môi trường trao đổi nghề nghiệp, động viên, chia sẻ góp phần tạo động lực sáng tạo. Trong số các thành viên Câu lạc bộ, nhiều tác giả đã được Giải thưởng Văn học Hồ Xuân Hương, giải thưởng hằng năm của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam. Trong những năm qua, ngoài “Nữ văn nghệ sỹ Nghệ An đương đại – Tác giả, tác phẩm chọn lọc”, Câu lạc bộ phối hợp với Nhà xuất bản Nghệ An đã xuất bản hai tác phẩm khác là “Thơ nữ Nghệ An” (năm 2012), “Văn Nghệ An” (năm 2013). Trong Lời đầu sách, nhà thơ Vân Anh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ đánh giá “Các tuyển tập đã chưng cất thành quả lao động say mê, miệt mài, những trải nghiệm nhọc nhằn, đắng đót nhưng rất đỗi ngọt ngào của cuộc sống…thể hiện sự cần mẫn, cật lực như những phu trầm của các cây bút nữ Nghệ An trong hai thập niên”. Giữa thời buổi khó khăn “Nữ văn nghệ sỹ Nghệ An đương đại – Tác giả, tác phẩm chọn lọc” ra đời nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Câu lạc bộ là một cố gắng đáng ghi nhận.

Các tuyển tập đã chưng cất thành quả lao động say mê, miệt mài, những trải nghiệm nhọc nhằn, đắng đót nhưng rất đỗi ngọt ngào của cuộc sống…thể hiện sự cần mẫn, cật lực như những phu trầm của các cây bút nữ Nghệ An trong hai thập niên

Hôi LH Văn học, Nghệ thuật Nghệ An đã và đang là “ngôi nhà chung”, nơi đoàn kết, tập hợp đội ngũ văn nghệ sỹ nói chung, các nữ văn nghệ sĩ nói riêng, phát huy cá tính sáng tạo, góp phần làm cho VHNT xứ Nghệ phát triển ngày một phong phú, đa dạng. Các tác giả được giới thiệu trong “Nữ văn nghệ sỹ Nghệ An đương đại – Tác giả, tác phẩm chọn lọc” là những gương mặt nữ tiêu biểu, “bông hoa” đại diện trong “vườn hoa” đa sắc màu của Nghệ An.

Ngô Đức Hành

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 18, tháng 10/2021)