Những năm 50 của thế kỷ XX trở về trước, không ít người Nghệ An chúng ta khi được nghe đến các địa danh: Phủ Quỳ, Phủ Bọn, Khủn Tinh… đều không khỏi thảng thốt giật mình. Chuyện ma thiêng, nước độc ở những địa danh ấy chẳng còn xa lạ gì với những người quen sống nơi phồn hoa đô thị hoặc miền đồng bằng… bởi họ đã một đôi lần được chứng kiến người thân, láng giềng của họ đi làm ăn ở Phủ Quỳ, Phủ Bọn, Khủn Tinh… khi trở về quê hương thì mang cái sốt rét rừng vàng vọt về theo, họ còn được nghe đồn thổi thêm những câu chuyện ly kì, quái đản về “ma xó”, “ phỉ còong còi”, “ ma thuốc độc”… nơi họ đi qua.

Năm 1961.

Chúng tôi, những đoàn viên thanh niên Việt Nam theo lời kêu gọi của Đảng Lao động Việt Nam đã cùng nhau lên chính mảnh đất ấy để xây dựng kinh tế và văn hóa miền núi.

Tôi còn nhớ, nhớ rất rõ những ngày ấy…

Năm trăm đoàn viên và thanh niên của mấy huyện đồng bằng tập kết tại Tỉnh Đoàn Nghệ An. Đến ngày 15/11/1961, chúng tôi lên đường đi vùng kinh tế mới. Đó là nông trang Tỉnh Đoàn được mang tên là Nông trang 12/9 (ngày Xô viết Nghệ Tĩnh) đóng ở xã Châu Quang (huyện Quỳ Châu cũ). Xe của Tỉnh Đoàn chỉ lên đến Nông trường Tây Hiếu (Nghĩa Đàn). Chúng tôi nghỉ lại đây 7 ngày, sau đó cùng nhau đi bộ lên vùng đất mới.

Khí thế đoàn quân đi khai hoang hừng hực như xung trận. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi một chút lo âu bởi những lời đồn đại không tốt đẹp cho lắm ở cái nơi mà chúng tôi sẽ lao động và sinh cơ lập nghiệp lâu dài.

12h đêm ngày 22/11/1961 chúng tôi có mặt tại Nông trang bộ lúc ấy đóng tại Túng Khoong (Thung Song) thuộc xã Châu Quang. Đã không ít chàng trai, cô gái òa khóc nức nở vì nhớ nhà, vì lo sợ và có chút ân hận bởi quyết định “nông nổi” của mình. Nhưng rồi mọi việc đều thuận chèo mát mái, dường như “ông trời” cũng thương tình cái bọn “trẻ người non dạ” chúng tôi nên từ bước khởi đầu đã làm chúng tôi yên dạ.

Đón tiếp chúng tôi là đoàn cán bộ địa phương thuộc Đảng bộ, Ủy ban Hành chính và Đoàn Thanh niên xã Châu Quang, những người thoạt nhìn chúng tôi đã nhận biết là người dân tộc. Họ nói chậm rãi, nhưng cởi mở, chân tình. Ánh mắt toát lên sự nồng hậu và thân ái. Những cán bộ tiền trạm, những cán bộ địa phương cùng già làng của các bản lân cận mở hội cồng chiêng đến đón tiếp chúng tôi. Những cô gái mặc trang phục Thái, thêu thùa nhiều mầu sắc, cùng trang lứa chúng tôi, vui vẻ cầm tay chúng tôi nhảy múa quanh đống lửa trại và hát bài “Tin bay đi…”. Niềm vui được đón tiếp nồng nhiệt và cởi mở đã lau khô những giọt nước mắt nhớ nhà và nông nổi của chúng tôi. Thay vào đó là những nụ cười, lời nói vui vẻ, những bài hát mà chúng tôi vừa tập được.

Ngày hôm sau chúng tôi được ban lãnh đạo nông trang phân về các đội theo đội hình các huyện.

Năm tháng tiếp theo là chuỗi thời gian mà chúng tôi, những người tuổi trẻ đã say sưa với công việc khai phá núi đồi hoang vu thành trang trại ấm áp tình người. Đội 4 Nông trang 12/9 là nơi tôi và những đoàn viên thanh niên thuộc hai huyện Thanh Chương và Hưng Nguyên đã sống và lao động hết mình trong những năm tháng đó. Bằng nghị lực và ý chí vươn lên của tuổi trẻ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, của Đảng bộ, chính quyền và tình thương yêu đùm bọc của đồng bào các dân tộc, chúng tôi đã dần dần cảm nhận được nơi đây đã và đang gắn bó máu thịt đối với mình và thực sự trở thành quê hương thứ hai mà mình thương yêu, trân trọng không kém gì nơi chôn rau cắt rốn. Những kỳ nghỉ phép về thăm quê cũ, thăm ông bà cha mẹ hàng năm cứ ít dần đi, rút ngắn lại bởi những lần xa nơi này chúng tôi lại nôn nao nhung nhớ.

Túng Khoong ngày ấy là một thung lũng mọc đầy mây và song rậm rạp. Những gốc song cổ thụ to bằng bắp tay đầy gai sắc nhọn quấn chằng chịt vào thân những cây săng lẻ, cây trảu và tự quấn vào nhau xoắn xuýt như những con rắn khổng lồ dài vài ba chục mét. Ở đấy chỉ có những con thú nhỏ như chồn, cáo, nhím, trút hay gà lôi, chim trĩ sinh sống vì chúng nhỏ dễ luồn lách trong rừng gai sắc nhọn ấy. Những con thú lớn hơn như hươu, nai, hổ, báo… thì khó lòng mà đi vào khu vực đó. Ấy thế mà, bằng đôi tay quen lam lũ tảo tần của những chàng trai, cô gái tuổi mười bảy, đôi mươi, bằng sức khỏe dẻo dai và nghị lực phi thường của tuổi thanh niên, sau một tháng chúng tôi đã biến nơi này thành khu định cư rộng 13 ha của Nông trang bộ và Đội 3 Nông trang 12/9. Nhà của chúng tôi dựng tạm bằng tre nứa đơn sơ nhưng cũng đủ che nắng mưa, sương gió và bắt đầu một cuộc đời mới. Đó là những tháng năm lao động cật lực, sôi động và đầy ý nghĩa đối với tuổi trẻ chúng tôi.

Đường về bản làng Châu Lý. Ảnh: Nguyễn Đạo

Cảnh um tùm rậm rạp của lau sậy trên đồi Le, cảnh hoang vu kỳ bí của rừng nứa khe nước lạnh, cảnh lạnh lẽo rùng rợn của đồi “chín bụi”… dần dần nhường chỗ cho những đồi sắn xanh tươi, những cánh đồng lúa bạt ngàn hút tầm mắt… Dòng Nặm Tôn xanh trong và mát rười rượi chiều chiều con gái con trai hai miền xuôi – ngược cùng xuống tắm chung thật là thơ mộng, thật là tình tứ đã trở thành sợi dây gắn kết các dân tộc Thái và Kinh gần gũi nhau hơn. Một mái nhà sàn, một ống cơm lam, một bát nước chè đâm hay một cần rượu trấu… dần dần trở nên quen thuộc, gần gũi với chúng tôi, ấm áp và sâu nặng nghĩa tình.

Thập kỷ 60 đến 70 của thời kỳ đó, Đế quốc Mỹ đẩy chiến tranh ra tận miền Bắc, lên đến tận vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh này. Chúng tôi sơ tán vào ở giữa các bản làng của đồng bào các dân tộc Quỳ Hợp. Những bản Còn, bản Ca, bản Điểm, Châu Quê… là nơi chúng tôi đã từng sinh sống, chung lưng đấu cật với bà con dân tộc, chia ngọt sẻ bùi, bền gan chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. Các trọng điểm như ngầm Nặm Tôn, dốc Thực phẩm, khu Việt kiều Liên Châu, Túng Khoong… đều bị bom thù tàn phá. Đau thương mất mát, đổ nát hoang tàn là nỗi đau chung của toàn thể Nhân dân sống trên địa bàn. Chúng tôi san sẻ đau thương và nhường cơm sẻ áo cho nhau để vững vàng trụ lại nơi này, bảo vệ quê hương trong những tháng năm gian khổ, khốc liệt ấy. Đã có hàng trăm lượt đoàn viên thanh niên của Nông trang Tỉnh Đoàn hăng hái lên đường nhập ngũ. Nhiều người đã mãi mãi nằm lại chiến trường, cống hiến tuổi xuân cho đất nước. Và, cũng không ít người trở về quê hương khi một phần xương máu, cơ thể gửi lại nơi chiến trường… Còn chúng tôi ở lại hậu phương với một quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”. Chính nơi đây, mảnh đất ngàn đời được coi là “rừng thiêng nước độc” dần dần thay da đổi thịt trở nên sầm uất, phồn vinh. Những nam nữ đoàn viên thanh niên khi lên đây chỉ là những hộ độc thân, nay đã có đôi có lứa, họ xây dựng tổ ấm gia đình ngày một nhiều hơn… Xã hội mới, con người mới, cuộc sống mới đang từng ngày đi lên làm cho bộ mặt Túng Khoong ngày một phổng phao, rực rỡ.

Ngày 19/4/1963, huyện Quỳ Châu được tách ra làm 3 huyện mới là Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp. Túng Khoong trở thành khu trung tâm của huyện Quỳ Hợp. Tuy nhiên, do chiến tranh ngày càng lan rộng và khốc liệt, các cơ quan đầu não của huyện liên tục phải di chuyển sơ tán nhiều nơi nên Túng Khoong ngày ấy chưa hình thành thủ phủ của huyện mà vẫn chỉ là khu dân cư của một đội sản xuất thuộc Nông trang Tỉnh Đoàn mà thôi.

Chiến tranh kết thúc, hai miền Nam – Bắc sum họp một nhà, đất nước bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương đúng như lời Bác Hồ căn dặn “Đến ngày thống nhất, chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Các đội sản xuất của Nông trang chuyển đổi thành các hợp tác xã nông nghiệp, quy mô hành chính nhỏ lại, nhưng hiệu quả lao động cao hơn, năng suất hơn. Cơ chế quan liêu bao cấp được tháo gỡ, thay vào đó là cơ chế kinh tế thị trường thông thoáng, nhờ đó mà đời sống của chúng tôi ngày một khá hơn, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Năm 1975, sau 103 ngày đêm lao động sôi nổi của gần 4.000 đoàn viên thanh niên trong toàn huyện, toàn bộ Túng Khoong, khu định cư của Đội 3 Nông trang 12/9 đã được cải tạo thành một hồ chứa nước mênh mông có diện tích mặt nước là 13 ha, làm cho phong cảnh nơi đây trở nên thơ mộng và hữu tình. Hồ giữ nước từ khe Lang (thuộc xã Châu Lộc) chảy ra vừa làm trong sạch môi trường, vừa làm đẹp cảnh quan đô thị vừa đảm bảo cấp nước tưới tiêu cho những vùng hạ lưu.

Tháng 11/1983, toàn bộ địa dư từ Thung Khuộc trở lên đến sông Nặm Tôn của xã Châu Quang được tách ra thành lập thị trấn Quỳ Hợp. Phố núi trẻ trung ra đời làm cho trung tâm huyện lỵ trở nên thơ mộng và sầm uất. Thiếc Quỳ Hợp được Chính phủ cấp phép khai thác; Xí nghiệp Xây lắp thiếc về xây dựng; Công ty Kim loại màu về quản lý; chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ… Điện về, đường mở rộng thêm, rải nhựa phẳng lì, thị trấn Quỳ Hợp thực sự đổi mới vươn lên như sức vươn Phù Đổng. Chúng tôi là những người thực sự hạnh phúc, may mắn và thêm chút tự hào là những người đầu tiên chung tay xây dựng nên một thị trấn đẹp đẽ, thơ mộng như hôm nay.

Nhớ lại chặng đường đã qua, nghĩ về tương lai sắp tới, chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãng đạo sáng suốt của Đảng bộ và Chính quyền huyện, bằng tinh thần lao động sáng tạo của Nhân dân các dân tộc và với tiềm năng vô cùng phong phú mà thiên nhiên ban tặng, Quỳ Hợp quê hương tôi sẽ nhanh chóng giàu đẹp hơn, phồn vinh và ấm no hạnh phúc hơn!

Thái Nguyên Vũ[1]

[1]. Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Bùi Việt, cựu Thanh niên xung phong Nghệ An.