Một trong những cảm nghĩ đầu tiên của tôi khi thưởng lãm tranh của Đặng Dương Bằng là nhịp điệu. Có vẻ như, bằng nhiều tiết tấu khác nhau, khi nhanh khi chậm, khi bổng khi trầm, nhưng hội hoạ của anh luôn mang một chất rất riêng, đó là sự khoan thai, thoải mái và nhịp nhàng.
Ở những bức tranh có nhiều chi tiết, nhiều màu sắc hay ở những bức đặc tả người, hoa, sự vật trên nền trắng, vàng, nâu tĩnh tại cũng vậy, như hiển hiện những giai điệu lúc sôi nổi như trong lễ hội, lúc chậm rãi như khúc nhạc chiều. Tưởng như tiếng dương cầm ở đâu đó đang thánh thót ngân lên trong một gian phòng rộng và tĩnh lặng.
Đặng Dương Bằng không quá chú tâm đến kĩ thuật, hay nói cách khác, kĩ thuật của anh chính là để cho cảm xúc dẫn dắt sắc màu. Vậy nên xem tranh anh, người ta có cảm giác nhẹ bẫng bởi ở đó mọi nguyên tắc hội hoạ dường như bị lãng quên, để cái còn lại là nét, là hình, là màu, đôi khi có vẻ sơ giản hay hồn nhiên thơ trẻ, nhưng đắm trong đó một tình yêu vừa mãnh liệt vừa điềm tĩnh.
Đó là tình yêu với hoa lá chim muông, với những đồ vật in vết văn hóa cổ xưa, với sự êm ái ngọt ngào và trong trẻo tĩnh lặng của những không gian tràn ngập thiên nhiên. Đó là tình yêu với những con người mà đại diện là người phụ nữ với vẻ đẹp sâu lắng của tâm hồn. Người phụ nữ xuất hiện trong tranh Đặng Dương Bằng dù trong bộ đầm hoa hay trong một cơ thể trần trụi, dù là tiêu điểm bức tranh hay chỉ thấp thoáng sau những hình hoạ nhiều chi tiết biểu trưng cho một thế giới ăm ắp sức sống và tình yêu, vẫn toát lên vẻ cao quý, thanh tao.
Đó còn là tình yêu với hội hoạ. Cùng với khả năng thiên bẩm, tình yêu đó gần như trở thành một thứ bản năng, để hội hoạ của Đặng Dương Bằng được cất cánh. Anatole France đã nói, “trong nghệ thuật cũng như trong tình yêu, bản năng là đủ”, điều này có vẻ như đúng với Dương Bằng.
Và những bức tranh cứ vậy tìm đến sắc màu, hình nét, như là chúng không thể không cất tiếng. Giống như những dạ khúc cứ tự cất lên trong đêm, giống như những cánh chim chiều tự hòa điệu với nhau giữa mênh mông gió.
Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Tình yêu, sự hồn nhiên, trong trẻo trong hội hoạ Đặng Dương Bằng đã chạm đến trái tim của người yêu nghệ thuật.
Tôi nghĩ nhiều người thích tranh của anh bởi màu sắc hài hòa, tươi tắn, nhiều người thích bởi cái tình yêu đăm đắm kia lộ diện như một kẻ không thể giấu mặt. Riêng tôi, tôi thích cái cảm giác nhẹ bẫng mà tranh anh mang đến. Nó không buộc người ta phải suy xét về bất cứ điều gì ngoài cái đẹp. Bởi lẽ, bản thân cái đẹp đã là một giá trị, và hơn thế, là giá trị duy nhất mà nghệ thuật kiếm tìm.
Quỳnh An