TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học chính trị, một trí thức xứ Nghệ nổi tiếng với những phản biện xã hội. Ở độ tuổi ngoài 60, ông vẫn không ngừng suy tư trăn trở về con đường phát triển của đất nước và quê hương Nghệ An – nơi ông đang là thành viên Tổ tư vấn Kinh tế – Xã hội của tỉnh. Đầu năm mới, TS Nguyễn Sĩ Dũng đã dành cho Tạp chí Sông Lam cuộc trò chuyện thẳng, thật như chính tính cách của ông.

*****

Tôi thích nói thẳng, nói thật, không lựa theo ý lãnh đạo

TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Internet

Ở tuổi ngoài 60, khi đã có độ lùi thời gian, nhìn lại ông cảm nhận quê hương, truyền thống văn hóa xứ Nghệ đã ảnh hưởng tới tính cách và con đường sự nghiệp của mình như thế nào?

Phẩm chất vượt khó vươn lên của người xứ Nghệ đã thấm vào máu thịt tôi từ thuở nhỏ. Bố tôi là giáo viên, đi dạy ở đâu thì kéo tôi theo đó để học hết cấp 2. Tôi đã học ở các trường loanh quanh trong các xã Thanh Xuân, Thanh Chi, Thanh An, huyện Thanh Chương, xã Quang Thành huyện Yên Thành. Hồi nhỏ, tôi bị đau mắt hột, nên học chậm một năm, em trai lại học sớm một năm, nên hai anh em học cùng một lớp. Đến năm lớp 7, hai anh em được vào thẳng cấp 3, tôi thi được vào lớp chuyên văn của tỉnh nhưng chưa có giấy gọi. Đầu năm học, nhà trường bắt đóng 2 cây tre và 10 cái tranh làm bằng cọ để xây dựng trường. Nhà tôi nghèo quá, bố là giáo viên, mẹ là nhân viên phục vụ, lại đông con, nên chỉ đóng được 1 suất. Nhà trường nói nếu đóng được 1 suất thì hai anh em chỉ được 1 người đi học. Đúng lúc đó thì tôi nhận giấy báo đi học lớp chuyên văn của tỉnh, được cấp học bổng 10 đồng/tháng, được nuôi ăn học, gia đình không phải chu cấp thêm. Thật lòng cho đến giờ, tôi luôn ủng hộ hệ thống giáo dục XHCN như vậy. Tôi nhờ đó mà vươn lên, nếu không tôi phải nhường cho người em đi học. Khi đủ điểm đi học nước ngoài, tôi lại phải đối mặt với khó khăn cực lớn. Tôi chưa hề biết một chữ ngoại ngữ nào trong khi các bạn ở miền Bắc đã học tiếng Nga. Ra Hà Nội, phải học mướt mồ hôi để đuổi cho kịp, trong khi ăn không no, áo ấm chỉ có ruột bông, không có vỏ. Đói rét. Tôi  phải chạy ra ngồi bên cạnh bếp than của nhà trường cho đủ ấm mà học bài. Sau một năm tôi mới đuổi kịp. Đó chính là nhờ truyền thống vượt khó “cá gỗ” của người Nghệ.

Các thầy giáo, đặc biệt là thầy giáo lớp chuyên văn ảnh hưởng tới tôi rất nhiều. Thầy Nguyễn Huy Trí dạy văn tôi lớp 8,9, có phong cách rất điển phạm, kỷ luật. Đến năm lớp 9, thầy định kết nạp tôi vào Đảng nếu như năm đó trường không phải đi sơ tán.

Khi học chuyên văn, đến lúc kiểm tra học kỳ, để đánh giá chất lượng cho chính xác, bài thi của chúng tôi được chia ra chấm thi cùng các cụm khác, do các thầy giáo khác chấm. Tôi còn nhớ, bài thi của tôi được chấm điểm rất cao, nhưng khi trả bài lại cho thầy Trí thì thầy sửa điểm xuống. Thầy bảo: Học chuyên văn thì phải khá hơn. Tôi có đề cập tới câu chuyện này trong một bài báo về vấn đề nâng điểm cho con lãnh đạo ở Hà Giang trong kì thi tốt nghiệp gần đây. Đó là, có một thời, giáo viên sửa điểm thì thường sửa xuống, không sửa lên. Nếu thầy Trí sửa điểm lên thì danh dự của lớp chuyên văn sẽ cao hơn, nhưng thầy sửa xuống để đánh giá học sinh thực chất hơn, tránh sa vào danh hão.

Sau này, lớp chuyên văn sơ tán lên Thanh Chương thì thầy Phan Huy Huyền dạy. Thầy là một nhà thơ, phong cách của thầy lãng mạn, bay bổng cũng ảnh hưởng nhiều tới tôi. Nhưng cả một thời học chuyên văn mà đói quá, cái thường trực trong tâm trí của mình là miếng ăn.

Ông gây ấn tượng trên diễn đàn Quốc hội và báo chí là một trí thức thường xuyên có những phản biện xã hội, người hay cãi, hay nói thẳng, nói thật. Phải chăng, những phẩm chất đó cũng bắt nguồn từ khí chất và văn hóa xứ Nghệ?

Thực ra tôi không phải người thích cãi và hay cãi nhưng là người hay nói thật. Nghĩ thế nào nói thế ấy, không có cái khéo của người lựa theo chiều mà nói. Chẳng hạn, vẫn biết lãnh đạo nghĩ theo hướng đó nhưng tôi nghĩ theo hướng khác thì sẽ nói khác. Điều đó thì không có lợi lắm. Khi họp bàn về quy chế phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ban Đảng, mọi người đóng góp ý kiến. Tôi nói rằng đừng bắt Quốc hội phải phối hợp vì nếu để toàn bộ hệ thống vận hành thì mỗi cơ quan phải làm tốt chức năng của mình và làm tốt chức năng của mình thì cả hệ thống vận hành tốt. Mặt khác, cơ quan vận hành theo nguyên tắc này, phối hợp với cơ quan vận hành theo nguyên tắc khác rất khó. Trong khi đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm hết chức năng thì không đủ thời gian, nếu bắt phối hợp nữa thì không hiệu quả, có khi 5 năm chẳng làm gì với nhau cả, chỉ mất thời gian để tổng kết thôi.

Tôi không được ưa ở cuộc họp đó nhưng quả thật cả nhiệm kỳ đó sự phối hợp gần như không có.

Mới đây, ông có bài viết có tựu đề: “Lựa chọn nhân tài”, trong đó nhắc lại câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Lãnh đạo giỏi là tập hợp và sử dụng được người tài”. Trong sự nghiệp của mình, tài năng của ông đã được lãnh đạo sử dụng như thế nào?

Người biết sử dụng tài năng của tôi là anh Vũ Mão khi anh ấy ở cương vị Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Dưới quyền anh Vũ Mão, tôi có điều kiện để đóng góp. Anh Vũ Mão có công rất lớn thúc đẩy sự đổi mới của Quốc hội, như sáng kiến để Quốc hội truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, đổi mới hệ thống biểu quyết, hệ thống ghi âm, gỡ băng, đưa các bản gỡ băng lên mạng để phóng viên tiếp cận. Những điều đó tôi đã tư vấn và anh Mão lắng nghe, sau đó thúc đẩy thực hiện.

Thời gian trước khi anh Vũ Mão mất, anh ấy nói: “Anh còn nợ Dũng một việc”. Đó là chuyện tôi là người duy nhất ở Quốc hội trả lại căn hộ chung cư ở phố Nguyễn Thượng Hiền, sau khi tôi có được đất làm nhà. Lúc ấy tôi đang làm thư ký cho anh Mão. Anh Mão đánh giá rất cao việc đó, vì rằng ngoài tôi ra không ai trả nhà. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản là nhiều anh em không có nhà thì trả lại để nhường cho người khác thôi.

 Tư vấn cho hai đời Thủ tướng

Ông được mời làm tư vấn cho Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Công việc tư vấn cho hai Thủ tướng đã để lại những ấn tượng gì?

Tôi được Thủ tướng Phan Văn Khải gửi thư riêng, mời tham gia Ban nghiên cứu Thủ tướng. Ban nghiên cứu của Thủ tướng lúc ấy có quyền lực rất mạnh, Thủ tướng thường tham vấn và lắng nghe Ban nghiên cứu trước khi ra các quyết định. Ban nghiên cứu tập hợp những tên tuổi và trí thức có uy tín cao, đầu óc cởi mở và tư duy độc lập như ông Lê Đăng Doanh, bà Phạm Chi Lan, nhà thơ Việt Phương, do ông Trần Xuân Giá làm Trưởng ban. Trước đó, trong một lần họp ở Chính phủ nói về chống tham nhũng, tôi tham gia phát biểu với tư cách là người của Văn phòng Quốc hội. Tôi nói: Muốn chống tham nhũng thì phải công khai minh bạch, quyền lực phải được giám sát. Lúc ấy, Thủ tướng ghé tai hỏi người bên cạnh: “Cậu này là ai?”. Có lẽ nhờ ấn tượng đó mà tôi được ông mời vào Ban nghiên cứu của Thủ tướng.

Thủ tướng Phan Văn Khải là người nho nhã, rất lắng nghe ý kiến của Ban nghiên cứu. Tôi đi cùng với Thủ tướng trong chuyến thăm và làm việc với Mỹ. Đây là chuyến đi lịch sử, diễn ra năm 2005, ông là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thăm Mỹ sau 30 năm kết thúc chiến tranh (1975-2005) và 10 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước (1995-2005). Chính vì thế chuyến đi bị soi xét nhiều cả trong và ngoài nước. Khi ông sang Mỹ, nhiều Việt kiều vẫy cờ vàng của chế độ Việt Nam Cộng hòa trước đây, biểu tình. Nhưng ông đã điềm tĩnh và bản lĩnh để đối đầu với những tình huống khó khăn.

Đến thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ban nghiên cứu của Thủ tướng có quyết định giải tán, nhưng tới nhiệm kỳ 2 thì thành lập Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng và tôi được mời tham gia. Tôi thường xuyên tiếp xúc gần với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Với tôi ông là người thông minh, nắm bắt vấn đề rất nhanh, tư duy cởi mở, có trí nhớ siêu việt. Ông nhớ tất cả mọi con số mà không cần ghi chép, hiểu các vấn đề nhanh mặc dù học hành không nhiều. Trong cuộc họp với Tổ tư vấn nói về cổ phần hóa doanh nghiệp, đặt ra vấn đề có nên bán cổ phần những công ty nhà nước đang ăn nên làm ra? Thủ tướng nói: Chẳng lẽ chúng ta lại bán đi những con gà đang đẻ trứng vàng? Nhiều thành viên Tổ tư vấn cũng thấy rằng việc này cần cân nhắc. Có hai người xứ Nghệ thích nói thẳng băng trong Tổ tư vấn là ông Trương Đình Tuyển và tôi. Ông Tuyển phát biểu trước: “Kiểu gì cũng không nên giữ bởi vì “nuôi gà” không phải là việc của Chính phủ, việc của Chính phủ là phải tạo môi trường “nuôi gà” tốt”. Sau đó tôi phát biểu: “Báo cáo Thủ tướng, con gà không đẻ trứng được thì không ai mua, nếu muốn cổ phần hóa thì phải cổ phần hóa những doanh nghiệp có lãi, nếu không thì rất khó thực hiện chính sách cổ phần hóa”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lắng nghe những ý kiến này.

Khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt về hưu, ông đã có nhiều thời gian tiếp xúc trò chuyện và được cựu Thủ tướng tin cậy tâm sự nhiều lời gan ruột. Hẳn ông vẫn còn nhớ rõ những kỷ niệm ấy?

 Tôi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt để ý khi ông đã về hưu. Lúc đó tôi viết bài cho báo Tuổi Trẻ – tờ báo ông hay đọc. Một hôm, tôi được thư ký của ông gọi điện từ TP.HCM ra truyền đạt lại ý của ông: “Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất muốn mời anh đến nhà nói chuyện. Nếu anh có dịp vào trong này thì anh báo để mời anh đến nhà nói chuyện với cụ”. Có dịp, đi công tác vào TP.HCM, tôi  đến nhà ông. Đó là một con người gây ấn tượng cực kỳ tốt, tôi nói chuyện với ông từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Chủ yếu tôi nói, ông chỉ ngồi nghe, nghe xong đặt câu hỏi, hết câu hỏi này đến câu hỏi khác. Cuối cùng, ông mới khen: “Này Dũng ơi, sao Dũng biết nhiều thế?”. Từ đó, hầu như lần nào ra Hà Nội, ông cũng gọi tôi đến, có những lần đến cùng các chuyên gia. Có lần, ông mời tôi đến, chỉ có tôi với ông. Cậu phục vụ rót rượu thì ông giơ tay gạt đi, tự tay rót rượu mời tôi. Trong cuộc gặp đó, ông đã đề nghị tôi đứng đầu nhóm nghiên cứu về đề tài: Làm thế nào để đảm bảo tính độc lập của ngành tư pháp. Nhóm nghiên cứu ở miền Nam thì do chính ông tổ chức. Tôi bắt đầu tập hợp anh em khởi sự việc nghiên cứu này thì lần gặp tiếp theo ông nói: “Thôi Dũng ạ, thời điểm này chưa chín muồi để thúc đẩy cái đó”. Rất tiếc đó là bữa cơm cuối cùng với ông, một tháng sau thì ông mất. Sau khi ông mất nhiều năm, đây là lần đầu tiên tôi thổ lộ câu chuyện này.

Tôi còn nhớ cách đây hơn 10 năm, trong một lần phỏng vấn ông, ông đã đưa ra hình tượng về ngôi sao năm cánh để Việt Nam hóa rồng. Ngôi sao năm cánh ấy chắc vẫn còn sáng rõ trong tâm trí ông?

Thời điểm đó, tôi lấy hình tượng ngôi sao năm cánh để nói về những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam hóa rồng. Cánh đầu tiên là tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Tự do chính là điều kiện quan trọng nhất người Việt Nam chủ động tìm kiếm và hiện thực hóa các cơ hội của mình. Tự do về mặt pháp lý được thể hiện thành các quyền. Bảo đảm các quyền của người dân chính là bản chất sâu xa của nhà nước pháp quyền. Mà nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân là mục tiêu phấn đấu của chúng ta.

Cánh thứ 2 là công bằng. Nếu tự do thúc đẩy sự phát triển thì công bằng làm cho sự phát triền đó trở nên bền vững. Bảo đảm công bằng đồng thời bảo đảm động lực cá nhân là một phép cân đối khó khăn. Tuy nhiên, không một sự giàu có nào có thể an toàn trên cái nền nghèo khổ của các cộng đồng dân cư. Về nguyên tắc, nếu kinh tế phát triển, thì cái sự khá hơn phải đến được với rất nhiều người, nếu không muốn nói là phải đến được với tất cả mọi người. Công bằng được thể hiện ở sự bình đẳng của những người dân. Và quan trọng nhất là bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng về cơ hội.

Cánh sao thứ ba là đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh. Sức mạnh của hơn 100 triệu người đoàn kết lại là vô cùng to lớn, có thể làm nên sự khác biệt cho đất nước và cho nền kinh tế bằng các hành vi tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng của mình, người dân có thể tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế.

Cánh sao thứ tư là khoan dung. Việt Nam có 54 dân tộc với tất cả sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống. Việt Nam cũng có tín đồ của nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau với tất cả sự đa dạng của cảm xúc tôn giáo, niềm tin tôn giáo và lễ nghi tôn giáo. Chúng ta rất giống nhau và cũng rất khác nhau. Nâng niu sự tương đồng và trân trọng sự đa dạng chính là đòi hỏi của khoan dung. Nếu coi thói quen ăn hủ tiếu nêm đường ưu việt hơn thói quen ăn phở nêm dấm, hoặc ngược lại, thì sẽ vô nghĩa biết chừng nào. Trong quá trình mở cửa và hội nhập, nhu cầu hợp tác, làm ăn với người nước ngoài sẽ ngày càng tăng. Những người này còn có nhiều khác biệt hơn nữa về văn hóa, ngôn ngữ và lối sống. Thiếu khoan dung, công cuộc hợp tác sẽ rất khó khăn.

Cánh sao thứ năm là trân trọng thiên nhiên. Chúng ta chỉ là một bộ phận của thiên nhiên. Nếu thiên nhiên bị hủy hoại thì một bộ phận của nó cũng sẽ tiêu vong. Mọi tiền bạc, của cải lúc đó đều trở nên vô nghĩa. Nhanh chóng thay đổi lối sống ích kỷ và vô trách nhiệm đối với thiên nhiên là mệnh lệnh của thời đại. Đất nước này, non sông này có thể thỏa mãn nhu cầu của chúng ta, nhưng không thể thỏa mãn lòng tham của chúng ta.

Nhìn lại, tôi thấy ý tưởng ngôi sao năm cánh rất lãng mạn, giờ có độ lùi thời gian, tôi có những suy nghĩ thực tế hơn về con đường Việt Nam hóa rồng.

Ý tưởng ngôi sao năm cánh rất lãng mạn, giờ ở độ tuổi này những suy nghĩ thực tế hơn về con đường hóa rồng của Việt Nam là gì?

Tôi luôn đặt câu hỏi: Tại sao sau hơn 30 năm Đổi mới, chúng ta vẫn chưa phát triển được như Hàn Quốc hay Singapore? Tại sao đa số các nước tiếp nhận mô hình thể chế thị trường từ phương Tây vẫn chỉ là những nước có thu nhập trung bình?

Tìm cách trả lời cho những câu hỏi nêu trên, trong Thông điệp 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lần đầu tiên đề cập đến khái niệm “Chính phủ kiến tạo phát triển” và coi đó là phương châm hành động cho những cải cách thể chế về kinh tế tiếp theo. Thông điệp ấy do ông Trương Đình Tuyển chắp bút, nhưng tôi có đóng góp về phần nội dung nhà nước kiến tạo, kiến thiết. “Chính phủ kiến tạo phát triển” hay thuật ngữ phổ biến hơn là “Nhà nước kiến tạo phát triển” là mô hình thể chế kinh tế của các nước Đông Bắc Á. Đây là mô hình nằm giữa mô hình nhà nước điều chỉnh của phương Tây – theo chủ thuyết thị trường tự do – và mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung – theo mô hình xã hội chủ nghĩa truyền thống. Tại sao mô hình này lại phù hợp hơn cho Việt Nam? Câu trả lời là: mô hình thể chế này phù hợp với nền tảng văn hóa của Việt Nam hơn. Về mặt vị trí địa lý, Việt Nam thuộc về nhóm các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, về mặt văn hóa, chúng ta lại thuộc về nhóm các chủ thể Đông Bắc Á như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore.

Mô hình thể chế được hầu hết các nước Đông Bắc Á lựa chọn là “Nhà nước kiến tạo phát triển”. Đặc trưng của mô hình này gồm: bộ máy hành chính gọn nhẹ, nhưng tinh hoa và hiệu quả; bộ máy hành chính được trao quyền đầy đủ để đưa ra những sáng kiến và vận hành hiệu quả; nhà nước thông qua các thiết chế tài chính và các hướng dẫn hành chính để can thiệp vào thị trường; có Bộ thương mại quốc tế và công nghiệp như một thiết chế mạnh điều phối chính sách phát triển công nghiệp. Thật ra, kể từ Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung và đi dần theo mô hình “Nhà nước kiến tạo phát triển”. Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối công nghiệp hóa đất nước, đã công nhận cơ chế thị trường, nhưng vẫn coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước.

Như vậy, tất cả các phần cấu thành quan trọng của “Nhà nước kiến tạo phát triển” đều đã được khẳng định trong đường lối phát triển của Việt Nam. Có lẽ, chính vì thế, kinh tế nước ta đã có sự phát triển khá ngoạn mục trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, vấn đề là tại sao đất nước ta vẫn chưa trở thành “hổ”, thành “rồng” như các nước Đông Bắc Á?

Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản nhất là chúng ta đã không chú trọng thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua các doanh nghiệp tư nhân như ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Một nguyên nhân cơ bản khác nữa, chúng ta cũng đã không có được một bộ máy hành chính, công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi để hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa.

Quan trọng nhất là xây dựng được lực lượng nhân lực người Nghệ nổi trội

Giờ xin được nói trong phạm vi hẹp hơn, đó là Nghệ An – quê hương ông – nơi ông đang là thành viên Tổ tư vấn kinh tế – xã hội của tỉnh. Theo ông, làm thế nào để Nghệ An phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hiện nay?

Nghệ An ở giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh, hai hàng xóm này đang phát triển rất nhanh. Nhưng sức ép của Thanh Hóa và Hà Tĩnh là động lực để Nghệ An vươn lên. Điều đầu tiên tôi nghĩ, Nghệ An phải đi theo cách riêng của mình, bởi vì các điều kiện tự nhiên của Nghệ An khác với Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Nghệ An không có cảng nước sâu, không thể tự đào cảng nước sâu được. Nghệ An có thể làm thêm cảng, khu công nghiệp nhưng như vậy Cửa Lò không thể trở thành khu du lịch được. Tôi đến khu kinh tế Nghi Sơn nhận thấy ở đó tạo ra sự phát triển rất khủng khiếp nhưng cũng gây ra ô nhiêm môi trường khủng khiếp. Nghệ An cần tư duy phát triển khác.

Định hướng mà tôi muốn tư vấn cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An nhiều nhất là chúng ta phải mở rộng quan hệ, hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản. Nghệ An là quê hương của nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu, người đã thúc đẩy phong trào Đông Du. Nếu như phong trào Đông Du mà Phan Bội Châu sáng lập ra từ thế kỷ trước có thể gọi là Đông Du 1.0 thì giờ đây, những lãnh đạo của tỉnh Nghệ An đang thúc đẩy phong trào Đông Du 2.0.  Cụ Phan Bội Châu kêu gọi quan hệ với Nhật để giải phóng dân tộc, giờ đây chúng ta quan hệ với Nhật để phát triển kinh tế. Quan hệ với Nhật có những lợi ích: Nhật có công nghệ, có vốn. Mặt khác, người Nghệ mình phát huy được thế mạnh đồng thời khắc phục được những điểm yếu. Đó chính là nền tảng lâu dài nhất để phát triển. Phát huy tối đa những thế mạnh của nhân cách, phẩm chất, trí tuệ xứ Nghệ, đồng thời khắc phục những hạn chế thâm căn cố đế như vô tổ chức, vô kỷ luật, gàn, không thấy cái lý của người khác, bảo thủ, tự cao. Bình thường những đặc tính đó thay đổi như thế nào? Có thể thay đổi bằng con đường giáo dục. Nhưng con đường này khó vì toàn người Nghệ với nhau, giáo dục thế nào? Tự giáo dục nhau rất khó. Tôi nghĩ mình sẽ thay đổi những đặc tính này nhiều nhất thông qua giao lưu với Nhật. Nếu không thay đổi được những đặc tính đó thì phát triển rất khó, bởi người Nghệ nhiều khi bất cần, lý do to hơn mục đích…

Tôi nghĩ Nhật Bản không chỉ mang vốn và công nghệ vào Nghệ An mà con mang theo những phẩm chất tốt của người Nhật. Muốn vậy, phải có giao lưu, hợp tác thì họ mới vào. Tôi ước mơ khi quan hệ với Nhật trở nên sâu rộng thì sẽ sẽ có đường bay thẳng từ Nghệ An sang Nhật. Và quan hệ hợp tác với Nhật, mình cũng không nhất thiết phải phát triển công nghiệp mà lựa chọn những ngành có hàm lượng chất xám cao, công nghệ cao. Điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng được một lực lượng nhân lực người Nghệ nổi trội và tôi cho rằng đó mới là cái lâu bền nhất để vươn lên chứ không phải là khu công nghiệp. Khu công nghiệp là cái hệ quả thôi. Có khu công nghiệp mà mình không có nhân lực nổi trội thì cũng không phát triển bền vững được, đến lúc khu công nghiệp họ rút đi thì mình còn gì?

Tôi cảm giác Nhật đang có những cảm tình với Nghệ An và bước tiếp là làm sao để họ xem Nghệ An là nơi thân thiện nhất.

Chúng ta phải thay đổi để khắc phục những điểm yếu của mình, đừng để xẩy ra hiện tượng người Nghệ bị tẩy chay như ở một số nơi ở miền Nam người ta treo hẳn biển không tuyển công nhân Nghệ An. Hàn Quốc còn có chính sách không tuyển lao động ở một số huyện thuộc Nghệ An. Muốn khắc phục những điểm yếu đó thì phải qua giao lưu hợp tác thì văn hóa sẽ theo vào, tự ngồi với nhau khắc phục rất khó.

Nghệ An muốn phát triển cần có động lực. Theo ông, động lực phát triển của tỉnh nhà là gì?

Tôi cho rằng động lực của Nghệ An là thành phố Vinh và đô thị hóa để tạo động lực. Đô thị đầu tiên và quan trọng nhất là Vinh, đô thị thứ 2 là Hoàng Mai, đô thị thứ 3 là Thái Hòa. Đô thị hóa là cách để Nghệ An tạo động lực phát triển.

Nhưng nguồn lực đâu để đô thị hóa?

Có cách làm thì sẽ có nguồn lực. Như thành phố Vinh, nếu phát triển dọc sông Lam để kết nối với Nghi Xuân – Hà Tĩnh sẽ trở nên rất đẹp. Nếu quy hoạch đẹp thì bản thân đất ấy đẻ ra tiền, đó là bài học của thành phố Đà Nẵng. Như thành phố Vinh, nếu để trong không gian như hiện nay rất khó phát triển, phải kết nối Cửa Lò với Vinh và phía bên kia là Nghi Xuân – Hà Tĩnh. Cầu Cửa Hội sẽ kết nối Cửa Lò với Nghi Xuân, bên nào cũng đẹp. Nguồn lực là ở đó.

Tôi thường nói với ban lãnh đạo thị xã Hoàng Mai là làm sao người ta kiếm tiền ở Nghi Sơn, nhưng tiêu tiền ở Hoàng Mai. Bởi vì Nghi Sơn ô nhiễm, muốn chất lượng cuộc sống tốt thì kiếm tiền ở Nghi Sơn và Hoàng Mai thu hút người ta đến tiêu tiền bởi chất lượng dịch vụ và môi trường tốt. Mặc dù Hoàng Mai chưa đẹp, tôi nghĩ dọc đền Cờn mà quy hoạch một thành phố biển thì đất sẽ đẻ ra tiền.

Chúng ta cần một tư duy phát triển khác và Nghệ An phải là một tỉnh mở.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phùng Nguyên (thực hiện)

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 11/tháng Ba/2021)