Không phải bút kí hay ghi chép – những thể loại báo chí nghiêng về văn học, ít có yếu tố hư cấu, cần chính xác về phông văn hóa – nhưng truyện ngắn cũng nên là một cẩm nang về văn hóa.
Miền núi bấy lâu vẫn là đề tài mà nhiều nhà văn, nhà báo quan tâm, bởi không chỉ là những miền đất với núi non thác suối hùng vĩ, cuộc sống còn nhiều khó khăn, mà còn bởi những tập tục kì lạ, thú vị nữa. Thế nhưng, người miền núi viết về miền núi đôi khi cũng chưa đi hết được… sự đúng, đừng nói đến chiều sâu văn hóa. Bởi đơn giản không phải là cứ dân tộc này có phong tục nọ thì nó có nghĩa đúng với chính dân tộc đó ở trên khắp các vùng miền. Mỗi nơi một chút thay đổi, thậm chí, cùng một dân tộc, nhưng nơi này có tục đó, nơi khác lại không. Do vậy, nghề viết, trong đó viết về văn hóa cũng là nghề… nguy hiểm, nếu không cẩn trọng tìm hiểu, lại gây ra những lầm lẫn. Tục chọc sàn, tằng cẩu của người Thái ở Tây Bắc dường như là các tập tục dễ gây cảm hứng và… nhầm lẫn nhất của các nhà văn.
Là một biên tập viên mảng sáng tác ở một tờ báo, tôi khá cẩn trọng với các chi tiết trong truyện ngắn có đề cập đến văn hóa của người vùng cao, bởi theo tôi, nhiều khi truyện ngắn cũng như một thiên kí sự truyền tải những nét đẹp về văn hóa tộc người. Người đọc cũng nhiều khi ấn tượng về một vùng đất, con người nào đó thông qua thưởng thức một truyện ngắn. Chẳng hạn như trong truyện ngắn, tiểu thuyết của nhà văn Tô Hoài, Ma Văn Kháng, văn hóa vùng cao được thể hiện rất chân thực, rõ nét và rất đặc sắc. Tôi nghĩ, trong nghề biên tập, miền núi, văn hóa, phong tục của các dân tộc ít người là đề tài mà biên tập viên… hồi hộp nhất, vì chỉ lo nhà văn viết… sai. Lẽ dĩ nhiên, truyện ngắn là thể loại có thể hoàn toàn hư cấu. Nhưng, với truyện ngắn, hư cấu gì thì hư cấu, không nên hư cấu một phong tục có thật, có tính đại diện, đặc trưng của một dân tộc, mà có nhiều tác giả đã vô tình hoặc hồn nhiên đem tục lệ của dân tộc này “cắm” vào dân tộc khác…
Gần đây nhất, tòa soạn của tôi có nhận được hai truyện ngắn. Truyện ngắn thứ nhất nói về tộc người Mông ở vùng cao Tây Bắc. Trong tác phẩm, tác giả có miêu tả một phụ nữ Mông “tằng cẩu”.
Tằng cẩu (tẳng cảu) là tiếng Thái đen, nó có nghĩa là “búi tóc đỉnh đầu”. “Khi một người con gái Thái đen lấy chồng, thì điều thiêng liêng nhất là “tẳng cảu”, đó là một nghi thức đặc biệt trong hôn nhân của người phụ nữ Thái đen ở Tây Bắc, nó thể hiện mối liên hệ chặt chẽ bền sâu của tình vợ chồng, nói lên không chỉ hình thức mà còn tâm đức người con gái đã có chồng” – (theo cụ Lường Văn Chựa, nhà nghiên cứu văn hóa và truyền dạy chữ Thái cổ ở Yên Châu – Sơn La). Vậy, chỉ cần nhìn phụ nữ Thái đen tằng cẩu, là người ta biết cô ấy đã có chồng. Không rõ người Thái ở các nước khác như Lào, Cam Pu Chia, Thái Lan… có tằng cẩu không, song tục này chỉ thấy ở người Thái đen Tây Bắc, người Thái trắng thì không. Thậm chí có lần tôi hỏi chuyện một người phụ nữ Thái đen ở huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An, chị cũng chưa từng nghe nói đến “tằng cẩu”.
Tằng cẩu (tẳng cảu) không phải tiếng Mông. Không rõ người Mông búi tóc cao thì gọi là gì, song hẳn sẽ không phải là tẳng cảu.
Truyện ngắn thứ hai nói về tục chọc sàn. Nội dung truyện kể về một chàng trai người miền xuôi làm công trình xây dựng ở miền núi, phải lòng một cô gái Tày. Để tìm hiểu cô, anh yêu cầu cô tối để anh đến chọc sàn. Cô gái nói tục chọc sàn là ngày xưa thôi, ngày nay có điện thoại thông minh, có zalo kết nối, không cần phải chọc sàn nữa.
Người Tày có tục chọc sàn là một lỗi phông văn hóa cơ bản?
Chọc sàn là một tục của người Thái đen ở Tây Bắc, trong đó có nhóm người Thái đen sống ở Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Sở dĩ nói cụ thể địa phương như thế, vì chính người Thái đen ở Yên Châu – Sơn La lại không biết đến tục này.
Theo nhà văn Kiều Duy Khánh, người sinh ra, lớn lên ở vùng đất Sơn La (nơi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp năm xưa từng dạy học và viết thiên truyện nổi tiếng “Những ngọn gió Hua Tát”) thì người Thái ở Mai Sơn có tục chọc sàn. Nhưng chọc sàn cũng khác nhau. Có nơi, các chàng trai cứ chọc chỗ nào nghi có cô gái nằm, nên mới xảy ra trường hợp chọc nhầm chỗ bố mẹ cô gái và bị đổ nước gạo, nước nóng từ trên sàn xuống người. Người Thái Mai Sơn (một số bản thôi) thì nhà nào có con gái sẽ làm một tấm gỗ vuông dưới chỗ cô gái nằm ngủ. Nên các chàng trai khi đến “chọc sàn” gọi cô gái ra trò chuyện sẽ không bị nhầm và dễ nhận biết nhà nào có con gái.
Tưởng chuyện đến đây là hết, nhưng vì còn băn khoăn, nên tôi đã liên hệ với Lục Mạnh Cường, nhà văn người Tày ở Hà Giang. Lục Mạnh Cường bảo người Tày cũng có tục chọc sàn và tục trèo cột, nhưng một số nơi thôi, không phải đâu cũng có.
Ô, thế hóa ra không đơn giản như bấy lâu người ta vẫn biết qua sách báo, phim ảnh về tục chọc sàn của người Thái, trong khi đó, không rõ có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trên địa bàn sinh sống từ xa xưa hay không, mà tục chọc sàn lại không chỉ có ở người Thái đen, còn có ở người Tày, trong khi nhiều nơi có cộng đồng người Thái đen sinh sống lại không hề nghe nói đến tục này.
Trước đó, tôi nhận được một truyện ngắn của một nhà văn người Kinh viết về người Mông ở vùng cao Tây Bắc. Nhân vật người Mông, không gian văn hóa Mông, nhưng đọc lên lại thấy “rất Kinh”. Tôi bèn nhờ một nhà văn trẻ người Mông ở Tây Bắc đọc giúp, hỏi ý kiến cậu ta về tập tục của người Mông trong truyện ngắn. Nhà văn trẻ đọc xong, trả lời: “Em không thấy có bóng dáng tộc người của mình trong đó. Có lẽ tác giả có tìm hiểu qua, hoặc nghe nói, rồi viết thôi.”
Góp thêm về vấn đề này, nhà văn quân đội Nguyễn Phú đã có nhiều năm công tác ở vùng cao, và con người, phong tục vùng cao vẫn đang là cảm hứng sáng tạo của anh, cho biết: “Ở vùng cao, một số nơi có hiện tượng giao thoa văn hóa. Tuy nhiên, một số nhà văn chưa sống ở vùng cao bao giờ, nên viết hay bị nhầm lẫn, nhất là cách nói, cách so sánh.”
Truyện ngắn là một thể loại văn học đặc biệt thú vị, nó rất đời nhưng lại khác đời, ngoài tính hư cấu, một nhà văn tài năng và giàu vốn sống sẽ biến một truyện ngắn thành một cẩm nang đặc biệt về văn hóa các dân tộc, để người đọc thấu được sự phong phú của tư liệu và thẩm tính đặc sắc của một tác phẩm văn chương.
Phạm Thanh Thúy