Vào một ngày Đông lạnh tê tái, nhưng căn phòng nhỏ trong nhà riêng của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trong con ngõ nhỏ phố Bưởi – Hà Nội trở nên ấm áp khi ông chia sẻ về mẹ, về quê hương xứ Nghệ, về con đường binh nghiệp và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà ông vừa được phong tặng ở tuổi 95…Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói:

“Tôi không thể thực hiện lời hứa với mẹ”
  Tôi sinh ngày 3.2.1926 trong một gia đình bình thường ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, được cha me gom góp cho đi học ở trường Collège de Vinh (Quốc học Vinh). Năm 1944, tôi tốt nghiệp đúng lúc phong trào Việt Minh, phong trào của công nhân Trường Thi, công nhân nhà máy đường sắt Vinh và Nhà máy Điện đang dâng cao. Tháng 4/1945, tôi được giới thiệu vào tổ chức Việt Minh. Tôi được phân công nhiều công tác quan trọng tổ chức giao để khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân và tổ chức xây dựng cuộc sống mới sau Cách mạng Tháng Tám. Năm 1947, tôi được kết nạp Đảng và đến năm 1949 là Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Nghi Lộc. Không bao lâu sau đó thực dân Pháp quay trở lại, cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, rất nhiều thanh niên lên đường nhập ngũ. Tôi đề nghị với đồng chí Bí thư Huyện ủy cho tôi được xung phong ra chiến trường, vì: “Tôi là Bí thư Huyện đoàn thì phải cho tôi đi ra cùng với anh em đánh giặc, không thể Bí thư thì ở đằng sau mà đoàn viên ra phía trước, như vậy còn ai tin”. Đấu tranh mãi tôi mới được tổ chức đồng ý.
Tôi về nhà, xin mẹ đi vào con đường quân ngũ. Mẹ tôi là một người nông dân không biết chữ, nhưng ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước rất cao. Mẹ nói: “Con nhập ngũ, đánh giặc xong thì về với mẹ”.
Tôi đi đánh giặc, đi mãi, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc năm 1954, tôi chưa được về với mẹ vì ngay sau đó lại lên đường chống Mỹ. Giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước năm 1975, tôi cũng chưa được về với mẹ, vì đến tháng Giêng năm 1979, tôi sang chiến trường Campuchia giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot. Đơn vị tôi đang tấn công giải phóng thành phố Phnôm Pênh thì nhận được điện tín của em trai tôi – Nguyễn Quốc Thi – nguyên là Hiệu phó Đại học Sư phạm Vinh. Bức điện có vẻn vẹn 5 chữ: “Anh ơi, mẹ mất rồi”. Tôi lặng người đi. Mẹ mất, nhưng tôi cũng chưa thể về tiễn đưa mẹ, vì sau khi quét sạch diệt chủng Pol Pot, Quân đoàn 3 chúng tôi kéo ra Bắc để đánh quân bành trướng Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc.
10 năm chống Mỹ, từ năm 1965 đến năm 1975, tôi không được một tin tức gì của gia đình, của vợ con và của mẹ. Giải phóng miền Nam rồi, vợ tôi nghe tin tôi còn sống, đánh đường vào Sài Gòn tìm gặp tôi, nhưng mẹ già không thể vào với tôi. Đến lúc tạm yên rồi, năm 1982, tôi mới được về quê để thắp hương cho mẹ. Lúc ấy, mẹ đã nằm ngoài nghĩa trang rồi. Vậy là tôi đã không thể thực hiện lời hứa với mẹ.

Trung tướng, AHLLVTND Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: Nguồn internet

Với chiêm nghiệm ở độ tuổi 95, theo ông những yếu tố nào đã hun đúc nên phẩm chất của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước mà nhiều người biết đến?
Tôi sinh ra từ vùng quê cách mạng, chịu ảnh hưởng của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đi theo con đường binh nghiệp từ khát vọng giành độc lập tự do cho dân tộc. Tôi đã có một hành trình rất dài để thực hiện khát vọng đó, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ rồi chống diệt chủng Pol Pot, chống quân bành trướng Trung Quốc. Sau đó, tôi lại được giao nhiệm vụ chỉ huy Quân đoàn 2 sang Lào giúp nước bạn bảo vệ thành quả cách mạng. Đến năm 1987, đất Lào mới yên, Việt Nam và Lào ký hiệp định, tôi mới được về Quân khu 4. Ra đi khi còn thanh niên, trở về mái đầu đã bạc. Cuộc đời binh nghiệp của tôi gắn bó với chiến trường Tây Nguyên. Trong tôi có dòng máu Xô Viết Nghệ Tĩnh và tinh thần bất khuất của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Hai điều đó hun đúc để tôi trở thành một người quân nhân lập được nhiều chiến công, được Đảng, Nhà nước và quân đội ghi nhận.
“Cả cuộc đời tôi chưa xin gì cả”
Ông vừa được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – một sự kiện rất được mong đợi và được rất nhiều báo chí đưa tin. Nhưng tại sao ở tuổi này ông mới được nhận danh hiệu cao quý này mà không phải sớm hơn?
Tôi ở tuổi 95 được phong Anh hùng Lực lựng vũ trang, chắc là vị tướng già nhất được phong Anh hùng. Nhưng câu chuyện này cũng có nguyên cớ. Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ được phong anh hùng, lúc chiến tranh thường danh hiệu này sẽ dành cho những chiến sĩ chiến đấu dũng cảm trên chiến trường, mình là chỉ huy chỉ lo làm thế nào để giành chiến thắng trên chiến trường. Khi đất nước hòa bình, các anh em ở đơn vị cũ nhiều lần nói rằng theo quy định thì tôi đủ tiêu chuẩn phong Anh hùng, nhưng “Thủ trưởng phải làm đơn đề nghị”. Tôi nói: Tôi đi đánh giặc, sao lại đi xin danh hiệu Anh hùng. Cả cuộc đời tôi chưa xin gì cả, chưa xin một chức vụ gì, chưa xin một đồng nào, chưa xin một miếng đất nào của Nhà nước. Tôi đi đánh giặc, thành tích thế nào Đảng và Nhà nước ghi nhận, sao tôi lại đi xin danh hiệu Anh hùng?
Anh em trong đơn vị cũ cứ thuyết phục tôi mãi, nhưng tôi nhất quyết không làm đơn đề nghị. Phía Tổng cục Chính trị cho biết, nếu Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã mất thì anh em trong đơn vị cũ có thể làm hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng, nhưng tướng Thước còn sống thì theo quy định, tướng Thước phải làm đơn đề nghị. Tôi nói: “Dứt khoát tôi không làm đơn đề nghị”. Thế rồi, việc này kéo dài tới 10 năm. Anh em đơn vị cũ vẫn cứ thường xuyên thúc giục tôi làm đơn, vì thấy tôi xứng đáng, không được phong tặng thì thiệt thòi quá. Tôi nhất quyết không làm đơn. Cuối cùng Tổng cục Chính trị đề nghị: Tôi không cần làm đơn, chỉ cần làm một báo cáo thành tích trong kháng chiến chống Mỹ.
Ở tuổi 95, tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hôm nhận danh hiệu, tôi lên phát biểu: “Người ta thường khi có công thì nói về Đảng, về Nhà nước và Quân đội, tôi xin phép các đồng chí cho tôi trước hết nói về công lao của mẹ tôi. Nếu mẹ không sinh ra và nuôi dạy thì làm gì có tôi để cống hiến cho Tổ quốc”. Tôi hỏi: “Chúng ta 200 anh em ngồi ở đây, có ai không có mẹ không?”. Câu hỏi đó đã làm xúc động tất cả mọi người. Sau khi nói về mẹ, tôi nói về Đảng, về Nhà nước, về Quân đội, về quê hương, nói về chiến trường Tây Nguyên… Tôi nói: “Hôm nay, đến đây, tôi đại diện cho những người lính của tôi đã hy sinh trong các trận đánh. Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là tôi nhận hộ cho họ. Trong danh hiệu đó, tôi góp công phần nhỏ, tôi đại diện để nhận, chứ không phải tất cả danh hiệu này thuộc về tôi. Danh hiệu này thuộc về tập thể, thuộc về Trung đoàn của tôi, đặc biệt là các liệt sĩ không bao giờ trở về”.
Ông đã vào sinh ra tử trên các chiến trường, giờ ôn cố tri tân, ông có điều gì muốn chia sẻ với thế hệ hôm nay về những trải nghiệm của mình?
Kỷ niệm chiến trường thì nhiều lắm nhưng có những trải nghiệm tôi chia sẻ để nhắn gửi với các thế hệ trẻ hôm nay. Chúng tôi vào quân ngũ, trang bị không có gì, chiếc áo còn rách, nhưng dưới ngực áo là trái tim của người thanh niên Việt Nam “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Giữ được tinh thần đó là giữ được truyền thống, cốt cách Việt Nam, để mất cái đó là mất tất cả. Cho nên, trên chiến trường, chúng tôi sẵn sàng hy sinh. Ở chiến trường Tây Nguyên, người ta nói có 3 cái đáng sợ: sợ quân Mỹ, sợ sốt rét ác tính, sợ đói. Chúng tôi không sợ Mỹ, sợ nhất là sốt rét ác tính. Những người lính trẻ, ba tháng đầu không qua được những cơn sốt rét ác tính là chết. Và cùng với đó là những cơn đói dữ dội, triền miên. Có những lúc 15 ngày liền, chúng tôi chỉ ăn rau rừng chờ tiếp tế, xin được ít gạo thì nấu cháo dành cho thương binh, lương thực để nuôi quân chỉ là củ mài, rau rừng, sắn. Trong hoàn cảnh ấy chỉ có sự can trường của người lính mới có thể vượt qua. 10 năm trên chiến trường, chúng tôi không biết tiêu tiền, trong túi không có một đồng bạc. Giờ thời bình, mọi chuyện đã khác, nhưng tôi nghiệm thấy người Việt Nam, lúc gặp nguy nan thì tinh thần quật cường trỗi dậy. Qua thiên tai bão lũ ở miền Trung vừa qua, và qua đại dịch Covid-19, mới thấy rõ điều đó. Đất nước càng tiến lên, càng đặt niềm tin vào thế hệ trẻ. Hoàn cảnh, môi trường có khác, nhưng dòng máu Lạc Hồng chảy trong huyết quản người Việt Nam không bao giờ thay đổi.
Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc đã cận kề. Những ngày này, chắc có nhiều lúc ông nhớ đến những cái Tết ở chiến trường khi mà tiếng súng nổ thay cho tiếng pháo giao thừa, và có những người lính đã hy sinh vào thời khắc năm mới vừa đến?
10 năm ở chiến trường Tây Nguyên cơ bản chúng tôi không có tết. Tết chúng tôi sang lắm cũng chỉ giã sắn làm bánh, luộc lên cùng ăn với nhau. Tôi nhớ cái tết ở chiến trường năm 1975, chuẩn bị tấn công giải phóng Buôn Mê Thuột. Năm đó lần đầu tiên chúng tôi có bánh chưng, thịt hộp, gà. Đó là cái tết hiếm hoi được ăn thịt. Giữa đại ngàn, bên những cành lan rừng chúng tôi chờ đón phút giao thừa thiêng liêng, để rồi sáng năm mới bắt đầu cuộc tổng tấn công. Thường thì những ngày tết, chúng tôi phải đánh giặc. Vì quân Việt Nam Cộng hòa cũng ăn tết nguyên đán nên mất cảnh giác, mình phải lợi dụng thời cơ đó để đánh. Đánh trước và sau tết, như tết Mậu Thân năm 1968, tết năm 1972. Nếu giành chiến thắng, đó thực sự là cái tết của chiến trường, chứ không phải tết của thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng. Tết chiến thắng là vui nhất. Nhưng vào thời khắc tết đến Xuân về, đã có nhiều người lính ngã xuống. Đơn vị của tôi, cho đến khi tôi hoàn thành nhiệm vụ đã có trên 3,4 vạn liệt sĩ. Năm 2018, khi đó tôi đang khỏe, tôi đã đi cùng với đoàn của Ban liên lạc Binh đoàn Tây Nguyên 10 ngày đi 14 nghĩa trang của 4 tỉnh Tây Nguyên thắp hương viếng các liệt sĩ. Giờ tôi mới thấm câu “Mãi mãi tuổi 20”, – những người lính đã hy sinh ở độ tuổi 20 – tôi thường nghĩ về họ, tôi may mắn được sống trở về, để nói về sự hy sinh của họ. Tôi đã 95 tuổi rồi, còn gì nữa đâu, tôi muốn nói về sự hy sinh ấy để hôm nay hiểu thấu hơn cái giá của hòa bình.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước viếng thăm và thắp hương cho các đồng đội.

Phải nói đúng trái tim, nguyện vọng của người dân
Tôi là phóng viên theo dõi nghị trường thời ông đang là Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Nghệ An, chứng kiến những lần đăng đàn phát biểu thẳng thắn, trực diện, có khi gay gắt như dao chém đá của ông. Hồi đó báo chí vẫn lan truyền câu “thành ngữ”  về 4 đại biểu Quốc hội luôn nói thẳng với tinh thần trách nhiệm vì nước vì dân, trong đó ông được “xếp đầu bảng”: “Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” (4 đại biểu đó là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, GS. Nguyễn Ngọc Trân, GS. Nguyễn Lân Dũng; Nhà sử học Dương Trung Quốc). Vì sao ông luôn chọn cho mình một thái độ thẳng thắn quyết liệt không khoan nhượng trên nghị trường?
Có người bảo, sao bác hay nói thẳng trên nghị trường? Tôi nói: Tôi mang dòng máu Xô Viết và rèn luyện ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, 10 năm ở chiến trường Tây Nguyên bất khuất, hai điều đó đã quyện lại hun đúc trong tôi nhân cách luôn đứng về lẽ phải để chiến đấu chống cái xấu. Cho nên, dù trên nghị trường hay khi đã về hưu, tôi vẫn tiếp tục tham gia đấu tranh chống tham nhũng. Tóm lại, tất cả những gì có hại đến dân tộc, đến nhân dân, tôi kiên quyết đấu tranh. Hôm qua, đoàn cựu đại biểu Quốc hội của cả nước đến chúc mừng tôi, anh em nhận định: Tôi có công đầu trong khai phá vai trò của Quốc hội đấu tranh bảo vệ quyền lợi của dân. Tôi cho rằng vấn đề này cũng bình thường, đại biểu Quốc hội đã thấm nhuần được tư tưởng ấy thì ai cũng làm được như vậy. Mình phải nói đúng trái tim, nguyện vọng của người dân, không có một cản trở gì. Và thực tế tôi luôn nói tiếng nói của người dân.
Lần ấy, ông Đỗ Mười lúc ấy là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) có than phiền về tình trạng trên bảo dưới không nghe: “Tôi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mà nói có bộ trưởng không nghe”, Tôi đã đứng lên: “Thưa anh Mười, tôi làm Tư lệnh Quân khu, tôi nói mà các sư trưởng không nghe, tôi đình chỉ chức vụ. Một là tôi nghỉ, hai là đồng chí ấy phải nghỉ. Nếu vì lý do nào đó mà tôi không thể cách chức được các sư trưởng, thì tôi sẽ xin từ chức chứ như thế thì cả hai không thể làm việc với nhau”. Sau đó, ông Đỗ Mười đã gặp tôi vỗ vai và cười.
Trên nghị trường cũng có những điều tôi chất vấn gay gắt nhưng kết quả không như mình mong đợi. Đó là khi làm cảng nước sâu ở Hạ Long, người ta dùng thuốc nổ phá núi và giải trình rằng dùng 2 tấn thuốc nổ không làm ảnh hưởng gì đến môi trường. Tôi nói giữa Quốc hội: “Thưa với các đồng chí, chúng tôi ở trong chiến trường thì sử dụng chất nổ thường xuyên. Một cân thuốc nổ, chúng tôi ném xuống sông lấy được 2 tạ cá cho bộ đội ăn. Bây giờ dùng 2 tấn thuốc nổ mà nói không ảnh hưởng môi trường là thế nào? Trả lời tôi đi”. Im lặng. Cuối cùng thì 2 tấn thuốc nổ cũng đã được dùng để phá núi. Tôi bất lực. Nhưng thời bây giờ đã khác rồi, dân chủ được phát huy, một người phản đối cái sai, vạn người ủng hộ, nên nhiều việc không có lợi cho dân cho nước bị ngăn chặn.
Ông là Đại biểu Quốc hội Nghệ An, về tiếp xúc cử tri ở quê hương mình, làm thế nào ông nghe được tiếng nói của những người dân cần được nói ?
Tôi về một xã ở Nghệ An tiếp xúc cử tri, thấy người dân ở ngoài hội trường rất đông. Tôi hỏi: “Ai ở ngoài mà đông thế?”. Cán bộ nói: “Những người dân này không đủ tiêu chuẩn vào”. Tôi hỏi: “Sao không đủ tiêu chuẩn, phản động à?”. “Không, họ gây rối lắm”. Tôi nói: “Gây rối về vấn đề gì, nếu họ có những bức xúc cần phản ánh thì mời vào”. Khi những người dân vào hội trường, tôi nói: “Tôi là Đại biểu Quốc hội, tôi sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của các bạn, nhưng các bạn phải giữ trật tự, không được lộn xộn. Tôi nói xong, đại diện chính quyền nói xong, các bạn cứ nói, nói khi nào hết thì thôi”. Cuối cùng, tôi đã lắng nghe họ nói hết. Họ rất vui và cảm kích. Khi tiếp xúc cử tri, tôi thích gặp những người dân cần nói được nói như vậy, chứ không phải những người được chuẩn bị sẵn để nói những lời tô vẽ. Tôi thích nói và thích nghe những lời góc cạnh.
Ông có thường xuyên góp ý cho tỉnh nhà và thường xuyên về thăm quê không?
Tôi chọn lọc vấn đề để góp ý với tỉnh nhà. Nói sao để người ta nghe, tiếp thu, giải quyết. Nói chân tình, nghiêm túc, thẳng thắn. Ngày mai tôi về quê. Một năm tôi về quê khoảng 10-12 lần, có tháng về đến 2-3 lần. Tết về, giỗ cha, giỗ mẹ, giỗ ông bà đều về. Nơi mình sinh ra, làm sao mà quên được. Tiêu chuẩn của tôi được vào nghĩa trang Mai Dịch khi qua đời, nhưng tôi đã căn dặn con cháu, đến lúc đó cho tôi về nằm với tổ tiên, với mẹ tôi ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phùng Nguyên (Thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 10/Chào Xuân Tân sửu)