Trong một thời gian ngắn, Quỳnh Lưu phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của người mắc Covid 19. Cùng với thành phố Vinh, Quỳnh Lưu là một trong hai điểm nóng nhất về dịch Covid-19 tại Nghệ An. Thực tế, đã có nhiều mất mát không chỉ về vật chất, bởi đã có những người đã “ngã” xuống, đã hy sinh trong lúc trực chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu.

Vừa làm quyết liệt, khẩn trương, vừa rút ra bài học ngay tức thì, vừa tạo được sự đồng lòng, quyết tâm của người dân, đó là cách làm mà Quỳnh Lưu đã thực hiện trong gần một tháng qua, kể từ ngày 26/7, khi bắt đầu phát hiện 2 ca nhiễm từ Bệnh viện Minh An.

Sống trong “vùng dịch”, chứng kiến bao buồn vui, trong đó có cả mất mát đau thương và những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, nhân dân huyện nhà, Nhà văn – nhà báo Hồ Ngọc Quang đã tự thấy mình “không thể thờ ơ với những biến động quanh mình”. Anh cũng lao vào cuộc chiến đẩy lui dịch bệnh bằng ngòi bút của một công dân, và hơn thế bằng trách nhiệm của một nhà văn – nhà báo đã lớn lên và gần như một đời gắn bó với mảnh đất quê hương Quỳnh Lưu. Thực hiện bài trò chuyện cho Tạp chí Sông Lam, anh mong muốn đem đến câu chuyện thực tế nhất, những chia sẻ chân thành nhất… của những người “hàng tháng ròng không có giấc ngủ ngon” để chúng ta có thể hiểu hơn về một cuộc chiến mà ở đó sự đồng lòng và tình người sẽ làm nên chiến thắng.

QUYẾT LIỆT VÀ ĐỒNG THUẬN

Ông Hoàng Danh Lai – Bí thư Huyện ủy

Sau thành phố Vinh, Quỳnh Lưu là điểm nóng thứ hai của tỉnh về dịch Covid-19. Nhận thức sâu sắc về sự lây lan nguy hiểm của virus Corona, tính cấp bách của tình hình huyện nhà nên ngay lập tức chúng tôi đã quyết liệt thực thi các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Những nơi có tính nguy cấp, có khả năng lây lan nhiều là phải cách ly, phong tỏa ngay; còn toàn huyện thì đồng loạt thực hiện các biện pháp cần thiết. Khi nguy cơ cao có thể xảy ra đối với toàn huyện thì chúng tôi cũng chủ động đề xuất tỉnh cho phép triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thực thi nhiệm vụ cấp bách và nặng nề này trong một hoàn cảnh đặc biệt, gấp gáp, không cho chúng tôi được phép lơ là, được phép nghỉ ngơi. Trong một hoàn cảnh như thế, khó tránh khỏi những sai sót ở đây đó, nhưng tinh thần chung của anh em từ cơ sở đến huyện là làm kiên quyết, quyết liệt. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cả chính quyền và nhân dân cùng đồng lòng thực hiện vì cùng chung một niềm tin: dịch bệnh sẽ chóng qua, mọi người lại cùng được hưởng một cuộc sống bình thường, được lao động sản xuất, được vui chơi đi lại theo nhu cầu, mong muốn.

Bí thư Huyện ủy Hoàng Danh Lai kiểm tra các chốt. Ảnh: Thanh Toàn

Sở dĩ Quỳnh Lưu trở thành điểm nóng thứ hai của tỉnh về dịch bệnh Covid-19, là bởi huyện có nhiều đặc thù rất dễ lây lan dịch bệnh. Nhận rõ đặc điểm này cũng là một gợi ý cho chúng tôi khi triển khai các biện pháp phòng chống, và chủ động hơn với mọi tình huống huống diễn ra.

Thứ nhất, Quỳnh Lưu là nơi sản xuất hàng hóa nhiều. Sản xuất nhiều thì tất yếu người dân sẽ đi tiêu thụ ở nhiều nơi, trong đó có những “điểm nóng” như chợ đầu mối. Quỳnh Lưu cũng “dính” nhiều trường hợp do thường xuyên bán/mua hàng ở chợ này.

Thứ hai, địa hình Quỳnh Lưu nằm dọc theo quốc lộ 1A, có hàng ngàn lượt xe cơ giới qua lại mỗi ngày, từ vùng dịch phía Nam ra, phía Bắc vào. Trường hợp điểm dịch bệnh ở Bệnh viện đa khoa Minh An, gây ra 85 ca liên quan trên địa bàn ban đầu cũng xuất phát từ tài xế lái xe đường dài bị nhiễm bệnh rồi lây sang nhân viên y tế.

Thứ ba, huyện Quỳnh Lưu có số người đi lao động tự do và lao động tại các công ty ở ngoại tỉnh rất đông, lên đến hàng nghìn người, trong đó hầu hết ở các tỉnh phía Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh; phía Bắc thì tập trung ở Thủ đô Hà Nội. Đây đều là những địa phương tụ hội đông người và đã xảy ra nhiều đợt dịch. Gần đây, rất nhiều người từ các vùng dịch này trở về quê Quỳnh Lưu. Như ở xã Quỳnh Giang, một điểm nóng của huyện, hiện ở xã đang cách ly gần 150 người vì có liên quan đến Bệnh viện Minh An và 10 người từ vùng có dịch trở về. Hiện nay, cũng đang có hàng chục người đăng ký trở về quê Quỳnh Giang.

Thứ tư, cái này thì huyện nào cũng có nhưng tôi nghĩ, người Quỳnh Lưu với bản lĩnh cương cường, lại là vùng sản xuất hàng hóa lớn, mạnh, dễ mắc hơn. Ấy là bản tính chủ quan, khinh thường bệnh tật, lại “tham công tiếc việc”. Mặt khác Quỳnh Lưu cũng là địa phương có nhiều tôn giáo, việc chấp hành lệnh cấm tập trung đông người, cấm đi lại giữa các vùng để sản xuất, buôn bán và ngay cả những quy định thông thường trong sinh hoạt, khai báo y tế, đưa tin trên mạng xã hội, v.v… cũng không dễ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nếu như chúng ta không có những cách làm linh hoạt, kịp thời nhưng đồng thời phải quyết liệt.

Ông Nguyễn Văn Thưởng – Thường vụ Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện

Quỳnh Lưu đã sớm ổn định được tình hình, không để dịch tiếp tục lây lan ra diện rộng là bởi huyện nhà đã ngay lập tức triển khai quyết liệt nhiều biện pháp “mạnh”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Thưởng đi kiểm tra các khu cách ly trên địa bàn huyện. Ảnh: Thanh Toàn

Thứ nhất là phản ứng nhanh. Ngày 27/7, phát hiện hai ca nhiễm virut Sars-CoV-2 ở Bệnh viện đa khoa Minh An, lập tức phong tỏa bệnh viện “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Cuộc họp khẩn trực tuyến với cán bộ lãnh đạo xã, thị trấn được tổ chức ngay. Liền tiếp đó huyện cũng đề xuất cách ly hai xã, trong đó có xã Quỳnh Lâm, là một tụ điểm nguy hiểm không kém điểm dịch Bệnh viện Minh An. Lúc này Quỳnh Lưu có 14 ca dương tính trong tổng số 191 ca toàn tỉnh (sau thành phố Vinh: 90 ca).

Nhận thấy tình hình có thể diễn biến phức tạp, ba ngày sau, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện đã báo cáo và đề nghị lên Ban chỉ đạo của Tỉnh để thực hiện giãn cách xã hội toàn huyện theo Chỉ thị 16. 0h ngày 31 tháng 7, Chỉ thị 16 bắt đầu được thực hiện. Dù đã phản ứng nhanh, nhưng, chỉ dăm ngày sau toàn huyện đã tăng lên thành 83 ca dương tính tại 12 xã, thị trấn. Trong đó 9 ca vãng lai, 3 ca của đợt dịch trước, 1 ca từ miền Nam trở về và 70 ca liên quan đến điểm dịch Bệnh viện Minh An. Thử hình dung, nếu không phong tỏa ngay lập tức Bệnh viện Minh An và triển khai Chỉ thị 16 trên toàn huyện ngay sau ít hôm, tình hình lây nhiễm sẽ như thế nào.

Có thể nói, để làm được nhanh, mạnh, quyết liệt, không gặp những lúng túng, ngoài sự chủ động, cương quyết của lãnh đạo huyện, ban phòng chống dịch của huyện thì có sự đồng thuận vô cùng quý giá của nhân dân. Bà con không chỉ chấp hành các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh mà còn góp sức, góp của, xung phong tham gia vào đội ngũ trực tiếp thi hành. Giữa mùa Hè chang chang nắng gió mà các chốt trực kiểm soát vẫn hoạt động bình thường suốt ngày đêm. Chỉ trong mấy ngày, toàn huyện đã thành lập được 85 khu cách ly tập trung với số lượng gần 1.600 người; 350 dân quân tự vệ tham gia trực các điểm chốt. Ban Chỉ huy quân sự huyện còn xây dựng được 5 khu vệ sinh, 63 phòng ở tại 3 điểm nóng Quỳnh Lâm, Quỳnh Giang và An Hòa. Lực lượng hậu cần cũng rất kịp thời. Tại các khu tập trung, các đoàn thể cùng các tổ chức Mặt trận đã cung ứng khá đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm để bà con yên tâm cách ly.

Việc phản ứng nhanh, quyết liệt còn thể hiện ở một khía cạnh khác, rất khó khăn vì động chạm đến con người, nhưng lãnh đạo huyện đã làm rất kiên quyết – đó là kỷ luật nghiêm những người đứng đầu bộ máy chính quyền thực hiện chưa tròn chức trách nhiệm vụ. Có thể nói, Quỳnh Lưu là huyện đầu tiên trong cả tỉnh đã quyết định tạm đình chỉ công tác cán bộ là chủ tịch xã (xã Quỳnh Lâm). Mặc dù, việc quản lý địa bàn này có nhiều khó khăn do địa bàn rộng, lại có nhiều đối tượng cách ly, một bộ phận người dân nhận thức còn hạn chế. Ngay chính người lái xe vi phạm Luật Phòng chống dịch bệnh cũng xuất phát từ nhận thức kém, thiếu hiểu biết về dịch Covid-19 và việc phòng chống. Lãnh đạo huyện rất cảm thông với anh em ở xã nhưng kỷ cương phép nước thì phải giữ nghiêm, không thể châm chước. Làm nghiêm để rút bài học chung. Sau vụ này, những người đứng đầu bộ máy chính quyền cấp xã, thị trấn rút kinh nghiệm, lo lắng, tận tụy hơn với công việc. Bộ máy chống dịch từ trên xuống dưới vận hành trơn tru, hiệu quả, nhanh gọn, triệt để hơn nhiều. Người dân cũng thấy việc phòng chống dịch Covid-19 thực sự quan trọng, nguy cấp, nên ý thức chấp hành nghiêm chỉnh hơn.

Ông Hồ Văn Thanh – Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy

Trong quá trình triển khai phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Quỳnh Lưu, nhất là thời gian đầu không thiếu những đối tượng, lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp cố tình tạo nên dư luận xấu trong xã hội, gây mất niềm tin trong nhân dân. Những kẻ này đã lợi dụng công cuộc phòng chống dịch vất vả, tốn kém, ít nhiều người dân phải đóng góp cho việc phòng chống dịch bệnh; phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt, khắt khe có tính bắt buộc như ngăn cấm, xử phạt và tạm thời gián đoạn hoạt động sản xuất, gây khó khăn đến đời sống kinh tế của người dân để vu khống, xuyên tạc, kích động. Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã kịp thời bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình và có những định hướng cho công tác tuyên truyền. Hoạt động truyền thông, vì vậy, cơ bản vừa đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác diễn biến tình hình dịch, vừa định hướng dư luận hiểu đúng và đồng lòng cùng chính quyền thực hiện các quy định phòng chống dịch, dù ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, kể cả sinh hoạt tín ngưỡng và sản xuất của người dân. Chúng tôi cũng thường xuyên sát cánh cùng đội ngũ làm công tác truyền thông: báo chí, cán bộ văn hóa, cán bộ khối xóm điều hành loa truyền thanh cơ sở… Có thể nói, chưa bao giờ hệ thống thông tin đại chúng và cả tuyên truyền miệng, trên địa bàn, lại hoạt động hết công suất và phối hợp nhịp nhàng như vậy. Các chủ trương, hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh được cập nhật đầy đủ. Các thông tin về dịch bệnh được công khai, minh bạch. Lòng dân được yên, vì họ có niềm tin vào chính quyền, vào cách làm của chính quyền và đã nhìn thấy những hiệu quả của việc điều hành thực thi từ bộ máy chính quyền. Tất cả là vì dân, vì bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Chính quyền và nhân dân cùng đồng cam chịu khổ trong thời gian trước mắt để không phải chịu mất mát, hy sinh nhiều hơn cả về kinh tế, sức khỏe và tính mạng con người.

Công an huyện xử lý các trường hợp vi phạm quy địch về phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian huyện thực hiện cánh ly xã hội. Ảnh: Thanh Toàn

Ông Hồ Bảo Thông – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi

Xưa nay trong ngành y đều nêu phương châm, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chúng tôi trong cấp ủy và chính quyền, luôn nhắc nhủ nhau phải phòng dịch hơn chống dịch. Xã nhà Quỳnh Đôi, là một địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nhất, nhì trong vùng. Vì con em Quỳnh Đôi có mặt khắp mọi miền đất nước, nhất là ở hai trung tâm có dịch nặng: Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài ra, còn nhiều con em lao động tại các công ty ở Bắc Giang, Bình Dương, Đà Nẵng… Vấn đề là phải nắm chắc số người ở xa, thường hay về quê trong những ngày nghỉ, ngày lễ hay giỗ chạp, tang khó, hoặc khó khăn về kinh tế nên ào ạt trở về quê như mấy ngày gần đây. Chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, để họ, chính là người vận động, khuyên bảo người nhà chịu khó khắc phục khó khăn ở lại nơi công tác tại các tỉnh, thành, trong những ngày căng thẳng, nhạy cảm này…

Trên địa bàn xã thì tập trung tuyên truyền về sự nguy hiểm của đại dịch và cách phòng chống hiệu quả. Không quá lo lắng dẫn đến hoang mang, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là. Người dân cũng được thường xuyên khuyến cáo về cách phòng tránh; được nhắc nhở kịp thời về những vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh; chính quyền sẽ xử phạt bất cứ người nào vi phạm, không có sự nể nang, châm chước. Chúng tôi khơi gợi niềm tự hào: Với truyền thống văn hóa của một vùng quê được công nhận là nông thôn mới kiểu mẫu, chúng ta phải là đơn vị làm gương. Bằng cách đó, có thể nói là tất cả các cá nhân và tập thể đều gương mẫu chấp hành. Nhờ đó, mỗi người dân như là một thành viên ban chỉ đạo phòng chống Covid-19. Có những trường hợp khả nghi, người dân là người giám sát, nhắc nhở họ khai báo ngay với cơ sở y tế. Mọi quy định đều đã được dân đồng lòng thực hiện. Chính người dân đã giúp chúng tôi tạo nên những kết quả tốt đẹp hôm nay.

NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG

Thượng tá Tạ Đình Tuấn – Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Quỳnh Lưu

Cán bộ chiến sĩ của Huyện đội, Công an huyện và dân quân địa phương vùng dịch cũng như vùng lân cận, đều có tinh thần phục vụ cao. Họ quên ăn, quên ngủ bám sát các điểm chốt, giữ nguyên tắc, hoàn thành nhiệm vụ. Họ là những lực lượng xung kích bảo vệ các khu cách ly tập trung và phối hợp với công an xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm, hoặc chống đối kỷ cương trong việc phòng chống dịch Covid-19, như: vẫn hoạt động những hàng quán không kinh doanh mặt hàng thiết, vẫn tụ tập đông người, không đeo khẩu trang, không khai báo y tế…

Lực lượng công an thường xuyên tuần tra, kiểm soát việc người dân ra đường đúng quy định trong thời gian huyện nhà thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16. Ảnh: Thanh Toàn

Điều đau buồn nhất, là trong cuộc chiến này, chúng ta đã phải chịu những mất mát, hy sinh. Đã có một đồng chí công an hy sinh trên địa bàn xã Quỳnh Văn. Đó là anh Nguyễn Văn Chiến. Cũng như nhiều đồng chí khác, trong thời gian chống dịch các anh đều phải bám địa bàn, nhất là những điểm nóng. Quỳnh Văn là một điểm nóng, phải thực hiện cách ly đầu tiên trên địa bàn huyện. Đồng chí Chiến được tăng cường về đây. Tôi nhớ in, hôm ấy là ngày mồng 6 tháng 8, trời tối, đang làm nhiệm vụ, đồng chí Chiến bị một chiếc xe tải gây tai nạn, tài xế bỏ trốn. Bà con và các đồng đội, mấy chị em bên y tế đã kịp thời đưa đồng chí vào bệnh viện cấp cứu. Nhưng vết thương quá nặng, đồng chí Chiến đã từ trần. Gia cảnh đồng chí Chiến cũng rất khó khăn: Mẹ làm ruộng nuôi 4 em ăn học. Bố đi làm thêm, phụ hồ ở miền Nam. Hôm nghe tin đồng chí Chiến hy sinh, ông cũng không thể về vĩnh biệt con vì trong kia cũng như ở huyện nhà đều đang thực hiện cách ly nghiêm ngặt.

Ông Hồ Thế Thành – Trưởng phòng Y tế huyện

Từ ngày 26/7 đến nay (tức 11/8) Quỳnh Lưu đã phát hiện 106 ca mắc Covid 19, trải rộng trên 13 xã, thị. Con số ấy là đáng quan tâm, vì nhiều hơn cả thành phố Vinh (tính đến thời điểm này) – nơi tập trung đông người và trước đó, thành phố có số người nhiễm lớn hơn huyện Quỳnh Lưu nhiều lần. Huyện nhà đồng thời phải lo các điều kiện và tổ chức cách ly tập trung cho một số lượng rất lớn F1 với trên 1.500 trường hợp và hơn 5.500 trường hợp F2 cách ly tại nhà; xét nghiệm đến hơn 19.000 mẫu. Đó là những công việc, những áp lực vô cùng lớn đối với lực lượng phòng chống dịch bệnh trong toàn huyện, nhất là đội ngũ y, bác sỹ. Trong đợt chống dịch này, tinh thần của các y, bác sĩ, nhân viên y tế trên địa bàn huyện, rất cao. Họ làm việc suốt ngày đêm, nhà gần bệnh viện hay gần khu cách ly anh chị em cũng không về ăn cơm chung với gia đình. Nhiều trường hợp con nhỏ chị em phải gửi về bên ngoại để công tác qua đêm. Không hiếm những trường hợp y, bác sỹ kiệt sức, ngất bên giường bệnh phải trợ sức cấp cứu… Và có lẽ, chưa có bao giờ, mà việc được trở về nhà, ngủ một giấc bình yên, được duỗi thẳng người trên giường, ăn chung với gia đình bữa cơm đạm bạc, được ôm hôn con nhỏ, được mỉm cười và ca hát mà không bị che chắn bởi khẩu trang và đồ bảo hộ… lại trở thành giấc mơ, thành niềm khao khát lớn đến vậy đối với những thầy thuốc tuyến đầu. Những hy sinh thầm lặng ấy, chúng ta hiểu, biết, nhưng không thể gánh vác thay họ. Chúng ta chỉ có thể giúp lực lực lượng tuyến đầu bằng việc đồng lòng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch để cuộc sống bình an sẽ sớm trở lại trong những ngày gần nhất.

SÁNG DẬY TÌNH NGƯỜI

Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức và người dân Quỳnh Lưu chung tay hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 và người dân trong các điểm cách ly tập trung. Ảnh: CTV

Bà Phạm Thị Hải Yến – Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Lưu

Trong “cuộc chiến” này, chúng tôi đã nhận được sự đồng lòng hưởng ứng rất lớn từ mọi tầng lớp nhân dân. Đúng là “qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. Sau lời kêu gọi ủng hộ quỹ phòng chống dịch bệnh Covid-19, người dân đã tích cực tham gia bằng đủ mọi hình thức. Người góp tiền, góp hiện vật, người trực tiếp xung phong tham gia vào các lực lượng phòng chống dịch tại cơ sở, Chúng tôi rất cảm động khi được nhân dân tin tưởng, sẵn sàng cùng đồng hành với MTTQ trong vận động, ủng hộ, làm hậu phương để tuyến đầu chống dịch an tâm.
Có những lúc MTTQ lên fb cần cái gì, họ đăng ký ủng hộ ngay, từ nhu yếu phẩm đến nhân lực. Có người chủ động gọi điện cho tổ chức Mặt trận xin được ủng hộ, xin được giúp đỡ…

Tính đến ngày 11/8, Mặt trận huyện đã quyên góp được gần 13 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt là 7,402 tỷ đồng. Điều mừng là, tại các xã, thị trấn, các đoàn thể đã vận động bà con góp được 3, 281 tỷ đồng tiền mặt. (Khi đón nhận những thông tin này, cá nhân tác giả trực tiếp được chứng kiến ông Đặng Ngọc Thọ, Giám đốc Bảo hiểm huyện đang đưa 310 suất cơm do cán bộ công nhân viên trong đơn vị đóng góp – đến chia sẻ với những người đang cách ly tại Bệnh viện Minh An).

Bà Trần Thị Hà – Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện

Không chỉ chị em ở Huyện hội mà các cán bộ chuyên trách của Hội Phụ nữ cơ sở thường xuyên có mặt tại những “điểm nóng”. Chị em đã hỗ trợ ngày công, hỗ trợ vật chất từ cọng rau, con cá, quả trứng, con tôm… gom góp chuẩn bị suất ăn cho lực lượng tuyến đầu và những người đang phải cách ly. Tự động viên nhau: có bận rộn thêm chút ít, nhưng còn được hít thở không gian thoải mái, yên lành hơn những người đang phải hàng ngày “cắm chốt” và bà con trong diện cách ly đang chịu những áp lực về tâm lý. Nhiều chị tuổi đã cao vẫn xung phong thường xuyên có mặt tại các chốt trực giữa nắng hè thiêu đốt. Ngay sau khi phát động “chống dịch như chống giặc” Hội LHPN huyện đã quyên góp được 3 tạ gạo trị giá hơn 5 triệu đồng để bổ sung vào các suất ăn cho người cách ly. Tổng kết đợt 1, các cơ sở hội đã ủng hộ lương thực, thực phẩm, trị giá 928 triệu đồng (trong đó tiền mặt 242 triệu đồng và 480 ngày công). Nhiều đơn vị thực hiện rất tốt như Quỳnh Hậu, Quỳnh Thạch, Tiến Thủy, Quỳnh Tân, Cầu Giát, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Đôi… Bước sang đợt 2 với tinh thần “Mỗi hội viên, phụ nữ là một chiến sỹ” nhất là từ khi triển khai Chương trình “Cơm ấm – Niềm tin” đến nay, cán bộ, hội viên phụ nữ và các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện thông qua tổ chức Hội các cấp đã hỗ trợ và đảm nhận chuẩn bị trên 55.000 suất cơm với tổng trị giá trên 2,2 tỷ đồng.

BCĐ phòng chống dịch Covid-19 huyện kiểm tra điểm cách ly tập trung tại Trường mầm non xã An Hòa. Ảnh: Thanh Toàn

Bà Bùi Thị Hường – Phó Chủ tịch Ủy ban xã Quỳnh Lâm

Tình hình dịch bệnh tại địa bàn xã Quỳnh Lâm khá phức tạp. Hiện xã đang có số người mắc Covid-19 nhiều nhất huyện (trên 30 người). Ngoài ra còn có trên 200 người thuộc diện F1 đang cách ly y tế tại 9 điểm tập trung; chưa kể nguy cơ tiềm ẩn ở 20 người từ thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương đăng ký về quê. Nhưng cũng thật mừng là, tinh thần chống dịch của bà con hiện nay rất cao. Người cân gạo, mớ rau… đem đến góp cho các bếp ăn tập trung. Đúng là trong gian nan, tình người mới thực sáng tỏ, mới biết dân mình đoàn kết, yêu thương đến nhường bao. Tại các điểm tiếp nhận, chúng tôi chứng kiến nhiều nghĩa cử thật bình dị mà cao đẹp: Có cụ bà lặn lội mang tới nguyên ổ trứng gà mẹ đang ấp để góp phần ăn cho những người chống dịch. Những nghĩa cử ấy của bà con là động lực vô cùng lớn đối với chúng tôi. Điều này là minh chứng sinh động nhất về việc bà con đã hiểu rõ sự nguy hiểm dịch Covid-19; nhận thức về phòng chống dịch đã được nâng cao; người dân đã đồng lòng, đồng tình hưởng ứng công cuộc phòng chống dịch của chính quyền; và chính ngươi dân sẽ lan tỏa nhân lên những việc làm đầy tình người trong cộng đồng… Cán bộ từ xóm đến xã bây giờ cũng hoạt động đều tay và nghiêm túc lắm. Nhiều đồng chí gác lại việc nhà, đồng áng, quyết không rời nhiệm vụ. Là một lãnh đạo tại địa phương, tôi biết ơn rất nhiều tinh thần trách nhiệm ấy của bà con, của anh em cán bộ.

Hiện nay chúng tôi đang tập trung chuẩn bị cho việc cách ly tập trung đón các con em trong xã đi làm ăn xa trở về. Chúng tôi đã bố trí ở Trường tiểu học Quỳnh Lâm B. Nói chung, đến giờ phút này đã có thể an tâm được.

Ông Đặng Ngọc Minh – Huyện ủy viên, Bí thư Huyện Đoàn

Các đoàn viên thanh niên huyện nhà trong những ngày này đã thực sự là một lực lượng thường xuyên, xung kích trên mặt trận phòng chống dịch. Các bạn trẻ đã bằng sức trẻ, lòng nhiệt huyết bám việc, bám cơ sở. Ngoài những hoạt động tuyên truyền và xung phong canh giữ các điểm chốt, các đoàn viên thanh niên còn tham gia đi đầu trong quyên góp vật chất ủng hộ các khu tập trung cách ly và những hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Đến ngày 10/8, tổ chức Đoàn đã trao tặng một nghìn khẩu trang y tế, hơn 11 nghìn chai nước sát khuẩn và điều chế 20 lít dung dịch sát khuẩn khác dùng cho nơi tập trung đông người; Hỗ trợ hàng chục suất quà cho những trẻ em bị ảnh hưởng dịch bệnh…

Qua đợt xung kích, chúng tôi được tham gia trực tiếp phòng chống dịch, được tận mắt chứng kiến những sự vất vả, khó khăn của cả chính quyền và người dân trước sự tấn công của dịch bệnh; trải nghiệm về những giá trị sống được làm nên bởi những con người rất cụ thể, rất bình dị thường ngày nhưng trong những giờ khắc đặc biệt này đã có những việc làm đầy nhân văn mà không phải tất cả mọi người đều làm được… Tôi cho rằng, dịch bệnh khiến cho chúng ta phải lao đao, phải khốn khó trăm bề, nhưng từ thực tiễn sinh động ấy đã cho các bạn trẻ chúng tôi thấm hơn, ngấm hơn về những giá trị sống địch thực mà lâu nay ít nhiều nó đã bị hiểu sai lệch, bị làm cho méo mó bởi lối sống quá thực dụng, vị kỷ. Tôi tin rằng, những gì mà chúng tôi được trải nghiệm hôm nay, sẽ đọng lại, sẽ giúp những người trẻ chúng tôi định hướng lại nhận thức và cách sống. Lối sống “vì mình”, quá đề cao cái tôi như lâu nay sẽ dần thay vào đó là tinh thần sống vì cộng đồng nhiều hơn, biết quan tâm đến mọi người nhiều hơn; yêu quý, trân trọng gia đình mình hơn. Tôi tin, lớp trẻ sẽ biết trân quý hơn những gì đang có; biết yêu và chăm lo xây dựng quê hương bản quán của mình. Rồi nhiều người trẻ sau những ngày đáng nhớ này sẽ có những quyết định mới mẻ nhưng đầy quyết tâm cho tương lai của mình: ở lại, bám trụ và làm giàu ngay chính trên quê hương.

Trong cái khó, có niềm tin ta sẽ có lời giải cho bài toán.

Hơn ai hết tuổi trẻ chúng tôi tin rằng, với sự đồng lòng của chính quyền và người dân, Quỳnh Lưu sẽ sớm ổn định tình hình, dịch bệnh sẽ không còn hoành hành, không còn là nỗi ám ảnh thường trực với đời sống người dân.

Khi ta có niềm tin, niềm tin sẽ cho ta mọi thứ!

Hồ Ngọc Quang (Thực hiện)