Bấc về theo Chạp, gió mang hơi tết ngang qua từng góc phố, Sài Gòn hối hả cho những chuyến ngược xuôi. Đêm tan ca muộn, Nhàn ngồi phía sau Mãnh, tiết trời những ngày cuối năm cứ se se lòng. Rời phố xá ồn ào náo nhiệt, chọn cho mình mé sông bên kia dòng Thủ Thiêm, cả hai ngồi nhìn sóng nước mênh mang.

   Mười năm bôn ba xa xứ người lập thân tại mảnh đất phồn hoa này, cứ mỗi bận tết về là Nhàn nhấp nhỏm lòng dạ. Có lần Mãnh bảo, về chi xứ đó, có còn ai đâu? Buồn nào rồi cũng sẽ qua. Cuộc đời này chẳng ai có thể sống mãi với mớ kí ức đau thương xa xót. Nhàn nhìn đi, người ta cứ hay mua mấy cây bông hướng dương về để hai bên nhà những ngày tết, Nhàn biết sao không? Là mong cầu cho một năm mới luôn nhìn về phía mặt trời mà đi.

Nhàn để im bàn tay mình trong tay Mãnh, gió dậy từ dòng Thủ Thiêm nghe bát ngát mùi cỏ lau. Ờ thì, cỏ nát rồi cỏ cũng sinh sôi, bao bận mưa gió nắng nôi, cũng đâu thể làm cỏ lụi tàn.

                                                                ***

Bố mẹ chia tay năm Mãnh chỉ tròn bảy tháng tuổi. Mãnh ở với nội, tắm nước sông Bùng mà gột rửa cái xì xầm thiên hạ để lớn khôn. Đám bạn bè chẳng mấy ai chơi chung, cứ vậy mà Mãnh lững thững lên Mộ Dạ thì thầm với đá với cây. Khi mặt trời bắt đầu khuất dần mấy ngọn thông, Mãnh mới chịu về. Nhiều lần nội cứ bảo Mãnh, để bụng để dạ chi lời thiên hạ, mình đâu có ba đầu sáu tay, miệng mang quai xách mà chày cối với người ta. Mãnh đâu cần là ai, Mãnh chỉ cần là cháu của nội mà thôi! Mãnh lùa cơm vào miệng, mắt rươm rướm.

Mãnh thương nội, như thể đám chim muông thương Đền Cuông, dù bay đi đâu kiếm ăn thì chiều tà vẫn quay về làm tổ trên mái vòm của đền. Đám chim hay quá thể, nó nhỏ ri à, mà nhớ dai kinh khủng. Vậy mà bố mẹ bao năm rồi chẳng về. Bố mẹ không nhớ đường về, hay bố mẹ không nhớ con? Bố mẹ thua con chim. Mãnh nói rồi lặng lẽ đi dọc triền sông Bùng. Đổ chiều thẫm tím. Xao xác tiếng ang ác của mấy con chim. Tiếng thở dài của nội trượt lên ngọn gió lan khắp mặt sông Bùng.

                                                                  ***

Nhàn bảo năm nay ảnh hưởng của dịch nhiều quá, công ty cắt thưởng tháng thứ mười ba như mọi năm, thành ra chỉ có tiền lương với một ít gọi là tiền hỗ trợ cho công nhân ở xa về quê ăn tết. Mà cái tết năm nay của Nhàn, chắc kéo dài cả tháng. Công ty có thông báo nghỉ tết xong khi nào có hàng thì công ty sẽ gọi vào làm lại. Ngành may xuất khẩu năm rồi là cầm chừng thoi thóp. Ngay cả cái xưởng của Nhàn cũng nghỉ gần như phân nửa. Dăm ba đứa thất nghiệp về quê từ hồi giữa năm. Mấy đứa khác ráng ra ngoài xin việc thì cũng chẳng nơi nào nhận. Nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều công ty đóng cửa, nhiều mặt bằng bị trả.

Tranh minh họa: Hoàng Hải Thọ

Nhiều lắm những tin nhắn của bạn bè chào nhau về hẳn ở quê. Họa hoằn lắm thì mấy anh đàn ông cố trụ lại ở Sài Gòn bằng cái nghề tài xế xe ôm công nghệ. Đóng tiền để bật app cũng đâu có rẻ, thêm tiền mua đồng phục, chi phí hai mươi lăm phần trăm cho một cuốc xe, lại thêm vừa rồi bị trừ mười phần trăm cho thuế cá nhân. Ngày nào hên hên thì chạy được hai ba trăm. Ngày nào vắng khách đi, thì chỉ có ngoài một trăm hơn à. Sống bằng mì gói hay bánh mì, hoặc mấy cái quán cơm hai ngàn từ thiện của Sài Gòn.

                                                                ***

Bố mỗi năm cũng chỉ về thăm nhà một lần, bố có gia đình riêng rồi lập nghiệp trên núi rừng Gia Lai. Hai đứa con sau của bố cũng vài lần về thăm nội thăm anh. Bố thỉnh thoảng gọi điện cho Mãnh, dặn Mãnh bố đã bất hiếu với nội, thì coi như bố nợ Mãnh một cuộc đời, Mãnh gần kề trả hiếu cho bố. Nếu có còn kiếp sau, bao nhiêu nợ nần bố trả lại hết cho Mãnh. Tuổi trẻ của bố, sai quấy quá rồi con à! Bố chẳng thương mẹ nhưng trót một lần lỡ dại. Bố lại sợ mà chạy trốn mất tiêu khi con mới tròn bảy tháng. Cuộc sống lúc đó nghèo túng trăm lần.

Mãnh dạ nhẹ tênh. Bố thì là bố, không lẽ giờ Mãnh gào rống cho bố nghe thiên hạ nói mình con hoang nhục nhã ra sao? Không lẽ Mãnh chì chiết bố bạn bè chọc ghẹo ức hiếp mình chẳng có ai đứng ra can ngăn bênh vực? Bố có bị như Mãnh đâu mà bố hiểu. Mấy cái vết xước tâm hồn đó Mãnh gởi lại núi rừng Mộ Dạ rồi. Vậy nên, bố cứ lo cho gia đình nhỏ của mình. Rảnh lúc nào thì về thăm nội lúc đó, người già như ngọn heo may. Bố phải mừng, vì bố còn có mẹ. Hình như lúc Mãnh nói câu này. Đầu dây bên kia, Mãnh nghe tiếng khóc.

                                                                 ***

Mãnh gặp Nhàn hơn ba năm trước, trong một lần đến công ty may nơi Nhàn làm việc sửa hệ thống máy lạnh công nghiệp. Lúc giữa ca đang ngồi nghỉ ngơi nơi cuối xưởng may thì Mãnh thấy một cô gái lảo đảo đi ra phía sau gần dãy nhà vệ sinh để rửa mặt. Dáng điệu mệt mỏi và xanh xao. Vài bước chân xiên vẹo và ngã gục. Nhanh như cắt, Mãnh chạy lại đỡ. Tiếng la lối ồn ào sau đó vang cả xưởng.

Công nhân bu đông đen xì xào. Con nhỏ đó mấy nay làm đúp ca, lại ăn uống kiêng khem, chắc kiệt sức suy nhược cơ thể rồi. Nhà nó khổ thấy mồ. Ngoại nó đang chạy thận ở bệnh viện, mới tuần rồi, chịu hổng thấu, bệnh viện trả về được hai ba ngày là mất. Nghe đâu mượn nợ làm đám tang. Nó cắm cúi làm từ sáng đến tối, kiếm tiền trả nợ. Sức đâu chịu nổi.

Ủa ba má nó đâu? Nó dân miền Tây phải không? Ờ, dân Nha Mân, Đồng Tháp. Nghe đâu ba má nó chết hồi còn nhỏ xíu. Ba nó sáng xỉn chiều say lo mần ăn gì đâu, cá độ đá gà bao nhiêu tiền của hết trơn. Có bận về đòi tiền má nó, cãi qua cãi lại ổng đốt nhà, má nó chạy hổng kịp nghe đâu phỏng nặng rồi chết trong bệnh viện. Người ta chưa kịp bắt thì ba nó uống thuốc rầy tự tử. Nó từ trường chạy về thấy nhà tan hoang. Hình như lúc còn nhỏ xíu chín mười tuổi gì đó à!

Hên có cái anh sửa máy lạnh này nè, chứ đỡ mà không kịp, cái đầu nó đập xuống đất, hổng chết cũng ngồi một chỗ nhe răng cười suốt. Mãnh đứng gần nghe trộm, buông tiếng thở theo mấy vòng khói thuốc bay cao.

Đâu chừng ngót tuần sau, Nhàn cùng vài cô bạn tìm đến phòng trọ nơi Mãnh đang ở, cầm bịch trái cây trên tay, Nhàn lí nhí nói lời cám ơn. Mãnh như bị cuốn vào đôi mắt ướt nước, đen sâu thăm thẳm, buồn dịu vợi. Dường như cả phận mình, Nhàn thu gọn về đôi mắt. Mãnh tiễn Nhàn về, mà hồn mình còn đâu đó vương lên ánh mắt của Nhàn. May mà Mãnh còn chút bình tĩnh để xin số điện thoại, ngỏ ý sẽ làm bạn nhắn tin qua lại thăm nhau.

                                                                 ***

Một ngày cuối hạ, người đàn bà sang trọng ngồi ngay ngắn trong gian nhà khô khốc, liêu xiêu phên vách, gọi Mãnh bằng con, nước mắt ngắn dài. Nội bảo mẹ về kìa Mãnh. Mười lăm năm tròn, vừa vặn để Mãnh thôi không còn nghĩ mình có mẹ. Rồi thì người đàn bà này xuất hiện, để làm gì? Môi đỏ màu son, ngón tay thon dài sơn màu rực rỡ, mi cong vút, cùng bộ áo đầm nhung gấm cao sang. Mẹ của Mãnh à! Sao lạ quá vậy! Mãnh lắc đầu bỏ chạy. Dọc con sông Bùng, sóng gợn lao xao.

Chiều hôm chạng vạng Mãnh về. Ánh mắt nội đau đáu. Mẹ cúi mặt thẩn thờ. Thôi, giờ con biết mình cũng có mẹ, mẹ con cũng đã làm mẹ của vài đứa em nữa rồi. Bà đâu có lỗi gì đâu, lúc đó bà bỏ đi cũng đúng. Hồi đó bà còn trẻ quá mà. May là bà còn nhớ con mà tìm về. Nhưng xứ người xa lắc, tiếng người khó nói, con không theo bà sang đó đâu. Con đi thì ai ở với nội. Thì thôi nè, con lạy bà một lạy coi như con trả công sinh. Nhưng công dưỡng của nội thì con dành phần đời này để trả. Rồi Mãnh quỳ xuống. Sóng nước dòng Bùng âm ba rưng rức.

Sáng sớm đó Mãnh đạp chiếc xe cũ kĩ chở mẹ lên phố. Mẹ đưa số điện thoại, dặn Mãnh có gì cần thì gọi. Bóng mẹ khuất dần theo bánh xe, nước mắt Mãnh chực rơi. Thứ Mãnh cần, là của mười lăm năm trước kìa. Mẹ có biết đâu!

                                                              ***

Đêm dòng Thủ Thiêm lững lờ mấy đám lục bình miên di, Mãnh điện thoại cho nội, bảo nội năm nay con về trễ. Chắc qua tận mùng bốn con mới về. Kì này con đưa cháu dâu về ăn tết với nội. Nội cười trong điện thoại, giọng khàn đục nghe như có tiếng gió từ sông Bùng réo rắt.

   Sáng hai mươi chín Tết, Mãnh chở Nhàn về Nha Mân. Bảy năm trời lang bạt đời mình ở cái miền đất phương Nam nắng ấm này, lần đầu tiên Mãnh mới đi cung đường miền Tây. Gió xuân bát ngát, lòng Mãnh phơi phới. Mãnh đưa Nhàn về, trước mộ ngoại, mộ ba má Nhàn, Mãnh sẽ khấn hứa từ nay chăm lo cho Nhàn, những mất mát đau thương của Nhàn, Mãnh sẽ bù đắp một cách thành toàn và trọn vẹn nhất. Tết xuôi miền Tây, Tết ngược xứ Nghệ, vậy là trọn một mùa Xuân.

Tống Phước Bảo 

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 9/Chào năm mới 2021)