Mưa chiều. Sơn dầu của Hoàng Hải Thọ

Mưa to lắm, mưa xối xả như thác đổ. Nước ngoài đồng ngập mênh mông tràn vào cả đường cái quan. Những rặng tre đằng ngà như oằn mình cúi rạp xuống dưới màn nước trắng xóa. Cũng may là phía đầu nguồn mưa nhỏ nên nước từ rừng đổ về không nhiều, thành ra không lo ngập lụt.

Mệ Thiềm lúi húi nhặt lại mấy dụng cụ đơm cá còn treo lủng lẳng sau hồi, lau rửa cho sạch bụi để ông Thiềm mang ra đồng tối nay đón đàn cá rô, cá chạch cho kịp buổi chợ sớm mai.

Phía chái nhà phụ vẳng tiếng o oe của thằng cu Bượm, rồi húng hắng theo tiếng cưng nựng của Nga, nhòa trong tiếng mưa quất buốt vào tàu lá chuối rách bươm như cái mấn đụp của mụ nạ dòng.

Mệ Thiềm khe khẽ cái thở thườn thượt, đưa tay quẹt vội khóe nước trầu chực chảy xuống cằm.

Nga là con gái duy nhất của vợ chồng mệ. Nga đằm thắm đoan trang và đảm đang nhất vùng. Nga và Vũ yêu nhau như trăm ngàn đôi lứa khác tồn tại trên thế gian này. Thế mà bà Cửu lại cấm cản đứa con trai của mình đến với Nga.

Bà cấm, cấm hẳn, bà rằng, con nhà mệ Thiềm kia không xứng bước vào gia môn bà, nhà kia không xứng thông gia với bà. Bà Cửu rêu rao khắp làng trên xóm dưới về cái tư cách của mệ Thiềm, rằng là lấy vợ xem tông, tông nhà nó có nòi lăng loàn. Người không tường tận thì chép miệng thương cho đôi trẻ. Thằng Vũ là bộ đội phục viên nay làm cán bộ địa chất, con bé Nga nết na nền nã, trăm việc đồng áng cho đến nội trợ đều hay, lại xinh xắn duyên dáng.

Còn người hiểu chuyện thì chỉ nhếch mép cười ruồi về cái sự lu loa của bà Cửu, cười cái thất tiết của cô chiêu một thời như hoa, như ngọc.

Nhà cô Cửu là dân buôn đò dọc, ruộng vườn rộng rãi bao la, gia môn bề thế, người ăn kẻ ở trong nhà không khác gì phủ huyện.

Cô Cửu lại đem lòng yêu thương anh lái đò dọc tên Thiềm. Trong cái khát khao của tuổi dậy thì cô mơ về đôi tay rắn rỏi, bờ vai vững chãi, khuôn ngực căng phồng chắc như thớ gỗ lim.

Mỗi chuyến chở hàng cho nhà cô Cửu là anh Thiềm phải ở lại, thuyền neo trên bến. Mỗi đêm trăng suông cô Cửu lại đi giặt muộn, kiếm cớ la cà nơi mạn đò. Sự tinh nhạy của kẻ hải hồ trong anh Thiềm đã ngửi được mùi tình ái. Giấu làm sao được cái liếc tình sau đuôi mắt lá răm, cái lóng lánh dưới con ngươi ướt át và tiếng thở hắt đứt quãng của cô Cửu.

Đêm ấy trong khoang thuyền, dưới ánh đèn dầu hiu hắt, cô Cửu đã oằn mình trong sự sung sướng tột cùng. Đời con gái quăng xuống sàn ván thuyền khô khốc trong nhừa nhựa mồ hôi và những âm thanh quằn quại.

Ngấn cổ nhẳng cao lên, nổi lằn gân xanh không qua mắt được cha bà. Ông tra hỏi, rồi thì cũng không giấu được, bà khai, khai hết.

Cô Cửu được đưa về xuôi gặp một ông lang Tàu, thuốc thang sao đó để thúc cho sạch bụng, sạch bằng được.

Còn anh Thiềm thì được cha bà gả con sen, con sen này ông dắt về từ khi còn bé tí, không biết người ở mạn nào lạc mẹ. Cưới gấp, cưới ngay lập tức và được cấp cho một mảnh đất cắm dùi đầu làng chó ỉa. Dân làng thường gọi anh Thiềm, cô Thiềm. Mày có gia đình rồi chí thú mà làm ăn, cấm có tơ vương đến gái rượu của ông, nghe chưa thằng phu đò mất nết!

Về phần cô Cửu, dân làng chỉ biết là cô đi học nghề may dưới phố huyện miền xuôi. Thành nghệ thì kết duyên với con trai một thầy kí. Chiến tranh loạn lạc, vợ chồng cô lại dắt díu lên quê nhà để sơ tán. Vũ được sinh ra trên miền quê sơn cước này, quê mẹ. Được thừa hưởng tri thức của họ nội, tố chất cự phú của họ ngoại nên Vũ sáng dạ, nhanh nhẹn, học hành giỏi giang, thế mà đường tình duyên thậm trái ngang.

Vũ không tìm Nga để nó lời chia tay, anh lặng lẽ khoác ba lô xung phong vào công tác ở một đơn vị địa chất tận Lâm Đồng. Anh đi như chạy trốn, không phải chạy trốn Nga mà chạy trốn chính mình, chạy trốn cái trách nhiệm lựa chọn giữa chữ hiếu và chữ tình.

Đoàn tàu xình xịch rời ga, chậm rãi đi qua đồi chè nằm chênh chếch trong sương sớm. Đằng xa kia, rừng cọ xác xơ vẫy lá trong gió sắt se như những chiếc vẫy tay tiễn biệt. Vũ không rời mắt cho đến khi ngôi làng chỉ còn một vệt nhỏ nằm cong theo dòng sông như chiếc cung đã chùng dây. Anh đi mà không hề biết rằng mình đã để lại trong Nga một sinh linh bé bỏng.

Gió thổi kinh khiếp, gió lạnh lùng, gió xua màn sáng kéo bóng tối về trùm lên cả khoảng không gian đầy tiếng côn trùng. Nga co mình trên chiếc sạp tre của căn chòi canh lò vôi. Gió hú liên hồi, gió giật tung cánh liếp nứa. Bất chợt Nga vùng dậy, ngồi ngay ngắn búi lại mái tóc. Cơn cớ chi mà buồn? Chửa được thì đẻ được! Bọn đàn ông ấy à, cứ xem nó như củ sắn lùi, nóng được một tí rồi mềm oặt như tàu lá môn gặp phải hụt gió chướng.

Nga quày quả đi vào làng, bóng cô gác nghiêng trên bờ đê, bờ đề triềng theo từng vạt gió, gió thốc vào dáng bà Thiềm đang tựa lưng nơi mép cửa.

Vừa bước vào nhà, Nga vội đổ ụp lên bờ vai của mẹ. Ông Thiềm trầm tư bên cái điếu bát, nuốt tiếng thở dài vào trong, cái bóng hắt hiu trên vách nhà gật gù khó nhọc, hai hốc mắt khô cằn ngấn một vệt nước mờ.

Thằng Bượm ra đời, gió ngừng giật nhưng mưa đầy trời, mưa như trút bao buồn tủi của nhân gian đọng lại rồi hắt lên cho thiên giới để đổ xuống đời trần đầy trắc ẩn.

Minh họa: PTL

***

       Đoạn đường gập ghềnh lồi lõm đá xanh dẫn vào căn chòi lợp lá nu nằm khuất dưới khóm trúc rừng. Vũ được dẫn đến gặp mặt đội trưởng, một người trung niên có gương mặt sắc lạnh. Sau chút dò xét bằng ánh nhìn, người đàn ông hất hàm hỏi:

– Chỗ anh Luyện giới thiệu phải không?

Vũ gật nhẹ đầu với thái độ dò xét.

Đêm buông xuống nhanh, hơi lạnh của sơn lâm luồn vào buôn buốt, Vũ cời bếp lửa thêm cho nồng, đội trưởng bảo anh em châm thêm cái đuốc nơi cửa lán rồi hất hàm cộc lốc:

– Dọn ăn!

Đội trưởng trao cho Vũ nắm cơm muối vừng được ém chặt trong gói mo cau rồi cời xâu cá suối đang gác ngang trên kiềng lửa.

Cả đội ngồi ăn uống chậm rãi, từng chiếc bóng đổ nghiêng trên vách lán nặng trĩu những trầm tư.

Đội thăm dò địa chất đóng gần buôn của người Mơ Nông. Đêm nay trăng rải lụa trên những tầng lá cây săng lẻ, xuống cõng nước dưới con suối bên chân dốc, Vũ bắt gặp cô gái mắt đen đang vẫy vui với nước mặc cho cái lành lạnh âm u của sơn lâm bủa khắp. Vũ mường tượng như thấy bóng dáng của Nga. Cô gái vẫn mải miết cùng những giọt nước bắn tung tóe lên không trung long lanh như pha lê khiến cô rất thích thú. Khi ngoảnh đầu lại cô bắt gặp ánh mắt đờ đẫn của Vũ. Thoáng chút bàng hoàng cô lại ngẩn người trước vẻ đẹp trai thư sinh của chàng trai miền xuôi. Bốn mắt ngỡ ngàng, Vũ như bị dẫn dắt bởi sự ma mị.

Lúc này bóng đêm đổ xuống dày hơn, thoang thoảng ánh trăng non luồn mơ hồ trong kẽ lá. Tiếng con tắc kè hoang hoải gọi sương. Vũ thấy lòng mình mang mang niềm nhớ. Vũ nhớ mùi hoa dạ lý trổ hương trong đêm trăng huyền ảo, nhớ tiếng gàu dội nước, nhớ mùi lá dứa thơm của Nga gội đầu. Dường như một tất yếu của tự nhiên, cứ miền nước ngọt đất tươi là sản sinh nhiều gái đẹp. Da trắng môi hồng, mắt thắm má đào và mái tóc thì óng ánh đen như gỗ mun lên nước.

Miền gái đẹp này được gọi là Trúc Mai, một dải đất nằm dọc thượng nguồn sông Gianh hùng vĩ.

Vũ thích nhất là những chiều chèo thuyền dọc sông ngắm cảnh các cô thôn nữ buông tóc gội đầu bên dòng sông phẳng lặng. Dưới ánh nắng chập chùng, mái tóc đen tuyền kia thả xuống mặt nước trong xanh như ngọc bích, chảy suôn qua đôi bờ vai tròn lẳn, mịn màng như dải lụa trắng hồng. Thả thuyền trôi nhẹ vì sợ sẽ làm tan đi cái yên bình vốn có, cái yên bình mềm mại như bức tranh thủy mặc.

Cũng có lần Vũ đã từng nghe mẹ kể, đàn bà con gái ở đây thường gội đầu bằng trái bồ kết nấu với lá dứa thơm nên tóc mới mượt và đen như thế, lại lưu mãi hương thơm dìu dịu làm say lòng bao kẻ đa tình.

Vũ nhớ làn hương của mùa xưa, mùa không thể gọi tên vì nó nhập nhằng giữa tiết Hạ và tiết Thu, hanh hao, khô khan nhưng cũng tươi mát, thoảng mùi hương rất lạ. Vũ lần mãi theo mùi hương phảng phất trong không gian rất gần gũi nhưng cũng rất mơ hồ. Có lẽ là mùi cỏ mật nằm ghếch nơi gò đất đầu dốc suối, hay hương cỏ may bên triền đồi kia, hay hương thảo lan chi của truyền thuyết??? Thật hỗn độn trong mọi suy đoán mông lung. Ồ, đây rồi! Lại gần, mùi hương tỏa ra thơm ngần, hay là mùi hương trinh nữ? Chung quanh xanh ngát những cây lạ lẫm, trong tay Nga chùm nụ nhỏ xinh xinh, Nga cắn những nụ xinh đó ngon lành:

– Ăn không anh, thơm lắm.

Nga nhoẻn miệng cười. Vũ ngây người trong nụ cười tỏa nắng đó, anh tiến lại gần Nga một cách vô thức. Đôi tay chạm vào bờ vai tròn lẳn đang đón suối tóc huyền chảy dọc xuống eo lưng. Vũ tham lam ôm ngấu tất cả, cái xon xót, trơn trơn của mái tóc, cái mịn màng của làn da, mát lịm của thân thể Nga quyện hòa thành sự hưng phấn tột cùng. Nga mềm đi trong tay Vũ, hơi thở gấp gáp, đôi môi Nga quằn quại trên những đê mê. Vạt cỏ xanh triền đồi nát đi dưới tấm lưng trần của người đàn bà vừa chia tay đời trinh nữ.

Sau đêm ấy, anh em trong đội thấy Vũ sinh ra ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Người ta nói anh bị “thư”.

***

   Trời mùa Đông như được ươm vàng bởi những đụn rơm vừa bị tuốt hết thóc nằm rải rác ven đường làng. Bượm lò cò nhảy chân sáo, miệng léo lắt:

“Học trò là học trò te

Đi học đã về

Cơm canh chưa chín lại xề môi ra.”

Đến cánh cổng được làm bằng những thanh tre gác ngang qua hai cây duối già, kiểu cổng người ta hay làm ở ràn trâu, Bượm ngó nghiêng vào căn nhà lợp lá nu nằm yên lặng dưới tán cây cọ già lúc lỉu buồng quả mọng.

Nó chui tọt qua cổng như con chồn đèn lọt chuồng gà, liệng vội chiếc cặp lên cái chõng tre rồi lục lọi ngay chạn bếp. Ui chao ơi là đói bụng. Quệt nhanh hai bàn tay vào vạt áo, Bượm lật chiếc ăng gô rồi nhồm nhoàm ăn phần cơm của mình. Giờ này chắc mẹ nó đang đổi công gặt lúa cho người ta, tí ăn xong còn phải đi mót lúa.

Bượm thuần thục vớt những nhánh lúa ngã rạp, khoanh lại vừa đủ nắm tay rồi dùng lưỡi hái cắt ngọt từng nhát, chẳng bao lâu đã đủ một quang vừa sức. Nó bó lại thật khéo rồi dùng đòn xóc quảy lúa về làng.

Lúc này gió đẩy trời lên cao hơn, hơi lạnh thốc qua lằn áo mỏng manh. Bượm dừng chân bên gốc cây gạo già, dựng quang lúa vừa mót được vào chân hòn đá bàn. Để việc đó đã, xuống suối xem bẫy róc róc có được con tràu cóc nào không.

Lum khum đầu kia Bượm thấy một dáng người đàn ông lạ đang thờ thẫn tiến về phía mình.

Người đàn ông chậm rãi đi qua Bượm với cái nhìn vô cảm, chầm chậm vào làng. Bượm nghe lòng mình chộn rộn, như ai thò tay vào vần vò nơi lồng ngực.

***

Vũ thẫn thờ dưới bụi mưa đông, trong cơn gió bấc vào mùa quất ngang buốt lạnh. Văng vẳng giữa âm không nghe lời thì thầm của quá khứ trở về, nghe dưới bàn chân hơi ấm thân quen, lãng khuất mùi nồng nàn của đất. Đúng rồi, chỗ này xưa là dãy hàng rào cây chè mạn hảo được tỉa tót thẳng tắp, đằng này là giàn hoa giấy nằm vắt qua mái cổng. Trong xa nữa là giàn hoa tỏi tím ngắt che trên cái giếng thơi, khoảng kia nữa là khóm dạ lý ngan ngát mỗi độ trăng về. Vũ định hình từng tí một trong hồi tưởng mặc dù bây giờ khuôn đất ngày xưa là chỗ an vị của ngôi nhà lạ lẫm.

Gió buốt hơn, mưa dày hạt hơn, Vũ trùm chiếc mũ của cái áo gió lên đầu. Cơn mưa bụi nhẹ nhàng vuốt qua mặt, mặc cho bụi mưa lướt thướt thấm đôi vai áo phong sương, mặc cho dòng người hối hả dưới làn gió bấc lạnh lùng, Vũ ngậm ngùi trễ nải rải bộ về phía bến sông.

Nay Vũ đứng đây trên đất quê, căn nhà xưa đã không còn nữa, giữa đất làng cũ đã phai nhòa mọi dấu tích, không ai biết đến Vũ, ngay cả dòng sông này cũng trôi đi đâu, chỉ còn là dòng nước vô tri vỗ đôi bờ xanh dịu. Trong mưa chiều buông, Vũ nghe tiếng gõ mõ vẳng ra từ ngôi cổ tự, Vũ đi theo âm vang trầm buồn kia. Vũ quỳ trước chính điện. Có lẽ nơi đây chính là chỗ Vũ tìm về, trong lãng quên.

Trời mưa trong rú mưa ra

Đố ai lấy được o Nga mệ Thiềm.

Sơn Tràng

(Truyện ngắn đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 14, tháng 6/2021)