Bộ phim “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, chuyển thể từ 2 truyện ngắn “Củi mục trôi về” và “Tro tàn rực rỡ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, vừa giành được giải cao nhất tại Liên hoan phim Ba châu lục ở Pháp. Có thể nói đây là một tín hiệu vui cho điện ảnh nước nhà.

   Phim xoay quanh cuộc đời của những người phụ nữ: Nhàn, Hậu và Loan. Nhàn – xinh đẹp, bao chàng trai theo đuổi nhưng lại quyết định kết hôn với Tam – người con trai hiền lành đến cục mịch và sau đó bị đau khổ biến thành một kẻ hoàn toàn khác. Hậu yêu say đắm và bằng mọi cách kết hôn với Dương nhưng lại nhận về sự ghẻ lạnh vì trong lòng anh chỉ có hình bóng của Nhàn. Loan là người đàn bà từng bị cưỡng hiếp từ năm 12 tuổi, lớn lên cùng nỗi ám ảnh quá khứ, ngẩn ngẩn ngơ ngơ và cuối cùng lại ngờ nghệch theo đuổi kẻ từng hãm hại mình khi hắn trở về.

Tam chìm trong đau khổ và tự hủy hoại mình (Ảnh cắt từ trailer phim)

   Ba người phụ nữ, ba số phận, ba nỗi đau khác nhau nhưng đều gieo vào lòng ta một nỗi buồn đến ám ảnh và thậm chí cả khó chịu. Tại sao khó chịu? Khó chịu vì buồn quá, vì cay đắng quá! Khó chịu vì sự cam chịu của những người phụ nữ, vì cái khát khao yêu đến khổ đau của họ. Họ cứ lặng lẽ yêu, lặng lẽ tìm cách thắp lên hơi ấm cho mình bằng phương thức vô vọng nhất. Sự lặng lẽ, thản nhiên trước bao cay đắng, bi kịch đôi khi khiến người xem không chịu nổi. Như cái cách người hàng xóm khuyên Nhàn hãy bỏ anh chồng cứ hễ say xỉn lại đốt nhà, người xem cũng muốn những phụ nữ trong phim biết vùng lên mà thoát khỏi khổ đau song họ đã không làm như thế. Hậu vẫn tìm mọi cách để Dương một lần chú ý đến mình; Nhàn vẫn chiều cái thú vui đốt nhà của Tam vì nghĩ tại mình để con gái đuối nước mới khiến anh đau khổ và giờ đây lửa là cách duy nhất để chồng cô tìm được chút ấm áp; Loan cứ bám vào chút niềm vui nhỏ nhoi từ kẻ đã từng gây ra khổ đau cho mình, từng nhấn chìm đời mình trong men rượu, trong tỉnh say, trong ngây dại…Ba người đàn bà đầy khổ đau ấy mải miết tìm một bàn tay sẵn sàng chìa ra để nắm lấy; một bờ vai để nương tựa, chở che nhưng rồi lại chỉ dựa vào nhau mà vượt qua khổ đau dẫu trong họ cũng có những nhỏ nhen, ích kỷ, hờn ghen của đàn bà.

   Những người phụ nữ trong phim luôn tìm cách để người mình yêu thương chú ý, ghi nhận và đôi khi chỉ đơn giản là thấy sự hiện diện của họ. Hậu học cách kho cá, chăm chỉ kể cho chồng nghe chuyện nhà Nhàn bị cháy,…; Nhàn thỏa hiệp với chuyện đốt nhà của chồng hay Loan hết bỏ rắn vào phòng lại đến ném đá vào người Khang… Tất cả là nỗ lực trong tuyệt vọng, nỗ lực đến đắng cay để tìm lại giá trị, vị trí của mình nơi trái tim kẻ khác. Trong cuộc đời này, có lẽ, dù mỗi người một cách khác nhau, một mục đích và đối tượng khác nhau, nhưng chúng ta hầu hết đều nhận về bao đau khổ từ chính cái khát khao được công nhận, được chú ý đến ấy.

   Xem phim, ta càng hiểu nỗi đau lớn nhất là khi không thể rơi nước mắt, là khi ta dửng dưng chấp nhận mọi biến cố xảy ra, khi xem cái bất thường là chuyện thường như cái cách Nhàn tỉnh dậy, ráo hoảnh thu xếp đồ bước ra khỏi đám cháy nhà mình. Ta cũng hiểu bạo hành bằng vũ lực lắm khi không đau bằng sự im lặng, dửng dưng.

Vợ chồng Nhàn đứng nhìn căn nhà bị lửa thiêu rụi (Ảnh cắt từ trailer phim)

   Phim để lại một nỗi buồn mênh mang như chính sông nước miền Tây; như cái dáng người nhỏ bé, lầm lũi, dập dềnh trên thuyền của những người phụ nữ. Xuyên suốt phim là gam màu xám lạnh như tàn tro và bởi vậy một ánh lửa hay đám cháy dữ dội bùng lên đều để lại ấn tượng mạnh, truyền tải thông điệp đầy tinh tế. Phim khiến tôi không khỏi nhớ tới mấy câu mình từng viết và cả những gì bản thân đã trải qua:

“Tôi đã cháy hết mình cho cuộc sống
Để bây giờ nhận lấy chỉ tàn tro
Tôi đã thắp con tim phung phí quá
Để hôm nay hoang lạnh đến không ngờ”

   Ngọn lửa cháy lên trong phim là ngọn lửa của khát khao yêu thương, khát khao tìm hơi ấm xóa tan đi lạnh lẽo, tẻ nhạt thường ngày; khát khao đổi thay. Những người đàn bà ấy đã sẵn sàng cháy hết mình, hy sinh hết mình để rồi nhận lại chỉ cay đắng, tàn tro. Họ cũng như bao phụ nữ khác ở miền quê sông nước nghèo khó, như tôi, như bạn – những người phụ nữ hoàn cảnh buộc phải mạnh mẽ, phải lì lợm trước khó khăn dẫu bên trong là yếu đuối, là khát khao yêu thương đến cháy lòng.

   Phim có nhiều cảnh thành công, ám ảnh như cái cách Nhàn bóp mạnh vào tay đầy vết thương do tự hành hạ mình của Tam; cảnh 2 vợ chồng Nhàn đứng nhìn ngôi nhà rừng rực cháy, người thì hả hê trong điên dại, người thì thản nhiên; cảnh uống rượu của thầy chùa và Khang; cảnh Dương thốt lên tiếng Nhàn sau khi ân ái với Hậu;… Tất cả đều khiến người xem như cũng nhói đau.

Nhàn bóp mạnh vào cánh tay đầy vết thương của Tam (Ảnh cắt từ trailer phim)

   Dẫu khá thành công khi truyền tải những nội dung trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, dẫu mang đến cho người xem những góc quay đẹp, những khoảng lặng đủ để nhói lòng và một chất thơ man mác nhưng phim của Bùi Thạc Chuyên vẫn khiến người xem khá mệt và thấy hơi nặng nề. Một điểm trừ khác là giọng thoại của Hậu thiếu tự nhiên, thiếu cảm xúc… Phim có lẽ sẽ hay hơn nếu thêm vào đó những khung cảnh sinh hoạt và ngôn ngữ hội thoại đủ đời, đậm chất miền Tây hơn; nếu đan xen cái vui cái buồn để bớt nặng nề, bớt lạnh…

   Dù sao đi nữa, chỉ muốn, những người sau khi xem phim hay đọc truyện Nguyễn Ngọc Tư, nhất là phụ nữ, sẽ đồng cảm với cay đắng từ nhân vật, đồng cảm với những khổ đau và khát khao của họ để từ đó thức tỉnh. Hãy biết làm chủ cuộc đời mình, trân trọng giá trị của mình và đừng chỉ biết tìm kiếm hạnh phúc, niềm vui, sự thừa nhận ở người khác. Khổ đau, nhiều khi do hoàn cảnh tạo nên nhưng cũng nhiều khi do chính mình tự chuốc lấy. Vậy nên, đừng chỉ biết chờ một bàn tay chìa ra kéo mình khỏi vũng lầy cay đắng, hãy tự mình đứng dậy, bước đi về phía hạnh phúc!

Trang Đoan