Ở thành phố Vinh thời thuộc Pháp có một doanh nhân không chỉ giàu có vào bậc nhất nhì, mà còn nổi tiếng là người hào hoa, sang trọng, dám chơi nhất trong số những nhà giàu. Xung quanh ông còn có rất nhiều giai thoại. Nhưng, số phận của con người hào hoa bậc nhất thành Vinh một thời đó cũng thật nghiệt ngã. Người đó là Trịnh Văn Ngấn.

Hào hoa…
  Ngày đó, con đường từ trước cửa chợ Vinh chạy xuống phía Bến Thủy gọi là đường Auvergne (rue Auvergne). Ngay phía trái chợ Vinh, có hai cửa hiệu lớn nhất và nổi tiếng không chỉ ở Vinh, đó là hiệu Ký Hai và hiệu Ký Phượng. Hiệu Ký Hai, ở số 2 và 4, nổi tiếng với gần như chỉ một mặt hàng duy nhất, đó là thuốc lào. Hiệu Ký Phượng bên cạnh là hiệu tạp hóa, với nhiều loại hàng hóa, « như lúa gạo, bông vải sợi, kim khí, nông cụ, thực phẩm, mây tre đan, chiếu cói, đồ mộc dân dụng, thậm chí cả thuốc phiện…Hiệu buôn của ông được cho là lớn nhất ở khu vực chợ Vinh, đồng thời nổi tiếng cả Trung Kỳ »[1]. Chủ nhân của hiệu Ký Phượng là ông Trịnh Văn Phượng và bà Đặng Thị Phiệt. Sách Địa chỉ Đông Dương năm 1933-1934 (INDOCHINE ADRESSES 1933 -1934) ghi « Trinh Van Phuong, Marchand en destail, 8 Auvergne » (Trịnh Văn Phượng, thương nhân bán lẻ, số 8, phố Auvergne). Ông bà là người giàu có, lại chăm lo việc công quả, được chính quyền ban tặng tước Hàn lâm, nên thường được gọi là ông bà Hàn Phượng. Từ trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ông bà Hàn Phượng đã nổi tiếng là người giàu có, hiệu buôn Ký Phượng đã nức tiếng gần xa.

Chân dung bà Đặng Thị Phiệt, mẹ ông Trịnh Văn Ngấn
Cụ Trịnh Văn Phượng và con trai Trịnh Văn Ngấn khi còn nhỏ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình như thế, Trịnh Văn Ngấn đã sớm nổi tiếng là chàng trai cao lớn, vạm vỡ và rất hào hoa. Ông đam mê nhiều môn thể thao như đấu kiếm, quyền Anh, quần vợt… Riêng để theo đuổi môn quyền Anh, ông đã phẫu thuật gỡ bỏ xương mũi. Ông còn là một cua – rơ nghiệp dư thuộc loại « có số có má » của thành Vinh. Chính ông Phú Nguyên (Hiệu vàng Phú Nguyên) kể ông và ông Ngấn từng vào Huế tham gia cuộc đua xe trên sân lòng chảo, để hưởng ứng và cổ vũ cuộc đua Đông Dương lần thứ nhất, năm 1942. Giai thoại về sự hào hoa và độ ăn chơi của Trịnh Văn Ngấn cho đến nay vẫn tiếp tục được lưu truyền ở Vinh. Thậm chí có một số « mệnh đề » gần như đã thành thành ngữ : « Giàu như Ngấn », « Mượt như Ngấn », «Chơi như Ngấn », « như xã Ngấn » …Người ta nói ông có hàng chục chiếc xe hơi; vua Bảo Đại có xe gì Trịnh Ngấn có xe đó; sáng đi xe màu này, chiều đi xe màu khác; đi khánh thành nông giang Nam Đàn xe ông Ngấn chỉ đi sau xe Bảo Đại nửa bánh; vào Huế đua xe đạp, ông Ngấn đi xe Citroen đời mới, đến nỗi Bảo Đại phải mời vào cung để hỏi là ai… Cho đến nay dân Vinh vẫn lưu truyền giai thoại về chiếc « lầu bắt tay » của ông Ngấn. Chuyện rằng lần đó vua Bảo Đại ra Vinh, giới nhà giàu đánh cuộc nhau ai bắt tay được với vua sẽ được nhận thưởng 10 vạn đồng Đông Dương. Không ai dám nhận lời đánh cuộc, ngoài Trịnh Văn Ngấn. Nhận lời xong, ông cho dựng ở bến phà Bến Thủy một chiếc lầu bằng gỗ rất đẹp. Khi vua vừa bước chân từ phà lên, liền được các quan chức mời vào chiếc lầu đó để nghỉ và đợi xe. Trịnh Văn Ngấn đứng trong số các quan chức, thân hào và các nhà công thương đón vua. Trong lúc mọi người khăn đóng, áo dài đang cung cúc, khoanh tay cúi đầu chào nhà vua theo lệ, thì ông Ngấn com lê cà vạt, sang trọng, hào hoa đàng hoàng tiến đến bắt tay vua. Là người theo Tây học, vua Bảo Đại cũng vui vẻ bắt tay mà không hề câu nệ gì. Lần ấy ông Ngấn thắng cuộc. Giai thoại còn nói ông đã cùng vợ ra nước ngoài phẫu thuật thẩm mỹ cho… giống nhau. Trên thực tế, năm 1942, Trịnh Văn Ngấn và vợ sang Anh. Trong lúc vợ sửa sang sắc đẹp thì ông tranh thủ đi học thêm quyền Anh. Trong chuyến đi này ông gặp, quen và chơi thân với ông Bảy, một doanh nhân trạc tuổi ông ở Sài Gòn.

Chân dung Trịnh Văn Ngấn khi còn trẻ

Không biết những giai thoại về ông đúng được mấy phần, nhưng chắc chắn rằng gia đình ông là một gia đình giàu có và ông là một người hào hoa, phong nhã, biết chơi theo đúng thời thượng. Một số cụ già trên dưới 90 tuổi ở Vinh vẫn còn nhớ ngôi nhà mái bằng « không giống ai » của ông, nằm gần như một mình, đối diện với Khách sạn Xanh hiện nay trên đường Mai Hắc Đế. Người con gái của ông (con người vợ thứ hai) hiện đang lưu giữ được «bộ sưu tập» gồm 15 chiếc bật lửa cổ của ông, tài sản duy nhất mà ông đang còn giữ lại được từ thời vàng son.
Nhưng, nếu chỉ như thế thì cuộc đời Trịnh Văn Ngấn cũng chỉ là một quý tử kiểu «công tử Bạc Liêu», nổi tiếng bởi ăn chơi, phá phách. Trịnh Văn Ngấn không như thế. Ông đúng là mẫu người chơi ra chơi, làm ra làm. Được kế thừa một sản nghiệp lớn của gia đình, nhưng chính ông mới là người làm cho sản nghiệp ấy phát triển rực rỡ. Sách « Lịch sử Phường Hồng Sơn » viết : « Ký Phượng: Trước buôn hàng lâm thổ sản (cả thuốc phiện). Một thời nhờ ảnh hưởng của hiệu Ký Hai nên cũng có buôn thuốc lào. Ký Phượng sau giàu có lên rất nhanh chóng nhờ có con là Trịnh Văn Ngấn, người có tài kinh doanh. Ký Phượng là hiệu buôn người Việt nổi tiếng ở Vinh. Về sau Ký Phượng buôn cả sợi và dầu hỏa »[2].
Không chỉ giàu sang và giao thiệp rộng, ông và gia đình còn tham gia nhiều hoạt động xã hội, từ thiện. Các cụ Trịnh Văn Phương, Đặng Thị Phiệt bố mẹ ông Trịnh Văn Ngấn là người có công lớn trong trùng tu tôn tạo chùa Diệc hồi những năm 1940. Khi đó chùa Diệc nằm trên mảnh đất hơn 9 héc ta, nhưng cơ ngơi còn đơn sơ. Gia đình ông bà Hàn Phượng đã bỏ tiền xây lại cổng chùa và tu bổ nội thất. Gia đình ông bà còn giúp đỡ cho gia đình bà Tứ có ruộng làm và trông coi chùa. Thời đó có tin đồn ông bà Hàn Phượng giấu vàng trong chùa, nên có một số người đến phá chùa để tìm vàng. Bà Tứ đã xả thân để ngăn cản họ, bảo vệ chùa. Những năm đói sau này, hàng ngày bà Hàn Phượng đều mở cổng chùa để phát chẩn gạo, thức ăn cho người đói. Ngay xung quanh giai thoại « lầu bắt tay », cũng có người nói Trịnh Văn Ngấn làm như vậy chính là để mẹ mình, bà Hàn Phượng xin vua cho mở rộng diện tích chùa và nghĩa trang Tập Phúc lên 100 mẫu. Trong các danh sách ủng hộ nạn nhân bão lụt, hoặc ủng hộ binh sỹ trong chiến tranh thế giới lần thứ hai mà báo chí đương thời đăng tải, cái tên Trịnh Văn Ngấn thường xuất hiện với số tiền ủng hộ luôn đứng nhất nhì thành phố.
… và nghiệt ngã
Trịnh Văn Ngấn lấy vợ khá sớm. Vợ ông là một cô thợ may ở chợ Liễu, đẹp người đẹp nết. Bà đã sinh cho ông hai người con. Cách mạng tháng Tám rồi chiến tranh bùng nổ, như các nhà công thương khác ở Vinh, sau khi tự tay phá tan ngôi nhà và cơ nghiệp của mình trong tiêu thổ kháng chiến năm 1947, ông Ngấn đưa vợ con di cư về quê, xã Xuân Hòa, Nam Đàn.

Bà Trương Thị Huệ, người vợ ông Ngấn ở Lào (năm 72 tuổi)

Còn mình, máu phiêu lưu và làm ăn của ông đã không để ông ngồi yên. Ông sang Lào mua đất, mở trang trại rộng hàng chục hecta trồng cây anh túc để lấy thuốc phiện. Tại đây ông đã gặp một trang nhan sắc quê Hà Tĩnh. Đó là bà Trương Thị Huệ. Họ sống với nhau và sinh được một người con gái, đặt tên là Trịnh Thị Minh Hoàn. Về sau, những năm cải tạo công thương nghiệp trong nước, bà Huệ sợ liên lụy nên đổi con sang họ Thái, Thái Thị Minh Hoàn. Hoàn cũng có tên Lào là Nakhon Khămsing.
Hòa bình lập lại, cũng như bao người khác, Trịnh Văn Ngấn hăm hở đưa gia đình trở lại Vinh, mà không hề hay rằng số phận nghiệt ngã đang chờ mình phía trước. Đầu tiên, Trịnh Minh Châu, người con trai đầu và duy nhất của ông tòng quân đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Rồi người vợ đầu đẹp người, đẹp nết cũng qua đời. Bà Huệ cùng với con gái ở bên Lào thì không dễ gì về với ông được. Tuổi mới ngoài bốn mươi, ông đành kết hôn với người vợ thứ ba, cũng là một người tài sắc. Người vợ này cũng nhanh chóng sinh cho ông hai người con gái, một sinh năm 1957 và một sinh năm 1959.
Tiêu thổ kháng chiến và những năm chiến tranh, lưu lạc đã gần như làm tiêu tán cơ nghiệp của Trịnh Văn Ngấn, nhưng cuộc cải tạo công thương nghiệp năm 1959 mới thực sự là một khúc quanh nghiệt ngã nhất. Không chỉ trắng tay, mà quan trọng hơn, ông hầu như không còn có cơ hội nào để thi thố tài năng kinh doanh, để gầy dựng lại cơ nghiệp bị mất. Từ một nhà tư sản, một ông chủ, ông trở thành một người làm công ăn lương trong xí nghiệp mộc. Nhưng, đắng cay hơn cả là trước tình cảnh như vậy, năm 1962 người vợ trẻ cũng dứt áo ra đi, để lại cho ông hai đứa con thơ và hai bàn tay trắng.  Từ đây bắt đầu một chặng đời cơ cực của một người đàn ông «gà trống nuôi con». Không ai có thể hình dung được nhà tư sản giàu có, hào hoa bậc nhất thành Vinh năm nào trong hình hài người « thợ đụng » (đụng việc gì làm việc đó) những năm khốn khó. Ngoài thợ mộc, ông làm đủ nghề để sống, mà vẫn không đủ sống. Thời gian đầu khi ra chợ Vinh làm thuê, hầu như không ai dám thuê ông làm. Mọi người vẫn kính cẩn gọi ông là «cậu». Nhiều người mời ông ăn, nhưng ông từ chối, ông nói rằng có thuê ông làm ông mới ăn, vì ông cần tiền để nuôi hai đứa con nữa. Thế rồi, gánh nước, bổ củi, kéo xe ba gác, bốc vác…Tất tần tật, việc chi ông cũng làm, miễn là có tiền nuôi con, nuôi thân. Có người nói, lúc túng quẫn nhất ông đã tháo cả răng vàng ra bán để có tiền nuôi con.
Chưa hết, những năm nghèo đói nhưng thanh bình cũng sớm chấm dứt, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ một lần nữa lại biến thành Vinh thành chiến địa. Cha con ông lại gồng gánh nhau, theo xí nghiệp đi sơ tán khi thì Nam Đàn, khi thì Nghĩa Đàn. Một người dân Vinh kể lại : « Hồi bé tôi được nghe rất nhiều giai thoại nói về ông và tôi cũng rất muốn được gặp ông để được xem con người thực của ông như thế nào. Và rồi cơ hội đã tới. Năm 1968 tôi cùng xí nghiệp Việt Cường sơ tán lên Nghĩa Đàn, được một người bạn cho biết ông Trịnh Văn Ngấn đang đi cưa gỗ thuê ở ngay đầu dốc Lụi. Biết tin, tôi tranh thủ đến gặp ông. Khi tôi đến thì ông đang cởi trần, ngồi xẻ một cây gỗ lớn đường kính khoảng 50 phân. Ông có thân hình vạm vỡ săn chắc, ngực nở, vai rộng, khuôn mặt to đầy đặn, môi dày, mũi rộng, ánh mắt tinh nhanh, nét mặt chăm chú tập trung công việc. Tôi chào ông, ông liếc mắt nhưng không trả lời, chỉ chăm chú vào lưỡi cưa và khúc gỗ. Tôi định bắt chuyện với ông, nhưng thấy ông bận nên thôi. Nhưng sau đó tôi không được gặp lại ông nữa, vì công việc xẻ gỗ thuê nay đây mai đó, không ở cố định”. Trong thời gian này ông còn đi đào giếng và làm thuê nhiều việc khác nữa.
Khoảng năm 1969, khi chiến tranh phá hoại tạm ngưng, như nhiều gia đình khác ông Ngấn cũng đưa hai con về Vinh. Ông Lê Mạnh Hải, con trai cụ Phú Nguyên kể: “Một hôm tôi thấy bố tôi cùng một người tầm tuổi như ông về nhà. Ông nói với tôi đây là ông Ngấn. Khi đó, ông Ngấn một tay xách chiếc hộp gỗ đựng đồ thợ mộc, tay kia cầm một cái cưa tay, trên vai còn khoác thêm một chiếc cưa rọc. Chắc ông đi sửa đồ dạo trong thị xã. Bố tôi bảo tôi rang lạc, rồi lấy rượu đựng trong cái bóng bò giấu dưới gầm bàn ra. Hai người bạn, hai nhà tư sản giàu có, hai cua rơ hào hoa thuở nào cùng thù tạc bằng mấy chén rượu lậu và lạc rang. Cuối buổi bố tôi rút mấy đồng bạc đưa cho ông Ngấn. Dù sao bố tôi cũng may mắn hơn, vì luôn có gia đình, vợ con đồng cam cộng khổ trong những năm tháng khó khăn”.
An ủi cuối đời
Năm 1975 đất nước thống nhất, nhưng những khó khăn, gian khổ của thời bao cấp cũng không kém những thời kỳ trước đó. Lúc này, ông Ngấn là công nhân của Xí nghiệp mộc Vạn Thành. Có dạo cả nước rộ lên mốt dùng tủ ly gỗ lát hoa. Gỗ hiếm và đắt, nên người ta phải tìm cách xẻ tấm ván thật mỏng, cỡ chỉ trên dưới một li. Không nhiều người thợ có thể làm được việc đó. Trong xí nghiệp mộc Vạn Thành ông Ngấn là một trong vài người thợ có thể xẻ được những tấm ván gỗ lát hoa mỏng tang như thế. Trong xóm ông chan hòa, vui vẻ, giúp đỡ mọi người. Rất nhiều người hàng xóm đến nay vẫn còn nhắc chuyện ông mua gạo sổ cho cả mấy gia đình.
Đất nước thống nhất, ông Ngấn có điều kiện để kết nối lại với những người bạn cũ vì chiến tranh, chia cắt mà thất lạc nhau. Năm 1976, ông đã vào Sài Gòn gặp lại ông Bảy, người bạn cũ ông đã từng quen thân trong chuyến đi Anh năm 1942. Lúc này ông Bảy đang là chủ một xưởng gỗ. Cũng tại đây, ông vô cùng hạnh phúc gặp được đứa con gái duy nhất của ông với bà Huệ ở Lào. Lúc này, cô Hoàn, con gái ông đã là bác sỹ, định cư và làm việc ở Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên cô gặp cha, sau hai mươi tám năm sống ở trên đời.

Trịnh Thị Minh Hoàn (bên phải), con gái ông Ngấn trong một lần về Vinh, thăm chùa Diệc

Năm 1980, theo lời mời của ông Bảy, Trịnh Văn Ngấn cùng hai con gái chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Ông Bảy cho bạn mình một căn nhà nhỏ gần xưởng gỗ. Mặc dù đã lớn, nhưng hai cô con gái cũng chưa đỡ đần được cho ông, ông vẫn phải làm việc để duy trì cuộc sống gia đình và nuôi hai con ăn học. Cô Hoàn ở Pháp trong giai đoạn này cũng đã bắt đầu có điều kiện để giúp đỡ ông phần nào. Mấy năm sau, biết ông là bố liệt sỹ chống Pháp lại đang gặp khó khăn, chính quyền sở tại đã cấp cho ông một căn hộ. Từ đó cuộc sống của ông cũng đỡ vất vả hơn.
Trưa ngày 14 tháng 12 năm 1987, như thường lệ sau khi ăn cơm, ông tắm sạch sẽ, chải đầu cẩn thận và lên giường nằm ngủ. Không ai ngờ đó cũng là giấc ngủ ngàn thu…Ông ra đi ở tuổi bảy mươi, ngay trong căn hộ mà chính quyền cấp cho ông, người cha của một liệt sỹ Điện Biên Phủ.
Thế nhưng, sau năm 1980 ở thành phố quê nhà hầu như không ai biết ông đi đâu, làm gì…
Và, giai thoại về ông, về một con người hào hoa nhưng có số phận vô cùng  nghiệt ngã thì vẫn còn tiếp tục.

Minh Trí
(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 10/ Chào Xuân Tân Sửu 2021)

—————-
[1] Nguyễn Văn Phượng, Tư sản người Việt ở Trung Kỳ từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1930, luận án tiến sĩ lịch sử, Hà Nội 2015
[2] Chu Trọng Huyến, Lịch sử Phường Hồng Sơn, NXB Nghệ An, 1993