LTS: Oscar Wilde sinh năm 1854, mất năm 1900, là nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch nổi tiếng người Ireland. Ông là một trong những người tiên phong của phong trào nghệ thuật vị nghệ thuật ở Ai Len (Ireland).  Các tác phẩm của ông không chỉ được nhiều độc giả tìm đọc mà còn là đối tượng nghiên cứu của nhiều học giả. Bức chân dung của Dorien Gray, Ngôi nhà thạch lựu, Họa mi và hoa hồng… là những cuốn sách của Oscar Wilde đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Truyện ngắn này của ông do dịch giả Nguyễn Bích Lan dịch.

Chân dung Oscar Wilde. Ảnh: Sưu tầm

                                                            *****
   Là một chàng trai quyến rũ chẳng ích gì, trừ khi bạn giàu có. Tình cảm yêu đương lãng mạn là đặc quyền của người giàu, chứ không phải của những kẻ thất nghiệp. Người nghèo nên thực tế và chớ có mơ mộng viển vông. Có thu nhập ổn định tốt hơn là có đầu óc mộng mơ. Đó là chân lý quan trọng của cuộc sống hiện đại mà Hughie Erskine chẳng bao giờ hiểu ra. Anh chàng Hughie tội nghiệp! Chúng tôi phải thừa nhận rằng, về mặt trí tuệ cậu ta chẳng có gì đáng nói. Trong đời mình cậu chẳng bao giờ nói được một câu minh triết, cũng chẳng hề có một phát ngôn xuẩn ngốc. Nhưng cậu đẹp trai đến mức không thể chê vào đâu được, với mái tóc nâu xoăn tít, khuôn mặt nhìn nghiêng sắc nét, và đôi mắt màu xám. Cậu nổi tiếng trong giới đàn ông cũng như trong giới phụ nữ, và cậu có mọi tài nghệ trừ tài kiếm tiền. Cha cậu để lại cho cậu thanh kiếm kỵ binh của ông, và bộ Lịch sử của cuộc chiến tranh bán đảo gồm mười lăm tập. Hughie treo vật gia truyền thứ nhất trước tấm gương soi, và để vật thứ hai trên một ngăn giá giữa cuốn Sách hướng dẫn của Ruff và cuốn tạp chí Bailey, và sống nhờ khoản tiền hai trăm bảng một năm mà một bà cô già cả của cậu cấp cho. Cậu đã thử mọi nghề. Cậu đã lăn lộn trên thị trường chứng khoán sáu tháng trời; nhưng một con bướm biết làm gì giữa đám bò đực và lũ gấu cơ chứ? Cậu đã từng là một tay buôn chè trong một khoảng thời gian lâu hơn thế, nhưng rồi sớm phát ngán cả chè tuyết lẫn chè đen. Rồi cậu thử bán rượu vang sherry khô[1]. Thứ đó chẳng phải là giải pháp: rượu sherry hơi nhạt. Cuối cùng cậu chẳng làm nên công cán gì, chỉ là một gã trai vô dụng vui tươi có cái mã ngoài hoàn hảo, chẳng có nghề ngỗng gì.
Đã thế cậu lại còn mắc vào chuyện yêu đương. Cô gái mà cậu yêu là Laura Merton, con gái của một đại tá về hưu đã đánh mất cả sự bình tĩnh lẫn khả năng thấu hiểu ở Ấn Độ và chẳng bao giờ tìm lại được những điều đó nữa. Laura yêu cậu, còn cậu thì đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì cô. Họ là cặp đôi đẹp nhất Luân Đôn, và tình cảm của họ hoàn toàn trong sáng. Ngài đại tá rất thích Hughie, nhưng chẳng đời nào chấp nhận chuyện đính hôn.
“Chàng trai của ta, hãy đến đây gặp ta khi cậu có mười nghìn bảng, và chúng ta sẽ cùng xem xét việc đó,” ngài từng nói; và suốt những ngày đó Hughie trông buồn thỉu buồn thiu, phải gặp Laura để tìm sự an ủi.
Một buổi sáng, đang trên đường đến Holland Park, nơi gia đình Merton sinh sống, cậu ghé vào thăm một người bạn lớn của mình, Alan Travor. Trevor là một thợ vẽ. Thực ra, ngày nay hầu như ai chẳng là thợ vẽ cơ chứ. Nhưng Trevor cũng là một họa sĩ, mà các họa sĩ thì khá hiếm đấy. Anh là một người đàn ông trông thô thiển và lập dị với khuôn mặt đầy tàn nhang và bộ ria mép đỏ hoe, xơ xác. Tuy nhiên, khi cầm cọ, anh là một bậc thầy đích thực, và các bức tranh của anh được người ta háo hức săn lùng. Ban đầu anh bị Hughie cuốn hút, hoàn toàn vì vẻ ngoài quyến rũ của cậu. “Những người mà một họa sĩ nên biết,” anh từng nói, “là những người đẹp ngốc nghếch, mang cho ta khoái cảm đầy tính thẩm mỹ khi ngắm nhìn và cho trí tuệ của ta được nghỉ ngơi khi trò chuyện. Những người đàn ông bảnh bao tao nhã và những người phụ nữ yêu kiều thống trị thế giới này, ít nhất họ cũng nên làm thế.” Tuy nhiên, sau khi biết Hughie rõ hơn, anh thích cậu nhiều bởi tinh thần sôi nổi vui vẻ và bản chất vô tư hào sảng của cậu, và sẵn sàng chào đón cậu tới xưởng vẽ của anh bất cứ lúc nào.
2
Khi Hughie bước vào Trevor đang thực hiện những nét vẽ cuối cùng của một bức tranh người ăn mày cỡ bằng người thật. Người ăn mày đang đứng trên một cái bục nhô lên ở một góc của xưởng vẽ. Đó là một ông già nhăn nheo, với khuôn mặt trông như một tấm giấy da nhàu nhò, và vẻ mặt gần như thảm hại. Ông ta khoác một chiếc áo choàng màu nâu rách tướp; đôi giày cao cổ của ông vá chằng vá đụp, một bàn tay của ông đặt trên cây gậy chống xù xì, trong khi tay kia cầm chiếc mũ sờn rách chìa ra đợi của bố thí.
“Thật ấn tượng!” Hughie thì thầm, khi cậu bắt tay bạn mình.
“Thật ấn tượng ư?” Trevor nói oang oang; “Tôi nên nghĩ vậy! Những người ăn mày như ông ta không phải ngày nào ta cũng gặp đâu. Của hiếm đấy; một Velasquez bằng xương bằng thịt đấy! Các ngôi sao của tôi! Rembrandt có thể tạo ra một tác phẩm ấn tượng biết nhường nào từ một người mẫu như thế này!”
“Ôi , ông lão tội nghiệp!” Hughie nói, “Ông ấy trông khốn khổ quá! Nhưng tôi cho rằng, đối với cánh họa sĩ các anh, vẻ mặt khổ sở ấy là vận may của ông ta đúng không nhỉ?”
“Đúng thế,” Trevor đáp, “cậu không muốn một kẻ ăn mày trông hớn hở, vui mừng, đúng không?”
“Đứng làm mẫu như thế này người mẫu kiếm được bao nhiêu?” Hughie hỏi, khi anh đã yên vị một cách thoải mái trên đi-văng.
“Một xi-ling một giờ.”
“Và anh kiếm được bao nhiêu cho bức tranh của mình, Alan?”
“À, bức này tôi kiếm được hai nghìn!”
“Hai nghìn bảng?”
“Hai nghìn ghi-nê. Họa sĩ, nhà thơ, và cánh bác sĩ luôn được trả bằng đồng ghi-nê.”
“Ồ, tôi nghĩ người mẫu lẽ ra nên được hưởng theo tỉ lệ phần trăm,” Hughie kêu lên và cười thành tiếng; “họ cũng vất vả như các anh mà.”
“Vô lý, vô lý! Tại sao chứ! Hãy xét vấn đề nằm ở bản thân bức vẽ, và việc đứng cả ngày bên giá vẽ! Nói thì dễ lắm, Hughie ạ, nhưng tôi đảm bảo với cậu rằng có những lúc nghệ thuật gần như đạt đến chân giá trị của việc lao động chân tay. Nhưng cậu không được nói huyên thuyên nữa; tôi rất bận. Hãy hút một điếu thuốc và giữ im lặng giùm tôi.”

Minh họa: Diệp Thanh

3.
Lát sau một người giúp việc bước vào, nói với Trevor rằng người làm khung tranh muốn nói chuyện với anh.
“Đừng bỏ đi nhé, Hughie,” anh vừa bước ra khỏi xưởng vừa nói, “tôi sẽ trở lại ngay.”
Người ăn mày tận dụng sự vắng mặt của Trevor để nghỉ một lát trên chiếc ghế băng ở phía sau. Ông ta trông khổ sở và thảm hại đến mức Hughie không nén được niềm thương cảm, và anh cho tay vào túi quần xem mình còn tiền nong gì không. Tất cả những gì anh có thể tìm thấy là một đồng xô-vơ-ren và vài đồng xu. “Ông già tội nghiệp,” anh nghĩ, “ông ấy cần tiền hơn mình, nhưng như thế có nghĩa là trong nửa tháng mình sẽ không có tiền đi xe ngựa,” và anh bước tới thả đồng xô-vơ-ren vào tay của người ăn mày.
Ông già giật nảy mình, và một nụ cười mơ hồ nở trên đôi môi khô héo của ông. “Cảm ơn ông,” ông ta nói, “cảm ơn ông.”
Sau đó Trevor quay lại, và Hughie đứng dậy để đi, hơi ngượng vì việc mình đã làm. Cậu ở với Laura cả ngày, bị mắng yêu vì sự phung phí, và phải cuốc bộ về nhà.
Đêm hôm đó, khoảng 11 giờ cậu bước vào câu lạc bộ Palette, thấy Trevor đang ngồi một mình trong phòng dành cho người hút thuốc uống rượu vang trắng và nước khoáng xenxe.
“Alan, anh đã vẽ xong bức tranh đó rồi cơ à?” Cậu vừa châm thuốc vừa hỏi.
“Xong rồi và đã đóng khung đâu vào đấy rồi, anh bạn ạ!” Trevor trả lời, “và, nhân tiện, cậu đã thu phục được lòng người rồi đấy. Người mẫu già mà cậu đã gặp rất quan tâm đến cậu. Tôi đã phải kể cho ông ta nghe về cậu – cậu là ai, sống ở đâu, thu nhập của cậu bao nhiêu, tiền đồ của cậu ra sao”
“Ôi Alan yêu quý ơi,” Hughie kêu lên, “có lẽ đêm nay khi tôi về nhà tôi sẽ thấy ông ấy đang đợi ở tôi ở trước cửa. Nhưng tất nhiên anh chỉ đùa thôi. Ông già khốn khổ, tội nghiệp! Tôi ước mình có thể làm điều gì đó cho ông ấy. Tôi nghĩ thật đáng sợ khi con người ta lâm vào cảnh khốn cùng như thế. Tôi có hàng đống quần áo cũ ở nhà – anh có nghĩ ông ấy quan tâm đến những món đồ cũ đó không? Ôi, bộ quần áo sờn cũ của ông ấy rách tả tơi rơi rụng hết cả.”
“Nhưng mặc những bộ đồ đó ông ta trông sẽ sáng sủa, tươm tất quá,” Trevor nói. “Vì cớ gì tôi cũng sẽ không vẽ ông ta trong chiếc áo bành tô đâu. Cái mà cậu gọi là quần áo sờn rách tôi lại gọi là sự lãng mạn đấy. Cái mà dường như với cậu là nghèo khổ thì đối với tôi lại gây ấn tượng mạnh. Tuy nhiên, tôi sẽ nói với ông ta về đề nghị của cậu.”
“Alan,” Hughie nói một cách nghiêm túc, “cánh họa sĩ các anh là một lũ không tim.”
“Trái tim của một họa sĩ chính là cái đầu của anh ta,” Trevor đáp, “ngoài ra, công việc của chúng tôi là hiểu thế giới như chúng tôi thấy, chứ không phải sửa đổi nó như chúng tôi biết. Mỗi người một nghề. Bây giờ hãy cho tôi biết Laura ra sao. Người mẫu già đó rất quan tâm đến cô ấy.”
“Anh không kể cho ông già đó biết về cô ấy chứ?” Hughie nói.
“Dĩ nhiên, tôi đã kể. Ông ấy biết mọi chuyện về lão đại tá nhẫn tâm, về cô Laura đáng yêu, và chuyện mười nghìn bảng.”
“Anh đã kể cho ông già ăn mày ấy nghe toàn bộ chuyện riêng tư của tôi ư?” Hughie kêu lên, mặt đỏ bừng vì giận dữ.
“Ôi chàng trai của tôi,” Trevor mỉm cười nói, “ ông già ăn mày đó, như cậu gọi, là một trong những người giàu nhất châu Âu đấy. Ông ta có thể mua cả cái thành Luân Đôn này trong ngày mai mà không phải rút quá số tiền trong tài khoản của mình. Ở thủ đô nước nào ông ấy cũng có một căn nhà, ăn toàn bằng đĩa vàng, và ông ta có thể ngăn nước Nga tham gia chiến tranh nếu muốn.”
“Anh muốn nói cái quái gì vậy?” Hughie thốt lên.
“Tôi muốn nói rằng,” Trevor nói. “Ông già mà cậu gặp ngày hôm qua trong xưởng vẽ của tôi là Baron Hausberg. Ông ta là người bạn lớn của tôi, mua tất cả các bức tranh của tôi và cả bức tranh đó. Tháng trước ông ta đã trả trước một khoản tiền để tôi vẽ ông trong bộ dạng của một kẻ ăn mày. Ngài muốn gì? Sự lãng mạn của một triệu phú! Và tôi phải nói rằng  ông ta đã tạo nên một hình ảnh rất ấn tượng trong bộ đồ rách rưới của mình, à mà tôi nên nói là trong bộ đồ rách rưới của tôi; đó là bộ vest cũ đỉn của tôi. Tôi đã mua nó ở Tây Ban Nha.”
“Baron Hausberg!’ Hughie kêu lên. ‘Trời ơi! Tôi đã bố thí cho ông ấy một đồng xô-vơ-ren!” rồi anh ngồi lún người trong chiếc ghế tựa đầy thất vọng, chán nản.
5.
Cậu đã cho ông ta một xô-vơ-ren!” Trevor kêu, và cười phá lên. “Chàng trai thân mến của tôi ơi, cậu sẽ không bao giờ nhìn thấy đồng tiền ấy một lần nữa đâu. Việc của ông ta là đem tiền của người khác đi đầu tư mà.”
“Tôi nghĩ đáng lẽ lúc ấy anh phải nói cho tôi biết ông ấy là ai” Hughie nói bằng giọng hờn dỗi, “để tôi không làm cái việc ngớ ngẩn ấy mới phải.”
“Hughie ạ, trước hết,” Trevor nói, “tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cậu lại vung tiền một cách bừa bãi như thế. Tôi có thể hiểu được việc cậu hôn một người mẫu xinh đẹp, nhưng việc cậu cho một người mẫu xấu xí một đồng xô-vơ-ren thì – trời ơi, không! Vả lại, thực ra hôm nay đối với bất kỳ ai tôi cũng không có ở nhà; và khi cậu tới tôi không biết Hausberg có thích được nhắc tên hay không. Cậu biết đấy, lúc đó ông ta ăn mặc không được đàng hoàng cho lắm.”
“Chắc ông ấy nghĩ tôi là một kẻ ngớ ngẩn!” Hughie nói.
“Không hề. Sau khi cậu rời khỏi đó ông ấy ở trong tâm trạng vui chưa từng thấy; cứ cười khùng khục một mình và xoa hai bàn tay nhăn nheo vào nhau. Lúc ấy tôi không thể hiểu nổi tại sao ông ta lại tha thiết muốn biết mọi điều về cậu như vậy; nhưng bây giờ thì tôi hiểu rồi. Ông ấy sẽ đầu tư đồng xô-vơ-ren ấy cho cậu, Hughie ạ, trả lãi sáu tháng một lần, và có cả một câu chuyện về đồng vốn để kể sau bữa tối.”
“Tôi là kẻ khốn khổ kém may mắn,” Hughie càu nhàu. “Điều tốt nhất tôi có thể làm là đi ngủ; và, Alan thân mến, anh không được kể với ai đâu đấy. Nếu không, tôi sẽ không dám thò mặt ra đường nữa đâu.”
“Vớ vẩn! Chuyện ấy phản ánh lòng thương người tuyệt vời của cậu, Hughie ạ. Đừng đi. Hãy hút điếu thuốc nữa và cậu có thể nói bao nhiêu về Laura tùy cậu.”
Tuy nhiên, Hughie không ở lại, mà đi về nhà trong tâm trạng buồn chán, bỏ mặc Alan Trevor ở đó với những tràng cười của anh.
Sáng hôm sau, khi cậu đang ăn sáng, người giúp việc mang tới một tấm danh thiệp in dòng chữ, “Gustave Naudin, người đại diện của Baron Hausberg.”
6.
Mình đoán rằng ông ta đến để yêu cầu mình xin lỗi đây,” Hughie tự nhủ, và anh bảo người giúp việc cho vị khách vào.
Một người đàn ông luống tuổi có mái tóc hoa râm, đeo kính gọng vàng bước vào phòng, cất tiếng nói bằng giọng Pháp nhẹ nhàng: “Tôi hân hạnh được nói chuyện với ông Erskine chứ ạ?”
Hughie cúi chào vị khách.
“Ông Baron Hausberg cử tôi tới đây,” ông ta tiếp tục nói. “Ông Baron”
“Thưa ông, tôi xin ông hãy chuyển lời xin lỗi chân thành nhất của tôi tới ông ấy,” Hughie lắp bắp.
“Ông Baron,” quý ông luống tuổi nở nụ cười và nói, “cử tôi mang lá thư này đến cho ông,” nói rồi ông ta đưa cho cậu chiếc phong bì được dán kín.
Bên ngoài phong bì có dòng chữ: “Qùa cưới tặng Hugh Erskine và Laura Merton, từ một lão ăn mày,” và bên trong là một tấm ngân phiếu trị giá mười nghìn bảng.
Khi hôn lễ của họ diễn ra, Alan Trevor làm phù rể, còn Baron thực hiện một bài diễn văn tại bữa tiệc cưới.  “Người mẫu triệu phú đã hiếm,” Alan bình luận, “nhưng triệu phú người mẫu còn hiếm hơn!”

Oscar Wilde ( Ai Len)
(Nguyễn Bích Lan dịch)
(Truyện đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 7/2020)

——————
[1] Là rượu vang không ngọt ( phân biệt với rượu vang ngọt).