Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An vừa khai mạc trại sáng tác tổng hợp tháng 11. Đây là trại sáng tác cuối cùng trong năm theo kế hoạch hoạt động năm 2019 của Hội. Trại lần này có sự tham gia của 18 hội viên thuộc 7 chuyên ngành: Văn, Thơ, Mỹ thuật, Sân khấu, LLPB, Ảnh, Âm nhạc. Thời gian diễn ra trại từ ngày 15/11-29/11/2019.

Ông Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Hội tuyên bố khai mạc trại sáng tác.

Ngay sau khi kết thúc buổi khai mạc vào sáng 15/11, đoàn văn nghệ sĩ Nghệ An do ông Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An làm trưởng đoàn đã lên đường đi thực tế tại huyện Thanh Chương. Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Thanh Chương. Tại buổi làm việc, ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện đã báo cáo khái quát về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó nhấn mạnh về kết quả chương trình thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của huyện.

Lãnh đạo huyện Thanh Chương thông báo tình hình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương. Ảnh: Hồ Nhật Thanh.

Được biết, đến 31/10/2019 số xã đạt chuẩn nông thôn mới của Thanh Chương là 18 và ngoài ra có thêm 7 thôn ở các xã khác,  phấn đấu cuối đến cuối năm 2019 có thêm 06 thôn, xóm đạt chuẩn. Tổng nguồn lực thực hiện chương trình đến 31/10/2019 là 1.632, 26 tỷ đồng, trong đó thực hiện năm 2019 đạt 164,47 tỷ, tăng 76,17 tỷ đồng so với năm 2018. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ có thêm 3 xã, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 20 xã.

Trong thời gian thực tế tại huyện Thanh Chương, Đoàn đã tới tham quan xã Thanh Lĩnh, xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên (2014) của huyện và là xã đạt giải 3 cuộc thi xã nông thôn mới đẹp năm 2018 của tỉnh.

Tiếp đoàn, ông Nguyễn Văn Hồng – Chủ tịch UBND xã báo cáo khái quát về kết quả xây dựng nông thôn mới, trong đó nhấn mạnh về sự quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo của các ban ngành cấp trên và sự đồng thuận của người dân. Việc tuyên truyền, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở cơ sở đã được quan tâm như: mở lớp tập huấn cho cán bộ và nhân dân; tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân tham gia các phong trào làm đường giao thông nội đồng, làm đường giao thông nông thôn, hiến đất làm đường với tổng diện tích: 2.183m2 đất và 205 cây; vận động con em quê hương đóng góp tiền xây dựng quê hương; tuyên truyền nhân dân trồng hoa và cây xanh trên các trục đường chính; chung tay trong công tác bảo vệ môi trường thu gom và phân loại rác thải sinh hoạt, tạo cảnh quan hệ thống điện chiếu sáng công cộng các trục đường dân sinh, đường làng ngõ xóm… với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng.  Hiện nay, xã có 2 đề án: đề án  trồng hoa, cây cảnh trên các trục được chính và đề án thu gom rác thải.

Đoàn cũng đã tới tham quan đình Võ Liệt, đền Bach Mã là những di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Đình  Võ Liệt được xây dựng vào năm 1859 và đến năm 1860 thì hoàn thành. Đình  là một di tích văn hóa có kiến trúc độc đáo trong hệ thống đình làng Việt Nam.

Nơi đây đã ghi lại dấu ấn của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Ngày 1/9/1930, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Thanh Chương, 2 vạn nhân dân trong 5 tổng đã vượt sông Lam sang bao vây huyện đường, khiến tri huyện, nha lại hoảng sợ phải bỏ chạy lên đồn Thanh Quả. Trước sự tan rã của bộ máy hương hào ở địa phương, chi bộ Đảng đã họp ở đình Võ Liệt quyết định thành lập tổ chức Nông hội đỏ, đại diện cho quyền lợi của người lao động và công khai giải quyết mọi công việc như một chính quyền cách mạng. Đình Võ Liệt trở thành trụ sở làm việc của chính quyền Xô Viết…

Đền Bạch Mã thờ Phan Đà, người con đất Võ liệt, danh tướng có công lớn trong kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ XV.

Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa rồi về Nghệ An xây dựng căn cứ kháng chiến, Phan Đà đã đem lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân Lam Sơn và cùng dân binh Võ Liệt tham gia nhiều trận chiến. Khi ra trận Phan Đà thường mặc áo giáp trắng, mũ trụ trắng, cưỡi ngựa trắng nên nhân dân thường gọi ông bằng cái tên “Thần Bạch Mã”. Ông là vị tướng văn võ song toàn đã lập nhiều công lớn và hi sinh khi mới 24 tuổi.

Ngoài ra, các văn nghệ sỹ đã có chuyến du thuyền trên sông đến với đảo chè thuộc hai xã Thanh Thịnh và Thanh An – là một địa chỉ du lịch đang thu hút du khách khắp mọi miền.

Thăm cánh đồng dưa ở xã Thanh Lĩnh. Ảnh: Hồ Nhật Thanh.
Du thuyền trên đảo chè. Ảnh: Hồ Nhật Thanh.
Sắc xanh đảo chè. Ảnh: Hồ Nhật Thanh.

PV.