SÔNG LAM: Dưới thời thuộc Pháp, Vinh vốn là một đô thị đa văn hóa. Đây là nơi tụ hội của rất nhiều nhân vật đặc sắc trên nhiều lĩnh vực. Chính những gương mặt đó đã góp phần quan trọng làm biến đổi Vinh từ một tỉnh lị nông nghiệp trở thành một đô thị kỹ nghệ và thương mại bậc nhất Trung Kỳ. Hướng tới Kỷ niệm 335 năm Phượng Hoàng Trung Đô, 60 năm thành lập thành phố Vinh, Sông Lam xin giới thiệu loạt bài về các nhân vật Vinh xưa của nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần.

TỔNG ĐỐC ĐÀO TẤN QUA NGÒI BÚT CỦA MỘT VÕ QUAN PHÁP

Trong 2 lần làm Tổng đốc An Tĩnh (1889 – 1893 và 1898 – 1902) Đào Tấn từng tiếp nhiều người Pháp, kể cả quan chức, doanh nhân, sĩ quan và nhà văn. Hầu như ai cũng dành cho ông những tình cảm quý mến đặc biệt.

Gosselin Charles (1852-1929) là một sỹ quan quân đội Pháp, đã từng tham gia chiến dịch truy lùng Vua Hàm Nghi và tùy tùng những năm cuối thế kỷ 19, ở các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An.

Năm 1904, tại Paris, ông cho xuất bản cuốn L’empire d’Annam (Đế chế An Nam), trong đó có chương 8 “Một chuyến đi An Nam năm 1901” (CHAPITRE VIII UNE EXCURSION EN ANNAM EN 1901).

Qua mô tả của tác giả chúng ta có thể hình dung khá chi tiết về Dinh Tổng đốc đóng trong thành Nghệ An. Đặc biệt, dưới ngòi bút của Gosselin, chân dung Tổng đốc Đào Tấn được khắc họa khá sinh động, từ diện mạo đến tính cách và nhân cách. Qua đó chúng ta có thể có một hình dung khác, khá thú vị về nhân vật Đào Tấn so với lâu nay ta vẫn hiểu.

Bìa cuốn sách L’empire d’Annam (Đế chế An Nam)

“Ngày 14 tháng 5[1], trời nắng đẹp, tôi dùng thuyền tam bản đi từ đồn Linh Cảm lúc 8h sáng, đến nửa đêm thì đến Bến Thủy, một cảng ở Vinh. Tại đây, tôi đi xe kéo mất độ chừng 30 phút thì đến Vinh, tôi đi cùng với Thuận, người phiên dịch cho tôi. Vì thực thi nhiệm vụ cần thiết của mình nên tôi phải ở lại thành phố này từ đây cho đến ngày 30 tháng 5. Trong suốt thời gian đó, tôi cảm thấy thật dễ chịu với tấm lòng hiếu khách của những người bên cạnh ông Công sứ, ông S[2] và vợ của ông ta thật là duyên dáng. Tôi muốn nói thêm là nhờ những mối quan hệ này mà tôi đã có cuộc trò chuyện với Tổng đốc Đào Tấn, Bố chánh Tôn Thất Niêm[3]. Tôn Thất Niêm là thành viên của Hoàng tộc, trước đây ông ta đã được chỉ định đến tòa đại sứ Paris với quan nhiếp chính Nguyễn Trọng Hiệp[4].

Có một sự khác biệt rất hấp dẫn và thú vị, giữa cách bài trí rất tinh tế, đậm chất Paris của Tòa Công sứ và cách sắp đặt thuần túy An Nam của Dinh Tổng đốc. Khi bước vào nhà của các vị quan này, người ta sẽ ngạc nhiên vì cảm nhận được một không gian rộng lớn, tĩnh lặng, khác biệt với sự ồn ào náo nhiệt ở bên ngoài. Xung quanh sân có những nhà kho lớn, mà ở đó người ta có thể ngồi hoặc ngủ trên đệm và hút thuốc lào, quân lính đứng đó chờ để phục vụ. Vào sâu bên trong sân là một căn phòng rộng thênh thang, mái nhà cao cúp xuống dựa vào những cột gỗ thiết mộc. Trong căn phòng đó có những tờ giấy mỏng của người An Nam mà trên đó có viết các mệnh lệnh, thông tư của chủ nhà. Mái nhà thấp đã làm cho một nửa bóng tối chiếm lấy căn phòng, có một mùi hương thật dễ chịu trong căn phòng này. Bên cạnh cánh cửa nằm sâu phía bên trong, có lính mặc quân phục màu đỏ, phục vụ riêng cho quan lại và bảo vệ họ. Cánh cửa mở ra, ông Đào Tấn chỉnh sửa mái tóc xoăn, vội bước tới gặp chúng tôi, nở một nụ cười niềm nở và chìa bàn tay căng mọng ra để bắt. Ông có thân hình mảnh nhưng cao, đôi mắt long lanh, mặc áo dài nhung đen có buộc ru băng quân đoàn danh dự màu đỏ, tóc màu trắng, bộ râu hiếm có, đầu đội khăn trắng (có lẽ là khăn tang), dấu hiệu đám tang của Thái hậu[5]. Sau những lời chào hỏi, ông ta đưa tôi vào trong phòng riêng của mình.

Tổng đốc Nghệ An, và là nghệ sĩ tuồng Đào Tấn (Ảnh trong sách L’empire d’Annam, 1904)

Chúng tôi đi qua căn phòng thứ hai tương tự căn phòng thứ nhất, nhưng mọi thứ được bố trí trong phòng này đều biểu hiện quyền lực: cờ và lọng diễu hành, thanh kiếm với vỏ khảm xà cừ óng ánh, trống gỗ, kiệu bóng lộn và những tấm mành bằng vải lụa đỏ.

Dọc hành lang dẫn ra sân rộng đều là hoa phong lan, đó là sở thích của Tổng đốc. Ở giữa sân đặt một bể nước trong vắt, trong bể nuôi cá cảnh Trung Hoa, có hình dạng rất kỳ lạ, vảy cá màu xanh, chúng đang nô đùa trên một bãi cát trắng mịn. Có một căn phòng tiếp khách mở cửa về hướng khu vườn, những cây cột bằng gỗ quý, được trang trí bởi những bức tranh sơn mài, trên những bức tranh đó có những dòng chữ vàng lớn, nêu lên những nguyên tắc sống của Đào Tấn và các câu châm ngôn nổi tiếng của Khổng Tử. Phía trước phòng đón tiếp, có hai ghế dài được làm bằng gỗ màu đen, có chạm trổ nhẹ, đặt quanh một cái bàn nặng có quét sơn đỏ và vàng[6]. Trong lúc chúng tôi ngồi xuống cái bàn này, đúng theo phong tục ở đây, người này ngồi đối mặt với người kia, những người hầu mang một cái khay bằng bạc trong đó có những chiếc cốc pha lê, có rượu Champane, thay cho trà thơm của ngày xưa với những chiếc tách nhỏ xíu bằng gốm để cúng cho tổ tiên.

Nói chuyện với một người như Đào Tấn thì người ta có thể nói hàng giờ mà vẫn không thấy chán. Biết tôi rất quan tâm đến lịch sử và các vấn đề khác về đất nước này nên Đào Tấn đã thảo luận với tôi những vấn đề ấy.

“Một đời tận tụy trong nhiều chức vụ quan trọng, Đào Tấn vẫn tay trắng, thanh bần, bao nhiêu ấy đủ thơm danh hậu thế và làm cho đại nhân vượt lên trên hẳn những đồng liêu khác ít được gương mẫu như đại nhân”

Với tư cách là một nhà nho khôn khéo được trọng dụng dưới thời vua Tự Đức, ba lần làm thượng thư trong triều đình, ông đã tập hợp lại các chính sách của Pháp và thấu hiểu được lợi ích của sự tiến triển song song của hai đất nước. Dù vậy Đào Tấn vẫn là người tay trắng, thanh bần. Chỉ một từ “liêm khiết” là đủ để ca ngợi tấm gương cao đẹp về đạo đức của  ông, và cũng để phân biệt ông với những quan chức ngang hàng khác, những người thường cho chúng tôi thấy những tấm gương trái lại. Vào năm 1903, có một sự thay đổi bên trong triều đình xảy ra tại Huế, nguyên nhân có thể quy cho là do cá nhân mà không thể liệt kê ra đây được. Trong nội các mới Đào Tấn được giao cho chức Thượng thư bộ Công.

Vào sáng ngày 30/5, vào khoảng sáu giờ, bầu trời đầy mây che phủ đã làm cho tôi nhớ lại mùa này ở Pháp. Tôi rời Vinh bằng xe kéo cùng với một phiên dịch và một người hầu trung thành”[7].

[1] Năm 1901
[2] Chính là Henri Sestier, Công sứ Pháp ở Vinh
[3] Tôn Thất Niêm (1856-1914), sau này là tổng đốc Thanh Hóa, thân sinh của Giáo sư Tôn Thất Tùng.
[4] Chắc tác giả muốn nhắc đến sự kiện năm 1894, Nguyễn Trọng Hiệp dự sứ bộ Nam triều sang Paris để thay mặt vua An Nam chào tổng thống Pháp.
[5] Muốn nói đến Hoàng Thái hậu Từ Dụ (tức Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu), tên thật là Phạm Thị Hằng, sinh năm 1810, mất năm 1901.
[6] Tác giả muốn nói bộ tràng kỷ|
[7] Bản dịch của Phạm Thanh Biên