24.4 C
Vinh
Thứ tư, 16 Tháng mười, 2024

Tờ giấy bạc màu xanh

Tôi nhăn nhó, ôm bụng đau nhảy cò cò. Cơn đau như vặn xoắn từng khúc ruột. Hoa mắt hoa mũi, tôi leo lên bậc cửa xe ô tô. Thấy thế, anh Đại lái xe ưu tiên cho ngồi hàng ghế đầu cho đỡ xóc. Tôi thường gọi xe này là “chuyến xe đặc biệt” vì chỉ có nó chở khách đi viện từ Yên Thành vào Vinh sớm nhất. Nhiều hôm vào đến Vinh hãy còn tối đất, kịp lấy số thứ tự khám lượt đầu tiên, về trong ngày. Có điều hôm nào khách cũng chật như nêm cối và trong xe nhức óc đau tai về sự van la, rên rỉ…

Hôm nay cũng thật đặc biệt của đặc biệt, có thể nói thế. Chả là bây giờ đã năm giờ rưỡi sáng, qua cửa kính tôi thấy rõ trên mặt đường những con gà kiếm ăn sớm đã chạy táo tác tránh bánh xe. Nhìn về phương đông chân trời đã phết lên một màu hồng nhạt. Vậy mà xe vẫn chưa ra khỏi địa bàn Yên Thành. Khách nhốn nháo thắc mắc, thì được anh hạ một câu thật vô lý, vô trách nhiệm, như xối gáo nước lạnh: “Các vị thông cảm cho tôi quay lại vì tôi đã quên chiếc điện thoại “kiếm gạo” ở đầu giường. Bất đắc dĩ tôi phải quay lại. Còn ai đợi được thì đi, không thì tùy!”

Nói rồi anh ta cứ tự nhiên quay đầu xe, hành khách ai cũng lắc đầu ngán ngẩm, tức như bị bò đá với cái anh lái xe quân phiệt vô cảm này, nhưng đều cố nén chịu. Những người từng trải đều biết, lái xe có quyền “hành” khách đi đường, từ khi chế tạo ra chiếc ô tô đầu tiên. Họ hành cho ra bã cho dù lúc nào cũng nhoen nhoẻn: “khách hàng là thượng đế”. Nhưng đây là khách hàng yếu thế nhất đi xe. Ai cũng cần đi sớm để lấy số khám bệnh, đi xe khác có mà đến trưa. Vả lại, giữa cánh đồng có phải lúc nào cũng sẵn xe đâu. Ngọc chừng biết thế rất kiêu. Vả lại anh ta chưa thu tiền ai, nên chưa phải trách nhiệm gì với ai. Nếu có sốt ruột thắc mắc, thì cứ xin mời xuống đường, đi xe khác tự do hơn.

Biết ở cửa dưới nên ai cũng nén lòng, im như thóc. Nửa tiếng đồng hồ sau chiếc xe lộn lại, đã xồng xộc đến gần lèn Hai Vai, tức là chính cái nơi phát hiện ra sự quên.

Tôi ngồi ghế gần Ngọc nên nghe được nhiều cú điện thoại còn ngứa máu, bầm gan hơn nữa. Bây giờ xế đang cáu với một hành khách chưa lên xe cứ nheo nhéo trong nhà. Nghe tiếng vọng qua điện thoại tôi biết khách là một bà lão và một lũ trẻ nít.

Ngọc áp điện thoại vào tai phải, quát gắt như mắm tôm:

– Bà muốn đi thì ra ngay đường cho tôi nhờ. Cứ ru rú trong nhà thì ai biết đâu mà đón. Chưa ra cổng được à? Thì tôi đã gọi điện thức bà dậy từ bốn giờ kém mười lăm kia mà, chừng ấy thời gian mà đến giờ vẫn quanh quẩn trong nhà. Thôi bà đi chuyến sau vậy!

Tôi nghe rõ tiếng mấy đứa trẻ cãi nhau, khóc ti tỉ và và tiếng thụi bịch; tiếng bà già đay nghiến kêu trời, qua điện thoại tôi đoán được bà này không phải ngủ dậy muộn, không phải lề mề chậm chạp như nhiều người trên xe chê bai mà do hoàn cảnh khó khăn nào đó. Bỗng dưng tôi mủi lòng thương, tôi ngoảnh sang nói nhỏ với Ngọc:

– Thôi bớt giận chú ạ, đã vào đến đây, qua được chiếc cầu Lim nhỏ chênh vênh, qua con kênh đào kia, thì hãy cố đợi thêm chút nữa, kẻo họ nhỡ xe cũng tội. Muộn thì cũng muộn rồi. Cùng dân bệnh tật đi bệnh viện cả, chúng tôi bảo nhau bằng lòng.

Lái xe vỗ vỗ tay vào vòng lái, giọng dịu hơn, cải chính:

– Bà này không bị bệnh gì đâu, bà chỉ vào thăm cháu gái nội, đang học lớp 11 bị giun chui ống mật, đang điều trị ở Bệnh viện Ba Lan thôi. Hôm kia tôi đã đón và trả bà ta, tại đây, nghe bà kể thế, tôi biết.

Phải mất thêm mươi phút nữa mới thấy một bà lão chừng tám mươi tuổi, lưng còng, tóc bạc, lụi cụi đi từng bước khó nhọc, đến xe. Trên tay bà bế một cháu bé chừng vài tuổi. Đứa bé là gái vì thấy hai món tóc tết lại phất phơ như lông gà. Cháu gái mặc chiếc áo may ô lem nhem, để lộ cái bụng to như cóc bù. Lẽo đẽo theo bà còn có hai cháu gái nữa. Bé gái lớn nhất hơn con em một cái đầu, chừng mười tuổi, mặc chiếc áo xanh bạc, có miếng vá to như bàn tay nơi vai trái. Nó khệ nệ ôm một túi du lịch căng phồng, không có khóa, lộ ra quần áo tàng tàng như giẻ rách và mấy bắp ngô đã luộc. Chiếc túi đứt một bên quai có vẻ quá sức nó bê, nên vừa đến cửa xe nó quăng đánh bịch. Sau rốt là một cháu bé gái chừng bốn, năm tuổi, tóc tai bù xù nhem nhuốc. Con bé này vừa đi vừa hu hu khóc, tay quẹt nước mắt, vẻ phụng phịu có lẽ do buồn ngủ.

Bà lão vịn lấy cửa xe, nhè bã trầu từ miệng ra cầm tay, rồi trước sự ngán ngẩm của mọi người, bà thao thao nói. Bà kể về lý do có sự chậm trễ và hoàn cảnh éo le của mình. Mặc cho ai muốn nghe thì nghe, không nghe thì thôi:

– “Bà con thông cảm, nỏ phải tui tham ngủ mô. Tui đã dậy từ ba giờ sáng nhưng cám trú cho lợn, gà, rồi thức đứa này thì đứa nọ lại leo lên giường ngủ tái. Rứa có khổ không chứ.

Mẹ chúng nó à? Con mẹ “chết rấp” hư đốn của chúng nó thì nói làm chi cho rác tai hở bà. Nó đã cam tâm bỏ lại bốn đứa con cho tui mà tui là bà già tám mươi tuổi đầu, ốm o thế này, để nó trốn ra nước ngoài đấy! Răng tui biết hắn ra nước ngoài à? Thì con bé mà đang nằm ở trong viện hôm nay bà cháu vào thăm, đã nhiều lần mách với tui trước đông bạn bè như rứa. Nó cam đoan là mẹ nó vẫn thỉnh thoảng gọi điện về, nói cố gắng chăm các em khi nào mẹ có tiền mẹ sẽ gửi cho.”

Rồi bà quay sang nói với một chị trên xe đang bước xuống đất:

– Ả hỏi vì sao con mẹ “chết rấp” nớ mất tình mất nghĩa, bỏ cả con dại cho tui mà đi ư? Nhiều chuyện lắm. Để rồi tui kể cho mà nghe. Chung quy lại, tại nó và cũng tại thằng Kiên chồng nó, con trai tui nữa. Chả là, thằng Kiên đi làm phụ hồ trong Nam không biết mần ăn, cờ bạc ra răng, mà nợ đìa ra. Hôm xảy ra chuyện, thằng Kiên về nhà, ngon ngọt bảo vợ ký giấy, cầm đất ở để vay tiền ngân hàng trả nợ. Con mẹ không chịu ký, rứa là sinh chuyện đánh đuổi chắc. Vợ chồng thụi chắc lúc nửa đêm, thì sáng ra con mẹ “chết rấp” bỏ nhà, lẻn đi từ khi mô. Nó để cho tui bốn đứa con nhỏ dại ra ri đây. Con bé út tui đang bế đây, lúc mẹ nó trốn hãy còn chưa bỏ bú ả nà.

Tài xế Ngọc, bê túi xách của bà cháu ra cuối xe mở cốp xếp lại, ba lô túi xách rơi ngổn ngang. Anh trở lên cửa thấy bà lão vẫn đang đứng dưới đất, nói liên thanh hồ điệp, anh vừa đùn con bé lên xe, vừa cáu:

– “Thôi vừa vừa cái mồm đi bà Lợi ơi, đã lên muộn lại còn kể con cà con kê ai mà sống được. Vào chỗ ngồi rồi tha hồ mà than vãn, kể lể nhé.” – Rồi quay sang bảo tôi: “Anh Đại, né người hoặc xuống đất cho con bé lớn này vào ngồi ghế phụ chèn giữa em và anh. Còn hàng ghế dưới này, các chị khép khép vào một tý nào, cho bà lão và con bé đang ẵm tay ngồi với. Chật thì bà con ngồi so le vào. Còn con bé choai choai kia muốn đi kèm thì vào hàng ghế sau cùng, chịu xóc một tý. Tui trời bắt tội chở bốn bà cháu cũng chẳng được lợi lộc gì đâu.”

Tạm sắp xếp xong chỗ ngồi, Ngọc cho xe lăn bánh.

Lúc này tôi càng đau bụng dữ dội, đau đến tê dại, mồ hôi nhớt tứa ra trên trán nhớp nháp. Tôi chẳng hơi sức đâu mà nghe bà lão tiếp tục kể lể cuộc đời bất hạnh của bà. Tôi nghe loáng thoáng rằng: chồng bà lão trước cũng đi bộ đội, được hưởng chế độ chất độc da cam, về địa phương hoạt động ở Hội Cựu chiến binh xã Ngọc Thành gì đó. Ông cụ vừa mới qua đời ở tuổi bảy mươi tám, cách đây dăm năm thôi. Hình như, bà còn nói rằng, đằng ngoại các cháu còn oái oăm hơn – ông ngoại mù cả hai mắt, hưởng chế độ trợ cấp xã hội “hai rô hai”, còn bà ngoại chúng nó vẫn thiếu ăn dài dài.

Bà lão còn nỉ non kể thêm:

– Thật chó cắn áo rách, mấy bữa nay con chị lớn nhất bọn này đang học lớp 11 phải nghỉ học vì bị giun chui ống mật. Vì thế, hôm nay hai đứa nhỡ kia nhớ chị, đòi tui dẫn vô thăm…

Nghe vậy tôi cũng mủi lòng nghĩ: “Thôi thì hoàn cảnh người ta khổ thế, mình cũng nên giúp chút tiền, để trả tiền xe”. Tôi kiểm lại số tiền có trong ví: lúc sáng lên xe, Lan, vợ tôi, bỏ tiền vào ví, vừa nghiêm mặt vừa nhấn từng tiếng để tôi khỏi quên:

– Trong ví này có một triệu đồng, gồm hai tờ bạc năm trăm đây, để đặt cọc tiền làm bia cho họ Trần ta. Em bỏ riêng gần hai trăm nghìn đồng nữa cho anh trả tiền xe lượt đi, lượt về. Ngoài ra còn có bốn chục nghìn lẻ cho anh ăn sáng.

Cô đưa ví cho tôi, xưa nay cô lĩnh lương hưu nên tôi chẳng có đồng nào làm “quỹ đen” cả, khi cần thì trình khoản cần chi cho cô duyệt, cấp. Tài thế, các món duyệt vừa xoẳn. Khi đưa ví, cô còn dặn thêm:

– Khám xong, là biết đau bụng gì. Nếu phải ở viện điều trị tiếp thì em vào ngay, sẽ mang thêm tiền, anh không phải lo. Còn bây giờ đưa tiền nhiều cho anh, là mất. Em lạ gì tính anh cứ là qua loa đại khái, lại tập tõm làm thơ, lúc nào cũng ngơ ngơ như bò đội nón.

Lúc ấy tôi ì ờ trong miệng cho xong, phần vì đau bụng quá phần vì phải dậy sớm, tôi hãy đang buồn ngủ, hai mắt cứ díp lại. Nhưng cô vẫn chưa tha, ra khỏi ngõ, xáp xe ô tô rồi, mà vẫn còn níu áo tôi nói bô bô:

– Nhớ là trong ví có hai tờ bốn chục nghìn màu xanh giống như hai tờ năm trăm nghìn đặt cọc làm bia, dễ nhầm đấy.
– Biết rồi, dặn mãi ù cả tai người ta!

Giờ nghe bà cụ ôn nghèo gợi khổ, lại thấy cảnh bà cháu nhếch nhác như vậy như thế, lòng tôi cũng gợn sóng từ bi. Tôi lại nghĩ “Khối người không ăn sáng vẫn cứ làm việc như thường đó thôi. Mình có nhịn một bữa vẫn chưa gầy. Mình ủng hộ quách khoản tiền vợ cho ăn sáng ấy đi. Họ cũng như mình từng khốn khó…”. Nghĩ vậy, tôi móc ví sau túi quần, rút ra hai tờ bạc màu xanh, cầm tay, đưa qua vai, bảo khẽ bà lão:

– Tôi không có nhiều, chỉ dư có bốn mươi nghìn này, xin biếu bà cháu…
– Cám ơn anh, à tuổi chú. Thật là chết đuối vớ được cọc chú ạ. Tui đang thiếu tiền xe.
– Tôi cũng biếu bà cháu hai chục nghìn – chị ngồi cạnh bà lão lục túi lấy tiền, dúi vào tay bà.
– Đây, tôi còn năm nghìn lẻ, xin biếu bà cháu mua ổ bánh mì.

Sau cuộc từ thiện ngẫu hứng ấy, tôi cảm thấy trong người dễ chịu hơn, hình như cơn đau cũng dịu đi. Tôi thiu thiu ngủ gật.

Minh họa: Hải Thọ

Một lúc khá lâu, bỗng một bàn tay đập đập khẽ vào vai trái của tôi:

– Anh Đại dậy đi, đã đến bệnh viện Quân khu rồi… hì hì… hơi muộn chút nhưng vẫn kịp khám sáng đấy. Ta còn giúp được bà Lợi nữa. Nói thật khi tức thì tôi mắng thế thôi, chứ biết hoàn cảnh của bà rồi, nên bà ấy đi bốn người tôi cũng chỉ lấy suất một người để đổ xăng thôi!

Tôi mở ví trả tiền xe, bỗng giật mình đánh thót. Chết, hai tờ bạc xanh mệnh giá năm trăm nghìn làm bia của dòng họ đã không cánh mà bay. Tôi suy đoán nhanh trong óc: chỉ có hai khả năng, hoặc là đưa nhầm tiền cho bà Lợi, hoặc là vợ tôi dặn thế nhưng chưa bỏ tiền vào ví. Thấy tôi tần ngần, anh Đại đoán ra:

– Thế nào? Sai tiền hả? Anh đưa cho em bảy mươi nghìn, đang cầm đây.
– Không phải thế, bỗng dưng hai tờ bạc năm trăm tiền đặt làm bia không thấy trong ví.
– Anh đã đưa nhầm cho bà Lợi rồi cũng nên. Những tờ bạc hai mươi nghìn và năm trăm nghìn, không biết răng mà người ta lại in hai loại tờ tiền này màu xanh giống nhau rứa chứ. Mà, bà Lợi cũng là người không biết điều. Anh có thể nhầm chứ bà ta thì không. Biết người ta đưa tiền to hơn mà cứ cam tâm ỉm đi là không được. Thật là người không biết xấu hổ. Để em gọi điện thoại mắng cho bà ấy một trận…

Tôi giơ tay ngăn lại:

– Khoan hãy kết luận xấu cho bà ấy như thế; biết đâu Lan, vợ tôi, chưa bỏ tiền vào ví cho tôi thì sao. Nhiều tình huống lắm chú ạ. Mà mất đi thì thôi, tôi sẽ tìm cách bù lại ém nhẹm cả. Lo gì!

Tôi chạy nhanh vào viện lấy phiếu thứ tự siêu âm. Bác sỹ hỏi triệu chứng đau của tôi, nói nghi ngờ sỏi thận. Tôi giải thích, sáng nay đau là vậy, mà giờ gần như bình thường rồi. Ông bác sĩ chùi chùi lớp mỡ kem lầy nhầy, mát lạnh trên bụng tôi rồi tháo kính thở một hơi mạnh và hoan hỉ bảo:

– May cho bác quá, hai viên sỏi, chắc nhờ đi xe ô tô xóc mà chúng từ đường tiết niệu tụt được xuống bọng đái rồi. Trước mắt, tôi sẽ kê cho bác toa thuốc uống tán, vài bữa nữa, bác sẽ đái nó ra thôi. Nhưng để cho chắc, tôi vẫn muốn bác lưu lại bệnh viện để có điều kiện theo dõi.

Tôi phát hoảng, đáp nhanh:

– Thưa bác sĩ, xin bác cứ cho tôi lại nhà theo dõi cũng được ạ. Nếu không ổn tôi lại vào đây xin nhập viện ngay mà. Hiện nay nhà tôi rất bế, tôi chưa chuẩn bị gì cả.

Ông bác sĩ đồng ý cho tôi về nhà theo dõi. Được lời như cởi tấm lòng. Suốt chặng đường về lòng tôi vẫn không thanh thản vì nỗi lo triệu bạc kia đột nhiên mất. Dù rất muốn gạt đi, nhưng tôi vẫn cứ vẩn vơ với ý nghĩ sẽ bịa chuyện nói dối vợ hay kể tình thật rồi muốn ra sao thì ra.

Tôi bước vào nhà như người mất hồn. Lan đoán biết tôi có việc gì không bình thường, nhưng cô vờ như không quan tâm, bắt tôi phải tự lên tiếng.

2

“Thật thà hơn cha khôn khéo”, nghĩ vậy nên tôi đã kể hết sự tình về chuyến xe đặc biệt đó. Qua đôi mắt, tôi biết vợ không tin lắm. Sáng ra, Lan quày quả đi xe máy về phía cầu Lim xã Ngọc Thành.

Vừa chạy xe Lan vừa nghĩ miên man: Không ai làm từ thiện khoản tiền to như thế cả. Trong ví chỉ có hơn triệu bạc, mà từ thiện đến cả triệu. Hơn nữa, đấy là tiền của họ Trần chi cho đặt cọc làm bia, tiền cho mục đích đại sự, tức là không phải tiền của mình. Cô lại nghĩ mông lung, dạo này trên mạng người ta nói đầy chuyện các ông chồng ở phố về quê, khi có dịp trở lại phố, thường ngựa quen đường cũ, vẫn muốn nhăng nhít, ăn phở cho vui. Mất cả triệu bạc đã tiếc của, phải nhận sự gian dối mới càng ấm ức. Vấn đề là Lan phải biết sự thật để cảnh cáo chồng. Suốt đêm Lan không ngủ được, ruột nóng ran. Giờ vừa chạy xe đến nhà bà Lợi cô đã hình dung ra những tình huống có thể xảy ra để xử lý, không thể để bà ấy được đằng chân lân đằng đầu…

Qua cầu Lim, Lan gặp một ông vận quần đùi may ô đi tập thể dục buổi sáng về. Lan dừng xe, lịch sự hỏi:

– Xin chú chỉ cho tôi nhà bà lão Lợi, có con là Kiên ở xóm này…

Ông ta quan sát kỹ Lan, chỉ thẳng tay về hướng ngôi nhà xập xệ và nói giọng khôi hài:

– Chắc chị đến đòi nợ? Bi quan đó. Cả nhà Kiên cao chạy xa bay rồi. Nhưng chị cứ vào xem biết đâu “chạch đẻ ngọn đa”!

Câu ấy làm Lan thay đổi phần nào thái độ ban đầu vì nghĩ rằng bà ta giả nghèo giả khổ. Vấn đề còn lại là phải làm sáng tỏ việc đưa nhầm tiền, từ bốn mươi nghìn lên đến những một triệu đồng, mà bà ta vẫn ngậm tăm, ỉm đi. Lan phải hỏi cho ra nhẽ.

Nghe tiếng lách cách mở chốt cổng, và con chó dựng hai chân trước lên cột cổng sủa ẳng ẳng, bà Lợi ngừng băm rau lợn, ngoảnh lên và bảo đứa cháu lớn nhất, đang soạn sách vào cặp:

– Hoa, cháu ra cổng xem ai đến nhà sớm rứa. Nếu là mấy tay thanh niên bặm trợn đòi nợ hôm nọ thì mày cứ nói thẳng: “Thịt bà và cháu đây, có ăn được thì các chú cứ vào. Chứ tiền thì không có mô”.

Đứa bé tên Hoa thè lưỡi đi ra ngõ. Nó giật mình khi thấy khách là một cô trông nghiêm trang như cô giáo lớp nó. Nhưng cô này không cười tươi như cô giáo, mà cứ phăm phăm đẩy xe vào sân, đưa chân gạt chân chống, ngoắc mũ vào tay lái xe máy, rồi đi thẳng đến trước mặt bà nội nó. Bà nội nó đưa đôi mắt kèm nhèm, chỉ cái ghế đẩu xiêu vẹo đang dựa cạnh tường, run run mời:

– Xin vô phép, hỏi thế này khí không phải, chị là ai? Mời chị ngồi, ta nói chuyện. Hoa, cháu vào lấy cho bà cái cốc để rót nước mời khách.
– Thưa bà, tôi là vợ cái anh ngồi ghế hàng trên hôm qua cùng đi xe với bà, và… cho bà tiền, bà có nhớ anh ấy nữa không ạ?
– Nhớ chứ – bà lão chép miệng, rót chai nước vào cốc – chà, bác trai tốt bụng quá. Nhờ bác ấy cho bốn mươi nghìn đồng, mà làm cho cả xe động lòng đó. Bà con hảo tâm cho bà cháu tui gần hai trăm bạc chứ không ít. Nhờ thế tôi đã gộp với món tiền bán con gà mái mơ, trả tiền thuốc cần mua ngoài, tiền ăn cho cháu…

Lan thấy bà lão nét mặt rưng rưng, rơm rớm nước mắt thì tin thêm việc bà ta chỉ nhận có bốn mươi nghìn đồng thôi. Vậy, còn một triệu đồng nữa thì đi đâu kia chứ?

Lúc ấy bà Lợi thấy té ra khách là ân nhân. Bà xích chiếc ghế đang ngồi lại gần khách hơn, kể lể như từng thân quen lắm:

– Ngày kia, thứ Hai tới, bệnh viện sẽ cho con Kiền, chị mấy đứa trẻ này ra viện, mà tui chưa tìm mô ra tiền thanh toán chị ạ. Hay chị đã đến đây, là vợ cái bác hôm qua, chị xem có thể mua hộ cho tôi con lợn nít trong chuồng. Con lợn đó tôi cam đoan là đã nuôi ba tháng có lẻ mà chỉ lớn được chừng mươi cân hơi thôi. Vì nó ăn toàn rau, toàn chuối, thỉnh thoảng mới có cám. Nó không ăn cám cò, thì chậm lớn nhưng thịt ngon, nấu nở. Còn tôi xách nó ra chợ người ta thấy lợn nhỏ như lợn giống, da nhăn nheo thì chê. Chị mua thì số tiền cũng phải chăng so với khả năng của anh chị – chỉ độ bảy trăm bạc là cùng!

Lan khó xử quá chưa biết trả lời sao thì từ trong túi xách có tiếng chuông điện thoại réo. Thấy số lạ, Lan định tắt máy nhưng vẫn vô thức gạt nốt xanh rồi áp máy bên tai. Tiếng một người đàn ông nói hấp tấp:

– A lô, có phải đây là máy chị Lan, vợ anh Đại không ạ? Đúng à? Thế thì may quá! Tôi là Ngọc lái xe khách. Chả là sáng nay tôi định gọi điện báo tin vui cho anh Đại mà gọi mãi không được, chắc anh đang buồn lắm. Vâng tôi đoán thế, vì ngày hôm qua anh lục ví mới phát hiện mất một triệu đồng của dòng họ. Sáng nay, dọn xe tôi mới thấy hai tờ bạc xanh mắc trong khe ghế. Khả năng khi lấy tiền biếu bà Lợi , anh Đại đã vô tình đánh rơi hai tờ năm trăm xuống sàn xe. May mà tôi chưa gọi điện trách bà Lợi! Oan cho bà ấy.

Lan đứng dậy, quay mặt đi hướng khác kịp giấu dòng nước mắt chực trào. Cô mở túi, lấy ra tờ bạc màu xanh mệnh giá năm trăm mới tinh, hai tay đưa cho bà Lợi, nghèn nghẹn nói:

– Thưa bà, con không mua lợn cho bà nhưng xin biếu bà số tiền ít ỏi này thêm vào thanh toán viện phí cho cháu ạ.

Bà lão há hốc miệng, run run chìa tay ra đón lấy đồng bạc ơn nghĩa, lát rồi phát âm chắc nịch:

– Chúng bay đâu! Lớn bé, to nhỏ đến sắp hàng ngang đây, cúi đầu cảm ơn cô, mau lên!

Nước mắt Lan trào ra, từng giọt nhỏ xuống nền đất lồi lõm nhà bà Lợi.

Hoàng Chỉnh

VIDEO