Có một lần, chi hội VHNT Diễn Châu tổ chức giao lưu với đại sứ Ngô Quang Xuân tại Di tích lịch sử Quốc gia, nhà thờ họ Ngô Lý Trai, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tôi hỏi “Anh sinh ra và lớn lên ở quê, đi học ở quê, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong đời học trò của anh ạ?”. Ông nói: “Tôi học ở Trường cấp 3 Diễn Châu 2 khóa 1965-1968. Đó là những năm chiến tranh ác liệt ở miền Bắc. Giặc Mỹ cho máy bay quần đảo suốt ngày đêm trên bầu trời của các làng quê, chúng thả bom và bắn canong, rocket bất cứ chỗ nào. Tiếng nổ rầm trời, lửa khói mù mịt, nhiều khu dân cư tan nát sau những trận bom. Các lớp học của trường cấp 3 sơ tán hết chỗ này sang chỗ khác. Đến đâu cũng phải đào hào, đắp lũy xung quanh lớp để tránh bom. Có rất nhiều kỷ niệm về đời học sinh của mình, nhưng tôi nhớ nhất là trận bom đánh vào làng Phượng Lịch ngày 13/6/1968. Một quả bom rơi sát nhà thầy Hiệu trưởng Ngô Sỹ Đậu. Cả nhà thầy đã vào được căn hầm “Triều Tiên” để trú ẩn, thầy ngồi ở phía ngoài để bảo vệ mọi người. Quả bom nổ ngay trước cửa hầm, người thầy tài giỏi, đáng kính đã vĩnh viễn ra đi. Nỗi thương xót trùm lên các thầy, cô giáo và học sinh toàn trường. Tôi mang theo nỗi đau đó suốt hơn nửa thế kỷ qua. Những năm đi làm ngoại giao, gặp người Mỹ tôi thường kể câu chuyện đó cho họ nghe. Nhiều người đã khóc”.

– Thưa anh, như vậy thì nỗi sợ hãi nào làm anh nhớ nhất?

– Tôi là học sinh giỏi từ những năm cấp 2 nên được lên thẳng cấp 3, cuối năm cấp 3 tôi được đi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc (như toàn quốc bây giờ). Kinh tế cả nước khó khăn, cơm ăn bữa no bữa đói. Đường đến trường tôi phải đi bộ bảy, tám cây số. Mỗi lần cắp sách ra khỏi nhà tôi đều quay đầu nhìn lại căn nhà, nhìn lại bố mẹ mình vì tôi sợ khi quay về không còn gặp lại bố mẹ nữa, hoặc cũng có thể bố mẹ sẽ không được đón mình trở về trong căn nhà nhỏ thân thương ấy. Đó là nỗi sợ hãi ghê gớm nhất của tôi.

Đại sứ Ngô Quang Xuân

Xã Diễn Hoa quê ông rất nhiều người nổi tiếng. Dưới triều Lê Trang Tông có Tiến sĩ Thái Doãn Nguyên làm đến chức Đông các Đại học sĩ. Thời nay có Thiếu tướng Ngô Trí Nhân, anh trai ông; Thiếu tướng Cao Thượng Lương; nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo; Viện sĩ, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long, giải nhất guitar quốc tế, Hiệu trưởng Học viện Âm nhạc Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức, v.v… Ông Ngô Quang Xuân là người Diễn Hoa, là hậu duệ cụ tổ họ Ngô Lý Trai danh tiếng. Sử sách còn truyền lại, cụ Ngô Trí Tri đỗ Tiến sĩ năm 56 tuổi, cùng khoa thi với con trai là Ngô Trí Hòa, năm đó 28 tuổi. Hai cha con cùng đỗ tiến sĩ một khoa, ngày vinh quy bái tổ được Vua Lê Thế Tông tặng trướng: “Khoa danh thiên hạ hữu, phụ tử thế gian vô” (nghĩa là đậu đại khoa trong nước có nhiều, nhưng cha con cùng đậu một khoa thì chưa có bao giờ). Đến đời sau có con trai của Ngô Trí Hòa là Ngô Sĩ Vinh đỗ Tam giáp Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1646). Ba đời nối tiếp nhau đỗ đạt và làm quan là điều hiếm có xưa nay.

Anh thanh niên Ngô Quang Xuân là học sinh giỏi của Trường Cấp 3 Diễn Châu 2 thời bấy giờ. Tháng 8/1968, ông được chọn đi du học tại Liên Xô. Thời gian đầu vào học Khoa dự bị Đại học Tổng hợp Quốc gia mang tên Lomonosov. Một năm sau ông vào học Đại học Ngoại ngữ Quốc gia tại thành phố Pyatigorsk, miền Nam Liên Xô. Tốt nghiệp đại học bằng ưu, ông về nước được Bộ Ngoại giao nhận về công tác từ tháng 11/1974. Trải qua nhiều cương vị công tác, năm 1993, ông được Nhà nước bổ nhiệm làm Đại sứ, đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ). Thời gian này, ông đã góp phần điều chỉnh tư duy nhận thức chung về nền ngoại giao đa phương, bằng cách đổi mới dần nội dung và phương thức hoạt động tại LHQ và các cơ chế đa phương. Việt Nam bắt đầu tham gia vào các cơ chế lãnh đạo của LHQ và các tổ chức quốc tế. Ông cũng là người tham gia vào quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ (1995). Từ năm 2000-2002, ông làm Phó Trưởng đoàn đàm phán kinh tế của Chính phủ. Từ 2002 đến 2008 làm Đại sứ Việt Nam tại LHQ và Tổ chức Thương mại quốc tế WTO. Ông đã góp phần quan trọng vào kết thúc đàm phán, đưa Việt Nam gia nhập vào sân chơi thương mại toàn cầu lớn nhất hành tinh, mở đầu sự nghiệp hội nhập thực chất của Việt Nam vào khu vực và quốc tế. Về nước, ông được bầu là đại biểu Quốc hội Khóa XII và giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Liên tục gần 40 năm hoạt động xuất sắc trong lĩnh vực ngoại giao, ông được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Tháng 7/2011, ông được Nhà nước phong hàm Đại sứ suốt đời, bậc cao nhất, Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam.

Đại sứ Ngô Quang Xuân (bên trái) và tác giả

Trong những năm công tác, ông đã đi gần 50 nước ở các châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ La tinh. Nhưng với ông, không nơi nào ông nhớ thương da diết như mảnh đất quê hương. Đó là làng Đông Phái của ông, cái làng nhỏ xinh đẹp gắn bó với ông bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu, từ lâu đã không còn nữa. Năm 1976, khi ông đang theo học trường luật ở Genève, Thụy Sĩ thì cả làng di dân toàn bộ lên miền núi Nghĩa Đàn. Những nhà cửa, công trình, những bờ tre, giếng nước bị san bằng thành một cánh đồng rộng lớn. Chỉ còn lại trên cánh đồng đó là khu nghĩa trang gồm những ngôi mộ của các dòng họ đã quy tập về một nơi trước chiến tranh phá hoại, đó là nghĩa trang Chùa Nhãn. Ngôi làng xinh đẹp đã mất đi, để lại nỗi đau như nhà thơ Cao Xuân Thưởng đã viết:

…“Người đi thảng thốt bàng hoàng

Ngoảnh nhìn làng cũ khuất màn sương mai

Làng thành ruộng lúa đồng khoai

Cày lên còn gặp mảnh chai, chân kiềng

Người làng trôi dạt trăm miền

Gặp nhau vẫn một nỗi niềm xa xôi”…

Về sau này, theo đề xuất của anh em ông, Nhân dân làng Đông Phái góp tiền tu sửa nghĩa trang đẹp đẽ, khang trang. Hàng năm, lấy ngày 14 tháng Giêng, người dân các dòng họ trong làng tập trung về nghĩa trang dâng hương tưởng nhớ tiền nhân, và cùng tụ họp với nhau trên khu đất đó để hàn huyên, tâm sự. Không nơi đâu như cái làng này, nghĩa trang là nơi tập trung mồ mả người quá cố, cũng là nơi quần tụ của người làng, mỗi năm một lần như là phong tục. Họ gọi đó là ngày “lễ hội văn hóa âm – dương hội ngộ”. Trong ngày gặp nhau đó, họ ôm lấy nhau, ríu rít hỏi han, vội vàng kể cho nhau nghe chuyện này, chuyện nọ. Họ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về thầy, cô, trường lớp; những kỷ niệm với chúng bạn thời chăn trâu, cắt cỏ, bơi qua sông Bùng bắt cá, mò cua. Họ thảng thốt nghe tiếng trống ếch trại hè, bâng khuâng nhớ đến cảnh làng, nhớ những luống cày, nhớ từng ruộng bông, ruộng lúa, nhớ những ngày bom đạn đau thương. Xem những bức ảnh về những cuộc gặp của làng, tôi nhận ra ông đang ôm lấy cô giáo cũ của mình, nước mắt vòng quanh lã chã. Tôi có cảm giác là, nơi chôn rau cắt rốn của họ đã thấm từng giọt máu vào từng thớ đất thiêng liêng. Mỗi khi nhắc đến kỷ niệm, họ đau trong từng thớ thịt. Tôi hỏi ông:

– Trong những năm bôn ba góc biển chân trời, trong núi công việc bộn bề, anh có thời gian để nhớ đến quê, ngôi làng chỉ còn trong trí nhớ?

Xã Diễn Hoa (Diễn Châu), quê hương của Đại sứ Ngô Quang Xuân. Ảnh: Sách Nguyễn

– Không khi nào tôi không nhớ tới quê hương. Có lần, trên chuyến bay hơn 20 tiếng qua Thái Bình Dương, tôi cứ miên man nghĩ về làng Đông Phái của tôi. Thế rồi như vô thức, tôi lấy giấy bút ra, vẽ lại các ngôi nhà trong cả năm xóm của làng. Có lẽ không sai lệch bao nhiêu. Nhiều đêm tôi mơ về làng, mơ về những gương mặt thân quen, những đường làng ngõ xóm, những cánh đồng và dòng sông uốn lượn, mơ thấy cha mẹ mình và những bè bạn thân thương. Rồi một đêm, tôi mơ thấy máy bay Mỹ sà xuống rượt đuổi lũ bạn chúng tôi, nhìn thấy cả tên phi công ngó cổ ra ngoài chuẩn bị bóp cò súng. Bọn tôi chạy thục mạng qua những ruộng lúa, ruộng khoai, đến khi vấp vào bờ ruộng, ngã sóng soài thì giật mình tỉnh dậy. Tan giấc mơ, tôi nhớ thương cha mẹ, người thân, bà con, bạn bè… rồi bật khóc. Ngay lúc đó tôi viết bài thơ “Nhớ quê”:

Xứ người đêm ướt lệ

Giấc mơ về đầy vơi

Dòng sông quê lặng lẽ

Theo ta suốt cuộc đời”.

Vợ chồng ông Ngô Quang Xuân có hai cô con gái, cô lớn tốt nghiệp thạc sĩ ở Mỹ, cô thứ hai là Hoa hậu người Việt Quốc tế đầu tiên do báo Tiền Phong, báo Tuổi Trẻ, VTV và khu nghỉ dưỡng Vinpearl Land tổ chức năm 2007. Ngô Phương Lan sinh năm 1987 ở Hà Nội. Đang học lớp 1 thì Phương Lan sang Mỹ sống cùng bố mẹ. Cô đã được Tổng thống Mỹ Bill Clinton trao tặng bằng khen vì thành tích học tập cao tại Trường tiểu học New York. Lên trung học, Ngô Phương Lan xuất sắc vượt qua kỳ thi tú tài toàn phần Pháp của trường quốc tế Pháp. Đầu năm 2000, cô trở lại Hà Nội học tại Trường Quốc tế LHQ. Năm 2002 cô lại theo bố mẹ sang sống ở Thụy Sĩ, cô theo học và tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Genève với bài luận văn xuất sắc và được đánh giá rất cao về đề tài văn hóa lịch sử. Cô thành thạo một số ngoại ngữ, giỏi nhất là tiếng Anh và tiếng Pháp. Còn với tiếng Việt, trong một chương trình truyền hình, biên tập viên Quốc Khánh gọi cô là “vua tiếng Việt”. Mặc dù gia đình ông Ngô Quang Xuân có nhiều thời gian sống ở nước ngoài, nhưng vợ chồng ông luôn quan tâm đến việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho các con. Ông tâm sự:

– Các con tôi phần lớn theo ba mẹ, sống ở nước ngoài. Tiếp xúc cuộc sống, học tập cùng bạn bè quốc tế ở nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa khác nhau nên việc hướng các cháu về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán cội nguồn, kể cả tiếng Việt… không hề đơn giản. Tôi và nhà tôi luôn đồng lòng và quyết tâm dành thời gian thích đáng giúp đỡ các cháu, quan điểm của chúng tôi là “Không sợ con không giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp…, chỉ sợ con không rành ngôn ngữ mẹ đẻ”. Chúng tôi cũng thường xuyên chia sẻ, trao đổi học hỏi kinh nghiệm với bà con Việt kiều về cách nuôi dạy con cái, họ rất ủng hộ phương pháp và cách làm hiệu quả của chúng tôi, sự đòi hỏi, sự làm gương, sự chú tâm của các bậc cha mẹ cũng tác động rất tích cực tới các cháu theo hướng này. Nhiều lần chuyển đến các địa bàn khác do nhu cầu công việc, chúng tôi đều tranh thủ đưa cách cháu về nước, về thăm quê nội Nghệ An và quê ngoại Bắc Giang. Với thời gian khá hạn chế nhưng các cháu đã có điều kiện tìm hiểu, học hỏi, tiếp thu nhiều kiến thức và kỹ năng hướng về cội nguồn. Cũng may là các cháu ngoan và nghe lời ba mẹ, giữ được cốt cách, ngôn ngữ và văn hóa của con người Việt Nam. Các cháu sinh ra và lớn lên sau khi quê hương làng Đông Phái không còn nữa, các cháu vẫn thường xuyên cùng ba mẹ về nghĩa trang Chùa Nhãn hương khói tổ tiên và gặp gỡ giao lưu với bà con vào các dịp “Lễ hội văn hóa âm-dương hội ngộ”. Từ đó, tình cảm đối với quê hương, nghĩa tình với anh em họ mạc được hun đúc trong tâm hồn các cháu ngày một nhiều hơn. Mỗi khi nhắc đến làng Đông Phái các cháu luôn tự hào, trân trọng.

Cuộc đời của một nhà ngoại giao tài ba đã đạt được nhiều thành công lớn. Trong sự thành công đó, có lẽ tình yêu quê hương, tấm lòng nhân ái của ông đã kết tinh cho trí tuệ, tâm hồn và cốt cách của một nhà ngoại giao tài giỏi như ông. Tiếp xúc với ông, ta luôn nhận được sự gần gũi, sẻ chia, chân tình, lịch lãm, khiêm nhường. Ông lại có tài đàn, hát và sáng tác ca khúc. Trong cuộc giao lưu lần đó ông đã trình bày bài “Chuyện làng tôi” do ông sáng tác vô cùng xúc động:

Mây giăng che mờ ánh trăng

Khó tìm lối cũ em về

Nhớ quê buồn lắm người ơi

Xin gửi chút tình lắng đọng, hồn quê”.

Cao Khoa

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 24/ tháng 6/2022)