Tôi viết về anh – nhà văn Nguyễn Bùi Vợi – vì một mối đồng cảm tự nhiên, tự sinh về tính cách người xứ Nghệ ở mình. Đọc một số tác phẩm tôi tự chọn của anh mà cảm nhận anh nói thay cho mình và chắc là cả nhiều người Nghệ khác những nhược điểm và một số ưu điểm có tính chất đặc thù của tính cách con người một xứ – những tính cách vừa mang lại kết quả tốt và cả hậu quả trong cả một đời người.

  Người xứ bạn có thể nghĩ đến những nét tính cách ấy như là “đặc sản” xứ Nghệ, nhưng không phải ai, lúc nào, ở đâu cũng hợp “khẩu vị” văn hóa của đặc sản ấy. Ngay cả người xứ Nghệ ngày nay, nhiều người do những tình huống, điều kiện và mục đích sống phức tạp, đa dạng cũng cho thấy những tín hiệu dị ứng với một số nét tính cách “di truyền” của người Nghệ thứ thiệt.
Nguyễn Bùi Vợi là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Quê anh làng Thổ Sơn, xã Cát Ngạn (nay là Cát Văn), Thanh Chương, Nghệ An. Anh là một trí thức – nghệ sĩ, do số phận đưa đẩy đã lập gia đình và lập nghiệp, lập ngôn ngoài xứ Nghệ quê hương. Với 75 năm có mặt giữa cõi người (1933-2008) và hơn 50 năm vừa dạy học vừa sáng tạo văn học nghệ thuật, anh đã để lại cho quê hương và bạn đọc đến 20 cuốn sách. Tác phẩm đầu tiên là tập thơ Hạnh phúc (Nxb Tre xanh, 1956) viết về tình yêu của anh với cô nữ sinh trường Sư phạm Hà Nội – cô Đỗ Thị Từ – khi anh đang là thầy giáo ở đó. Tác phẩm cuối cùng khi anh còn tại thế là bản trường ca Thanh Chương tráng khúc (Nxb Quân đội nhân dân, 2003). Chắc chắn không phải ngẫu nhiên khi tác phẩm  đầu tiên của nhà thơ trẻ 23 tuổi dành cho mối tình đầu mà vì tình yêu đó, anh bị đình chỉ giảng dạy ở trường Sư phạm. “Thay vì viết bản kiểm điểm tôi làm thơ tình”, tức là viết và in tập thơ Hạnh phúc ấy. Quả thật tình yêu ấy đã mang lại cho anh hạnh phúc suốt một đời người. Và tác phẩm cuối cùng của đời cầm bút anh dành cho quê hương, một quê hương đầy gian khó trong cuộc sinh tồn nhưng thật sự giàu có cả một kho tàng văn hóa và sâu nặng nghĩa tình.

Ký họa chân dung Nguyễn Bùi Vợi

Có 3 tác phẩm xuất bản vào thời gian linh hồn anh đã chỉ hướng xứ Nghệ mà tìm chốn đi về. Trong đó, 2 tác phẩm được bạn bè văn nghệ sĩ sưu tầm, giới thiệu và NXB Hội Nhà văn in ngay sau năm anh mất: Nguyễn Bùi Vợi với những bài thơ hay (Tập phê bình thơ, 2009) và Nguyễn Bùi Vợi tác phẩm chọn lọc (Thơ, 2010). Tác phẩm cuối trong danh mục 20 cuốn sách của anh do chính người yêu anh – vợ anh – chị Đỗ Thị Từ thay mặt con cháu “gửi một chút TÌNH nặng trĩu với ĐỜI”. Đó là cuốn hồi ký Một đời khờ khạo (Nxb Hội Nhà văn, 2018) mà trước khi mất (2008) nhiều năm, anh đã viết để muốn chia sẻ “nỗi riêng” của mình. Nhưng rồi “Nỗi riêng, riêng những ngậm ngùi”, phải 10 năm sau khi anh “về quê”, cuốn hồi ký đầy cảm động kia mới đến được cùng bạn đọc.
Chưa có điều kiện đọc hết các tác phẩm của anh, do sự định hướng của vấn đề đặt ra, tôi chỉ dám đi tìm mối đồng tri cộng cảm với anh từ cuốn hồi ký Một đời khờ khạo (viết tắt H.K) và cuốn thơ …Tác phẩm chọn lọc (viết tắt Thơ). Tôi có quan niệm rằng: Muốn đi tìm con người chân thật nhất của tác giả thì không gì bằng tác phẩm tự truyện và thơ tự tình của anh ta. Đương nhiên không phải tác giả nào cũng có đủ tác phẩm ở cả 2 thể loại này. Nguyễn Bùi Vợi có đủ.
Một hiện tượng không hiếm khi người ta viết hồi ký (tự truyện) và thơ tự tình là tác giả giấu bớt hoặc gạt ra ngoài những nhược điểm của mình, lại nói nhiều về nhược điểm và sai lầm của người khác. Nguyễn Bùi Vợi không thuộc loại này. Anh là nhà văn xứ Nghệ sống xa quê nhưng tính cách lại rất điển hình cho những ưu điểm và cả những nhược điểm của người xứ mình. Ngay cái tên cuốn hồi ký Một đời khờ khạo cũng đã cho thấy cái thật thà rất Nghệ của anh.
Đó là cái bản tính thật thà đến mức ngây thơ, cả tin ở anh. Anh viết về thời tuổi trẻ của mình khi học ở Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc): 23 tuổi: “Sắp thi tốt nghiệp thì tôi mắc nạn”. Lúc đó, anh nhận được thư bạn cùng làng gửi sang báo cha anh (đảng viên 30-31) “bị quy cố vấn Quốc dân đảng… đang bị tù, chờ ngày xử bắn”. Suốt một  đêm khóc thầm, đau đớn “sáng hôm sau, không chút do dự, tôi đem bức thư báo cáo” với cán bộ lãnh đạo. Người này bảo: “Cậu khai man lý lịch để đi học” và bắt anh viết “Kiểm điểm về tội ác của cha” (HK, tr.20-21). Trong bản kiểm điểm anh viết mấy ý: “Tháng 11/1953, tôi rời gia đình sang Nam Ninh học. Từ 1931 đến tháng 11/1953 cha tôi theo Đảng Cộng sản Đông Dương. Còn từ tháng 11/1953 đến nay, ở nhà cha tôi làm gì, tôi không biết… ”. Đọc bản đó, lãnh đạo “trừng mắt”: “Cậu còn gọi tên phản động ấy là “cha tôi” cơ à? Nó là thằng Quốc dân đảng phản động” (HK, tr.21). Nguyễn Bùi Vợi thật thà đến ngây thơ rất Nghệ: “Tôi có đi học 2 năm ở nhà trường thuộc Pháp và hơn 10 năm ở chế độ ta, không ai dạy tôi gọi cha là thằng” (HK, tr.21). Lãnh đạo đập bàn xé bản kiểm điểm của anh “vứt vào sọt rác”. Bị kỷ luật không cho thi tốt nghiệp, lại một nét tính Nghệ khác – cương trực thẳng thắn – bừng phát trong tuyên bố thẳng thừng của anh: “Có băm vằm tôi… tôi cũng không bao giờ gọi cha mình là “thằng”, không bao giờ bịa ra tội ác gán cho cha để được khen là quan điểm lập trường tiến bộ” (HK, tr.21). Lần ấy, tính thật thà, khẳng khái xứ Nghệ đã cứu anh. Hiệu trưởng nhà trường – thầy Hoàng Như Mai – tuyên bố: “Đoàn thể không được can thiệp vào công việc của nhà trường… không ai có quyền cấm anh thi tốt nghiệp” (HK, tr.22).
Cái bản tính thật thà ấy, không chỉ một lần anh bị “đánh”, mà còn “bao nhiêu bận bị mất lòng”. Bài thơ Chồng Nghệ, anh dùng thao tác chuyển vị chủ thể trữ tình cho vợ mình – chị Đỗ Thị Từ (quê Bắc Ninh) còn tác giả thành đối tượng trữ tình: “Lấy chồng xứ Nghệ vui lắm nhé/ Bữa cơm ăn no là đứng lên/ Mặc cho khách ngồi nhai nhỏ nhẻ/ Cười hì: – cái tính bầy tui quen/…Bạn về, vợ trách thì lại mắng:/Thật thà với hắn có làm sao!/…Đã nhìn ai là nhìn thẳng mặt/…Đánh chết cũng không chừa thói thật” (Thơ, tr.9). Nói thật, làm thật, yêu ghét thật là cái “thói” chăng? Thì cũng là một cách nói về cái “nết” người như Nguyễn Du viết: “Rằng quen mất nết đi rồi”. Nghĩa là cái tính, cái nết đã quen như thế, không hoặc khó sửa khác lắm.
Đã sống thật thì ứng xử với đời, với người luôn đàng hoàng, tự trọng. Đối tượng của ứng xử là người tốt thì mình được an toàn, được quý trọng. Đối tượng là kẻ tồi thì hệ lụy mình gánh chịu. Chấp nhận thôi, dân Nghệ 100% mà. Bấy giờ, anh đang dạy học ở Vĩnh Phú. Một hôm, thư ký riêng của Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc đến tìm và bảo anh: “Anh Kim Ngọc bảo tối thứ ba, anh đến nhà riêng báo cáo cho anh chị ấy biết tình hình học tập và hạnh kiểm của cháu Kim Thị Hải”. Anh viết: “Nghe rất ngứa tai,…”, “Tôi nói với hiệu trưởng: Ngàn đời nay mới có một trường hợp phụ huynh gọi thầy giáo đến nhà báo cáo việc học của con mình” (HK, tr.115). Hiệu trưởng hỏi: “Chú có định đến không?”. Anh cương quyết: “Không bao giờ… có mà trời sập”. Anh viết thư cho ông bà Kim Ngọc nói lại ý như nói với hiệu trưởng và thẳng thắn: “…cho nên không bao giờ có chuyện thứ ba tôi đến báo cáo. Ông bà muốn biết tình hình học tập của con mình, mời ông bà đến gặp chúng tôi ở trường” (HK, tr.116-117). Nhận được thư, ông Kim Ngọc bỏ cả cuộc họp đến trường gặp thầy giáo người Nghệ xin lỗi và giải thích: Cậu thư ký hiểu nhầm chuyện trao đổi về việc học của con cái ra cái chuyện báo cáo ấy. Ông Kim Ngọc bảo: “Mong thầy thông cảm, tôi không đến nỗi vô học như thế” (HK, tr.117). Ông Bí thư về rồi, hiệu trưởng hỏi: “Viết thẳng thắn như thế mà chú không sợ à?”. Anh cười đáp: “Một con người dám dũng cảm đề ra chủ trương khoán hộ cho người dân có làm, có ăn nhất định biết nghe lời nói phải” (HK, tr.118). May mắn gặp người tốt hay là tính thẳng thắn tự trọng gặp lòng tự trọng thẳng thắn? Có lẽ là cả hai.
Nguyễn Bùi Vợi là nhà thơ đã góp công sức quan trọng cho văn nghệ Vĩnh Phú có tiếng nói trên các cơ quan truyền thông Trung ương: Báo Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam… Anh cũng là người đặc biệt có công thành lập hội Văn nghệ Vĩnh Phú nhưng anh không nhận về mình một chức quyền nào cả. “Tiếng thơ” Đài Tiếng nói Việt Nam phát chương trình thơ Vĩnh Phú do anh thiết kế. “Giây phút ấy”, anh cảm thấy rất xúc động: “Nghệ An là quê mẹ sinh tôi, nhưng Vĩnh Phú là mảnh đất nuôi tôi, rèn luyện cho tôi chân cứng đá mềm” (HK, tr.220). Một bạn văn nghệ Vĩnh Phú nhận xét: “Anh đúng là “dân Nghệ Origin” (Nghệ An gốc) cách mạng đến cùng, không nửa vời”. Nhưng anh còn là người nghĩa tình chung thủy, ghi ân chân thành với đất và người ngoài xứ Nghệ đã nuôi, đã biết quý mình. Đó cũng là một nét của tính Nghệ trong anh.
Nhưng cái tính Nghệ của anh không phải bao giờ cũng gặp may. Cũng như những người Nghệ thứ thiệt khác, nhiều lần trong cuộc sống và công việc anh gặp sự ghen ghét, đố kỵ… Một phần do tính xấu của người đời, phần khác cũng do cả quán tính, sự “lỡ đà” sang phía tiêu cực, có hại của các tính cách Nghệ tốt trong anh. Có điều, anh là một người Nghệ rất có ý thức tự phê bình những nhược điểm của mình, không giấu giếm, không bảo thủ. Tôi cố gắng thống kê trong Một đời khờ khạo, anh đã nhìn thấy và tự phê bình nhược điểm của mình đến hơn 20 lần với các từ, cụm từ: hiếu thắng, ngu ngốc, dại dột (tr.7), non nớt, kém cỏi, đơn giản, ngớ ngẩn (tr.10), liều lĩnh (tr.15), kiêu ngạo (tr.42), ngang bướng (48), kiêu căng (tr.58)… Nhiều lúc tự kiểm điểm mình mà thương cho vợ: “Khổ thân em, gắn bó cuộc đời với một thằng cha gàn dở, thơ thẩn, dại dột như tôi, khổ là phải” (tr.92). Anh luôn tự xét cái giới hạn trong sáng tác thơ của mình: “Với mươi lăm bài thơ in ở các báo Trung ương, tôi hợm hĩnh, kiêu ngạo. Cứ tưởng mình là Tôn Hành Giả có thể phi thân đánh cả trời” (tr.92). Thế nhưng in tập thơ chung với bạn, khi đọc thấy “thật sự xấu hổ vì thơ Hà Nhật… hay hơn hẳn thơ tôi” (tr.112).
Một người Nghệ có ý thức tự phản tỉnh để dần dần tự chuyển hóa, sửa chữa những nhược điểm của mình như anh thật đáng quý. Có được sự chuyển hóa đó, phần chính là ở ý thức văn hóa của anh, một trí thức – nghệ sĩ, nhưng anh còn được nhận những nghĩa tình sâu nặng của người xứ bạn. Đặc biệt là tấm gương của các bậc thầy, của những người tốt trong giới lãnh đạo. Một lần khác, anh cũng bộc lộ cái tính “hiếu thắng, kiêu ngạo” nhưng thoát nạn nhờ bậc lãnh đạo có con mắt sáng suốt, tinh đời. Đó là hồi anh còn dạy ở trường Sư phạm Hà Nội, là tổ trưởng tổ Văn, anh đã thẳng thừng “chọi” lại một ông Vụ trưởng của Bộ Giáo dục để bảo vệ danh dự và uy tín chuyên môn cho bạn đồng nghiệp. Ông Vụ trưởng lấy quyền uy hành chính mạt sát giờ dạy của một giáo viên trong tổ. Anh cự lại: “Trong học thuật, xin Vụ trưởng cho chúng tôi được bình đẳng”. Vụ trưởng đập bàn: “Anh đòi bình đẳng với ai?”. Anh không nao núng: “Vụ trưởng hơn một lần xúc phạm chúng tôi… Nếu Vụ trưởng đập bàn lần nữa là tôi đập lại”. Và đúng thế, anh viết tiếp: “…Ông đập bàn xô ghế đứng dậy. Tôi (cũng) đập bàn xô ghế đứng dậy” (HK, tr.34-35). Sự việc đến tai Bộ trưởng. Ông quyết định về dự giờ anh để kiểm tra. Anh dạy xong, “Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên bước lên ôm lấy tôi vỗ vỗ vào lưng” (HK, tr37-38). Ông đánh giá đúng nhân cách văn hóa và trình độ chuyên môn của anh. Anh may mắn gặp người sáng suốt nên qua được tai họa. Có người thì đồng cảm, khích lệ, lại có người đố kỵ, ghen ghét. Riêng anh thì: “Quả thật không có sự lựa chọn nào hơn sự trung thực”.
Trong thơ, Với quê là nỗi ám ảnh không nguôi, là tình sâu nghĩa nặng của người con xa xứ: “Cho tôi nói với quê như chuyện trò với mẹ/ Đứa con tha hương ba chục năm rồi/ Ngót nửa đời tôi ăn cơm xứ Bắc/ Vị gạo đỏ quê nhà vẫn nhớ khôn nguôi/…Dù đi đâu cũng nhớ về đất cằn sỏi đá/…Ơi bạn bè, xin cứ gọi nhau như hồi còn đánh đáo/ …Các cậu trụ ở quê với cơn mưa, trận bão/ Cho bọn mình đến mọi nẻo đường xa”… (Thơ, tr.186). Một đêm thành phố Vinh mất điện (1988), anh gặp gỡ quây quần với bạn thơ xứ Nghệ: “Thức đọc cho nhau đến tàn đêm/ Mắt dậy sóng, tim thì cháy lửa”… Thơ của quê hương là… “Hiện thân của lửa/ Của bùn đất, cát, của gió Lào/ Của nhọc nhằn, của đời lam lũ/ …Thơ chân thật ắt đòi trả giá/ Ngừng đập tim, thơ vẫn hồi sinh”… (Đêm bạn bè thành Vinh – Thơ, tr.229).
Hồi ký anh viết khi đã gần 70 tuổi (2001). Anh có ý thức “hãm phanh” bớt sự “lỡ đà” sang phía nhược điểm của các ưu điểm trong tính cách. Nhưng đến cùng, những tính cách Nghệ tích cực trong anh vẫn nguyên vẹn. Vì thế, đến tuổi ấy, trong thơ, anh trằn trọc, thao thức khi thấy một số không ít người Nghệ mình ngày nay có sự tự chuyển hóa xa dần cái gốc lành mạnh, tự nhiễm những thói đời thiếu văn hóa, lao thân trên con đường xu danh trục lợi, mải miết đi tìm “giá tiền” mà quên mất con đường đi tìm “giá trị”, đi tìm văn hóa, trong đó có văn hóa của những tính cách Nghệ ở phần ưu tú lành mạnh từ bản chất của nó. Đó là nỗi trằn trọc của của anh trong một đêm giao thừa: “Đã thẳng, thẳng như ruột ngựa/ Đã nói là nói oang oang/ Ông trời nói sai cũng cãi/ Như rứa là dân Nghệ An/…Thời nay có phần khác trước/ Có người giàu vì biết buôn/ Có đứa làm nghề lừa lọc/ Có thằng cam sống kiếp…lươn/ Cha anh nói thẳng: bị đòn/ Lớp sau chơi bài: điều chỉnh/ Nói khôn, cười cũng phải khôn/ Nỏ biết là trung hay nịnh”… (Giao thừa trằn trọc – Thơ, tr.297-298).
Nỗi trằn trọc của anh cũng là niềm thao thức của những người Nghệ trung thực và chân tín ở cái gốc tốt đẹp của tính cách người xứ mình.

     
Lê Văn Tùng
(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 7/2020)