Tình yêu vốn là chuyện muôn thuở của con người. Nó sinh diệt cùng với con người. Có lẽ những câu thơ đầu tiên của con người thuở mới có thi ca cũng là về tình yêu. Không ai thống kê hết được trên cõi nhân gian này có bao nhiêu bài thơ về tình yêu. Riêng trên đất Việt người ta đã không thể đếm được. Thơ tình, xưa đã nhiều, nay càng nhiều. Mỗi ngày, trăm triệu dân Việt vẫn cho ra hàng chục, hàng trăm bài thơ tình.
Viết về một đề tài mà nhiều người cùng viết như thế là rất khó, ý tứ và lời cũng như nội dung dễ bị trùng lặp, bởi trạng thái tình yêu thì nhiều, nhưng cũng xoay quanh những: nhớ thương, hờn giận, đau buồn, sướng vui, hạnh phúc…
Tuy không viết nhiều về tình yêu như các cây bút cùng thời nhưng nhà thơ Chế Lan Viên (1920 – 1989) đã có bài thơ tình hay, đó là bài “Tình ca ban mai” – bài thơ độc đáo, sáng tạo với hệ thống hình ảnh mới mẻ.
Từ kết cấu, ví von thơ mới lạ…
Ba khổ thơ đầu, mỗi khổ chỉ 2 dòng thơ, đều bắt đầu bằng “em” gắn với 3 hành động, trạng thái (đi, về, ở):
“Em đi, như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết.
Em về, tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc.
Em ở, trời trưa ở
Nắng sáng màu xanh che.”
Ví việc “em đi”, “em về”, “em ở” với thời gian, không gian là cách ví von mới mẻ. “Em đi, như chiều đi/ Gọi chim vườn bay hết”, khu vườn trước đó hẳn xanh tươi hoa lá, rộn tiếng chim. “Em đi” mang theo ánh sáng cuối cùng của ngày đi mất, vườn trống vắng, vô hồn, chỉ còn lại màn đêm. Đối lập với cặp thơ trên, giữa “em đi” là “em về”: “Em về, tựa mai về/ Rừng non xanh lộc biếc”, em trở về như mang theo ngày mới, cây cối xanh tươi, nảy lộc đâm chồi, sự sống hồi sinh và tràn đầy sức sống. “Em ở, trời trưa ở/ Nắng sáng màu xanh che”, khẳng định đời có “em ở” bên là có ánh nắng, có mặt trời, có bóng mát, có màu xanh hy vọng. 6 câu thơ ngắn gọn (30 âm tiết), diễn tả rằng em là sự sống, là hình ảnh, là âm thanh, là sắc màu, là ấm áp, là dịu êm… là tất cả cuộc sống của anh.
Thơ viết về “em” về “anh”, đã dùng nhiều hình ảnh để diễn tả: em là bờ, là cát, anh là biển, là sóng “Hôn mãi cát vàng em” (trong “Biển” của Xuân Diệu). Em là biển, anh là thuyền không bao giờ xa nhau (trong “Thuyền và biển” của Xuân Quỳnh). Em là sóng, anh là bờ (trong “Sóng” của Xuân Quỳnh). Anh là núi, em là sóng (trong “Biển, núi, em và sóng” của Đỗ Trung Quân). Em là bến, anh là thuyền (trong ca dao). Em là… Chế Lan Viên không so sánh, không định nghĩa “em là”, mà dùng hình ảnh để diễn tả việc “em đi”, “em về”, “em ở”, không gian, thời gian đã hoàn toàn thay đổi theo em. Diễn tả vai trò, vị trí của “em” trong đời, trong cuộc sống, trong trái tim của người đang yêu, quả thật, không thể có cách so sánh, ví von nào đắc dụng hơn thế.
Nếu 6 câu đầu bài thơ là cảm nhận về “em” của anh, người đang yêu, thì 2 khổ tiếp là cảm nhận của anh về “tình em”. Tiếp tục là hình ảnh so sánh với không gian vũ trụ “Tình em như sao khuya/ Rải hạt vàng chi chít”.
Trong so sánh, người ta có thể so sánh cái cụ thể với cái cụ thể, cái cụ thể với cái trừu tượng, cái trừu tượng với cái cụ thể. Nhà thơ Chế Lan Viên đã dùng cách so sánh cái trừu tượng với cái cụ thể trong tất cả các hình ảnh so sánh của bài khi ví “Em đi như chiều đi/ Em về tựa mai về/ Em ở trời trưa ở/ Tình em như sao khuya/ Tình ta như lộc biếc”… Cách so sánh đó giúp người đọc hiểu rõ hơn, cảm nhận cụ thể hơn về vật, việc được so sánh. Trong phép so sánh, (cũng như ẩn dụ và hoán dụ), muốn hiểu sự vật được so sánh, người đọc phải hiểu ý nghĩa của hình ảnh được đưa ra so sánh. Trong câu thơ này, muốn hiểu “tình em”, người đọc cần hiểu “Sao khuya/ Rải hạt vàng chi chít”, một hình ảnh của không gian vũ trụ dường như bất biến, vĩnh cửu. Phải chăng tình em đẹp, lấp lánh, sáng trong như những vì sao giữa trời khuya, mỗi đêm anh nhìn lên thấy ấm lòng và hy vọng?
Chính niềm hy vọng đã giúp nhân vật trữ tình dùng cách nói phủ định để khẳng định “Sợ gì chim bay đi/ Mang bóng chiều bay hết”.
Tình yêu vốn là điều quý giá nhưng lại rất đỗi mong manh, dễ vỡ, lòng đối phương lại không dễ đo lường, cho nên những người đang yêu bên cạnh việc tận hưởng niềm hạnh phúc, thường kèm lo lắng sẽ bị vuột mất người mình yêu, vuột mất tình yêu, giống như khi con người ta đang giữ một tài sản quý giá. Tình yêu gắn với niềm tin mới tạo nên hạnh phúc trọn vẹn. Nhà thơ đã diễn tả đúng quy luật tình cảm, tâm trạng bằng những câu thơ giàu hình ảnh. Diễn tả điều muốn nói bằng hình ảnh chính là điều khác biệt của nghệ thuật thi ca, nghệ thuật của ngôn từ.
Bởi có niềm tin về tình yêu của mình và “tình em” nên phần cuối của bài thơ là “tình ta” hòa quyện:
“Tình ta như lộc biếc
Gọi ban mai lại về.
Dù nắng trưa không ở
Ta vẫn còn sao khuya.
Hạnh phúc trên đầu ta
Mọc sao vàng chi chít”
Ba khổ thơ điệp lại 5 hình ảnh đã dùng trước đó (lộc biếc, ban mai, nắng trưa, sao khuya, sao vàng) là dụng ý nghệ thuật của nhà thơ, xác lập và khẳng định tình yêu và niềm tin mãnh liệt của nhà thơ vào tình yêu. Nếu ở đầu bài “Em về tựa mai về/ Rừng non xanh lộc biếc”, thì giờ đây “Tình ta như lộc biếc/ Gọi ban mai lại về”. Dù em đi xa “nắng trưa không ở”, trong màn đêm nhưng có “sao khuya” “mọc sao vàng chi chít” “trên đầu ta”. Tình yêu hai ta dành cho nhau đủ lớn để bất chấp sự xa cách về không gian, thời gian, tình yêu vẫn hiện hữu. Có ai đó đã nói rằng: khoảng cách sẽ giết chết những tình yêu nhỏ, nhưng sẽ làm mạnh mẽ hơn những tình yêu lớn.
Khổ thơ cuối có cấu trúc đặc biệt, chỉ có một dòng thơ, như một lời tâm sự. Thơ vốn là tiếng nói tâm tình, giãi bày, chia sẻ. Có những bài thơ, tác giả tâm sự với một người, lại có bài muốn tâm sự với nhiều người. Câu kết bài thơ này, hình như nhà thơ chỉ nói nhỏ với mình, “ừ, mai, hoa em lại về rồi”. Chỉ cần bấy nhiêu thôi, em về có nghĩa là “Rừng non xanh lộc biếc”, là “Nắng sáng màu xanh che”, là “Hạnh phúc trên đầu ta”… là tình yêu và hy vọng, là không cần phải thêm lời nào nữa. Kết tưởng lửng lơ (về cấu trúc) nhưng trọn vẹn về ý nghĩa. Có thể một số người đọc băn khoăn về nghĩa của từ “hoa em”. Cảm thụ thơ có lúc giống như cảm thụ tranh trừu tượng, không nhất thiết phải hiểu hết nghĩa từng từ, điều quan trọng là người đọc cảm nhận được tình cảm, cảm xúc được thể hiện qua ngôn từ. Chính vì thế mà có những từ trong thơ được hiểu, được cảm khác nhau. Với “hoa em” có thể gợi nhiều cách hiểu. Có thể tác giả muốn gọi “hoa” kèm với “em” để bổ sung cho “hoa”, nghĩa gần với “em hoa”, một cách nhân hóa “hoa”. Có thể tác giả muốn chỉ cả hai “hoa” và “em”, cả hai điều đẹp nhất, mai cùng về. Có thể “em” như “hoa”, “em” là “hoa” đẹp nhất lại về với anh.
…đến những ẩn dụ rất riêng
Đọc một số bài thơ tình của Chế Lan Viên, đặc biệt những bài in trong tập “Hoa ngày thường – Chim báo bão” xuất bản năm 1967, được nhà thơ viết trong khoảng thời gian từ 1961 – 1967, đây cũng là khoảng thời gian nhà thơ kết hôn (tái hôn) với nhà văn Vũ Thị Thường. Ở tập thơ này, số bài viết về tình yêu có lẽ nhiều nhất, trong đó có bài “Hoa những ngày thường” (Tặng Vũ Thị Thường). Trong bài, từ “hoa” được dùng tới 10 lần, có lúc đó là hoa thực, một bông hoa hồng mọc bên cửa sổ, có lúc là ngày đẹp như hoa “Hoa ngày ta ở bên nhau”: “Mỗi ngày lại mỗi ngày qua/ Mỗi ngày thắm đượm hương hoa”, có lúc hoa ấy là em: “Hoa ghé lòng ta như bảo:/ Em đây, hoa những ngày thường”/ Chói lói tình yêu em nở”.
Từ những tìm hiểu đó, “Mai, hoa em lại về” có lẽ hiểu là ngày mai, rất gần rồi, chỉ cần qua một đêm, em sẽ về, em lại về, tươi thắm như một bông hoa, tình yêu và hạnh phúc sẽ nở hoa. Em về, sự hiện diện của em, cùng tình yêu của em, và tình ta chính là “hoa”, kết tinh vẻ đẹp của thiên nhiên, là quà tặng vô giá. “Tình ca ban mai”, chỉ nhan đề cũng đã bộc lộ chủ đề về một tình yêu đẹp, tràn đầy niềm tin và hy vọng.
Bài “Tình ca ban mai” không rõ được nhà thơ sáng tác năm nào, thông tin hiện chỉ cho ta biết là in trong “Tuyển tập Chế Lan Viên”. Có độc giả cho biết bài này nhà thơ viết tặng vợ, vậy rất có thể được nhà thơ sáng tác trong khoảng những năm 1961 – 1967, cùng thời gian với các bài: “Nhớ”, “Hoa những ngày thường”, “Nhớ em nơi huyện nhỏ”, “Rét đầu mùa nhớ người đi về phía biển”, “Chia”, “Chùm nhỏ thơ yêu”… Nhà thơ viết bài này lúc đã ngoài 40 tuổi, lại là tục huyền, song tình yêu được diễn tả thật tươi mới, thắm thiết. Hình ảnh trong bài đều là những hình ảnh trẻ trung, giàu sức sống: ban mai, non xanh, lộc biếc, nắng sáng, màu xanh, sao khuya, hạt vàng… đủ để thấy tình yêu đích thực ở tuổi nào cũng đẹp. Thêm nữa, khác với các bài thơ/ đoạn thơ khác của Chế Lan Viên về tình yêu, trong bài này nhà thơ không dùng từ “nhớ”, từ “yêu” nhưng tình yêu và nỗi nhớ đang trỗi dậy dạt dào, da diết trong lòng người yêu, người chồng xa vợ. Cảm xúc mạnh mẽ và cách bộc lộ cảm xúc thông qua sự sáng tạo ngôn từ và hình ảnh đã một lần nữa cho người đọc cảm nhận được tài năng của thi sĩ Chế Lan Viên. Bài thơ “Tình ca ban mai” là một thi phẩm hay, độc đáo trong đề tài thơ tình Việt Nam. Kể từ năm học 2023 – 2024, bài thơ được chọn đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 11 bộ sách giáo khoa Cánh Diều, mỗi năm có hàng vạn người học, thật sự xứng đáng và vui mừng.
Trần Thị Bích Hà