* Theo báo cáo của Ban Tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 (tỉnh Quảng Trị), đến nay đã tổ chức hoàn thành các sự kiện chính và hoạt động hưởng ứng lễ hội như: Lễ hội Đạp xe Vì hòa bình; Lễ khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024; đêm nhạc Trịnh Công Sơn – Khúc ca hòa bình; Lễ hội Ẩm thực “Hương vị miền hoa nắng”; Lễ Cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; các triển lãm tranh, ảnh; hội thảo với chủ đề về hòa bình.
Các sự kiện đã diễn ra thành công, an toàn, đạt mục tiêu, tạo được sức lan tỏa tích cực, sâu rộng, truyền đi thông điệp về hòa bình và làm nổi bật hình ảnh đẹp của mảnh đất, con người Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung trên bình diện quốc gia, quốc tế.
Theo kế hoạch tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024, thời gian tới sẽ tiếp tục diễn ra các sự kiện trong khuôn khổ lễ hội, trong đó điểm nhấn là Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Bản hùng ca bất diệt” do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức.
Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Ước nguyện hòa bình” trong chuỗi các hoạt động tri ân, đền ơn, đáp nghĩa năm 2024 và kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam tại Quảng Trị (1954 – 2024).
Chương trình được diễn ra từ 20h10, ngày 11.8.2024 với thời lượng 90 phút và được tường thuật trực tiếp tại 2 điểm cầu: Khu Di tích lịch sử đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và Bến thả Hoa đăng sông Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.
Cùng với đó là Chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17- Khát vọng hòa bình” do Báo Nhân Dân chủ trì, phối hợp tổ chức vào lúc 20 giờ ngày 16.8.2024; xem xét tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng “Dấu chân người lính – Khát vọng hòa bình” do Trung tâm Tư vấn – dịch vụ và doanh nhân là người Việt Nam ở nước ngoài (thuộc Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài) thực hiện.
* Đoàn chuyên gia của Ủy ban Di sản thế giới (WHC) và Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) sẽ tiến hành công tác thẩm định thực địa đối với các di tích và địa danh nằm trong Hồ sơ đề cử Di sản thế giới của Quần thể danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc.
Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn chuyên gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh, đây là hồ sơ liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam với khối lượng công việc lớn được 3 địa phương tập trung nhân lực, trí tuệ cùng hơn 100 chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực khảo sát, nghiên cứu và xây dựng hồ sơ.
Tỉnh Quảng Ninh rất mong đoàn sẽ ủng hộ, hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ninh cũng như Việt Nam để cho UNESCO xem xét và công nhận Quần thể danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc sẽ trở thành Di sản văn hóa của nhân loại trong kỳ họp thứ 47 tổ chức năm 2025, cũng là dịp kỷ niệm 80 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam.
Nếu được công nhận, Quần thể danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc sẽ là Di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam nằm trên 3 địa phương khác nhau, bao gồm Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang.
Hồ sơ đề cử này bao gồm 6 Khu Di tích quốc gia đặc biệt và 32 điểm di tích được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Hồ sơ được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp cùng Hải Dương và Bắc Giang xây dựng, với 2.139 trang tài liệu bằng tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh, 101 sơ đồ, bản đồ, 196 bản vẽ kiến trúc, 260 bản vẽ khảo cổ, 1.141 bản ảnh, tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi 3 tỉnh.
Dự kiến, đại diện quốc gia thành viên có di sản sẽ bảo vệ hồ sơ đề cử vào tháng 6.2025. Việc công nhận Quần thể danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa của nhân loại sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Việt Nam trên trường quốc tế.
* Ngày 8/8/2024, nhân kỉ niệm 30 năm ngày mất của danh họa Trần Văn Cẩn (1994 – 2024), tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra lễ ra mắt sách Trần Văn Cẩn – Tác phẩm chọn lọc trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và tiếp nhận tác phẩm âm nhạc Little Thuy’s Minuet do nhạc sỹ Paul Zetter tặng.
Sinh năm 1910 tại Hải Phòng, họa sĩ Trần Văn Cẩn quê gốc ở Bắc Ninh. Ông học khóa VII tại trường Mỹ thuật Đông Dương, nơi đào tạo ra nhiều thế hệ họa sĩ tài năng của Việt Nam từ đầu thế kỉ XX. Trong những năm kháng chiến, ông tham gia giảng dạy tại Trường Mỹ thuật ở Việt Bắc, do hoạ sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng. Năm 1954, sau khi Tô Ngọc Vân hy sinh, ông được bầu làm Hiệu trưởng và đảm nhiệm cương vị này trong suốt 15 năm (1954-1969). Ngoài ra, ông còn được bầu làm Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ thứ nhất (1958-1983), Chủ tịch Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam nhiệm kỳ 2 (1983-1989), Đại biểu Quốc hội khóa 2… Họa sĩ Trần Văn Cẩn có nhiều công lao đóng góp, xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam. Ông sáng tác nhiều tác phẩm nổi bật như Nữ dân quân vùng biển, Chân dung bác thợ lò, Thiếu nữ áo trắng, Gội đầu, Xuống đồng…, đặc biệt là tác phẩm nổi tiếng Em Thúy sáng tác năm 1943 cho thấy kĩ thuật tiêu biểu của nghệ thuật tranh sơn dầu Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.
Cuốn sách Trần Văn Cẩn- Tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành gồm những bài viết, hình ảnh và thông tin các tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập. Đây không chỉ là một tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu, sinh viên mỹ thuật, còn là món quà tinh thần ý nghĩa dành tặng những người yêu thích hội họa Việt Nam.
Nhân dịp này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tiếp nhận tác phẩm âm nhạc Little Thuy’s Minuet lấy cảm hứng từ bức tranh Em Thúy của Trần Văn Cẩn do tác giả Paul Zetter trao tặng. Paul Zetter đến Việt Nam vào năm 1998 với tư cách là Phó Giám đốc Hội đồng Anh. Khi tình cờ thấy bức tranh Em Thúy được in trong một cuốn sách, ông vô cùng ấn tượng với vẻ đẹp trong sáng của nhân vật trong tranh và đã sáng tác bản nhạc dành riêng cho tác phẩm này. Bản nhạc đã được chuyển soạn cho nhóm nhạc thính phòng và lần đầu được công diễn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong lễ ra mắt sách về họa sỹ Trần Văn Cẩn. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết sẽ sử dụng bản nhạc trong các nền tảng số của Bảo tàng như một sự nhận diện thương hiệu và trong các chương trình hòa nhạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
* Ngày 8/8/2024, Nhà xuất bản Hội Nhà văn phối hợp với Công ty Liên Việt tổ chức giới thiệu cuốn sách Nhà & Người của họa sĩ Lê Thiết Cương. Cuốn sách tập hợp gần 60 bài viết của họa sĩ này trong hơn 20 năm qua. Tham dự buổi giới thiệu sách có Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cùng đông đảo văn nghệ sĩ, người yêu mến, hâm mộ tác giả đến chúc mừng và phát biểu cảm tưởng.
Lê Thiết Cương không chỉ được giới chuyên môn đánh giá cao trong việc sáng tác hội họa, mà còn được đông đảo công chúng biết đến với vai trò là một giám tuyển và là người có khả năng viết lách. Trong cuốn sách Nhà & Người, ông viết về Hà Nội nơi ông sinh ra và các vùng đất ông đã đi qua, gắn bó như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Lạt, Sa Pa. Ông còn viết về ngôi nhà của nhiều văn nghệ sĩ bạn bè như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhạc sĩ Phú Quang, đạo diễn Đào Trọng Khánh, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp… Mặc dù cuốn sách đề cập nhiều đến kiến trúc, cách trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền nhưng cốt lõi của nó là chuyện về con người. Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ rằng chuyện gì cũng phải lấy những giá trị người làm căn bản.
Nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ đã chia sẻ những ý kiến cá nhân về cuốn sách trong buổi ra mắt. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đánh giá đây là cuốn sách bao gồm những tản văn tuyệt đẹp về ngôn ngữ, về hình ảnh, về không khí và một cảm xúc đầy tính huyền ảo bao trùm cùng những phát hiện chưa ai từng biết.
PV tổng hợp