* Tối 30/8/2024, tại Quảng trường Ba Đình, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt với chủ đề Lời Người để lại. Đây là hoạt động kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm ngày mất của Người (2/9/1969 – 2/9/2024).
Chương trình kéo dài 90 phút, gồm 2 phần: “Tôi để lại mấy lời này: Hoàn cảnh ra đời Di chúc, giá trị Di chúc” và “Mãi mãi Hồ Chí Minh: 55 năm thực hiện và làm theo Di chúc Bác Hồ theo tinh thần đổi mới”. Chương trình là sự kết hợp giữa những phóng sự được đầu tư nghiêm túc cùng các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, như một cuốn phim lịch sử khắc họa rõ nét hoàn cảnh ra đời, nội dung cốt lõi và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định bản Di chúc là văn kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức Hồ Chí Minh và lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào sức mạnh của toàn dân tộc; thể hiện khát vọng giải phóng và phát triển.
Kỷ niệm 55 thực hiện Di chúc của Bác, chương trình đã cho thấy 55 năm qua, đặc biệt là sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân ta đã xây dựng đất nước “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Người. Chương trình cũng khẳng định thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện và làm theo 6 giá trị cốt lõi của Di chúc theo tinh thần: Nhân dân là chủ thể, là trung tâm, là thước đo thắng lợi; nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển đất nước.
* Chiều 31/8/2024, tại khu Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám khai mạc triển lãm thư pháp quốc ngữ Nghiên bút còn thơm. Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).
BTC cho biết triển lãm giới thiệu nghệ thuật thư pháp quốc ngữ theo hướng hiện đại kết hợp với nghệ thuật sắp đặt và ánh sáng, tạo nên hiệu ứng và cách nhìn mới về thư pháp quốc ngữ cho công chúng yêu nghệ thuật nói chung và thư pháp nói riêng. Tại không gian trưng bày, 70 tác phẩm của 15 nhà thư pháp được chọn để giới thiệu chính thức. Nội dung của các tác phẩm lấy cảm hứng từ thơ văn quốc âm (chữ Nôm), quốc ngữ của các danh nhân trong lịch sử và văn học nước nhà như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh và nhiều danh nhân khác gắn bó hoặc có những sáng tác về Thăng Long – Hà Nội, về Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày 41 tác phẩm nhỏ được chọn lựa với tinh thần chắt lọc tinh hoa bút mực ngẫu nhiên trong quá trình sáng tác, chuẩn bị cho triển lãm của các tác giả. Toàn bộ các tác phẩm chính và các tác phẩm nhỏ sắp đặt đều được soi sáng từ bên trong mang lại hiệu ứng nghệ thuật mới mẻ, độc đáo cho công chúng.
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 25/9/2024.
* Ngày 31/8/2024, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Ban Quản lý Làng tổ chức trưng bày Không gian văn hóa, du dịch Bắc Ninh trong lòng Hà Nội năm 2024.
Tại không gian trưng bày, du khách được khám phá, tìm hiểu những di sản văn hóa đặc sắc như một số di tích lịch sử văn hóa thâm trầm cổ kính, những làn điệu dân ca quan họ, nghệ thuật rối nước do các nghệ nhân phường rối nước làng Đồng Ngư trình diễn; nghi thức và trò chơi kéo co làng Hữu Chấp – Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia – do các nghệ nhân tái hiện.
Ngoài ra, tại đây còn có khu trưng bày hơn 40 gian hàng của các làng nghề, câu lạc bộ ẩm thực, hợp tác xã nông sản, câu lạc bộ Quan họ và các doanh nghiệp du lịch tiêu biểu, giới thiệu các sản phẩm văn hóa đặc trưng; các tour, tuyến, điểm du lịch tiêu biểu; sản phẩm làng nghề truyền thống và các sản phẩm nổi tiếng của Bắc Ninh như tranh dân gian Đông Hồ, gốm Phù Lãng, đồng Đại Bái, gỗ Phù Khê, mây tre đan Xuân Hội… Các sản phẩm nông sản, đặc sản ẩm thực như bánh tẻ làng Chờ, nem Bùi Xá, bánh đúc riêu cua Vạn An, tương Đình Tổ, bánh Phu Thê, bánh khúc làng Diềm, tỏi An Thịnh… cũng được giới thiệu tại khu trưng bày.
Trưng bày Không gian văn hóa, du dịch Bắc Ninh trong lòng Hà Nội năm 2024 là hoạt động xúc tiến du lịch tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, qua đó góp phần đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Bắc Ninh, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu thương hiệu du lịch Bắc Ninh, điểm đến “ấn tượng – an toàn – thân thiện” đến với du khách trong và ngoài nước, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nhằm thu hút các nhà đầu tư, thu hút, tăng nguồn khách du lịch trong nước và quốc tế về với tỉnh. Sự kiện sẽ kéo dài đến hết ngày 2/9/2024.
* Ngày 30/8/2024, tại Phú Thọ, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ra mắt Dự án Làng nghệ thuật Việt Nam và Triển lãm nghệ thuật điêu khắc gốm và tranh mỹ thuật.
Dự án Làng nghệ thuật Việt Nam là một trong những nỗ lực để bảo tồn, phát huy và giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống đến với cộng đồng, du khách trong nước và quốc tế, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, cảm thụ nghệ thuật của người dân. Khởi đầu Dự án, BTC đã khai mạc Triển lãm nghệ thuật điêu khắc gốm và tranh mỹ thuật, tại đó trưng bày gần 200 tác phẩm nghệ thuật độc đáo của nhiều nghệ sĩ ở các tỉnh, thành phố trong nước.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng các tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này đã thể hiện bước chuyển quan trọng, nhiều sáng tạo của nghệ sĩ, mang lại niềm hy vọng mới cho sự phát triển của gốm Việt Nam; và Dự án Làng nghệ thuật Việt Nam có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nghệ thuật, mỹ thuật Việt Nam đương đại. Ông Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh Làng nghệ thuật Việt Nam sẽ là nơi tụ họp những tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng.
Triển lãm nghệ thuật điêu khắc gốm và tranh mỹ thuật sẽ kết thúc vào tháng 11/2024. Dự kiến đến cuối năm 2024, chuỗi hoạt động của Dự án sẽ được triển khai bao gồm: hợp tác cùng Đại sứ quán Iran và cộng đồng nghệ sĩ Nhật Bản tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt Nam với các nước bạn; biểu diễn hòa tấu âm nhạc truyền thống; tham quan không gian trưng bày quốc tế; kết nối và giao lưu nghệ thuật với trại sáng tác về chủ đề liên quan 7 bộ môn nghệ thuật, các cuộc thi sáng tác nghệ thuật và các hội thảo, tọa đàm…
PV tổng hợp