24.4 C
Vinh
Thứ tư, 16 Tháng mười, 2024

Tin tức VHNT ngày 30/9/2024

* Ngày 30/9/2024, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”. Hội thảo nằm trong Kế hoạch 120/KH-UBND của UBND tỉnh Thái Bình, nhằm xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông (2/8/1726 – 2/8/2026).

Tin tức VHNT ngày 30/9/2024
Quang cảnh hội thảo. Nguồn ảnh: thaibinh.gov.vn

Sự kiện quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, cùng đại diện Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, đại diện dòng họ Lê, cũng như các học giả từ Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Áo. Hội thảo góp phần làm rõ hơn về thân thế, sự nghiệp, khẳng định tài năng và công lao của Lê Quý Đôn đối với văn hóa Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa khu vực và quốc tế.

Hội thảo được chia thành bốn tiểu ban, mỗi tiểu ban tập trung vào những khía cạnh khác nhau của cuộc đời và sự nghiệp Lê Quý Đôn, bao gồm: quê hương và gia tộc danh nhân Lê Quý Đôn; sự nghiệp của Lê Quý Đôn qua các tác phẩm; sự nghiệp của Lê Quý Đôn qua các hoạt động cụ thể; bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Lê Quý Đôn trong bối cảnh hiện nay. Các tham luận tại hội thảo không chỉ khẳng định tầm vóc của danh nhân Lê Quý Đôn trong lịch sử 300 năm qua mà còn góp phần khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ và văn hóa Việt Nam. Sự kiện này sẽ là nền tảng cho việc hoàn thiện hồ sơ ghi danh Lê Quý Đôn là Danh nhân văn hóa thế giới, nhằm tôn vinh những đóng góp lớn của ông cho nhân loại.

* Ngày 29/9/2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông báo, Hội đồng thẩm định của tỉnh Thừa Thiên Huế đã họp và thống nhất hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với 4 hiện vật, bộ hiện vật quý thời triều Nguyễn. 4 hiện vật này bao gồm: chuông Ngọ Môn, phù điêu bằng đá thời Minh Mạng, ngai hoàng đế Duy Tân và tượng rồng thời Thiệu Trị.

Các hiện vật được lựa chọn dựa trên các tiêu chí như tính độc bản, độc đáo,  giá trị đặc biệt đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước hoặc gắn với nhân vật lịch sử…. Trong đó, chuông Ngọ Môn là chiếc chuông duy nhất còn tồn tại, đặt tại cổng chính phía Nam của Hoàng thành Huế, trước đây được sử dụng trong các nghi lễ cung đình và được xem là biểu tượng của triều Nguyễn. Đây là tác phẩm mỹ thuật đặc sắc, thể hiện kỹ nghệ đúc đồng tinh xảo của thời Minh Mạng.

Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng, hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, là hiện vật bằng đá cẩm thạch duy nhất lưu lại dấu ấn của Hoàng đế Minh Mạng, trên 2 mặt của phù điêu có khắc bài thơ “Ngự chế” và bài “Minh”. Ngai Hoàng đế Duy Tân được triều đình đặc chế riêng cho ông khi lên ngôi năm 7 tuổi, với hoa văn trang trí phong phú, thể hiện sự đa dạng của nghệ thuật điêu khắc gỗ lúc bấy giờ.

Tin tức VHNT ngày 30/9/2024
Bộ hiện vật tượng rồng thời Thiệu Trị hiện được đặt trước sân nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế. Nguồn ảnh: bvhttdl.gov.vn

Tượng rồng thời Thiệu Trị là bộ hiện vật bằng đồng có giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa. Bộ hiện vật này là đỉnh cao của sự tích hợp, mô phỏng hình dáng các chiếc “kim ấn bảo tỉ” được đúc từ thời Minh Mạng đến thời Thiệu Trị với kiểu thức “hình rồng quấn”. Bộ hiện vật này được đặt tại sân nhà hát Duyệt Thị Đường, tạo điểm nhấn cho du khách tham quan.

Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cho biết những hiện vật được đề nghị công nhận lần này đều có kích thước lớn và chất liệu bền vững, với họa tiết hoa văn rõ nét. Tính đến nay, Thừa Thiên Huế đã có 10 hiện vật và bộ hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó có 8 hiện vật do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý.

* Tối 29/9/2024, Liên hoan phim Italy 2024 (IFF 2024) đã chính thức khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự công chiếu bộ phim “Io Capitano” của đạo diễn Matteo Garrone. Sự kiện do Tổng lãnh sự quán Italy tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Liên hoan phim châu Á tại Rome tổ chức, thu hút đông đảo giới làm phim và khán giả yêu thích điện ảnh.

Tổng Lãnh sự quán Italy tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Enrico Padula, đã nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc rằng điện ảnh là một hình thức nghệ thuật thể hiện văn hóa và kiến thức dân tộc một cách trực quan nhất. Ông mong muốn IFF 2024 sẽ mang đến cho khán giả Việt Nam một góc nhìn sống động về điện ảnh Italy, đồng thời thông qua chương trình quảng bá văn hóa Italy.

Tin tức VHNT ngày 30/9/2024
Poster phim chiếu khai mạc LHP Ý tại TP HCM 2024

Bộ phim “Io Capitano” được công chiếu trong lễ khai mạc khai thác cảm hứng từ câu chuyện có thật về người nhập cư trái phép sang Italy bằng góc nhìn giàu tính nhân văn, tinh tế. Bộ phim này từng được đề cử cho hạng mục Phim quốc tế/Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar và Quả Cầu Vàng.

Liên hoan phim IFF 2024 sẽ diễn ra từ 30/9 đến 4/10/2024, giới thiệu 6 bộ phim sản xuất trong năm 2023 và 2024, mang đến nhiều chủ đề phong phú từ chính kịch đến hài hước.

* Ngày 30/9/2024, tại Vĩnh Long, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ trao giải Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 39 năm 2024. Với chủ đề “Đất nước, con người ĐBSCL trên đường đổi mới”, Liên hoan năm nay thu hút 1.851 tác phẩm từ 252 tác giả thuộc 13 tỉnh, thành trong khu vực. Sau quá trình chấm online, 144 tác phẩm của 90 tác giả được chọn vào vòng triển lãm và xét giải thưởng.

Tin tức VHNT ngày 30/9/2024
Huy chương Vàng thể loại ảnh trắng đen được trao cho tác phẩm “Vẻ đẹp vương quốc gạch Mang Thít” của tác giả Trần Thanh Sang (tỉnh Vĩnh Long). Nguồn ảnh: nhandan.vn

Ở thể loại ảnh màu, huy chương vàng thuộc về tác phẩm “Bảo tồn rạn san hô Phú Quốc” của Trương Phú Quốc (Kiên Giang). Ở thể loại ảnh trắng đen, tác phẩm “Vẻ đẹp “Vương quốc gạch” Mang Thít” của tác giả Trần Thanh Sang (Vĩnh Long) đoạt huy chương vàng. Ngoài ra, BTC còn trao 2 huy chương bạc, 3 huy chương đồng, 4 giải khuyến khích cho các tác phẩm của mỗi thể loại.

Với chủ đề đặc biệt “Du lịch Vĩnh Long – Những đặc trưng”,  giải nhất thuộc về tác phẩm “Song cầu trên mây” của Nguyễn Quốc Anh. BTC cũng trao 1 giải nhì, 1 giải ba, 1 giải khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc khác.

PV tổng hợp

VIDEO