* Tối 27/9/2024, Hội Sách Hà Nội lần thứ IX – năm 2024 đã khai mạc tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội với chủ đề “Hà Nội: Thủ đô văn hiến, anh hùng – Thành phố Vì hòa bình”. Sự kiện được tổ chức nhằm chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 35 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh Thành phố vì hòa bình. Hội sách do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cùng nhiều đơn vị khác thực hiện.
Hội Sách Hà Nội năm nay có sự tham gia của 200 – 250 gian hàng đến từ các nhà xuất bản, công ty sách trong nước như Thái Hà Books, Fahasa, Nhà sách Minh Thắng và các nhà xuất bản nước ngoài có văn phòng đại diện, đối tác xuất bản ở Việt Nam, một số cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội, đại diện tổ chức, hội và hiệp hội xuất bản trong khu vực và thế giới. Sự kiện này không chỉ tạo cơ hội cho độc giả tiếp cận với nhiều đầu sách mới mà còn nâng cao văn hóa đọc, đặc biệt là với giới trẻ.
Điểm nhấn của hội sách là triển lãm nhiều đầu sách hay về Hà Nội, bao gồm các tác phẩm về lịch sử, văn hóa và con người Thủ đô. Đồng thời, BTC còn phát động chương trình quyên góp sách cho các trường học ở vùng ngoại thành Hà Nội, nơi chịu thiệt hại từ cơn bão số 3. Tại hội sách cũng sẽ diễn ra các sự kiện ra mắt sách nổi bật, kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi và giảm giá dành cho bạn đọc.
* PGS.TS. Trần Trí Trắc, một trong những nhà lý luận, đạo diễn sân khấu nổi tiếng của Việt Nam, đã qua đời vào tối ngày 27/9/2024 do tuổi cao sức yếu. Ông sinh năm 1943 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống làm nghề y, nhưng từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật.
PGS, TS Trần Trí Trắc là diễn viên chính xuất sắc của Đoàn Chèo Lúa mới Hà Tây khi mới 22 tuổi. Ông có nhiều vai diễn nổi bật được khán giả yêu mến. Sau khi tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam chuyên ngành Đạo diễn, ông đã dàn dựng nhiều vở diễn nổi tiếng và sáng tác hơn 30 kịch bản sân khấu, trong đó nhiều tác phẩm giành được các giải thưởng lớn.
Bên cạnh sự nghiệp sân khấu, ông còn là một nhà phê bình lý luận có uy tín. Ông đã đào tạo và hướng dẫn hàng chục thạc sĩ, tiến sĩ, đồng thời là thành viên của nhiều hội đồng giám khảo trong các liên hoan sân khấu lớn. Với hơn 60 năm cống hiến cho nghệ thuật, ông đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, bao gồm Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
* Liên hoan Ca Múa Nhạc Toàn quốc – 2024 đợt 2 diễn ra từ ngày 28/9 đến 15/10/2024 tại Trung tâm Hội nghị – Triển lãm tỉnh Bình Dương. Liên hoan do do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, tổ chức thành 2 đợt. Đợt 1 tại tỉnh Vĩnh Phúc chưa tổ chức được do ảnh hưởng của bão Yagi. Đợt 1 dự kiến diễn ra tại tỉnh Vĩnh Phúc nhưng đã bị hoãn do ảnh hưởng của bão Yagi.
Đợt 2 của Liên hoan có sự tham gia của 24 đoàn nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp, bao gồm cả các đơn vị công lập và ngoài công lập, các đơn vị nghệ thuật thuộc lực lượng vũ trang, và các nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch trên toàn quốc. Mỗi đơn vị sẽ trình diễn một chương trình, vở diễn có thời lượng từ 60 đến 110 phút, với các loại hình đa dạng như ca múa nhạc tổng hợp, giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch, opera, thanh xướng kịch… Các tiết mục đều xoay quanh chủ đề ca ngợi đất nước, con người Việt Nam và thể hiện bản sắc văn hóa vùng miền.
Liên hoan là cơ hội để các nghệ sĩ gặp gỡ, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, đồng thời mang đến cho khán giả những chương trình nghệ thuật đặc sắc, tinh hoa. Sự kiện không chỉ thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật ca múa nhạc mà còn quảng bá hình ảnh Bình Dương, giới thiệu về vùng đất và con người nơi đây đến khán giả trên toàn quốc.
* Từ ngày 27 – 28/9/2024, tại phố đi bộ thị trấn Phong Thổ, Lai Châu diễn ra Liên hoan hát Then, đàn Tính và nghệ thuật Xòe Thái lần thứ VI – năm 2024, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cùng UBND huyện Phong Thổ tổ chức.
Sự kiện có chủ đề “Hát Then, đàn Tính và nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Lai Châu – tinh hoa tỏa sáng”, quy tụ 125 nghệ nhân, diễn viên và hạt nhân văn nghệ quần chúng từ 5 đoàn trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tối đa 35 phút, mỗi đoàn trình diễn các thể loại nghệ thuật truyền thống như hát Then, đàn Tính, múa trong Then và Xòe Thái, với nội dung ca ngợi quê hương, đất nước và bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu nhấn mạnh rằng những nét văn nghệ truyền thống của đồng bào Thái, như hát Then, đàn Tính và múa Xòe không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.
Liên hoan lần này không chỉ là dịp để các nghệ nhân, diễn viên giao lưu, học hỏi, mà còn góp phần tôn vinh Di sản Thực hành Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái và Nghệ thuật Xòe Thái, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện cũng hướng đến thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lai Châu.
PV tổng hợp