* Sáng 27/9/2024, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương, cùng các hiệp hội và tổ chức đại diện quyền tác giả từ các tỉnh thành khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc, bà Phạm Thị Phương Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, nhấn mạnh rằng hội nghị nhằm đưa Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các cam kết quốc tế thực sự đi vào cuộc sống; tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chính sách đến các nhóm đối tượng là các cơ quan quản lý, thực thi, các chủ thể quyền, các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan. Bà cũng đề cập đến việc nâng cao vai trò và đẩy mạnh công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là việc thực thi xử lý vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan bằng biện pháp hành chính, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và thu hút đầu tư.
Hội nghị là dịp để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm quản lý và thực thi quyền tác giả, nhằm tìm ra các giải pháp phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Các đại biểu đã được cập nhật kiến thức về hệ thống pháp luật, quản lý và khai thác quyền tác giả, quyền liên quan, cơ chế bảo vệ bản quyền trên không gian mạng, cùng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Những nội dung này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ việc bảo hộ thành quả sáng tạo và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới.
* Sáng 27/9/2024, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (Quận 3) khai mạc trưng bày chuyên đề “Kỷ vật – Ký ức của chiến tranh” phần 2. Sự kiện nhằm kỷ niệm 79 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến và 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Nối tiếp chuyên đề phần 1 trưng bày năm 2013, chuyên đề lần này giới thiệu 93 hiện vật và 60 hình ảnh Bảo tàng nghiên cứu trong thời gian qua với các chuyên đề nghiên cứu về phụ nữ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C, nữ giao liên. Họ là những người mẹ, người vợ, nữ chiến sĩ từng trực tiếp tham gia chiến đấu. Mỗi kỷ vật tái hiện lại quá trình chiến đấu đầy cam go, gian khổ, là kỷ niệm về những khoảnh khắc đặc biệt họ đã trải qua.
Tại buổi lễ, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Thị Thắm chia sẻ sự kiện nhằm tưởng nhớ công lao của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, cựu chiến binh và những người đã cống hiến cho kháng chiến. Đó là những người đã cống hiến xương máu, công sức, tài sản cho cuộc kháng chiến cứu nước, lập nhiều chiến công oanh liệt, viết nên trang sử hào hùng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chuyên đề diễn ra đến hết ngày 31/12/2024.
* Chiều 27/9/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, dự kiến tổ chức tại tỉnh Lạng Sơn vào năm 2024. Thứ trưởng đánh giá cao tiến độ và chất lượng công tác chuẩn bị, đồng thời yêu cầu sự kiện phải được tổ chức trang trọng, thể hiện đúng chủ đề và gắn liền với các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước, địa phương.
Ngày hội lần này không chỉ tôn vinh bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng Đông Bắc mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia với đồng bào đã chịu thiệt hại bởi bão Yagi và trận lũ lịch sử vừa qua. Dự kiến, sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 4/11 tại thành phố Lạng Sơn, với sự tham gia của 8 tỉnh gồm Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Lạng Sơn.
Với chủ đề “Văn hóa vùng Đông Bắc – Bản sắc, hội nhập và vươn xa”, Ngày hội có các hoạt động trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc vùng Đông Bắc; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Đông Bắc; triển lãm ảnh “Đại gia đình các dân tộc vùng Đông Bắc – Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”; thi đấu kéo co, đẩy gậy, tung còn, đi cà kheo; thi trình diễn kỹ năng hướng dẫn viên du lịch; hội thảo khoa học “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc – Khơi nguồn và phát triển”…
Sự kiện góp phần quảng bá tiềm năng văn hóa và du lịch vùng Đông Bắc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời chào mừng 193 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn và 115 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ.
* Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật chèo trên địa bàn tỉnh” vào ngày 27/9/2024. Tại hội thảo, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu đã trình bày tham luận tập trung vào ba nội dung chính: nguồn gốc và lịch sử nghệ thuật chèo, thực trạng hoạt động nghệ thuật chèo tại Thái Bình, và các giải pháp bảo tồn, phát huy chèo trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh, nghệ thuật chèo là di sản văn hóa quý báu, gắn liền với sinh hoạt văn hóa của người dân Đồng bằng sông Hồng, trong đó Thái Bình là “cái nôi” của chèo. Nhiều thập kỷ qua, Thái Bình không chỉ là nơi sản sinh các gánh chèo nổi tiếng mà còn đào tạo lực lượng diễn viên, nhạc công cho các nhà hát chèo trên cả nước. Nghệ thuật chèo tại tỉnh phát triển mạnh mẽ trong phong trào văn nghệ quần chúng, với hàng trăm câu lạc bộ chèo ở các xã, phường, thôn và tổ dân phố.
Đáng chú ý, tháng 2/2023, nghệ thuật trình diễn chèo Thái Bình được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện nay, Chính phủ đã đồng ý đệ trình UNESCO xem xét đưa chèo vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội thảo cũng ghi nhận các chính sách bảo tồn nghệ thuật chèo, trong đó có việc đưa chèo vào giảng dạy tại 100% trường học trên địa bàn tỉnh, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa này.
* Ngày 27/9/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật cấp tỉnh lần thứ II năm 2024. Sự kiện thu hút 119 tác phẩm của 51 tác giả chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh, trong đó 100 tác phẩm tiêu biểu đã được chọn để trưng bày và chấm giải. Triển lãm diễn ra từ ngày 27/9 đến hết ngày 4/10 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, ông Thái Hồng Hà nhấn mạnh rằng triển lãm tạo điều kiện cho các họa sĩ giới thiệu tác phẩm mới, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh của Đắk Lắk tới công chúng trong và ngoài nước. Triển lãm cũng là hoạt động văn hóa ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk.
Tại buổi lễ, BTC đã trao 14 giải thưởng, bao gồm 2 giải A, 3 giải B, 4 giải C và 5 giải Khuyến khích cho các tác phẩm tiêu biểu. Tác phẩm “Mùa thu hoạch cà phê 1” của Dương Thị Thúy Hiền và “Kơ-pan” của Nguyễn Hải Long xuất sắc giành giải A. Triển lãm cũng trao tặng 2 giải thưởng cho tác giả trẻ và tác giả là người dân tộc thiểu số.
Triển lãm năm nay được Hội đồng Nghệ thuật đánh giá cao về nội dung, hình thức, phong phú về đề tài, đa dạng về thể loại và chất liệu; đặc biệt, có nhiều tác giả trẻ tham gia với những tác phẩm giàu sức sáng tạo, phản ánh hiện thực cuộc sống sinh hoạt, phong tục tập quán, nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc đang sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên. Trong khuôn khổ triển lãm, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk tổ chức tọa đàm “Tác phẩm mỹ thuật với đề tài đại đoàn kết các dân tộc tại Tây Nguyên”.
PV tổng hợp