* Ngày 24/9/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban nhân dân và Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Dấu ấn một nhiệm kỳ”. Sự kiện là hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 12, nhiệm kỳ 2024-2029.
Triển lãm trưng bày gần 200 hình ảnh chia thành ba cụm ảnh, khắc họa những hoạt động tiêu biểu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, đồng thời nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của các thế hệ cán bộ và nhân dân. Cụm ảnh đầu tiên gồm 70 hình ảnh, tái hiện những dấu ấn nổi bật của Mặt trận trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cụm ảnh thứ hai với 56 hình ảnh ghi lại những phong trào thi đua yêu nước, được triển lãm tại tuyến đường Đồng Khởi. Cuối cùng, cụm ảnh thứ ba trưng bày 68 hình ảnh về giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 đầy cam go của Thành phố, thể hiện tinh thần vượt khó của toàn dân.
Triển lãm kéo dài đến ngày 5/10 và sẽ tiếp tục được trưng bày từ 29 đến 30/10 tại Hội trường Thành phố.
* Ngày 25/9/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp cùng Công ty CP Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam Toàn cầu (Vietcom) tổ chức họp báo giới thiệu sự kiện trưng bày tranh sơn mài mang tên “Dấu thiêng” của họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 15/10 tại Hoàng Thành Thăng Long, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).
Tại buổi họp báo, BTC cho biết “Dấu thiêng” sẽ trưng bày 52 tác phẩm sơn mài, khắc họa những cảnh sắc quê hương và các di sản văn hóa của Hà Nội. Các tác phẩm được chia thành bốn chủ đề, kết hợp phong cách nghệ thuật cổ truyền và hiện đại, thể hiện dấu ấn cá nhân của Chu Nhật Quang. BTC kỳ vọng triển lãm này không chỉ quảng bá nghệ thuật sơn mài mà còn góp phần vào việc gìn giữ và phát triển nghề sơn mài và giá trị văn hóa truyền thống trong thế giới hiện đại.
Sự kiện là cơ hội để công chúng chiêm ngưỡng những tác phẩm sơn mài tinh tế, đồng thời tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử gắn liền với Hoàng Thành Thăng Long, nơi lưu giữ những dấu ấn quan trọng của Thủ đô Hà Nội.
* Ngày 24/9/2024, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu ra mắt tác phẩm “Khắc đi… Khắc đến” của đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng. Tác phẩm này là những chương đời tiếp theo của tác giả, sau thành công vang dội của cuốn hồi ký “Gánh gánh… Gồng gồng” xuất bản năm 2020 vốn đã được tái bản đến 12 lần và nhận nhiều giải thưởng danh giá.
Tác giả Xuân Phượng tên thật là Nguyễn Thị Xuân Phượng, sinh năm 1929 tại Thừa Thiên – Huế, là một nữ đạo diễn, nhà văn, và nhà sưu tập tranh nổi tiếng. Bà đã trải qua những chặng đường thăng trầm trong cuộc sống, từ tham gia cách mạng ở tuổi 16, đến trở thành nữ đạo diễn chiến trường duy nhất của Việt Nam. Sau khi về hưu, bà mở phòng tranh Lotus, đưa nghệ thuật Việt ra thế giới.
Hồi ký “Khắc đi… Khắc đến” là câu chuyện cuộc đời bà, nơi những biến cố và trải nghiệm được tái hiện chân thực. Tác phẩm cũng là minh chứng cho hành trình không ngừng nghỉ của Xuân Phượng trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam. Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá tác phẩm không chỉ thể hiện tài năng và trí tuệ của Xuân Phượng, mà còn là sự tôn vinh khát vọng, tình người và những giá trị đạo đức cao quý.
Nhiều người tham dự sự kiện đã chia sẻ ý kiến về tác phẩm, cho rằng giống như “Gánh gánh… Gồng gồng”, “Khắc đi… Khắc đến” cuốn hút người đọc bởi những câu chuyện xúc động và chân thật, là bài học sống động cho thế hệ sau.
PV tổng hợp