* Ngày 24/9/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) đã tổ chức buổi giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia về sự kiện tiếp quản Thủ đô, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, bà Nguyễn Thị Nga, khẳng định sự kiện này có vai trò quan trọng trong việc công bố và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, giúp công chúng hiểu thêm về lịch sử Thủ đô.
Tại sự kiện, gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ gốc đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã được giới thiệu. Các tài liệu tiêu biểu bao gồm chương trình và kế hoạch tiếp quản Hà Nội năm 1954, cùng các công văn quan trọng của các bộ ngành như y tế, giáo dục và tài chính. Ngoài ra, BTC còn giới thiệu những tài liệu của các nhạc sĩ có hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III như Văn Cao, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn với những ca khúc về Hà Nội như “Tiến về Hà Nội”, “Sẽ về Thủ đô”, “Hà Nội, trái tim hồng”…, qua đó, giúp người xem có thể thấy một Hà Nội vừa nên thơ, vừa hào hùng.
Những tài liệu lưu trữ quý giá này sẽ tiếp tục được trưng bày tại triển lãm “Hà Nội – Ký ức những ngày tiếp quản”, dự kiến khai mạc vào ngày 02/10/2024 tại Nhà Triển lãm 61 Tràng Tiền, Hà Nội. Triển lãm hứa hẹn mang đến những góc nhìn sâu sắc hơn về quá trình tiếp quản Thủ đô và sự hy sinh của quân dân Hà Nội trong cuộc đấu tranh giành độc lập.
* Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Thái Bảo vừa có công văn gửi Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Thường trực Thành ủy Biên Hòa yêu cầu nghiên cứu phương án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của công trình kiến trúc “nhà lầu ông Phủ” (biệt thự Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh) 100 năm tuổi, thuộc dự án đường ven sông Đồng Nai.
Biệt thự Võ Hà Thanh được xây dựng từ năm 1922 và hoàn thành năm 1924 với kiến trúc Pháp đặc sắc, tọa lạc ven sông Đồng Nai. Dù không được xếp hạng di tích, công trình đã trở thành biểu tượng văn hóa, và từng được chọn làm bối cảnh cho bộ phim “Người đẹp Tây Đô” năm 1996. Trong những ngày qua, các cơ quan báo chí và chuyên gia trong nước lẫn quốc tế đã phản ánh về nguy cơ tháo dỡ biệt thự này, gây lo ngại trong giới nghiên cứu lịch sử và người dân Biên Hòa.
Chính quyền thành phố Biên Hòa hiện đang phối hợp với các sở ngành để tìm giải pháp tối ưu cho công trình này. HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan liên quan cân nhắc phương án vừa đảm bảo tiến độ dự án đường ven sông, vừa gìn giữ công trình kiến trúc có giá trị văn hóa theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Đảng bộ tỉnh. Nghị quyết này nhấn mạnh việc bảo tồn các giá trị văn hóa nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng và nâng cao giá trị văn hóa địa phương.
* Tối 23/9/2024, tại nhà hát Berliner Philharmonie ở Berlin, Đức, các giai điệu dân ca Việt Nam đã được vang lên trong chương trình biểu diễn kỷ niệm 70 năm thành lập trường nhạc Schostakowitsch Berlin-Lichtenberg. Buổi biểu diễn thu hút gần 2.500 khán giả, trong đó có Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh và Quận trưởng quận Lichtenberg, Martin Schaefer. Đây là ngôi trường duy nhất ở Đức có bộ môn âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Mở đầu chương trình, gần 30 nhạc công của dàn nhạc dân tộc Hanoi Ensemble đã cùng 300 nhạc công Đức hòa tấu bản “The Second Waltz” của Dmitri Schostakowitsch, được biên soạn lại cho các nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Tiếp theo, những bản dân ca nổi tiếng như “Trống cơm”, “Inh Lả ơi”, và “Lý ngựa ô” được trình diễn trên nhiều nhạc cụ dân tộc Việt Nam như đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc và bộ gõ.
Kết thúc chương trình, khoảng 350 nhạc công và ca sĩ đã cùng đứng trên sân khấu lớn của Berliner Philharmonie để trình bày bản “Die Hymne der Schostakowitsch Musikschule”, trường ca của trường nhạc Schostakowitsch, với khúc dạo đầu được hòa tấu bởi các nhạc cụ dân gian của Hanoi Ensemble. Các tiết mục hoà tấu của dàn nhạc dân tộc Việt Nam với dàn hợp xướng và giao hưởng thính phòng đã nhận được những tràng pháo tay vang dội của khán giả. Dàn nhạc dân tộc Việt Nam Hanoi Ensemble dưới sự điều hành của nghệ sĩ Lê Mạnh Hùng và Trần Phương Hoa, đã mang đến cái nhìn sâu sắc về âm nhạc Việt Nam, góp phần kết nối văn hóa Việt – Đức.
* Tối 24/9/2024, tại Nhà hát Sông Hương, thành phố Huế, chương trình nghệ thuật “Mùa thu cho em” đã khép lại Lễ hội mùa Thu của Festival Huế 2024, thu hút sự tham gia của hàng trăm khán giả. Chương trình do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức, được phát sóng trực tiếp trên 26 đài truyền hình toàn quốc.
“Mùa thu cho em” mang đến cho khán giả các ca khúc viết về mùa Thu của các tác giả Trịnh Công Sơn, Minh Kỳ – Nguyễn Hiền, Cung Tiến, Phạm Trọng Cầu, Dương Thiệu Tước, Trần Tiến, Phạm Mạnh Cương và Ngô Thụy Miên. Đặc biệt, đêm nhạc có sự tham gia biểu diễn của Trần Tiến – nhạc sỹ đầy chất lãng tử của nền âm nhạc Việt Nam và nhóm Du ca. Ông cùng nhóm nhạc trình bày các ca khúc về mùa Thu và các tác phẩm âm nhạc làm nên tên tuổi Trần Tiến như “Mặt trời bé con”, “Tạm biệt chim én”, “Mẹ tôi”…
Trong phần đầu của chương trình, các tác phẩm như “Hoài cảm”, “Thu vàng”, “Tiếng xưa” đã mang lại không gian đậm chất hoài niệm cho khán giả. Phần cuối, các nhạc phẩm bất hủ của Trịnh Công Sơn như “Nhìn những mùa thu đi”, “Nắng thủy tinh”, nhạc phẩm “Thu ca” của Phạm Mạnh Cương và “Mùa thu cho em” của Ngô Thụy Miên… đã khép lại chương trình, kết thúc 90 phút của đêm nhạc được đánh giá là thành công rực rỡ này.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung chia sẻ rằng “Mùa thu cho em” là điểm nhấn của Lễ hội và khép lại Festival mùa Thu 2024, mở ra những chờ đón cho Festival mùa Đông sắp tới.
PV tổng hợp