26.5 C
Vinh
Thứ tư, 16 Tháng mười, 2024

Tin tức VHNT ngày 13/9/2024

* Chiều 13/9/2024, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ khảo cổ Thác Hai, thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, Đắk Lắk. Đây là lần khai quật thứ ba tại di chỉ này, diễn ra từ 26/6 đến 28/7/2024, trên diện tích 20m².

Hơn 1.388 hiện vật đã được phát hiện, bao gồm các công cụ đá, đồ gốm, và thủy tinh, trong đó đặc biệt là dọi se sợi – lần đầu tiên được tìm thấy tại khu vực này. Phát hiện này không chỉ cung cấp thêm thông tin về đời sống cư dân cổ đại, mà còn chứng minh hoạt động dệt vải đã phổ biến ở Đắk Lắk thời kỳ Tiền – Sơ sử.

Đại biểu tham quan, tìm hiểu các hiện vật mới thu thập. Nguồn ảnh: vov.vn

Ngoài ra, di chỉ Thác Hai được xác định vừa là nơi cư trú, khu mộ táng, vừa là công xưởng chế tác mũi khoan đá quy mô lớn, mở ra cơ hội nghiên cứu sâu hơn về mạng lưới giao thương và trao đổi văn hóa giữa các công xưởng đá trong khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Á thời kỳ này.

BTC nhấn mạnh việc tiếp tục khai quật và bảo tồn di chỉ là cấp thiết, nhằm bảo vệ các hiện vật có giá trị khỏi nguy cơ bị tàn phá bởi lũ lụt từ sông Ea H’leo trong mùa mưa. Thác Hai hiện là di chỉ khảo cổ học có tầng văn hóa dày nhất ở Tây Nguyên, với giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt quan trọng.

* Tối 13/9/2024, tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ giỗ tổ Sân khấu và kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam năm 2024 (12/8 âm lịch). Đây là dịp để các nghệ sĩ tri ân và tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã góp phần xây dựng và phát triển nghệ thuật truyền thống, đóng góp vào việc làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Các nghệ sĩ hát bội biểu diễn chương trình chào mừng Lễ kỉ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam năm 2024 tại TP Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh: baotintuc.vn

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết năm nay ngoài lễ giỗ tổ, Sở đã phối hợp với Hội Sân khấu Thành phố tổ chức chuỗi sự kiện “Ngày hội nghệ thuật truyền thống Thành phố Hồ Chí Minh”. Chuỗi hoạt động này diễn ra từ 11/9 đến 18/9/2024, với các chương trình biểu diễn cải lương, hát bội, xiếc, múa rối và âm nhạc dân tộc tại các nhà hát trên địa bàn thành phố. Các vở diễn kinh điển nhằm phục vụ khán giả, đồng thời tạo không khí sôi động cho ngày hội sân khấu, qua đó tôn vinh nghệ thuật truyền thống và báo công tổ nghề.

Đây cũng là năm đầu tiên UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu Thành phố tổ chức Liên hoan Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh. Liên hoan hứa hẹn sẽ để lại dấu ấn đặc biệt với công chúng, tôn vinh nỗ lực của các nghệ sĩ trong việc mang đến những vở diễn đa dạng, đầy màu sắc.

Trong khuôn khổ chương trình, hoạt động quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi đã được tổ chức. Các văn nghệ sĩ Thành phố Hồ Chí Minh đã quyên góp được 2 tỷ đồng, số tiền này sẽ được BTC chuyển đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn.

* Ngày 13/9/2024, triển lãm nghệ thuật “Mặt khác” đã khai mạc tại Hội Quán Quảng Đông, số 22 Hàng Buồm, Hà Nội. Sự kiện trưng bày hơn 150 tác phẩm mặt nạ điêu khắc bằng chất liệu gốm và giấy bồi, được sáng tạo bởi ba nghệ sĩ danh tiếng: Lê Thiết Cương, Đinh Công Đạt và Nguyễn Việt Hà. Triển lãm nhằm tri ân Hà Nội, nơi các nghệ sĩ sinh ra và lớn lên.

“Mặt khác” không chỉ mang đến sự sáng tạo mới mẻ mà còn gợi lại giá trị truyền thống thông qua những hình thức nghệ thuật quen thuộc. Họa sĩ Lê Thiết Cương sử dụng những câu kinh cổ đã viết lên gốm, nhà văn Nguyễn Việt Hà kết hợp các câu văn từ sách đã in, còn nhà điêu khắc Đinh Công Đạt thể hiện sự lộn xộn đầy màu sắc từ phố cổ và ẩm thực Hà Nội.

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm. Nguồn ảnh: BTC

Ba nghệ sĩ, với sự gắn kết sau ba thập kỷ làm bạn, đã quyết định cùng thực hiện dự án này để tôn vinh thành phố thân yêu của họ. Ba nghệ sỹ, ba khuôn mặt, ba tính cách, ba nghề nghiệp, ba quan niệm, ba hình thức thể hiện, nhưng cùng chung một tình yêu với Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Việt Hà viết câu văn từ sách đã in của mình lên những chiếc mặt nạ của chính mình. Họa sỹ Lê Thiết Cương dùng các câu kinh đã từng viết lên gốm, còn nhà điêu khắc Đinh Công Đạt lại sử dụng những ô màu, những hoa văn họa tiết từ các con phố và món ăn quen thuộc trên các tác phẩm. Việc viết tên những con phố cổ, những món ẩm thực truyền thống, các hoa văn truyền thống, những câu văn kinh điển, những câu kinh linh thiêng… lên mặt nạ, từ giấy bồi đến gốm đã tạo ra sự  kết nối những giá trị cổ xưa của Hà Nội và đồng thời tôn vinh chúng.

Triển lãm “Mặt khác” sẽ mở cửa đến hết ngày 11/10/2024.

PV tổng hợp

VIDEO