26.7 C
Vinh
Chủ Nhật, 15 Tháng chín, 2024

Tin tức VHNT ngày 13/8/2024

* Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định công nhận Nghề làm gốm ở Sa Huỳnh thuộc xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Gốm cổ Sa Huỳnh có niên đại cách đây 2.000 – 3.000 năm. Đối với cư dân Sa Huỳnh, đồ gốm đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày và sinh hoạt tâm linh. Trải qua hàng ngàn năm, nghề gốm cổ Sa Huỳnh dần có nguy cơ bị mai một.

Tin tức VHNT ngày 13/8/2024
Bình gốm Sa Huỳnh. Nguồn ảnh: baovanhoa.vn

Để bảo tồn nghề truyền thống này, chính quyền địa phương cùng các tổ chức xã hội, hỗ trợ những người thợ làm gốm còn lại ở Sa Huỳnh nhằm phục dựng, hồi sinh dòng gốm cổ.

Sự hồi sinh của gốm cổ Sa Huỳnh được đánh dấu bằng việc thành lập HTX Gốm tiền sử Sa Huỳnh vào cuối tháng 11.2023. HTX ra đời đã hỗ trợ những người thợ làm gốm ở Sa Huỳnh phục dựng, mô phỏng từ kỹ thuật, hoa văn nhằm làm hồi sinh dòng gốm này. Ngày nay, sản phẩm làng gốm chủ yếu phục vụ dân dụng và du lịch với các sản phẩm nhỏ gọn, tinh xảo như nồi đất, ấm đun nước, khuôn bánh xèo, lò nấu, lọ hoa… Ngoài ra, một số sản phẩm cũng được sản xuất để phục vụ xây dựng kiến trúc hoặc trang trí.

* UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành kế hoạch phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua chương trình Du lịch, điện ảnh và thể thao – Tự hào bản sắc Việt. Thông qua chương trình này, tỉnh Bình Định muốn quảng bá hình ảnh của tỉnh, nơi có các điểm du lịch, các nơi làm bối cảnh phim và các địa điểm diễn ra các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế.

Chương trình dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 4/9/2024 với nhiều hoạt động như tham quan du lịch trải nghiệm tại các lò võ, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa tại Bình Định; tổ chức đại nhạc hội với chủ đề “Đôi cánh diệu kỳ” tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn; trưng bày 200 hình ảnh về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam với chủ đề “Vẻ đẹp Việt Nam qua điện ảnh” và 100 hình ảnh trong các bộ phim đã quay tại tỉnh Bình Định; chiếu phim có bối cảnh quay đẹp tại Bình Định; tổ chức hội thảo “Du lịch, điện ảnh và thể thao: kiến tạo tương lai – đường dài chung bước” ở đó các đại biểu, nghệ sĩ, nhà làm phim, doanh nghiệp có thể giao lưu, tìm hiểu, thảo luận về quảng bá du lịch Bình Định…

Du lịch, điện ảnh và thể thao – Tự hào bản sắc Việt không chỉ là một chương trình nhằm quảng bá hình ảnh của Bình Định hướng đến mục đích du lịch, điện ảnh và thể thao mà còn là cầu nối cho các nhà quản lý, nhà làm phim và doanh nghiệp cùng gặp gỡ, trao đổi và đề xuất những giải pháp kết hợp hiệu quả hơn giữa du lịch, điện ảnh và thể thao tại Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung.

* Tối 12/8/2024, vở nhạc kịch Áng cười đỏ do Phạm Huỳnh Hữu Tài làm tổng đạo diễn đã được công diễn tại Đại học Văn Lang, thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của đông đảo sinh viên.

Tin tức VHNT ngày 13/8/2024
Nhạc kịch “Áng cười đỏ” thu hút đông khán giả bằng diễn xuất chân thật, giàu cảm xúc của các diễn viên trẻ. Nguồn ảnh: nld.com.vn

Áng cười đỏ lấy cảm hứng từ truyện ngắn của nhà văn Võ Thị Hảo viết về cuộc đời của những nữ chiến sĩ canh gác kho quân nhu trên đường Trường Sơn. Vở nhạc kịch có sự tham gia của các diễn viên Yến Phương Dung (vai Thảo), Ngọc Như (vai Thắm), Phương Trinh (vai Đài), Thảo Uyên (vai Trang), Huỳnh Thy (vai Nghĩa), Sử Hồng Trọng (vai Hiên), Huỳnh Sơn (vai An), Anh Huy (vai Thành). Với đề tài chiến tranh, thông qua các nhân vật nữ chiến sĩ cống hiến tuổi xuân để bảo vệ Tổ quốc, chương trình bày tỏ sự tri ân các thương binh, liệt sĩ, các nữ anh hùng. Chương trình còn có những hình ảnh phóng sự về các cựu quân nhân của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gây xúc động mạnh mẽ cho người xem.

Nhạc kịch Áng cười đỏ còn đề cập đến hội chứng Hysteria – chứng bệnh tâm lý do chiến tranh gây nên. Thông qua câu chuyện của nhóm nữ quân nhân tại kho quân nhu, người xem đã hiểu sâu hơn về những hy sinh thầm lặng và nỗi đau tinh thần của những người nữ chiến sĩ phải chịu đựng tại Trường Sơn, qua đó làm nổi bật những cống hiến to lớn của người phụ nữ cho nền độc lập của Tổ quốc.

* Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa dàn dựng và ra mắt vở cải lương Mặt trời đêm thế kỷ do NSƯT Phan Ngọc Chi chuyển thể từ kịch bản của cố tác giả Lê Duy Hạnh, với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ Đoàn Cải lương truyền thống, Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Tin tức VHNT ngày 13/8/2024
Vở cải lương tái hiện hình ảnh ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ trên sân khấu. Nguồn ảnh: toquoc.vn

Vở cải lương kể về vua Quang Trung – Nguyễn Huệ giai đoạn còn là Bắc Bình Vương, đóng quân ở Phú Xuân, Huế. Vở diễn ngợi ca công lao của Quang Trung – Nguyễn Huệ nhưng đồng thời cũng tái hiện những góc khuất trong cuộc đời ông. Đó là sau khi phong trào khởi nghĩa của quân Tây Sơn thắng lợi, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ mỗi người trấn giữ một vùng. Nguyễn Nhạc lên làm vua, xưng là Trung ương Hoàng đế đóng đô ở Quy Nhơn; Nguyễn Huệ được phong là Bắc Bình Vương, cai quản vùng đất từ đèo Hải Vân trở ra Bắc; Nguyễn Lữ được phong Đông Định Cương cai quản vùng đất Gia Định.

Sau 4 tháng dàn dựng, với sự tham gia của các nghệ sỹ Văn Thuân (vai Nguyễn Huệ), Văn Tuấn (vai Nguyễn Nhạc), Trung Tuấn (vai Nguyễn Lữ) cùng nhiều nghệ sĩ khác, Mặt trời đêm thế kỷ đã mang lại cho người xem nhiều ấn tượng tốt đẹp. Thông qua vở diễn, công chúng có thêm những hiểu biết về cuộc đời và con người của vị anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ.

PV tổng hợp