Tin tức VHNT ngày 12/8/2024

* Ngày 12/8/2024, theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký quyết định công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Tri thức may, mặc áo dài Huế ở hạng mục Tri thức dân gian.

Tin tức VHNT ngày 12/8/2024
Nghệ thuật may, mặc áo dài Huế đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nguồn ảnh: nguoihanoi.vn

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 1744 chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục. Đến thế kỉ XIX, từ năm 1826 – 1837, Vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục, từ đó, áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Người Huế từ xưa đến nay luôn quan niệm “y phục xứng kỳ đức”, bởi vậy mà trang phục áo dài đã trở thành biểu tượng của hệ chuẩn mực giá trị thẩm mỹ và đạo đức, luân lý của xã hội. Ông Phan Thanh Hải cho biết thêm, áo dài Huế được nhiều đối tượng sử dụng, ngày nay tỉ lệ mặc áo dài của phụ nữ Huế khi ra đường vẫn rất cao. Đàn ông Huế cũng thường sử dụng áo dài trong các hoạt động long trọng như lễ cưới hỏi, giỗ chạp, cúng tế đình miếu, du xuân dịp Tết… Các hiệu may đo áo dài Huế chủ yếu phân bố tập trung tại các vùng Gia Hội – Chợ Dinh, Kim Long, Vĩ Dạ, Phủ Cam… Các khâu kỹ thuật cắt, may, làm nút đều được các nghệ nhân, người thợ may áo dài chăm chút thận trọng. Vì vậy, chiếc áo dài không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng bản sắc văn hóa Huế.

Việc Tri thức may, mặc áo dài Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng ghi nhận nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc phát động, đẩy mạnh, gìn giữ, phục hưng áo dài truyền thống, phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững.

Cũng trong ngày 12/8/2024, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết nghề chế biến mì Quảng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, phở Nam Định cũng được công bố trong Danh mục này.

* Bộ VHTT&DL vừa ban hành kế hoạch tổ chức triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” với sự tham gia của 24 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức.

Triển lãm là sự kiện đặc biệt nhằm chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những di sản văn hóa, thiên nhiên, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch đặc sắc, sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các địa phương trên cả nước.

Tin tức VHNT ngày 12/8/2024
Tác phẩm “Bàn tay nghệ nhân tài hoa”. Nguồn ảnh: nguoihanoi.vn

Trong đó, có triển lãm hình ảnh di sản đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu thế giới và khu vực, các di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quốc gia, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và cuộc sống sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Dự kiến, sự kiện diễn ra từ ngày 22 – 26/11.

* Theo thông tin từ UBND tỉnh Trà Vinh, Festival 100 năm cây dừa sáp tỉnh Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè sẽ diễn ra từ ngày 25 – 31/8/2024.

Festival là sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Trà Vinh nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu, những giá trị đặc sắc của dừa sáp Trà Vinh, góp phần khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm đưa các sản phẩm chế biến từ dừa sáp ra thị trường thế giới.

Tin tức VHNT ngày 12/8/2024
Các sản phẩm chế biến từ dừa sáp Trà Vinh. Nguồn ảnh: plo.vn

Festival cũng là dịp để tạo điều kiện giao thương hàng hóa, kết nối cung cầu, cũng như tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Vu lan Thắng hội, tín ngưỡng thờ Ông Bổn của cộng đồng người Hoa huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Lễ khai mạc Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh diễn ra vào 20h ngày 25/8. Trong khuôn khổ hoạt động này là hội thảo về cây dừa sáp; trưng bày các sản phẩm đặc sản trái ngon của tỉnh Trà Vinh; hội thi chế biến 100 món ăn ngon từ dừa sáp; tọa đàm “Du lịch Cầu Kè – Tiềm năng ven sông Hậu”.

Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè, khai mạc lúc 19h, ngày 27/8/2024 với các hoạt động chính: Công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL công nhận Lễ hội Vu Lan Thắng hội huyện Cầu Kè vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Hội chợ thương mại; Không gian ẩm thực; Liên hoan Lân sư rồng; Trưng bày hình ảnh văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Vu Lan Thắng hội huyện Cầu Kè; các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian…

PV tổng hợp