* Tối 1/9/2024, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đài Phát thanh – Truyền hình Thanh Hóa và Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Tháp tổ chức cầu truyền hình mang tên Niềm tin và khát vọng. Đây là sự kiện hướng đến kỉ niệm 70 năm Hiệp định Genève và chuyến tàu tập kết năm 1954.
Ba điểm cầu gồm Khu lưu niệm Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 – Vùng 2 Hải Quân, phường Cát Lái, Thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), Khu lưu niệm Đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 tại Thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) và khu di tích lịch sử quốc gia Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). Mặc dù thời tiết không thuận lợi bởi những cơn mưa tại hai điểm cầu Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh, khiến cho chương trình diễn ra trễ hơn 45 phút so với kế hoạch ban đầu là 18h, tuy nhiên cầu truyền hình vẫn được tổ chức trang trọng, mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả.
Chương trình cầu truyền hình gồm 3 phần: Phần I là sự gặp gỡ các nhân chứng với hồi ức về những lời nhắn gửi ngày chia tay; phần II kể về ký ức một hành trình và sự đón tiếp nghĩa nặng tình sâu của đồng bào Thanh Hóa, đã đón tiếp những người con miền Nam bằng cả trái tim; phần III là những thước phim về hành trình tiếp nối của những hạt giống đỏ cho ngày thống nhất và đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong hơn hai tiếng, qua các phóng sự, khán giả được nghe những câu chuyện xúc động của một thời, khi những học sinh, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, được đồng bào miền Bắc nuôi dưỡng, dạy dỗ. Tình cảm của Bác Hồ dành cho chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam ra Bắc học tập cũng được nhắc lại. Chương trình đã ôn lại những ngày tháng đấu tranh hào hùng của dân tộc, qua đó thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam năm xưa đã không ngại hy sinh, gian khổ để ra Bắc học tập, công tác, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chuẩn bị lực lượng mọi mặt tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua đó, chương trình cũng giáo dục, lan tỏa tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
* Ngày 1/9/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức bế mạc Liên hoan Văn hóa cồng chiêng lần thứ 3 năm 2024 tại Khu du lịch Sinh thái Cộng đồng Ko Tam. Liên hoan là hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh (02/9/1945 – 02/9/2024) và hướng tới kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 – 22/11/2024).
Tham dự Liên hoan có khoảng 600 nghệ nhân, diễn viên quần chúng thuộc 13 đoàn đến từ 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trình diễn các bài chiêng truyền thống trong các nghi lễ, lễ hội của các dân tộc Tây Nguyên, khuyến khích kết hợp với múa xoang; trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc; trình diễn dân ca, dân vũ; trình diễn giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống có giá trị đặc sắc tiêu biểu gắn với văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Các tiết mục có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ và tình yêu quê hương đất nước, truyền thống đoàn kết đấu tranh kiên cường, bất khuất của các dân tộc anh em trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, trong lao động sản xuất, xây đựng đời sống kinh tế, văn hóa xã hội hiện nay.
Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan đã kết thúc và BTC cho biết các đoàn đã hoàn thành tốt các nội dung thi diễn, cống hiến cho khán giả nhiều tiết mục hay, đặc sắc, quảng bá được văn hóa cồng chiêng, nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của nhân dân và du khách. Trong lễ bế mạc, BTC đã trao 01 Giải Nhất, 02 Giải Nhì và 03 Giải Ba cho các đoàn có thành tích cao, trong đó, Đoàn nghệ nhân huyện Lắk xuất sắc đoạt Giải Nhất toàn đoàn. Ngoài ra, BTC cũng trao 5 Giải A, 10 Giải B, 15 Giải C cho các tiết mục xuất sắc nhất ở 5 nội dung: Diễn tấu bài cồng chiêng truyền thống với bộ cồng chiêng đồng; Diễn tấu các nhạc cụ dân tộc kết hợp với cồng chiêng; Biểu diễn múa truyền thống kết hợp với diễn tấu chiêng hoặc có phụ họa nghi thức lễ hội dân gian; Biểu diễn hát dân ca; Trình diễn tái hiện trích đoạn nghi lễ, lễ hội. Ban tổ chức cũng trao giải phụ cho nghệ nhân lớn tuổi nhất, nghệ nhân xuất sắc toàn diện, nghệ nhân nam nhỏ tuổi nhất, nghệ nhân nữ nhỏ tuổi nhất.
Liên hoan là hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tiếp tục nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ, đội cồng chiêng tiêu biểu, nòng cốt ở khắp các địa phương, góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân có cơ hội gặp gỡ, giao lưu văn hóa nghệ thuật dân gian, tăng tình đoàn kết các dân tộc; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
* Ngày 1/9/2024, tại Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình Áo dài kết nối Du lịch với Di sản Hà Nội 2024. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch của Hà Nội là điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn” trong dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh, 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Với đoàn 150 xe đạp, các công dân Thủ đô trong trang phục áo dài đã diễu hành qua các tuyến phố tập trung nhiều điểm du lịch của Hà Nội như Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ, Quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tòa nhà Quốc hội, Phủ Chủ tịch, Cổng thành Cửa Bắc, Tháp nước Hàng Đậu, Cầu Long Biên, Ô Quan Chưởng, Chợ Đồng Xuân, Cột cờ Hà Nội. Chương trình nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội cùng nhiều người dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế.
BTC cho biết, việc tổ chức chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu các điểm đến du lịch Hà Nội đồng thời là hoạt động trải nghiệm mới thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Thủ đô, qua đó kích cầu du lịch. Việc kết hợp đạp xe và mặc áo dài để khám phá các địa điểm di sản văn hóa tiêu biểu tại Hà Nội mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, góp phần kết nối du lịch và di sản một cách độc đáo và hiệu quả, tôn vinh vẻ đẹp truyền thống và hiện đại, kết nối du khách với di sản, khuyến khích du lịch bền vững bằng việc “Bảo vệ môi trường và Bảo tồn di sản”.
PV tổng hợp