Báo Tuổi trẻ, ngày 09/08/2021 đăng tin về việc xử phạt hai chủ tài khoản Facebook vì vô ý chia sẻ tin “bác sĩ Khoa nhường ống thở cứu sản phụ”. Cũng trong dịp này, thông tin xử phạt các chủ tài khoản Facebook về việc đưa tin giả, tin sai sự thật về phòng chống Covid-19 xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước.

Thực ra, tin giả không phải là câu chuyện/vấn đề mới trong đời sống xã hội. Nó đã từng bị phát hiện, đấu tranh liên tục, không ngừng nghỉ ở khắp mọi nơi trong nước và trên thế giới. Nhưng xem ra, càng ngày vấn nạn tin giả càng trở nên cấp bách, đòi hỏi bất cứ quốc gia/vùng lãnh thổ nào cũng phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và có những biện pháp đấu tranh hữu hiệu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của loại “nấm độc” này.

Ở nước ta, tin giả cũng chập chờn ẩn hiện lúc nọ, lúc kia, rồi rộ lên trong những tình huống “nước sôi, lửa bỏng” như hiện nay và tất nhiên, nó từng được nhận diện để đấu tranh một cách kiên quyết, đồng bộ. Nhưng có thể nói, nguồn phát và “đất sống” của tin giả luôn tồn tại đó đây, vừa dễ phát hiện, đấu tranh và loại bỏ nhưng đồng thời cũng vô vàn khó khăn vì nhiều lý do khác nhau.

Tin giả- ai cũng có thể là nạn nhân. nguồn ảnh vneconomy.vn

Chẳng hạn, nếu đối tượng phát tán ở nước ngoài rồi lan truyền trên mạng xã hội thì công cuộc đấu tranh không thể tính bằng ngày, bằng giờ mà có khi mất cả tháng, cả năm trời. Hay có những tin giả được phát tán rất tinh vi, giả như thật, thì đến ngay những người vốn tỉnh táo, có kiến thức nhiều mặt cũng dễ bị “mắc lỡm” mà không hay biết. Chưa kể, có những người vô tình, đuểnh đoảng, trong một giây phút lãng đãng có thể cho ra những thông tin vu vơ vút vít, bỗng dưng gây hại cho xã hội và bản thân, khi giật thót nhận ra thì “tên đã bay khỏi nỏ” rồi…

Trong quá trình phòng chống đại dịch Covid-19, tin giả có lúc gây náo động dư luận, làm hoang mang người đọc gần xa, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi nỗ lực, cố gắng của toàn xã hội. Chính vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Công văn số 2765 ngày 23/07/2021 về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP về tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng như tung tin sai sự thật về hiệu quả các loại vắc -xin phòng chống Covid-19, xuyên tạc về các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương…

Bên cạnh việc ra sức tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản luật pháp nói trên và những vấn đề liên quan, việc ra đời và đi vào hoạt động Trung tâm xử lý tin giả với Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả đặt tại Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã nhanh chóng góp phần tập hợp thông tin, nhận diện, gắn nhãn tin giả, công bố thông tin xác thực, tin giả, tin sai sự thật, cảnh báo mọi người không chia sẻ, hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả. Từ hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các địa phương, sự tham gia tích cực của toàn xã hội, nhiều tin giả, tin sai sự thật và “tác giả” của nó đã bị phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần răn đe, ngăn chặn và là bài học kinh nghiệm cho nhiều người khi tham gia mạng xã hội. Bên cạnh đó là sự góp sức của cộng đồng mạng có trách nhiệm trong phòng chống tin giả như “Nhóm chung tay chống tin giả” do nhà báo Lê Quốc Vinh sáng lập với hơn 5.200 thành viên tham gia, gồm nhiều nhà báo và nhiều người công tác trong ngành truyền thông.

Hoạt động của nhóm giúp cộng đồng mạng nhận ra điều cốt yếu rằng, “tin giả sinh ra để thao túng tâm lý, suy nghĩ và hành vi của công chúng. Chỉ cần nó phù hợp phần nào với định kiến của chúng ta, thì lập tức chúng ta tin nó, thậm chí chẳng buồn kiểm chứng nó có đúng hay không, bấm like, share, thậm chí là thêm bớt ít nhiều để khẳng định thêm chính kiến của mình, vô tình hoặc hữu ý gia tăng mức độ ảnh hưởng của tin giả” (lời ông Lê Quóc Vinh).

Trong rất nhiều biện pháp, giải pháp cho vấn nạn tin giả đã được bàn luận, thực hiện lâu nay, theo chỗ chúng tôi, trước hết và sau cùng vẫn là giải pháp Phòng – chống và kết hợp giữa phòng và chống một cách thường xuyên, liên tục và nhuần nhuyễn.

Phòng là phòng từ nhận thức để kiểm soát hành vi, tuyên truyền trang bị nhận thức, kiến thức cho mọi người, tương tự như chiến dịch “tiêm phòng” để nếu gặp tin giả, tin sai sự thật thì đủ khả năng nhận biết, đấu tranh, ngăn chặn, không còn là người vô tình hay hữu ý tiếp tục phát tán tin giả, trở thành nạn nhân của tin giả. Đó cũng là hành vi đang được cộng đồng mạng có trách nhiệm khuyến cáo “Đọc chậm lại, nghĩ thật kỹ trước khi chia sẻ hoặc bình luận”, “Hãy ngưng chia sẻ tin giả. Hãy yêu nước bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh”…

Chống là khi nhận biết tin giả, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phải nhanh chóng khẳng định chính kiến đúng đắn của mình bằng hành động cụ thể. Không những không phát tán tin giả mà còn phải đấu tranh bằng mọi biện pháp có thể để góp sức “tiêu diệt” tin giả từ trong trứng nước. Tất nhiên ở đây trách nhiệm nặng nề trước hết là các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương trong việc nhanh chóng phát hiện, xử lý tin giả, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng xử lý tin giả, cho báo chí và dư luận, “đánh” trực diện tin giả bằng tin thật có kiểm chứng, có chiều sâu trên những tờ báo uy tín, bằng những nhà báo uy tín với độc giả.

Cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục đấu tranh bằng các biện pháp mới, hiệu quả hơn với các nhà mạng, nhất là mạng xuyên biên giới trong việc đề cao trách nhiệm xử lý và phối hợp xử lý tin giả. Kết hợp phòng và chống một cách chủ động, chặt chẽ, đồng bộ, nâng cao khả năng nhận biết, xử lý và đối phó với tin giả một cách thường xuyên, bài bản, nâng cao trách nhiệm người tham gia mạng xã hội…chính là để hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của tin giả, tin sai sự thật, củng cố lòng tin của toàn xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, phức tạp từ diễn biến dịch bệnh và các tiêu cực xã hội khác.

Tất nhiên vẫn phải hết sức lưu ý rằng, tin giả, tin sai sự thật sẽ không bao giờ biến mất và tự biến mất. Rất có thể trong một phút giây nào đó, tôi cũng như bạn và bất cứ ai bỗng chốc trở thành… nạn nhân của tin giả! Vì vậy, cuộc đấu tranh và tự đấu tranh này sẽ không bao giờ dừng lại, không chấp nhận thái độ và hành vi lơ là, chủ quan của mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng, đúng như cách những người có trách nhiệm, có lương tâm khi tham gia mạng xã hội nhắc nhủ: hãy chậm lại, nghĩ thật kỹ…

Bùi Sỹ Hoa