Tìm hiểu về chiến sĩ cách mạng Bùi Hải Thiệu

Trước sân đình Trung Cần. Ảnh: Phạm Quốc Đàn

Quê ông Bùi Hải Thiệu ở đâu?

Địa hành chính vùng phía nam của huyện Nam Đàn thay đổi liên tục. Đến hết thế kỷ XIX, tổng Nam Kim thuộc phủ Thanh Chương. Năm 1910 mới chuyển cho Nam Đàn. Năm 1946 dưới chính quyền mới là 5 xã có tên: Khánh Sơn, Nam Kim (có làng Phổ Đông), Trung Cần, Nam Cường và Phúc Thịnh (rồi Nam Hưng). Nhiều làng của xã Trung Cần, Nam Cường và Phúc Thịnh vẫn nằm trong tổng Phù Long của huyện Hưng Nguyên. Đến năm 1952, các xã này mới tách ra thành 9 xã là Nam Đông, Nam Hoành, Nam Thắng, Nam Sơn, Nam Phúc, Nam Dương, Nam Trung, Nam Thịnh, Nam Phong (có làng Phổ Đông). Ấy là vùng Chín Nam. Năm 1969 nhập lại còn 5 xã là Khánh Sơn, Nam Kim, Nam Trung, Nam Phúc và Nam Cường (có làng Phổ Đông). Năm 2020 lại sáp nhập lần nữa thành 3 xã: Khánh Sơn, Nam Kim và Trung Phúc Cường (có làng Phổ Đông).

Nam Kim khi xưa là xa lắm, không có đường sá, bị cắt rời khỏi mọi miền của đất nước. Sau này những người viết sử, ít người đoái hoài đến hiện tượng thay đổi địa danh và địa chính nên mấy ai biết làng Phổ Đông là đâu. Quyển sau theo quyển trước, chúng tôi, lứa tuổi U80, sinh ra và lớn lên ở nơi này, ngay làng Phổ Đông cũng chẳng ai dạy cho biết ông Bùi Hải Thiệu, nhà cách mạng lão thành ở Nam Kim là ai, ở đâu.

Mặc dù trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ở Nghệ An có nhiều phong trào và các tổ chức yêu nước chống Pháp và triều đình nhà Nguyễn. “Tham gia từ đầu và hăng hái hoạt động cho các tổ chức đó, một số thanh niên Nam Đàn là Nguyễn Tiềm người làng Dương Liễu, Bùi Hải Thiệu người Nam Kim đều là học sinh trường Quốc học Vinh”.(1).

Ngày 25/4/1930 thành lập Đảng bộ huyện Nam Đàn và “cũng trong thời gian này, tại làng Trung Cần, đồng chí Ngô Văn Sở, đại diện của Xứ ủy Trung Kỳ triệu tập, chủ trì Hội nghị thành lập Đảng bộ Cộng sản Việt Nam huyện Hưng Nguyên. Đồng chí Bùi Hải Thiệu ở xã Nam Cường được Xứ ủy chỉ định tham gia vào Phủ ủy lâm thời Hưng Nguyên”. (2)

Như vậy là từ tháng 4/1930, Bùi Hải Thiệu đã là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc thành lập (sau này là Đảng Cộng sản Đông Dương), vừa là Phủ ủy viên (Huyện ủy) Hưng Nguyên.

Nhưng vì sự thay đổi địa hành chính (Nam Kim là tên một tổng, sau đó là tên một xã, đến năm 1952 xã Nam Kim chia thành 2 xã: Nam Thắng và Nam Sơn. Nam Kim chỉ còn lại là tên một làng trong xã Nam Thắng. Xã Nam Kim và làng Nam Kim chẳng có ai tên là Hồ Hải Thiệu. Năm 1960 thì mất hẳn tên Nam Kim. Cũng như làng Phổ Đông mất tên từ năm 1960 đến 2020. Cùng với thay đổi địa hành chính là những biến cố của thiên nhiên và xã hội. Lụt bão quanh năm dữ dội nhấn chìm và cuốn trôi làng mạc xuống sông Lam, bom đạn trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, rồi giảm tô, giảm tức, tiếp đến cải cách ruộng đất rồi kháng chiến chống Mỹ… Những sai lầm dẫn đến nhiều gia đình bị quy sai. Gia đình của ông Bùi Hải Thiệu không ngoại lệ. Ngoài những người đã hy sinh vì cách mạng, nhà cửa, đồn điền, tài sản mất mát, con cháu trốn tránh, tản mát tứ phương. Khi bố ông bị bệnh tật, vì bị mật thám Pháp tra tấn, qua đời năm 1936, mẹ ông mất năm 1970 thì gia đình ông cũng phai mờ theo thời gian năm tháng, nên chúng tôi ít biết về ông.

Làng Phổ Đông

Làng Phổ Đông nơi ông chào đời có từ năm 1810 với tên là thôn Dương Phổ Đông (ánh sáng ban mai lan tỏa ở phía mặt trời mọc phía đông). Năm 1885, đổi thành làng Phổ Đông nằm trong tổng Nam Kim phủ Thanh Chương rồi Nam Đường (năm 1886 dưới thời Đồng Khánh – Ứng Đường, để tránh húy nên đổi thành Nam Đàn). Cái tên Phổ Đông tồn tại gần 200 năm cho đến khi thành lập hợp tác xã nông nghiệp (1960) thì mất để mang tên mới là xóm 6 xã Nam Phong. Mãi đến năm 2020, khi sáp nhập 3 xã Nam Trung, Nam Phúc, Nam Cường thành xã Trung Phúc Cường mới khôi phục lại tên làng Phổ Đông.

Là một làng cổ, nằm cạnh sông Lam, xung quanh, gần nhất là chợ Đò, chợ Đình, chợ Rồng, bên kia bờ sông là huyện Hưng Nguyên với chợ Cồn, chợ Vực, chợ Tràng, chợ Vinh. Xa hơn một chút là chợ Thượng, chợ Hạ, chợ Đức Thọ. “Nhất cận thị, nhị cận sông” nên làng Phổ Đông có nhiều người ngược xuôi buôn bán kiếm ăn. Trong đó có nghề buôn bè.

Dân làng vẫn ra sông Lam gánh nước, bờ sông nhánh vẫn quen gọi theo tiếng địa phương là Rào Chắt Nhâm. Làng không rộng, đất bãi phù sa, chỉ có vài đám ruộng lúa nước và bãi dâu nuôi tằm. Phần đông dân nghèo bởi quanh năm ngập lụt vì làng gần Ngã Ba Phủ, nơi sông Lam và sông La gặp nhau, đổ nước ra biển Đông.

“Ai về Dương Phổ mà coi
Nước tương mạnh đọi, rợp troi (dòi) hai phần”.

Làng Phổ Đông nằm ngay hạ lưu sông Lam và sông La, là nơi vương triều nhà Hậu Trần xây dựng Hoàng cung chống lại quân xâm lược nhà Minh suốt 8 năm (1406 – 1412). Làng cũng gần núi Thiên Nhẫn với thành Lục Niên của Lê Lợi chống lại quân xâm lược nhà Minh đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Đây cũng là cái nôi của khoa bảng xứ Nghệ với Tiến sĩ Tống Tất Thắng, Thám hoa Nguyễn Văn Giao, Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập, Hoàng giáp Chu Quang Trứ, Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, Hoàng giáp Nguyễn Đức Quý, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đương, Nguyễn Trọng Đường…

Trước cửa đình Trung Cần, xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn. Ảnh: Phạm Quốc Đàn

Gia đình ông Bùi Hải Thiệu

Người làng Phổ Đông đậm chất văn hóa Lam Hồng với lòng yêu nước thiết tha, chống ngoại xâm và ý chí rèn luyện học hành truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bùi Hải Thiệu được tắm trong môi trường đó nên sớm bước vào hoạt động cách mạng.

Không chỉ làng Phổ Đông mà cả tổng Nam Kim trước Cách mạng tháng 8/1945 đều nghèo đói. Những năm 1930, bỗng có một tòa nhà hai tầng lừng lững mọc lên ở làng Phổ Đông. Ngôi nhà bê tông cốt thép, cửa kép, trong kính ngoài chớp bằng lim đã thách thức máy bay Pháp trong kháng chiến chín năm, ném bom nhiều trận (1953, 1954), và máy bay Mỹ bắn phá (1964 – 1972), nó vẫn ngạo nghễ đứng đó. Nói đến sự giàu có, danh tiếng của cả xứ này là phải nhắc đến ngôi nhà này của ông Hàn Trí (hay Bộ Trí), tên cúng cơm của ông là Trần Xuân Hoát. Ông giàu có nhờ buôn gỗ là chính. Nghe tên ông đã nể nhưng rồi ông cho hay trước đây gia đình ông Bùi Hải Thiệu còn giàu hơn.

Ông Bùi Hải Thiệu sinh năm 1911, là con trai đầu của cụ Bùi Cảnh (Bùi Xuân Cảnh) và bà Trần Thị Hai. Gia đình cụ Bùi Cảnh cũng làm nghề buôn bè nhưng giàu có hơn ông Bộ Trí là nhờ thêm buôn thuốc phiện từ miền Tây Nghệ An và khai hoang, mở đồn điền chăn nuôi voi, hổ và trồng cao su, cà phê ở Thanh Chương (chợ Rạng), Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn. Trên sông Lam, từ thượng nguồn về đến làng Phổ Đông cụ lập mấy trạm thu mua lâm sản. Người đi bè, chặt gỗ tận miệt rừng Trường Sơn theo sông Lam về xuôi. Trong những bè gỗ, nứa, mét có cả những cây rỗng ruột nhét đầy thuốc phiện. Cứ thấy có bè gỗ và lâm sản là cụ cho người chèo thuyền con ra gặp thợ rừng và trao đổi hàng hóa hay mua với giá cao. Nhờ vậy mùa lụt, sau nhà cụ, ngay con lạch thông ra sông Lam, nhà cụ lúc nào cũng đầy gỗ các loại để bán sỉ cả bè, cả khối, cả cây. Mùa khô cụ thuê người xẻ thành ván, thành cột, thành xà, hạ… bán lẻ quanh năm.

Nhà cụ có mấy trang trại ở trong vùng và ở các huyện miền núi xa. Về sau, khi Bùi Hải Thiệu và em trai là Bùi Hữu Lương tham gia hoạt động cách mạng thì chính những trang trại này (trong đó trại Bộ Trí – hàng xóm, có phần của cụ) dưới chân rú Động Ngựa là nơi gặp gỡ, liên lạc bí mật của các đồng chí đảng viên. Các trang trại này cũng là cơ sở cung cấp tài chính cho tổ chức, đoàn thể và là nơi tập võ và dạy chữ cho cán bộ cơ sở trong vùng.

Tôi đã đến nơi có trạm thu mua lâm sản ở chợ Rạng của nhà cụ, cách làng Phổ Đông gần trăm km. Vì phải đi làm ăn, sống xa nhà, lại cần có người quán xuyến nhà trạm nên cụ bà cưới thêm cho chồng bà vợ hai tên là Cát, bà có 1 con gái và cũng đảm đang lắm. Tôi đã đến Nghĩa Đàn nghe bà con nói về Trại lâm sản khe Tọ và khe Mẹ Mẹ (nơi heo hút, rừng thiêng nước độc của xứ Phủ Quỳ khi ấy) với những câu chuyện cụ nghiện thuốc phiện, hút nhiều đến nỗi hổ và voi mò vào quanh nhà cụ, hít phải khói thuốc phiện, quen rồi nghiện mà ở lại chuồng trại nhà cụ luôn, đuổi cũng không chịu đi. Chẳng biết có đúng không dù đồn điền của nhà ông Bùi Hải Thiệu ở đây đã hơn một thế kỷ.

Tuy giàu có nhưng mẹ ông là người căn cơ, sống giản dị và tiết kiệm. Bà khéo tay dệt vải đem bán ở chợ quanh vùng và hay giúp đỡ những người nghèo trong làng trong xã. Bà có sáu đứa con đủ trai gái. Đứa thứ 3 mất sớm vì bị bệnh thương hàn. Sau khi Bùi Hải Thiệu xuất dương, Bùi Hữu Lương được Đảng phân công vào hoạt động ở Hà Tĩnh. Trong một lần trừ gian, giết một tên tri huyện tàn ác, anh bị bắt tại huyện Anh Sơn (Nghệ An). Bị giam cầm tra trấn dã man, anh không khai một lời. Bọn mật thám Pháp về làng Phổ Đông thuyết phục, mua chuộc, dọa dẫm, đánh đập cụ Cảnh không được, chúng đưa anh về Hà Tĩnh bắn chết, còn lại các anh chị đều trưởng thành. Chú em Bùi Mộng Tô đi bộ đội, vào tận Bình Định, hòa bình lập lại (1954) mới ra Hà Nội, công tác ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Người con trai thứ 4 là Bùi Đức Tuyên, lớn lên cũng đi theo các anh, tham gia kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954 đã là Trưởng ty Giáo dục Nghệ An, sau này là Chủ nhiệm khoa Triết học của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Trong số con cháu của gia đình ông Bùi Hải Thiệu có một nhà khoa học, nhà văn là Lệ Tân Sitek, con gái đầu lòng của ông Bùi Hải Thiệu, hiện sống ở Oslo (Na Uy). Chị là tác giả của nhiều công trình khoa học và văn học, nghệ thuật, trong đó có Sưu và tầm, Một mình trên đường (Sama na drodze), và Ngã ba đường (Na rozdrozu) đã xuất bản ở Ba Lan và Việt Nam.

Người chiến sĩ cách mạng lão thành Bùi Hải Thiệu

Ông Bùi Hải Thiệu (có tên là Bùi Tín, Nam Hồng, Nam Sơn, Ngọc) là người cộng sản nổi danh từ trước năm 1930 với những hoạt động yêu nước từ thời còn là học sinh, với cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 của Xô viết Nghệ – Tĩnh.

Trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh) thành lập ngày 01/9/1920, là trường Trung học Pháp – Việt lớn nhất và cũng là trung tâm văn hóa giáo dục cho cả miền Trung. Con cái những gia đình khá giả và học giỏi thì mới dám mon men tới. Cả vùng Nam Nam Đàn và Bắc Đức Thọ (Hà Tĩnh) cũng chỉ có vài người, trong đó có anh em Bùi Hải Thiệu và Bùi Hữu Lương.

Từ người thanh niên yêu nước, Bùi Hải Thiệu sớm tham gia phong trào cách mạng. Bắt đầu là Tân Việt Cách mạng Đảng và tổ chức Sinh Đoàn để đoàn kết, tập hợp thanh niên, học sinh trong phong trào đọc sách, báo tiến bộ… và tuyên truyền vận động cách mạng. Những hoạt động của anh bị mật thám theo dõi, giám sát chặt chẽ. Khi Tân Việt Cách mạng Đảng nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam thì: “Tháng 4/1930 Xứ ủy Trung Kỳ chỉ đạo thành lập hai chi bộ mới ở Phù Long – Nam Kim. Đó là chi bộ Trúc – Lam – Giang (đồng chí Lê Xuân Đào, bí danh là Lam làm Bí thư, hai đồng chí khác quê Trung Cần là Nguyễn Hữu Nhượng, bí danh Trúc, Nguyễn Thị Quỳnh Nga tức bà Thông Phia, bí danh Giang) và chi bộ Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ (đó là bí danh theo thứ tự là Lê Nghĩa, Võ Trọng Tấn, Bùi Hải Thiệu, Nguyễn Ngọc Các, Bùi Hải Lương – có lẽ là Hữu – LĐC)”.(3). Như vậy là ông không chỉ là Phủ ủy của huyện Hưng Nguyên mà ông còn là một trong 5 đảng viên của chi bộ đầu tiên, là tổ chức đảng của cả vùng Thọ Toán, Phổ Tứ, Quảng Xá và Long Xuyên (do em là Bùi Hữu Lương làm Bí thư).

Bùi Hải Thiệu về hoạt động ngay ở quê nhà, cùng các đảng viên của chi bộ Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ tuyên truyền vận động cách mạng. Trước hết là giác ngộ tư tưởng cho nhiều bà con trong làng trong xã để phát triển đảng viên. Nhiều thanh thiếu niên tích cực tham gia, canh gác cho các cuộc họp kín của chi bộ như Trần Đình Chữ, Trần Mạnh Dung… Chỉ trong một thời gian ngắn chi bộ đã tăng lên 15 người, chi bộ bây giờ mang tên Phổ Đông, phát triển Đảng theo “vết dầu loang” nên được tách ra, thêm một chi bộ mới là chi bộ Dương Phổ gồm Thọ Toán và Phổ Tứ, Quảng Xá do đồng chí Võ Bỉnh làm bí thư.

Bùi Hải Thiệu là người có hiếu với cha mẹ, thương yêu các em. Đi hoạt động cách mạng bí mật phải trốn tránh, xa nhà luôn nhưng như mẹ ông kể lại cho cháu gái: “Ba con ngày xưa thương bà lắm. Bất cứ đi đâu về cũng nhớ mua cho bà khi thì miếng vải đen đẹp để bà may váy, may áo, khi thì miếng quế quý hay lọ mật ong từ trên rừng để bà làm thuốc, khi thì nhung hay sâm để bà ngâm rượu, có lần mang về chum nước mắm ngon”.(4)

Gia đình ông Bùi Hải Thiệu buôn gỗ nên có những 4 ngôi nhà bằng gỗ tứ thiết. Dù không cần tiền nhưng rao bán nhà quanh năm mà không bán được. Khách mua nhà từ Hà Tĩnh sang, từ Vinh vào mua nhà liên tục hết người này đến người khác, đến nỗi trương tuần, mật thám Pháp, cai tổng… còn chỉ nhà cho khách mua nhà mỗi khi từ xa đến. Đến khi chúng tá hỏa ra nhà ông là nơi liên lạc bí mật của Đảng. Bùi Hải Thiệu và Bùi Hữu Lương vốn cao to, đẹp trai lại học giỏi có tiếng, nhất là tiếng Pháp của Trường Quốc học Pháp – Việt nên thanh niên cả vùng Hưng Nguyên, Đức Thọ và Nam Nam Đàn rủ nhau đến Phổ Đông học võ và học tiếng Pháp với hai anh. Các lớp học này, thực chất là các tổ chức hoạt động cách mạng bí mật của Đảng. Lớp học võ đã dạy cho nhiều người trở thành chiến sĩ xích vệ đỏ của Xô viết Nghệ Tĩnh sau này. Chính ông Thiệu đã từng dùng võ đánh tên kiểm lâm người Pháp. “Bà kể hồi buôn gỗ, có một thằng Tây đen tên là Alonzeau làm quan kiểm lâm chợ Rạng. Trách nhiệm của nó là kiểm tra đồ gỗ, đánh dấu kiểm lâm. Thằng Tây này nổi tiếng tham nhũng, hối lộ, bắt nạt trắng trợn nhiều người. Một lần ba (Bùi Hải Thiệu) nghe nó mắng một ông đang chờ xin triện vì ông ấy đang đối phó lại không muốn trả nó tiền, vì gỗ của ông quá đủ tiêu chuẩn. Ba đến hỏi ông Tây bằng tiếng Pháp lý do tại sao có sự xung đột? Ông Tây người cao lớn, mạnh khỏe hung hăng, hai tay giật mạnh ba ra, rồi đấm vào mặt ba. Lập tức ba dùng võ lực nhảy lên, quay một vòng rồi hai vòng đá vào thằng này hai ba cái lên đầu. Alonzeau lăn xuống sông, bị què tay, gãy chân nhưng không chết. Nó kiện ba lên tòa nhưng có quá nhiều người làm chứng nên bọn chúng thua. Còn nó mất chức”.(5)

Lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương mãi ghi dấu son sáng chói cuộc biểu tình ngày 12/9/1930. Nhân dân nhiều làng của huyện Nam Đàn và Thanh Chương, Hưng Nguyên kéo ra thành phố Vinh đấu tranh với Pháp và chính quyền Nam triều. Từ đây các đoàn biểu tình đã tập trung hơn 8.000 người tại ga Yên Xuân, gần làng Phổ Đông nghe nữ đảng viên Nguyễn Thị Quỳnh Nga (chi bộ Trúc – Lam – Giang) diễn thuyết. Sau mít tinh, đoàn biểu tình kéo lên chợ Vực (xã Hưng Xá) cách ga 2km, đi theo đường hàng tỉnh ra Thái Lão (Hưng Thái) để xuống Vinh thì bị lính Pháp từ Vinh kéo lên cùng máy bay đàn áp. Chúng đã giết chết 217 người, bắn bị thương 125 người, đốt cháy hàng chục ngôi nhà. Cuộc biểu tình lịch sử này do Huyện ủy Nam Đàn, trực tiếp là Phủ ủy lâm thời Hưng Nguyên mà Bùi Hải Thiệu là ủy viên tổ chức và lãnh đạo. Tháng 11/1930, Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An điều ông lên Ban Tài chính của Xứ ủy.

Trước phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh ào ạt dâng cao, thực dân Pháp và chính quyền nhà Nguyễn vô cùng run sợ. Chúng đàn áp dã man và truy sát các chiến sĩ cộng sản gắt gao. Chúng lùng sục bắt Bùi Hải Thiệu khắp nơi nhưng không bắt được ông. Tổ chức đưa ông trốn sang Thái Lan rồi sang Trung Quốc. Tháng 8/1931, Tòa án Nghệ An kết án tử hình vắng mặt Bùi Hải Thiệu (Bản án số 88 ngày 14/8/1931). Sang Trung Quốc ông lấy tên là Lý Quốc Lương (Lương là tên em trai) đã được các đồng chí đang hoạt động ở đây đưa sang Hồng Kông và bị cảnh sát Anh bắt giữ rồi lại bị trục xuất khỏi Hồng Kông.

Tháng 3/1932, ông bị cảnh sát Trung Quốc bắt và chuyển sang Quảng Châu, tháng 10 năm đó được tha. Ông lại đến Hồng Kông tìm bắt liên lạc được với các đồng chí của mình đang hoạt động ở Nam Kinh.

Được Đảng phân công, tháng 9/1932, ông đến Hán Khẩu phụ trách công tác tuyên truyền cách mạng cho những đoàn thủy thủ Đông Dương cập bến sông Trường Giang. Những ngày lăn lộn trong vô vàn khó khăn gian khổ và nguy hiểm, Bùi Hải Thiệu đã hoàn thành mọi nhiệm vụ tổ chức giao cho. Ở Trung Quốc, ông hoạt động với Lê Hồng Sơn, Lê Thiết Hùng (Lê Quốc Vọng) cùng nhiều đồng chí của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và chí sỹ Hồ Học Lãm. Ở đây ông gặp một người bạn gái đồng hương là Nguyễn Thị Tích, người làng Phan Thôn, xã Hưng Tân, tổng Thông Lạng. Nguyễn Thị Tích (có tên Lý Ưng Thuận, Lý Phương Thuận, Lý Thuận, Cô Thuận, Lý Nhược Xuyên, Xám Cú, Lý Tam, Hồ Tố Nga), hơn ông 1 tuổi, dạy tiếng Trung cho ông, được tổ chức yêu nước bí mật đưa sang Thái Lan từ năm 1920 cùng đợt với Hồ Tùng Mậu (Hồ Bá Cự), Lê Hồng Sơn (Tản Anh). Bùi Hải Thiệu và Nguyễn Thị Tích gặp nhau “vừa là đồng chí lại đồng hương” nên bén duyên nhau. Năm 1934, họ cưới nhau và sống ở thành phố Nam Kinh, cùng nhau hoạt động cách mạng và sinh được 5 người con vừa trai vừa gái.

Năm 1944, khi mới 37 tuổi, đang thời kỳ sung sức nhất của tuổi trưởng thành, đang say sưa hoạt động cách mạng, Bùi Hải Thiệu mắc bệnh hiểm nghèo đã mất nơi đất khách quê người(*).

Lê Đình Cúc

Chú thích:

(1) Quang Đạm (chủ biên), Nguyễn Bá Mão: Lịch sử huyện Nam Đàn. Nxb Văn học 2020, tr. 149

(2) Lịch sử Đảng bộ huyện Nam Đàn (1930-2020). Nxb Nghệ An, 2022, tr. 40

(3) Ninh Viết Giao (chủ biên), Thái Huy Bích: Địa chí văn hóa Hưng Nguyên. Nxb Khoa học Xã hội, 2009, tr. 198.

(4) Lệ Tân Sitek: Một mình trên đường. Nxb Trẻ, 2013, tr. 76

(5) Lệ Tân Sitek, Sđd, tr.186

(*) Có tài liệu (chưa được kiểm chứng) cho biết tháng 11/1932, ông Bùi Hải Thiệu cùng với Lê Hồng Sơn và một người nữa đã sang Tokyo gặp Cường Để vận động ông hoàng này tham gia cách mạng nhưng bị Nhật trục xuất.