Những chiếc thuyền thúng (hay còn gọi thuyền mủng) là hình ảnh quen thuộc, gắn bó với đời sống thường nhật của ngư dân vùng biển Cửa Lò. Chỉ là những phương tiện/công cụ thô sơ, đơn giản, nhưng nó đã mang về “lộc biển”, đem lại nguồn thu nhập mỗi ngày cho các gia đình ngư dân.
Khi mặt trời nhô lên khỏi bán đảo Lan Châu, cũng là lúc hàng chục chiếc thuyền mủng nối đuôi nhau cập bến.Những người phụ nữ đã sẵn sàng trên bờ đón thuyền mủng của chồng, của con trở về từ khơi xa, để kịp phiên chợ sớm… Nghề “đi mủng” đánh bắt hải sản gần bờ được xem là nghề truyền thống, cha truyền con nối của ngư dân Cửa Lò, Nghệ An. Hiện toàn TX.Cửa Lò có khoảng 300 thuyền mủng, trong đó tập trung nhiều ở phường Thu Thủy với 140 thuyền, phường Nghi Thủy hơn 70 thuyền…. Mỗi chuyến “đi mủng”, ngư dân thường xuất phát từ 2-3h sáng, 7-8h trở về. Mỗi mủng có 1-2 lao động (chủ yếu 1 lao động). Nghề “đi mủng”được thực hiện quanh năm, chỉ những ngày mưa to, gió lớn, biển động mạnh ngư dân mới không ra khơi. Thuyền mủng có đường kính chưa đầy 2m với một mái chèo và dây thừng để buộc. Trước đây, ngư dân dùng thuyền nan trét dầu rái, chèo tay và dùng đèn măng xông đánh bắt. Hiện nay, họ đã dùng thuyền bằng vỏ nhựa có gắn động cơ mã lực nhỏ để đánh bắt. Là thuyền nhỏ, không thể ra khơi xa, nhưng mỗi chuyến đi đều có hải sản mang về. Hải sản đánh bắt thường là cá vặt, tôm, ghẹ hoặc ít mực nháy… rất tươi ngon nên luôn được khách ưa chuộng. Nhờ thế, mỗi ngày ngư dân đều có nguồn thu nhập, ít thì vài trăm ngàn đồng, hôm nào trúng được luồng cá thì cũng được cả triệu hoặc hơn, bữa ít bù bữa nhiều, đủ để trang trải chi phí trong nhà, lo cho con cái ăn học. Mặt trời lên cao, những chiếc thuyền mủng được ngư dân đưa lên bờ rửa sạch, phơi nắng chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Nhìn từ trên cao, những chiếc thuyền mủng nối nhau ngăn nắp tạo nên một bức tranh làng chài bình dị hút mắt du khách. Ảnh: Hồ Đình Chiến . Nội dung: Kiều Nga