Đón Tết Độc lập lần thứ 79, Ngày Quốc khánh của nước Việt Nam mới, trong niềm vui dựng xây cơ đồ thời Đổi mới, chúng ta cùng nhớ về những chỉ dẫn quý báu của cha ông ta trải qua bao biến thiên lịch sử.
Có lẽ không mấy ai không biết đến câu thơ của Nguyễn Trãi trong bài Quan hải, viết từ đầu thế kỷ XV sau khi chiến thắng quân Minh xâm lược. Về sau, mỗi khi bàn về sức mạnh lòng dân thì lời thơ ấy như một “văn bia” trao truyền qua bao thế hệ: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Lật thuyền mới biết sức dân như nước). Lại nhớ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, trước khi mất hai tháng, đã tâu với Vua Trần Anh Tông: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”.
Bài học lịch sử cứu nước và giữ nước nghìn đời còn tươi mới. Từ thời Trần các võ tướng từng dặn dò, cái đáng lo là trì quốc (giữ nước) chứ không phải trị quốc (cai trị đất nước). Chỉ có trì quốc mới bảo đảm được sự lâu bền, mới là sáng nghiệp tổ tông. Muốn giữ nước vững bền không rơi vào họa mất nước, trăm họ phải cùng ghé vai gánh vác. Còn chỉ tập trung lo trị nước thì đó là công việc của một số ít người nắm quyền bính.
Trải qua đêm trường lịch sử, đến thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng “Dân là gốc”, khoan thư sức dân tiếp tục được coi là nguồn gốc sức mạnh làm nên những chiến công hiển hách. Sinh thời, Bác Hồ nói một cách mộc mạc, vì sao lại nói dân là “gốc” của nước, là bởi “lực lượng của dân rất to”, rất đông, rất mạnh. Dân là “gốc” của nước bởi vì dân ta rất tốt, trong mỗi người dân đều có phẩm chất cao quý nhất là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Của cải, sức mạnh, đạo đức, tài năng, lòng tin của Nhân dân đã tạo nên “cái gốc” của nước: “Gốc có vững, cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Mùa thu này chúng ta kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, cũng là dấu mốc 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những lời căn dặn cuối cùng Bác lưu ý, phải quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Mọi điều tưởng như sẵn có nhưng đã phải trải qua bao thế kỷ, trải qua biết bao đấu tranh về tư tưởng, lý luận và bằng thực tiễn sinh động mới có thể từng bước tiếp cận chân lý. Trong lịch sử nhân loại từng có những quan điểm duy tâm về xã hội khi cho rằng: nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội là tư tưởng, đạo đức của các vĩ nhân. Chỉ có những vị “thần thánh” ấy dân chúng mới tìm được con đường sống no ấm, phồn vinh. Ngược lại, có nhà tư tưởng đề cao vai trò của quần chúng nhân dân, nhưng phủ nhận vai trò của các nhà trí thức, hoặc không lý giải một cách khoa học sứ mệnh, vai trò của quần chúng nhân dân.
Người xưa từng nói “chúng chí thành thành”, nghĩa là ý chí của quần chúng làm nên bức thành kiên cố. Thời nhà Hồ (1400-1407) chỉ tồn tại 7 năm, mặc dù Hồ Quý Ly thực hiện cải cách theo hướng “phú quốc cường binh”. Ông rất coi trọng tổ chức lại quân đội, mở xưởng rèn đúc vũ khí, đóng tàu thuyền, xây đắp hệ thống thành lũy, củng cố các nơi hiểm yếu để phòng thủ đất nước. Thế nhưng vì những cải cách ấy không thật sự xuất phát từ quyền lợi thiết thân của mọi tầng lớp nhân dân, không được dân ủng hộ, cho nên khi giặc phương Bắc tràn tới, đã thất bại nhanh chóng. Vậy là thành lũy bằng sắt đá không thay thế được thành lũy lòng dân.
Theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng ta và Bác Hồ khẳng định, Nhân dân là chủ thể sáng tạo chân chính ra lịch sử, giữ vai trò quyết định trong mọi thời kỳ lịch sử. Khái niệm “Lòng dân” vừa mộc mạc, gần gũi vừa thiêng liêng biết mấy. Đó là một khái niệm chỉ trạng thái tinh thần, niềm tin, sự đồng lòng của người dân với chế độ xã hội, với Đảng, Nhà nước. Khi lòng dân một lòng tin theo Đảng thì ánh sáng sẽ đẩy lùi bóng tối, chỉ cần người dẫn đường đủ trí tuệ và can đảm để nhận ra, để quyết định hành động.
Nhớ về những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 khi xây dựng chính quyền non trẻ càng thấy tầm nhìn xa trông rộng của Đảng ta, của Bác Hồ. Nhờ tin Đảng, một lòng theo Đảng mà trong Mùa thu Cách mạng, sức dân đã chuyển hóa thành sức mạnh vô địch. Như ngọn triều dâng đúng lúc, Hà Nội chủ trương Tổng khởi nghĩa khi chưa nhận được bản Quân lệnh số 1 phát ra từ Chiến khu Tân Trào. Từ tối 17-8, Đảng bộ Hà Nội quyết định phát động khởi nghĩa bằng phương thức huy động sức mạnh của quần chúng, lấy lực lượng chính trị quần chúng làm cơ bản, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt, tổ chức mít tinh ở quảng trường Nhà hát lớn, sau đó chuyển thành tuần hành thị uy chiếm những cơ quan trọng yếu của chính phủ bù nhìn. Bài học lớn vô cùng giản dị, cách mạng không phải là rập khuôn, máy móc mà là chớp thời cơ, thay đổi và sáng tạo.
Tháng 9-1945, chỉ sau hơn hai tuần Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Bác Hồ đã viết bài “Chính phủ là công bộc của dân” trên báo Cứu Quốc. Người lưu ý rằng, mỗi thành viên Chính phủ phải “nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho mọi người, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh…”.
Việc có lợi nhất là làm sao để “dân giàu, nước mạnh”. Đó là mơ ước ngàn đời, cũng là một chủ trương lớn nhằm “Canh tân đất nước” trong thế kỷ 21. Cương lĩnh năm 1991, (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta nêu rõ: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.
Trong 3 nhiệm kỳ Đại hội XI, XII, XIII, Trung ương đều ra Nghị quyết 4 về nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó nhiệm vụ hàng đầu là làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, chống tham nhũng, tiêu cực. Niềm tin của Dân với Đảng đã từng bước được nâng lên khi lò lửa chống tham nhũng rừng rực cháy, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, kỷ luật một người để cứu muôn người, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng. Mất niềm tin là mất tất cả. Được lòng Dân thì “trăm họ” một lòng đi theo con đường lớn vì đất nước mạnh giàu. Đúng như tiền nhân đã dạy, trời dù mưa lớn mà cây không rễ thì làm sao thấm nước.
Từ Đại hội XII Đảng ta đã nêu lên một trong 5 bài học là nhân lên sức mạnh lòng dân. Đó là, đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đại hội XIII khẳng định vai trò quan trọng của vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vị trí “thế trận lòng dân” được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.
Mới đây trong bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đồng chí Tô Lâm – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nhấn mạnh:“Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc”, “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Lòng dân ta yêu nước thương nhà khởi thủy từ ngàn năm trước và mãi mãi là một giá trị lâu bền, sáng đẹp. Lịch sử không bao giờ chỉ là câu chuyện của ngày hôm qua, của những gì đã qua. Hơn thế, lịch sử là sự đối thoại không ngừng giữa hiện tại và quá khứ. Thời đất nước nghèo khó, gian lao, hay thời hiện đại, thời toàn cầu hóa, chúng ta dần quen với những khái niệm AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn), HDI (chỉ số phát triển con người), WHI (chỉ số hạnh phúc), v.v… Nhưng thời nào thì Lòng dân cũng được ví như Tượng đài vĩnh cửu. Lòng dân chỉ cho chúng ta con đường đi đến tận cùng dân tộc và sẽ gặp nhân loại.
Hải Đường(*)
(*). Nhà thơ, nhà báo Hải Đường, nguyên ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân