Tôi là Chuông Miên. Cái tên đẹp đấy chứ? Mẹ đặt cho tôi khi nhìn những bông hoa gạo trông giống những chiếc chuông màu đỏ đang thắp lửa giữa bầu trời. Mẹ còn nói âm thanh của tiếng chuông bao giờ cũng rất tuyệt, chúng sẽ theo gió vang xa. Tôi sống cùng bố, đàn gà con, chú chó Rếch, khu vườn hoa ngẫu hứng và một chú bò cái nhỏ. Chúng tôi mới chuyển về vùng trung du này hơn một năm. Tại đây tôi quen một người bạn tên Kim. Ồ, da Kim rất trắng và tóc màu hạt dẻ. Kim sống trên rừng tràm cùng ông ngoại trong một căn nhà nhỏ tách biệt với cuộc sống xung quanh. Điều ngạc nhiên là bạn ấy có hẳn một thư viện sách, giống như nữ thần canh giữ kho báu cổ. Cuốn sổ bìa da là món quà sinh nhật đầu tiên tôi có được, chính là một phần của kho báu đó. Tôi tính viết nhật ký trong cuốn sổ ấy nhưng Kim nói hãy khiến nó sinh động như là đang kể cho mọi người nghe một câu chuyện. Vậy bạn muốn nghe tôi kể về điều gì nhất: Khu rừng, đàn gà con, chú chó Rếch, Kim, con bò cái nhỏ? Hay là tình bạn của tất cả chúng tôi?
∗
Mọi người nói tôi là một cô bé nhút nhát nên gọi tôi là ống thụt. Tôi sợ ánh sáng mặt trời, những người lạ mặt và mọi xáo trộn lớn nhỏ trong cuộc sống. Tôi chỉ quen sống trong thế giới của mình, quen chơi cùng những con vật nhỏ. Một đàn gà con có bộ lông vàng ươm, lích chích nhặt gạo trên bàn tay bé xíu của tôi (nhưng chúng không thể cứ bé nhỏ để quanh quẩn bên tôi mãi). Một chú chó đốm lưỡi tinh khôn thích lẽo đẽo ngày hai buổi đưa tôi đi học và đón tôi từ trường về. Một khu vườn trồng đầy hoa ngẫu hứng, nơi tôi có thể quanh quẩn hàng giờ bên một cây hoa nhặt được ven đường. Làm cách nào để tôi có thể cho các bạn nhìn thấy được những bông hoa của tôi, trông chúng thật tuyệt vời. Còn mẹ thì sao nhỉ? Mọi người luôn nói mẹ tôi là người ham vui và bốc đồng. Tôi thì thấy mẹ là người dịu dàng. Mẹ cười nói suốt ngày và không mấy khi cáu giận với tôi. Chỉ có điều mẹ đã xa nhà lâu quá, từ khi tôi mới là cô bé sáu tuổi. Còn bây giờ Kim nói chúng tôi đã sắp thành thiếu nữ rồi. Thiếu nữ. Hai từ ấy thật thú vị. Tôi có thể nghĩ đến nó và tủm tỉm cười cả ngày. Điều đó thật khác với tôi trước kia, khi chưa được gặp Kim trong khu rừng lá xôn xao ấy.
Bố tôi nghiện rượu kể từ khi mẹ sang Đài Loan làm giúp việc. Bố triền miên trong những cơn say dài như không muốn để phút giây nào tỉnh táo. Khi người ta say thì thực sự không có nhu cầu trò chuyện, bố nói rất nhiều đơn giản đó chỉ là nhu cầu được giải tỏa. Tôi cũng đã quen với việc im lặng lắng nghe. Bố buồn bực cô đơn nên lại càng hay cáu giận. Mà bố đâu thể đổ lên đầu thiên hạ nên trút cả vào tôi. Tháng năm đã trôi qua trong một nỗi buồn dài tưởng chừng như miên man, bất tận. Tôi chỉ ước ao mẹ trở về để vực lại tinh thần cho bố và bầu bạn cùng tôi. Nhưng mẹ sợ nghèo khổ, sợ những cơn say của bố nên cứ lần lữa mãi, bỏ mặc tôi tự xoay xở với cuộc sống của mình. Phải thú nhận với các bạn rằng tôi đã xoay xở không thật tốt. Ngoài việc đến trường thì tôi có nhiệm vụ giúp bố làm đồng. Vì mẹ rất ít khi gửi tiền nên bố con tôi tự lo liệu cuộc sống cho mình và bầy vật nhỏ. Tôi thực sự đã rất cô đơn…
Ngoài giờ học và làm việc tôi lẻn ra vườn chơi cùng Rếch. Đây là chú chó đời thứ năm của dòng họ nhà Rếch. Những con khác đã chết vì bệnh tật hoặc bị câu trộm. Nói chung tất cả những chú chó Rếch đều khôn. Chúng thật biết cách bầu bạn với con người. Chú Rếch hiện tại có bộ lông màu xám tro tuy không to lớn nhưng nhanh nhẹn. Mỗi khi tôi buồn, Rếch đều đến bên an ủi bằng những cái dụi mõm ướt nhẹp lên tay và có thể nằm hàng giờ nghe cô chủ nhỏ khóc thút thít trong bụi rậm. Nó lẽo đẽo đưa tôi đi học bất kể mưa hay nắng, hơn cả người bạn đường nó còn là một vệ sĩ đáng tin cậy. Khi còn học cấp I, tôi thường bị bạn bè bắt nạt. Có thể vì trông tôi lầm lì dễ ghét cũng có thể vì chúng chẳng thể bắt nạt được ai. Tôi không biết cách tự vệ nào khác ngoài sự sợ hãi cho đến khi có Rếch. Nó sẵn sàng lao vào bất cứ ai định trêu trọc hay cản trở tôi, giống như một chàng trai khẳng khái và ga lăng vậy. Để đáp lại, thỉnh thoảng tôi sẽ lôi Rếch ra tạo mẫu tóc cho nó. Một quả đầu ba phân để giúp nó ngầu hơn. Khi thì nó được nhuộm tóc bằng nhọ nồi, khi thì màu cánh gián vét từ lọ sơn tủ của bố. Một cái đuôi màu tím được nhuộm bằng quả mồng tơi. Bạn tưởng tượng ra không, trông nó giống một con chó màu mè trong đoàn xiếc. Sau này, Kim nghe kể lại thì lắc đầu bảo tôi là nỗi khiếp đảm của loài vật. Nhưng tôi biết Rếch vui.
Đàn gà là món quà một người hàng xóm tặng bố con tôi gây giống. Chúng gồm một gà mái mẹ hoa mơ và mười hai chú gà con với các màu lông vàng, đen, trắng. Nhưng khi chúng lớn bằng nắm tay thì quạ đã bắt mất hai con, bị xe kẹp một con, lũ cáo đã tha mất sáu con trong một đêm. Tôi rất buồn bởi vì chúng từng là những người bạn rất dễ thương. Mỗi lúc bị bố mắng, tôi thường chui vào một xó bếp, gậm giường hay bụi rậm và thích thú chơi với những con gà tí xíu. Tôi không muốn bạn làm theo tôi đâu vì không chắc những chú gà nhà bạn thích được đặt trên tay và quay vòng cho đến khi chóng mặt quay đơ ra đất. Tôi gọi công việc đó là ru gà ngủ. Kim nghe kể đã ôm bụng cười và bảo rất may công nghệ ru ngủ đó không được áp dụng cho các trường mầm non.
Bố đã mổ con gà mái của tôi để thiết khách. Khủng khiếp hơn khi bố sai tôi đun nước vặt lông và giữ gà để bố cắt tiết. Đó là con gà mái hoa mơ đẹp nhất mà tôi từng thấy. Nó dịu dàng với đàn con hệt như mẹ tôi trong những giấc mơ. Nhiều ngày buồn, tôi tha thẩn ngồi dưới tán cây xem nó tìm mồi, bới giun cho đàn con. Nó đã từng rất giỏi khi bảo vệ lũ con khỏi bọn diều hâu đáng sợ cho đến khi nó bị què chân vì một tai nạn nào đó mà tôi vẫn không điều tra ra. Nó di chuyển chậm chạp hơn và thường bất lực nhìn con mình bị tấn công. Bố nghĩ nó vô dụng và cần phải hóa kiếp. Nhưng bố không biết rằng đối với tôi con gà mái hoa mơ chính là một người bạn nhỏ. Hơn cả thế, nó còn là hình ảnh của người mẹ. Nói các bạn sẽ cho là buồn cười, nhưng cảm giác đúng là như thế. Tôi thường nhìn ngắm nó nuôi con và nghĩ về một ngày nào đó mẹ trở về nhà. Nên khi nhìn bố và bạn rượu chén ngon lành con gà thương yêu ấy, tôi đã nghĩ mình khó có thể nào làm bạn cùng bố được.
Khi tôi mười hai tuổi, bố đổ bệnh nặng. Có lẽ vì rượu làm cơ thể bố ngày càng yếu đi, đấy là chưa kể những cơn sốt rét quật bố không còn sức lực. Mẹ tôi vẫn không có ý định trở về ngoài việc chu cấp tiền thuốc thang cho bố. Ông bà nội đón bố con tôi về gần để tiện chăm sóc. Chúng tôi bán căn nhà dưới đồng bằng. Điều duy nhất an ủi tôi lúc đó là việc ông bà nói tôi có thể mang Rếch và ba con gà còn lại của mình đi theo. Chỉ vườn hoa nhỏ là không thể. Tôi đủ lớn để hiểu không phải thứ gì mình yêu quý cũng có thể giữ mãi bên mình được. Những mất mát vô hình len lỏi khiến tôi cô đơn rầu rĩ. Khi bạn mười hai tuổi, bạn có cô đơn không?
∗
Nơi ở mới nhiều rừng núi và ít nhà cửa hơn. Nó thuộc miền trung du chạy dọc theo sông Hồng. Ở đây tôi không có nhiều bạn. Nói đúng hơn thì tôi không thích chơi với ai, cũng không có nhu cầu giao tiếp. Trường học mới có phần tẻ nhạt. Tôi nghĩ về mẹ nhiều hơn lúc nào hết nhưng tôi cũng biết là mình đang ngày càng xa mẹ. Nó không còn là khoảng cách xa xôi địa lý. Nó nằm trong sâu thẳm tâm hồn tôi, nó là kết quả của sự chờ đợi mỏi mòn và nỗi bất an xâm chiếm. Tôi đã nghĩ người lớn thực ra rất ích kỉ nên sợ họ lại gần để làm tổn thương mình. Mà chắc các bạn đã nóng lòng gặp Kim đúng không? Từ từ nào. Tôi còn trải qua vài biến cố quan trọng nữa rồi mới gặp bạn ấy. Việc khiến tôi đau lòng nhất ấy là cái chết của Rếch – con chó nhỏ mà tôi yêu quý – người bạn thân thiết nhất của tôi.
Tôi gặp Kim trong đám ma của Rếch. Bạn đừng ngạc nhiên tại sao người ta lại làm ma cho một chú chó. Rếch là một người bạn và tôi nghĩ đó là điều nên làm với bạn của mình. Rếch đã chết vì tôi. Nó bị ốm, có lẽ vì nó đã quá già. Bạn biết đấy dù tôi hay gọi nó là con chó nhỏ nhưng nó cũng đã ở với tôi gần bảy năm trời. Tôi ước gì tuổi thọ của chó cũng dài như tuổi thọ con người vậy. Nhưng đó chỉ là điều ước thôi và Rếch của tôi vẫn cứ già yếu đi trông thấy từng ngày. Vậy mà nó vẫn tận tụy với cô chủ nhỏ của mình. Nó đưa tôi đi học rồi lại đón về. Khi đó là mùa mưa, những cơn mưa tầm tã khiến Rếch cảm lạnh. Tôi đã phải trốn nó đi học, nhốt nó nằm trong xó bếp. Vậy mà như biết không thể sống thêm được nữa nó đã cố lết đến trường lủi vào lớp học và nằm gác lên chân tôi trút hơi thở cuối cùng. Tôi nhớ vòng tay mình ôm Rếch. Đó là vòng ôm nặng trĩu yêu thương và mất mát. Vậy mà có một vài người thấy vậy lại muốn mua Rếch làm thịt với giá rẻ. Bố tôi nói có thể bán nó lấy ít tiền. Tôi thực sự đã bấn loạn. Tôi không mong các bạn hiểu cảm giác đó. Nó thật kinh khủng. Tôi đã ôm xác Rếch vào rừng. Tôi nghĩ mình cần đào huyệt và đưa tang nó. Đưa tang một người bạn.
Có thể vì mệt, vì buồn và vì không muốn trở về nhà nên tôi ngủ quên trên mộ Rếch. Tôi đã mong một giấc mộng đẹp nào đó đủ sức an ủi tôi. Giống như không còn gì trong đời sống hiện thực đủ sức để tôi vịn vào nên mượn một giấc mơ. Thật tiếc là tôi đã quá tuổi để tin vào cổ tích. Những giấc mơ của tôi lặp đi lặp lại và tất nhiên nó cũng lộn xộn như giấc mơ hằng đêm của các bạn vậy. Trong giấc mơ bao giờ tôi cũng trông thấy mẹ. Tôi cũng không chắc đó có phải là mẹ hay không vì hình ảnh người phụ nữ cứ lấp lóa trong mờ ảo. Cũng có thể vì lâu lắm rồi tôi không gặp mẹ, vài đường nét trên khuôn mặt mẹ tôi đã quên còn tấm ảnh cuối cùng của mẹ bố cũng mang đốt lâu rồi. Tôi mơ đám lông con gà mái hoa mơ bay tứ tung, dưới đất có đọng vài vết máu. Tôi mơ Rếch khỏe lại, nó quẫy đuôi tít mù và tranh ăn với tôi một miếng cháy cơm vàng suộm. Nhẽ ra giấc mơ còn dài hơn vậy nhưng có một bàn tay đã đánh thức tôi. Nói đúng hơn đó là một cái lay nhẹ. Kim đã tìm thấy tôi như thế. Cô bạn nói đã bắt được một kẻ đột nhập vào lãnh thổ của hai ông cháu. Còn tôi khi tỉnh dậy đã thấy trời chiều đỏ ối lấp ló dưới tán cây rừng.
– Cậu chắc là mình không đau chứ?
– Nó chỉ là một vết trầy xước nhẹ khi mình dùng cây đào đất thôi mà.
– Vậy có tìm được gì không?
– Tìm được gì chứ? Tớ chỉ đào huyệt cho con chó nhỏ.
Cô bạn bật cười, tiếng cười lanh lảnh:
– Vậy mà tớ đã nghĩ cậu đang đào kho báu cơ đấy.
– Cậu nghĩ có kho báu như trong các câu chuyện cổ đó sao?
– Ồ, tất nhiên rồi! Chỉ là chúng ta chưa gặp may thôi. Nhưng tớ nghĩ trước hết là cậu nên về nhà. Trời sắp tối rồi và không phải ai cũng thích bóng tối. Nhất là bóng tối trong rừng rậm. Nhà tớ ở đằng kia, sau lùm cây đó, cậu thấy chứ? Khi nào tới thăm chú chó nhỏ của mình thì nhớ ghé chơi.
Kim nói rồi nhảy chân sáo về nhà. Cô bạn còn ngoảnh lại vẫy tay và nói:
– Cậu có thể gọi tớ là Kim.
Thật kỳ lạ. Cảm giác ấy rất khó giải thích. Tôi đã không cảm thấy hoảng sợ khi nhìn thấy Kim giữa khu rừng. Thường thì tôi sợ người lạ và không muốn lại gần nhưng ở Kim có điều gì đó khác. Mười hai tuổi người ta không nói đến những từ khó hiểu như số phận, định mệnh hay duyên số. Nhưng cô giáo có nói với chúng tôi rằng mọi sự gặp gỡ trên đời đều là cơ duyên. Liệu nó có phải là một cơ duyên tốt đẹp?
Đêm đó tôi nghĩ đến Kim. Cách cô bạn ấy hỏi han một vết xước nhỏ xíu trên tay tôi thật dịu dàng. Lâu rồi tôi không nhận được sự dịu dàng nào hết ngoài sự dịu dàng của Rếch. Điều đó làm tôi nhớ người bạn nhỏ tội nghiệp ấy. Nỗi nhớ lẫn trong tiếng bố rên hừ hừ trong buồng. Chiều đó, bố lại uống dù mọi người đều cảnh báo bố có thể gục xuống bất cứ lúc nào vì rượu và vì đuối sức. Đôi lúc tôi cũng muốn gần gũi bố. Chỉ là đôi lúc thôi, còn đa phần là tôi sợ. Dù ông bà tôi nói con cái không có nhiều lý do để giận cha mẹ mình. Vậy thì sao chứ? Cha mẹ cũng không có nhiều lý do để mặc con cái mình đúng không nào? Nhưng tôi không có câu trả lời vì bà nội nói trẻ con thì đừng nên biết quá nhiều.
– Có đúng là trẻ con thì không nên biết quá nhiều?
– Người lớn đã nói với cậu thế à?
– Sao cậu biết?
– Ha ha! Ông nội tớ thường nói vậy mỗi khi tớ hỏi quá nhiều những câu hỏi vì sao.
– Như thể họ sợ chúng ta sẽ hút cạn nước trong chiếc hồ thông thái vậy.
– Cậu nói vậy tức là cậu đã biết quá nhiều rồi đó Chuông Miên.
Thỉnh thoảng chúng tôi trò chuyện cùng nhau. Kim không hỏi gì về chuyện gia đình tôi cả, tôi thầm cảm ơn về điều đó. Cũng như việc tôi thích ngôi nhà của hai ông cháu Kim. Nó nhỏ thôi nhưng sạch sẽ và yên tĩnh. Điều đặc biệt hơn là ngôi nhà ấy chứa cả một kho sách. Ban đầu nó chẳng khiến tôi hứng thú mấy. Nhưng Kim nói kho sách của cô ấy có thể chứa một nửa thế giới nằm trong đó.
– Tớ thích chơi với mấy con gà hơn là đọc sách.
– Nhưng lũ gà của bạn chắc chúng không thích thế.
– Thế cậu nói xem cậu thấy được những gì trong những cuốn sách đó nào?
– Tớ thấy xa hơn cánh rừng này. Mà cậu đã từng đi chơi xa đâu chưa?
– Từ quê tớ về đây có lẽ là chuyến đi xa nhất.
– Cậu có nơi nào muốn đến không?
– Có chứ. Tớ muốn biết nơi mẹ tớ đang sinh sống. Nhưng nó quá xa đúng không Kim?
– Mẹ cậu sẽ trở về. Nhưng nếu cậu muốn thì một lúc nào đó chúng ta sẽ đi. Chắc nó cũng không quá xa xôi. Có thể tớ đã từng thấy nó trong một vài trang sách. Nhưng này, cậu đã thấy hoa oải hương bao giờ chưa?
– Tớ từng có một cái túi thơm hương hoa oải hương.
– Tớ đã trông thấy chúng đấy. Đây này. Chờ tớ một chút…
Kim tìm trong giá sách đưa cho tôi một cuốn. Đó là cuốn cẩm nang du lịch. Chúng tôi cùng xem và tranh luận. Thường là tranh luận những thứ vụn vặt, chẳng ăn nhập với nhau. Nhưng tôi không phủ nhận việc tôi đã bắt đầu cảm thấy hứng thú với sách. Nó khiến tôi khuây khỏa và tôi không nghĩ rằng cũng có ngày tôi say mê trong thế giới những con chữ ấy. Nói đúng hơn là tôi đang khám phá và chinh phục. Đó giống như một cuộc leo núi mà đỉnh núi có lẽ chính là trái tim tôi. Bạn hãy nhớ khi viết những dòng này tôi đã mười bốn tuổi. Đã quen Kim được gần hai năm và đã từng chìm đắm trong “Không gia đình” của Hector Malot, “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Những người khốn khổ” của Victor Hugo. Tôi không dám nói là tôi đã hiểu biết nhiều, tôi chỉ định nói là mình không còn quá dại khờ bé bỏng. Tôi nhìn thấy nhiều hơn những thứ tôi trông thấy hàng ngày bằng mắt thường. Nó cũng khiến tôi bớt cô đơn.
Thỉnh thoảng Kim lại hỏi:
– Nước trong hồ của cậu đầy đến đâu rồi?
– Chắc là vẫn ít hơn hồ của cậu.
– Có nên thả vài con cá xuống hồ không nhỉ?
Tôi nhún vai:
– Tớ không biết. Nhưng tớ biết chắc rằng trẻ con không nên nói chuyện kiểu này.
– Vậy chứ cậu thích kiểu nào?
– Ví dụ như nói về việc mấy quả na giấu dưới đống rơm, khi nào thì chúng sẽ chín?
– Còn tớ thì thích nói về việc cậu hứa lên thăm tớ nhiều hơn mà cậu không giữ lời đó.
– Nhưng tớ đâu thể ngày nào cũng trốn đi chơi được chứ?
– Vậy tại sao cậu không nghĩ đến việc chăn thả một con bò để ngày nào chúng mình cũng được gặp nhau.
– Bố tớ sẽ không cho phép.
– Tại sao chứ?
– Vì nhà tớ không có bò, được chưa nào?
– Biết đâu bố cậu sẽ mua một con.
– Bố tớ sẽ không mua. Bố tớ thà mua một trăm lít rượu còn hơn là tậu một con bò. Mà có mua thì chắc một ngày nào đó bố tớ cũng sẽ mổ nó mà thôi. Cậu chẳng hiểu cái quái gì cả.
– Thôi được rồi! Chỉ là tớ gợi ý vậy thôi mà, sao cậu lại gắt lên cơ chứ. Cậu sẽ không bao giờ trở thành một thiếu nữ dịu dàng nếu cậu cứ có máu bò điên như vậy. Một thiếu nữ bò điên. Tớ ước gì bố tớ còn sống, chắc chắn tớ sẽ không nghĩ về bố mình như cậu.
– Đấy là vì bố cậu không say rượu.
– Bố tớ có say đấy chứ. Tớ nghĩ bố cậu chắc cũng cô đơn như bố tớ khi xưa. Họ cần có người bầu bạn.
– Tớ khó mà chuyện trò cùng bố được.
– Trước kia tớ cũng từng nghĩ như cậu. Khi tớ biết mình sai thì mọi chuyện muộn rồi Chuông Miên à. Thư viện sách nho nhỏ ấy chính là món quà vô giá mà bố để lại cho tớ đấy. Bố tớ yêu sách vô cùng.
– Còn mẹ cậu thì sao?
– Gần thôi. Một ngày nào đó cậu sẽ được gặp mẹ tớ.
Chúng tôi nói với nhau nhiều hơn về mọi chuyện. Cả những chuyện mà tôi từng nghĩ sẽ không bao giờ nói cùng ai. Lâu không thấy tôi lên rừng thì Kim sẽ ghé thăm tôi. Ông bà tôi quý Kim lắm, thường làm những món quà vặt để giữ chân Kim lại lâu hơn. Kim hóm hỉnh và dễ thương hơn tôi, bạn ấy biết cách làm vui lòng người khác. Làm thế nào ư? Bằng cách kể rất nhiều câu chuyện mà Kim đọc nó trong những trang sách. Chuyện về những chiếc cối xay gió, loài Kăng-gu-ru chân dài nuôi con trong túi bụng, bầy đà điểu bảo vệ trứng của mình… Đó là những câu chuyện có thể khiến bố tôi vui trong những ngày sức khỏe suy yếu và tôi mừng vì trong nhà ít rượu dần đi. Khi vui bố cũng quan tâm đến tôi nhiều hơn hoặc ít ra là tôi cũng cảm thấy ngôi nhà bình yên hơn trước. Kim nói khi lòng con người ta bình yên thì mới nghĩ tới những điều tốt đẹp.
Có những ngày dài chúng tôi ngồi bên mộ Rếch để nói về những ước mơ. Kim mong muốn được đi chu du khắp nơi, được thấy sắc hoa và ngửi mùi hương trên những miền đất lạ. Thế giới ấy Kim đi qua trong trang sách. Tôi nói với Kim rằng mình thèm nhìn thấy biển, thèm nghe thấy tiếng sóng vỗ rì rào vào bờ cát. Kim cười bảo:
– Ngày bé vì thích ăn bim bim mà tớ muốn sau này làm giám đốc nhà máy sản xuất bim bim đấy.
– Còn tớ từng mong sẽ mở một trang trại nuôi đủ các con vật mà tớ thích. Mà cậu có nghĩ mẹ tớ sẽ trở về không Kim?
– Tất nhiên rồi, nếu cậu tin vào điều đó. Bố tớ từng bảo niềm tin là thứ chúng ta có sẵn và nó khá dồi dào.
– Cậu lại biết quá nhiều rồi. Trẻ con thì không như vậy.
– Vậy mà cái hồ của tớ chẳng đầy được là bao.
– Tớ nghĩ chắc mấy con cá cậu thả nó uống nhiều nước quá.
– Còn tớ thì nghĩ cậu nên trở về và nấu cơm cho bố. Món canh khoai tây của cậu nấu bao giờ cũng tệ.
Chúng tôi luôn cười vui khi kết thúc một cuộc chuyện trò như thế. Như là những tháng năm phía trước không còn là con đường quá dài cho những người bạn đồng hành. Bố nói sẽ góp tiền mua cho tôi một con bò nhỏ. Đó là con bò cái có bộ lông màu cánh gián, hai chiếc sừng mới nhú và ham ăn kinh khủng. Tôi thích điều đó và Kim cũng vậy.
∗
Còn rất nhiều chuyện tôi muốn kể cho các bạn nghe và cuốn sổ mà Kim tặng hẳn sẽ chứa được cả tuổi thơ tôi ấy chứ. Nhưng tôi thì buồn ngủ mất rồi nên hẹn bạn khi khác vậy. Có một người bạn thật là tốt. Thật là tốt. Ngày mai chúng tôi sẽ nói chuyện về con bò mới mua, cái hồ nước và đàn cá. Cũng có thể chúng tôi nói với nhau về việc mình sẽ thành thiếu nữ. Bạn nghĩ điều đó có thú vị không?
Huyền Trang