Bản Mường Chon, Bình Chuẩn, Con Cuông vào mùa lúa chín. Ảnh Quang Dũng

Ruộng đồng ngày mong đợi.

Phố nhớ!

Vậy là đã mấy tháng rồi kể từ ngày Phố trở bệnh, hàng rào dịch dã đã làm chúng ta giãn cách khi trong lòng Quê vẫn khôn cùng nỗi nhớ Phố quắt quay. Phố ơi! Từ ngày Phố ốm, vết thương kia ngày một nặng thêm, nhìn Phố oằn mình trong nỗi đau mà lòng Quê thêm thắt quặn. Cứ nghĩ một vài ngày thôi nhưng ai ngờ Phố lại kéo dài nỗi đau đến vậy. Thương Phố.

Phố Vinh vốn sầm uất, náo nhiệt là vậy, nhưng những ngày “trở bệnh” Vinh vắng lặng đến nao lòng. Ảnh: Hoàng Nguyên

Thương Phố, thương những ngày giãn cách, trong chiếc cuộc mưu sinh bất thành, đứa bé đánh giày úa nhàu vì qua những ngày không lương thực; thương làm sao đôi mắt cụ già bán vé số trong công viên rưng rưng niềm xúc động đưa đôi tay gầy nhận phần hàng cứu trợ; và nghẹn ngào làm sao khi những tiếng thở trong phòng bệnh cứ yếu dần, yếu dần, ánh mắt tuyệt vọng ngấn nước của những bóng blouse trắng bất lực… Phố ơi… thương nhiều lắm.

Phố trĩu nặng âu lo trong những chiến dịch test Covid-19. Ảnh: Hoàng Nguyên

Quê lại nhớ những ngày dạo ấy, thuở yên bình khi miền nối giữa Phố và Quê là sợi chỉ lòng xanh thẳm, những ngày dạo ấy yêu biết bao. Mỗi chiều cuối tuần, ngày cuối tháng, rồi kì nghỉ cuối năm, người mang theo tiếng cười, niềm vui rộn rã từ Phố về Quê trong hân hoan chào đón. Trong lòng Quê, Phố khi ấy thật hào hoa, thật lung linh, thật… phóng đãng. Và rồi sau những kì nghỉ, Quê lại gởi tình yêu mình lên Phố, là bí bầu rau dưa, là gà vịt, là cả những yên bình chốn thôn dã mà người mang theo trong tâm thức, để rồi ở với Phố người vẫn hoài vọng về Quê, để có nhịp cầu nối đôi bờ Quê – Phố.

Người dân xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) thức đêm làm nhút mít ủng hộ gian hàng 0 đồng hướng về thành phố Vinh. Ảnh: Huy Thư

Ngày ấy khi nói về Phố, lòng Quê sáng lên niềm vui như ánh đèn phố thị, hân hoan như niềm hân hoan của âm thanh rộn rã khi Phố về đêm, và Quê khát khao tha thiết được dan díu một đôi lần cùng Phố. Nhưng rồi ngày Phố bệnh, nhắc về Phố chỉ là nhắc về nỗi đau, sự bàng hoàng trong cuộc xô lấn để cứu lấy sanh mệnh bé nhỏ, là cả niềm thương cảm khi nỗi bất hạnh giày vò quá nhẫn tâm.

Các đoàn viên thanh niên xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc giúp dân thu hoạch rau dể cung cấp cho TP. Vinh trong những ngày Vinh thực hiện Chỉ thị 16+. Ảnh của Huyện đoàn Nghi Lộc

Mà Phố ạ! Con người ta có đi qua hạnh phúc thì mới thấu nỗi đau, và có đi qua nỗi đau mới cảm nhận hạnh phúc ngọt ngào.

Quê đã từng đau. Thuở chiến loạn đạn bom giặc cày xới, bọn ngoại xâm đàn áp và bắt bớ dân lành, quê quằn quại trong những vết thương, làng mạc hoang tàn, xác xơ cùng cực. Ngày ấy, Phố đã giúp Quê vá đắp lại nỗi đau còn gì? Phố đã tận hiến những đứa con thị thành tuổi đôi mươi về miền Quê xa thẳm, mà Phố vẫn biết “Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi”, thế nhưng Phố nào đâu than oán. Vẫn động viên hăm hở rằng “Đường ra trận mùa này đẹp lắm… ” để rồi những đứa con Phố sống trong lòng quê vẫn “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…”, mơ đó, hoài niệm đó nhưng thủy chung vẫn một niềm yêu Quê son sắt.

Thuở chiến loạn, con Phố về Quê; ngày hòa bình dựng xây, con Quê lên Phố. Có khi nào mối thâm giao ấy cách ngăn. Cho dù hôm nay Phố trở bệnh, dù hôm nay có giãn cách thì Quê vẫn một niềm yêu Phố. Những đoàn xe với bí bầu, với rau củ Quê sẽ không để Phố phải kiệt cùng trong đói khát. Và Quê cũng sẽ dang tay ôm lấy, sẻ chia lấy những gánh nặng mà Phố oằn mình trong cơn dịch dã. Những người con rời Phố, rồi quê sẽ nuôi nấng cho qua mùa thương tích. Yên tâm Phố nhé!

Rồi Phố sẽ mau lành bệnh. Rồi Cầu Rồng lại phun rừng rực ngọn lửa trong đêm cuối tuần, rồi trên quảng trường Ba Đình giữa lòng Thủ đô mọi người lại cùng họa khúc Quốc ca huy hoàng, và phố đêm Kỳ Hòa lại lung linh ánh đèn cho đôi tình nhân tìm vui trong đáy mắt.

Rồi Phố lại rộn rã với âm thanh cuộc sống mà không phải là tiếng còi cứu thương thê thiết. Rồi Phố lại ngập tràn hương và hoa, đó là hương cà phê của quán cóc ven đường, là hương hoa sữa nồng nàn phố cổ chứ chẳng phải mùi thuốc khử khuẩn và hoa cúc trắng trong tang thương.

Phố Vinh – ngày bình yên. Ảnh: Lê Nhung – Thanh Tân

Rồi Phố lại hân hoan đón những người con từ Quê lên dan díu trong cuộc mưu sinh tất bật. Những đứa con ấy sẽ kể cho Phố nghe về Quê, về những ngày Quê yêu thương bao bọc, về ruộng đồng, về dòng sông, bến đò, và nhất là những bà mẹ quê còm cõi cõng bí, rau, cõng măng, gạo gởi lên Phố thị. Lúc đó Phố sẽ thấy yêu Quê vô hạn, yêu như chưa từng được yêu.

Đấy. Rồi sẽ như vậy. Nhất định sẽ thế. Phố nhé! Hãy gắng mình qua mùa thương tích. Rồi nhanh thôi Phố lại sẽ huy hoàng.

Ký tên: Người yêu Phố muôn thuở: Quê!

Thanh Tuân

(Tản văn đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 16, tháng 8/2021)