Rằm Trung thu đi qua tuổi thơ tôi không có mấy ấn tượng. Thế hệ chúng tôi, tuổi thơ rơi vào khoảng những năm 60 đến 70 của thế kỷ XX. Giai đoạn này: một là đất nước có chiến tranh; hai là đất nước còn nghèo lắm; ba là miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội nên không có cái gì thuộc về riêng tư. Năm ấy (tôi không nhớ rõ cụ thể năm nào) làng tôi, làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Tây tổ chức tết cho thiếu niên, nhi đồng. Nói là làng nhưng thực tế là Chi đoàn Thanh niên đảm nhiệm.

Tối Rằm, chúng tôi – những đứa trẻ trong làng thuộc lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng xếp hàng trong sân trường cấp I. Đó là một ngôi trường được xây dựng từ năm 1943 ngay bên cạnh đình làng Mông Phụ. Cả mấy tổng (xã) mới có ngôi trường như vậy. Trường do Nha học chính Bắc Kỳ quản lý. Giáo viên do Nhà nước thuộc địa bổ nhiệm, chỉ dạy hết lớp hai (Sơ học yếu lược). Học thêm nữa phải ra thị xã Sơn Tây, tiếp vài năm nữa rồi mới về Hà Nội thi Sec-ti-fi-ca. Có “séc” (tương đương hết cấp I sau này) là có thể… kiếm cơm được rồi. Suốt trong giai đoạn đó (1943-1954), cả làng tôi số người đỗ “séc” đếm trên đầu ngón tay. Mãi cho đến sau này, tôi được tiếp xúc với những học sinh có “séc” hồi ấy, họ đã luống tuổi nhưng kiến thức cơ bản vững vàng lắm, chữ đúng “mê-tooc” (kiểu chữ gô-tích, mọi người về cơ bản viết đều giống nhau), đặc biệt phát âm tiếng Pháp cực chuẩn và ai cũng thành “người” cả!

Ngôi trường này chỉ có ba phòng học nhưng xây dựng rất cẩn thận. Đây là ngôi nhà một tầng mái dốc, lợp ngói ri. Các phòng học đều có trần trát vôi rơm, tường trong phòng quét vôi trắng, bên ngoài quét vôi vàng. Nối liền ba phòng học là một dãy hành lang. Ngoài hành lang là một hàng cột “nạo lòng thìa” (cột kiểu La Mã) có trang trí “lá lật” ở đầu cột. Đấu các đầu cột lại thành những cửa vòm cuốn rất mềm mại. Ba phòng học được mở sáu lối đi vào, lối nào cũng có bậc tam cấp còn lại là hàng bao lơn. Đó là những viên gạch chỉ dựng nghiêng sau đó trát vữa, viền tròn hai đầu đều tăm tắp, tạo nên một lối kiến trúc nghiêm nghị nhưng cũng đầy chất thơ.

Một ngôi trường như thế, xây dựng bên cạnh một ngôi đình cổ kính mấy trăm năm tuổi nhưng cả hai thứ cứ hòa vào nhau như một khối thống nhất. Thế mới biết những năm đầu thế kỷ XX, các kiến trúc sư Việt Nam đã đưa kiến trúc hiện đại (kiến trúc Pháp) vào nhưng có lựa chọn rất tinh tế, để tính dân tộc vẫn khẳng định được vai trò của mình trong kiến trúc (các công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội trải hàng trăm năm đến nay vẫn có tính ưu việt này)…

Sân trường không có một thứ cây nào ngoài hai dãy phượng vĩ hai bên sân trường. Cho đến tận bây giờ, ngồi nhớ lại mới thấy người lớp trước tạo không khí cho một ngôi trường thật là độc đáo. Giữa một khoảng xanh của một làng quê cách đây hơn nửa thế kỷ có một khoảng đỏ chói chang, rực rỡ mỗi khi hè về. Khoảng trời ấy đã in đậm vào tuổi thơ bao thế hệ, xuyên qua mọi thời đại, để sau này nên ông, nên bà vẫn tự hào nhắc lại mỗi lần: trường tôi, lớp tôi, năm ấy!…

Minh họa: Trọng Hiệp

Tôi được học ở đây năm “vỡ lòng” (hệ giáo dục 10 năm). Ấn tượng còn lại trong tôi về ngôi trường này là bàn ghế. Bàn ghế (ghế băng) đóng dài cho 4 học sinh (sau này lớp đông, ngồi ghép 5 vẫn vừa). Mặt bàn nghiêng một góc vừa phải để vuông với độ nhìn của học trò khi cúi xuống viết hoặc đọc. Mép trên của bàn đóng phẳng, khoét 4 cái lỗ tròn để lọ mực. Kèm theo dọc mép bàn là một đường “nạo lòng thìa” (lõm xuống) cho bút hoặc thước kẻ không bị lăn vì mặt bàn nghiêng. Như vậy là một khoảng trống trên bàn không có gì ngoài sách vở đã được tạo ra, học sinh toàn tâm, toàn ý không phải để ý đến những dụng cụ học tập khác. Bàn có 4 ngăn để cặp sách hoặc đồ đạc khác nếu có… Tất cả đều được đóng bằng gỗ lim, mấy chục năm trời mà vẫn không có cái nào bị sứt mẻ!

Tôi là đứa học trò hay mơ mộng, thỉnh thoảng lại nhìn xuống mặt bàn đen bóng, cố tìm một dấu vết nào đó của những thế hệ trước nhưng tuyệt nhiên, không có gì ngoài một màu đen thẫm, thăm thẳm. Có lẽ việc giữ gìn trường lớp của các thế hệ trước rất tốt. Tôi bâng khuâng nghĩ, chỗ tôi ngồi hôm nay, đã có bao nhiêu thế hệ học trò?

Các thầy cô dạy vỡ lòng thời ấy đa số xuất thân từ phong trào “bình dân học vụ” (tự nguyện dạy xóa mù trong phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm sau năm 1945). Các thầy cô không được hưởng lương, thay vào đó hưởng công điểm của hợp tác xã, sau đó quy ra thóc, gạo, khoai, màu… Nhìn chung không đáng là bao. Dạy lớp tôi là là một người đàn ông trong làng (xin miễn được nêu tên). Có hôm tôi đến lớp sớm, thấy thầy vác cày bừa về ngang qua cổng trường, người thầy bê bết bùn đất. Đến giờ lên lớp đã thấy thầy mặc bộ quần áo gụ tươm tất. Thầy vào lớp nụ cười tươi rói và đen nhánh (thầy nhuộm răng đen).

Cứ thế ngày nối ngày chúng tôi biết đọc, biết viết từ lúc nào không biết. Các thầy cô ngày ấy rất nghiêm, hay đánh học trò. Bạn nào học dốt là không thể theo được. Càng lên lớp trên càng khó khăn hơn. Chẳng biết có phải đây cũng là một hình thức “chọn lọc tự nhiên”? Tôi đồng ý “phổ cập giáo dục” là cần thiết nhưng chừng mực nào thôi. Nay, phổ cập đại học, phổ cập cao học, thạc sỹ và tiến sỹ quá nhiều nhưng ảnh hưởng lại chẳng đáng là bao đối với đời sống…

Tôi học một ông thầy như thế và được chứng kiến một việc vẫn ám ảnh tôi từ ngày ấy cho đến nay khi trên đầu đã hai màu tóc. Hôm đó có một bạn đứng ở hành lang, chẳng biết mải mê thế nào mà lại đưa chân vào khoảng hở của những cái song bao lơn. Thế rồi không rút chân ra được, bạn ấy khóc ầm lên. Thầy giáo nghe thấy chạy ra. Vẻ mặt hoảng hốt, thầy tìm ngay một nửa viên gạch chỉ giơ lên cao. Tôi định kêu lên: “Ấy, không được!” thì cũng là lúc thầy đập viên gạch kia vào cái song bao lơn. Tất nhiên là cái song ấy gẫy, bạn học sinh nọ lấy được chân ra. Suốt những ngày sau đó, cái song khuyết cứ toang hoác nhìn tôi đau đớn. Ngay lúc đó tôi đã có ý nghĩ, đưa chân vào được sẽ lựa để rút ra được. Đâu đến nỗi phải làm như vậy!

Thầy tôi, một người nông dân đã đối xử với cái đẹp như thế. Sau đó là chúng tôi, “nhất quỷ, nhì ma”… chúng tôi không có người ngăn cấm kịp thời đã phá hoại ngôi trường, từ bàn ghế đến cảnh quan… Không còn ra thể thống gì nữa. Đến hôm nay ngồi viết lại những dòng này tôi vẫn tự bao biện: Đã đành là chúng tôi nghịch ngộ (nhất là các bạn học dốt lại hay nghịch), nhưng các thầy cô của chúng ta (không giống các thế hệ thầy cô trước) hình như không dạy chúng tôi biết trân trọng mọi thứ!

Rồi ngôi trường xuống cấp, có thể sập bất cứ lúc nào. Sau đó là một loạt các cải cách giáo dục nối tiếp nhau, ngôi trường chuyển thành “Bảo tàng của xã Đường Lâm”. Hiện nay đến bảo tàng quốc gia (đầu tư hàng chục nghìn tỷ) còn chẳng ra gì, nữa là bảo tàng xã… Bây giờ, ngôi trường đã biến thành một khối bê tông mang tên “Nhà văn hóa xã Đường Lâm”. Nhà văn hóa lại cho công an thị xã Sơn Tây (thuê, hay mượn) một gian để làm việc. Nhà văn hóa đứng ngay cạnh ngôi đình cổ, ai đi qua thấy ngay một sự “khập khiễng” của các nhà thiết kế và quy hoạch đương đại. Tiếc cho ngôi trường, dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, song nó đã để lại một nét đẹp trong lịch sử làng.

Tôi là một trong những thế hệ may mắn được học ở ngôi trường này và dự một Rằm Trung thu tại đây. Hôm ấy, chúng tôi, tất cả thiếu niên nhi đồng của cả làng xếp thành hàng. Tôi nhớ có một chị thanh niên bưng một mủng lạc rang (do hợp tác xã xuất cho). Đến tôi, tôi xòe “một bàn tay ếch”, nhúm lạc được chị bốc vào tay. Đến hôm nay tôi còn tiếc những hạt lạc rơi xuống sân trường. Nếu là ban ngày có lẽ tôi sẽ tìm lại không bỏ sót một hạt nào. Sau đó là một quả chuối còn xanh (cũng của hợp tác xã)… Cứ thế, một tay cầm quả chuối, tay kia đưa lạc lên mồm không cần vê vỏ. Tôi ăn hết veo, tôi không dám vòng lại xếp hàng để được chia tiếp như một số bạn. Tôi được giáo dục như thế ở nhà. Cho đến tận bây giờ, trước miếng ăn (hay đại loại một cái gì như thế), lời của bố tôi vẫn văng vẳng bên tai: Cát bất chính, bất thực (ngon /tốt đấy, nhưng không chính đáng, không ăn)!

Tôi vẫn không thể lý giải được sao những hạt lạc rang ngày ấy ngon thế, “cao lương mỹ vị” bây giờ nếu được thưởng thức chắc không bằng. Đó là thứ còn lại sau Rằm Trung thu tôi vẫn giữ đến bây giờ!

Còn với gia đình, làng tôi Rằm Trung thu hầu như nhà nào trong làng cũng làm bánh. Đến thế hệ chúng tôi còn những thứ này. Bánh rợm (bột nếp nhào nước làm vỏ, nhân là đỗ xanh hay nhân tôm rang). Bánh gai (bánh này cầu kỳ hơn vì ngoài bột, lá gai cũng phải làm rất kỹ, làm toàn bằng tay nên mất rất nhiều công. Bánh gai ít nhà làm được). Bánh mật (bột nếp ngào với mật, nhân đỗ xanh nấu thành chè, bánh này mẹ tôi đã làm, chẳng biết các nhà khác trong làng có nhà ai làm không)… Nếu như tối mười bốn làm xong bánh, phần riêng để cúng ông bà tổ tiên, trẻ con chúng tôi đã được ăn bánh rợm (bánh rợm có nhân đậu xanh nên nhanh thiu). Trong ngày Rằm là bánh gai. Sau Rằm Trung thu là bánh mật.

Năm ấy chẳng hiểu sao dân làng tôi lại trồng mía trên những mảnh ruộng “phần trăm”. Lúc sắp thu hoạch cả làng mới ngớ ra, không có nơi nào quanh vùng ép mía. Thế rồi mấy ông thợ mộc trong làng nghĩ ra một cái máy ép. Rất tiếc không còn cái nào tồn tại đến ngày hôm nay.

Ta có thể hình dung cái máy ép như thế này. Đó là hai thân gỗ có đường kính khoảng 15-20 cm, dài khoảng 1m. Hai thân gỗ này được gắn lên một cái giá cũng bằng gỗ. Đầu thừa ra được gắn vào đó một cái tay quay như ma-ni-ven khởi động những chiếc ô tô thời máy hơi nước mới ra đời. Hai người thanh niên lực điền đứng hai bên quay ma-ni-ven. Hai khúc gỗ quay ngược chiều nhau ép những thân mía đã được gọt vát đầu… Nước mía chảy ra được hứng vào xoong nồi để bên dưới. Đến nay tôi vẫn nghĩ đó là một hình thức… khổ sai! Song, thời thế nó vậy, miễn là có nước mía đem ra nấu thành mật. Chúng tôi còn bé, mẹ tôi phải đem mía đi thuê rồi làm đổi công. Đó là Rằm Trung thu đầu tiên trong đời tôi, nhà tôi có một rổ bánh mật!

Sau Rằm, đi học về tôi định lẻn vào bếp ăn vụng một cái bánh mật. Rổ bánh vẫn còn nguyên đó nhưng không thể nào ăn được. Tất cả đều cứng như một cục đá. Tôi hỏi, mẹ bảo: cứ để đấy, mẹ đã có cách. Sáng hôm sau, anh em tôi lục đục dậy để chuẩn bị đi học. Không như mọi ngày mỗi đứa vài mẩu khoai, sắn luộc, sáng nay chúng tôi ngồi quây lấy mẹ bên bếp. Mẹ tôi cời đống nhấm trấu từ tối hôm qua ra. Cầm cái bánh trên tay, tôi mới biết đó là bánh mật nướng!

Sau khi vê bỏ lớp lá ngoài đã bị than lửa làm cho giòn tan vỡ vụn, lớp lá trong cùng còn rất dẻo, mùi lá chuối qua lửa tỏa một thứ hương đầy hấp dẫn. Trên tay chúng tôi, lớp bột nếp nhào mật được nướng qua lửa vàng óng như một khối hổ phách. Bánh mật nướng có một hương vị rất đặc biệt mà sau này tôi mới nhận ra đó chính là ca-ra-men (đường nấu già lửa). Mẹ tôi bảo: đồ xong, bánh mật ăn ngay lúc còn đang dẻo cũng được, nhưng để thấy hết được sự đặc biệt của bánh mật thì phải nướng. Bánh mật nhanh cứng, hết hơi (nguội) là sắt ngay lại nhưng để dành được rất lâu… Thế là mấy sáng sau đó chúng tôi được thưởng thức một một món ăn bình dị nhưng cho đến nay vẫn có thể coi là một thứ đặc sản của làng tôi, quê tôi…

Năm tháng qua đi, chẳng hiểu sao thứ bánh mật nướng không thấy ai làm nữa. Riêng tôi ngày nối ngày tít mù trong cái vòng quay của đời sống độ nhật để nuôi mình, nuôi con. Song, một hôm nao, trong cái khoảng bồng bềnh của thời gian và không gian đằng đẵng, lòng lại lặng buồn với những điều xưa cũ. Với tôi chẳng có gì là cao sang cả, chỉ là những sáng sau Rằm tháng Tám, không khí đã se se. Mấy anh em quây quần bên mẹ, bên bếp lửa… Đời người là vậy, và chỉ có vậy thôi mà không sao có thể làm lại! Bởi mẹ đã đi xa, xa lắm rồi… những tháng ngày yên ả ấy!

Mấy chục năm qua đi, mỗi khi tháng Tám về, nhất là những ngày sau Rằm Trung thu, ký ức ấu thơ với ngôi trường thủa đầu đời lại hiện về trong tôi và nhoi nhói đau với những điều không còn nữa. Song, tôi không muốn quên bởi mỗi lần nhớ lại vẫn thấy cái ngọt ngào của bánh mật nướng, thấy được sự thơm thảo của đất làng tôi, quê tôi…

Hà Nguyên Huyến

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 27, tháng 9/2022)