Với người Việt, mỗi tháng Bảy đến là sự nhắc nhớ về lòng biết ơn sâu sắc đối với những người con ưu tú của quê hương đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Lòng người Việt chùng lại tưởng nhớ. Những bài thơ sau đây Tạp chí Sông Lam giới thiệu trên số 7, như thắp lên sự tri ân và nỗi lòng thương nhớ…

*****

Thắp nến tri ân các Liệt Sy tại nghĩa trang Việt – Lào. Ảnh: Trung Kiên

EM TÔI
PHAN THỊ THANH NHÀN
Em tôi đi bộ đội
Năm nó tròn hai mươi
Chưa một lần gặp lại
Em đã hy sinh rồi!

Nó ngã xuống chiến trường
Giữa những ngày ác liệt
Đồng đội chưa tìm ra
Nơi tạm chôn hài cốt

Mẹ khóc khô nước mắt
Tôi tìm hỏi nhiều nơi
Nhưng vẫn chưa biết được
Nấm mộ nào em tôi!

Thế rồi kỳ lạ quá
Trong tất bật tháng ngày
Tôi nhiều lần sửng sốt
Chợt gọi thầm:”Khảỉ ơi!”…

Có phải chính em tôi
Vai tựa vào chiếc nạng
Ánh mắt nhìn điềm đạm
Trong đêm mừng chiến công?

Rồi khu kinh tế mới
Chính em đang mải làm
Chợt dừng tay vẫy gọi
Khi xe tôi qua đường?…

-Em chưa thể về nhà
Em còn nhiều việc bận
Chị có hiểu em không
Mẹ ơi- xin đừng giận!…

Với mọi người- em tôi
Không còn tên còn tuổi
Đài liệt sĩ vô danh
Nấm mồ chung cỏ xanh…

Nhưng riêng tôi vẫn gặp
Giữ biển xa đèo cao
Trên bao gương mặt trẻ
Đứa em trai thủa nào.

Nó sống cùng đồng đội
Vĩnh viễn tuổi hai mươi
Tôi gọi tên em mãi
Giữa núi sông ngàn đời
***
ĐOÀN XUÂN HÒA
Đấu giá
Thành cổ Quảng Trị
những gương ảnh đồng đội chìm trong rạng rỡ
không gặp lại bao giờ…

Dưới vòm trời xếp chồng nhiều đám mây tóc rối
vạt cỏ xanh chừng nóng hổi
và vô số rễ cây kia máu vẫn tím bầm.

Thưa các nhà tỷ phù bất động sản
Ai vô đấu giá đất này ?

Lời chào đồng đội. Ảnh Xuân Thủy

***
Vương Cường
CẶP MẮT CÔ GIAO LIÊN MỞ RA LẦN CUỐI
  Cặp mắt ấy mở ra
bầu trời thêm hai vì sao mới
em thu hết những mái nhà khổ đau nặng trĩu
dòng sông, những con cò lặn lội
em lắng nghe tiếng hát ầu ở
thuở nhỏ của bà
em thu về và mang đi
những cột khói hình nấm tàn phá quê nhà.

Em có làm thơ đâu
nhưng em là thi sỹ
đôi bàn chân len lỏi giữa rừng sâu
chiếc võng mắc chông chênh bên bờ suối
vừng trăng xanh tỏa mát góc rừng.

Những cột khói hình nấm rung lên dữ dội
em nhìn phía sau
những binh đoàn theo chân em ra trận
mảnh đất đòi tự do
mảnh đất đòi giải phóng
những dấu chân lỗ chỗ in dày
trên đất nước thân yêu
đã thành tiếng gọi em
từ bao giờ hỡi em gái giao liên – thi sỹ?

Em khát khao cuộc sống
từng nhành lá cũng thành thơ, thành nhạc
mái nhà lá đơn sơ mộc mạc
bếp lửa hồng ai đó nhen nhóm nhau
tôi muốn nói rất nhiều
bằng sự lặng im
vết thương em xuyên suốt cả đoàn quân.

Ơi cặp mắt em giao liên lần cuối
đã khép lại rồi trong tay chúng tôi
những người chiến sỹ
không phải bầu trời tắt hai ngôi sao
mà rực cháy một trời rực rỡ
những binh đoàn nhận thêm ánh sáng từ em.

Những cột khói hình nấm sẽ tan
những cột khói hình nấm sẽ tan!
mai đất nước rợp trắng cánh cò
trời xanh chim dệt
vĩnh biệt em – cuộc đời mến yêu
cả nước nhớ em
người im lặng ngã xuống dọc đường.
4-1975
***
Trần Thu Hà
LÀNG LÒI
Nằm úp thìa
Hơ hớ trắng
Hơ hớ vầng trăng bỏ ngỏ
Gió tồng ngồng , chạy rông xuýt xoa đau đáu
Làng Lòi không chồng
Làng Lòi đói chồng
Làng  Lòi thiếu  đàn ông.

Chiến tranh , chiến tranh cướp đi người chồng của chị
Chiến tranh cướp đi cả tuổi thanh xuân
Những cô gái thanh niên xung phong , ba sẵn sàng
Hơ hớ  trăng tròn tình duyên lỡ nhịp

Làng Lòi nằm úp thìa chỏng chơ gió cát
Chị nuốt khan , em cũng nuốt khan
Nuốt tuổi trăng tròn , nuốt thời sung mãn…

Đời con gái chưa ấm hơi chồng
Vòng tay chưa bén ngực
Nụ hôn chưa gắn chặt bờ môi
Chưa quen hơi
Chưa có ngày mệt lả …Chưa kịp nói lời vội vã chia tay.

Em khoác áo mùa xuân ,chẻ rừng  xuyên đường chiến dịch
Dày dạn đạn bom , đeo cái chết bên mình
Nghi lễ trắng
tình em hơ hớ trắng
Anh trắng tinh
em cũng trắng tinh

Cơn khát cuồng điên , cơn khát thịt da , cơn khát kinh niên
Làng Lòi trở dạ – Làng Lòi như mơ
Nỗi buồn rơi tự do em rên em gọi
Anh trắng tinh , em cũng trắng tinh.
Làng Lòi nằm úp thìa
Soi gương , soi những đứa trẻ không cha
Hơ hớ trắng
Hơ hớ như trăng bóc vỏ
Làng Lòi trở dạ
Làng Lòi như mơ!

Ảnh: Thanh Hải

***

NGUYỄN HOA
MÂY LÀNH TRỜI XA
  Năm ấy chiến tranh
Hai mươi tuổi tôi lần đầu gặp biển
Áo xanh, tóc xanh đang bén
Mây lành, sóng bạc trời xa…
Rồi tháng rồi năm rồi chiến tranh qua
Cùng khẩu súng tôi đi thời tự nguyện
Tôi may mắn hơn đồng đội lành nguyên

Trở về gặp mẹ, gặp em …
Và chiều gặp biển êm êm
Xanh thuở tóc tôi hai mươi tuổi
Sóng bạc trên đầu tôi vồi vội
Ơi! Mây lành mê mải trời xa…

Câu chuyện của 2 người đồng đội. Ảnh: Lê Thắng

***
LĂNG HỒNG QUANG
EM Ở ĐÂU?
(Thương nhớ liệt sỹ LMT)
  Tìm em bao năm
gió chiều héo ngọn
Tìm em suối Trường Sơn dâng đắng, rối tung vùng cát bưng biền
Tìm em trong chập chờn giấc ngủ…

Sáng nay anh trào nước mắt
trước tin những nấm mồ tìm được
Sân bay Long Bình, Sân bay Tân Sơn Nhất,…
ngôi mộ chung, một cựu binh Mỹ chỉ giùm.

Nhớ một sáng mùa Đông năm Kỷ Dậu – Hà Thành
Gặp em trước sân ga phút chốc
Chia tay nhau ánh mắt hẹn ngày về
Hai anh em hai chiến trường biền biệt
Thế rồi vắng bặt tin nhau.

Em ơi! Em ở đâu?
Dưới đáy sông sâu hay trên đỉnh cao Nam Thiên danh thắng?
Hay em đã về Miền thiêng mỏng nắng…?
Ở đâu đất quê ta cũng ru mát em ngày Hè bỏng nóng,
ủ ấm em Đông về!
Nhưng, cây đa làng, dòng nông giang
và bà con thân thích ngóng trông
xót xa ngôi mộ trống lòng!
Em ơi! Em ở đâu?
Biết em luôn gồng mình cưu mang đồng đội
cả khi đoàn quân trần một màu bùn…
Em ơi! Em ở đâu?
 ***
Vương Tâm
Bà sẽ kể con nghe
(Tặng thương binh Nguyễn Tài Triệu)
  Có một ngày bà sẽ kể con nghe
Dấu chân ấy cha đạp tường đùa giỡn
Những vòng quay vô tình khua lên bay lượn
Chỉ có bà mới nhớ mà thôi.

Có một ngày bà sẽ kể con vui
Cha vấp ngã bậc cửa nhà mấy bận
Chạy tung trong xóm tìm gặp bạn
Cha nhởn nhơ vầy chân trong vũng nước mưa.

Có một ngày bà sẽ kể bất ngờ
Hôm cha chạy về báo tin nhập ngũ
Bà sắp ba lô rồi xốc vai đeo thử
Bao mùa xuân xa vắng mong chờ.

Có một ngày bà sẽ kể say sưa
Những đêm qua Trường Sơn điệp trùng rừng núi
Cha vượt hào trong lửa đạn bom rơi
… Và chân cha vì sao không còn nữa con ơi.

Bà sẽ kể con nghe điều ấy
Cha cũng sẽ nghe cùng con
Sung sướng
Chưa như thế bao giờ
Những vòng quay của chân con tung vào vũ trụ
và chiến công đầu tiên của cha đã thành nỗi nhớ
Chỉ có bà mới kể được mà thôi.
***

Trong trại thương binh. Ảnh: Hải Vương

Nguyễn Hùng Vỹ
Bài thơ viết lại
(Tưởng nhớ liệt sĩ Quỳnh Tương.)
  Hai mươi năm tròn anh viết lại bài thơ
Có lâu thật nhưng chỉ là khoảng cách
Lán em ở bên đỉnh lèn chót vót
Mái nhà che bằng vách đá vươn dài.

Em dẫn anh đi sơ tán qua đồi
Qua lau sậy đến lối hoa quỳ nở
Em dừng lại trước hố bom lấp dở
Kể anh nghe về những hố bom này .
Em bảo rằng :”Chỉ lấp để vừa đi
Bom nào chặn hết được đường đi bộ”
Nghĩ mà thương con đường quốc lộ
Chiến tranh đành không một bóng xe qua .

“Đỉnh Đam” này trời mù đặc như mưa
Mười giờ trưa vẫn cho đèn xe đỏ
Quên sao được cái đêm xe anh rẽ
Cạnh hố bom Mỹ mới ném ban chiều.

Đêm như bưng không ánh một ngọn đèn
Cùng đồng đội em chuyền hàng trong tối
Anh đọc những bài thơ anh viết vội
Lúc chia tay em đòi tặng em hoài.

Suốt dọc đường anh nhẩm được mấy câu
Cứ hồi hộp mong gặp em để đọc
Em ngã xuống thơ anh chưa chấm hết
Những câu thơ bỗng ngắt lại giữa đường.

Em chẳng còn để lấp những hố bom
Câu thơ cũng gầy đi theo nỗi nhớ
Đêm thêm rộng đường giờ sao bỡ ngỡ
Dẫu còn đường năm tháng vẫn đi qua .

Nơi em nằm có đủ bốn mùa hoa
Bây giờ có rất nhiều điều để nói
Nhưng lại nhớ về em năm tháng ấy
Bài thơ anh bỏ dở lại bắt đầu.
***
Đỗ Văn Tri
TÌM BẠN
 Lặn lội
tìm thấy anh ở đây
Nghĩa trang liệt sỹ xa nhà một ngàn cây số!

Khẩn khoản người quản mộ
tận rừng xanh núi đỏ
xin được đón anh về!

Hương khói cay sè
Rễ cây phủ trắng mặt anh như râu tóc
ở dưới này
anh cũng già đi nhiều
bởi chùm rễ bạc kia!

Hai tay tôi
Nâng anh lên
Anh cười
rung râu
không tiếng…

Màn sương tê điếng
phủ trắng mặt tôi!

Hồ Khải Hoàn
BÀI THƠ THÁNG BẢY
 Mặc áo lính…
bạn đi không quay lại
sau lưng, mắt mẹ héo mòn
cô bạn láng giềng – chừng
như lau nước mắt
đi lấy chồng… tít tắp trời
quê…
Mặc áo lính…
bạn đi không về
nấm đất xanh hoá thành
cây cỏ
bốn mùa chim chóc ríu ran…
hồn bạn chảy vào dòng sông nhỏ
em gái quê gánh nước đêm hè…
Có một ngày… bạn về
trường cũ
lỗ đáo lỗ bi vương vất
nắng buồn
cô giáo giảng bài “Nhớ ơn
người liệt sỹ”
mắt chiều chớp lệ bóng
hoàng hôn
Bạn bất tử gửi thân vào
sông núi
tôi hư vô quanh quất bốn bức tường
trang bản thảo nát nhàu đêm lặng
bóng hàng cây… lẫn bóng những con đường…

Lê Vĩnh Hòa
LÍNH BIÊN THÙY
Hơn bốn mươi năm anh gặp lại em
Người chiến sỹ cùng anh trên điểm tựa
Nhớ Hoàng Liên Sơn những ngày khói lửa
Pháo quân thù xối xả cả vùng biên
Mù Cang Chải
Si Ma Cai
Bảo Thắng, Mường Khương
Bóng em nghiêng trong rừng chiều đạn lửa
Nơi chiến hào đất đỏ
Tiếng hát em nâng tầm đạn bay xa
Pháo quân thù rót xuống đỉnh Bốn Tám Ba
Bao đồng đội hy sinh không tìm thấy
Đồi thịt băm Bảy Bảy Hai ngày ấy
Máu đồng đội ta nhộm đỏ đất biên thùy
Hôm nay anh gặp lại em đây
Đã bao năm khi ta rời cuộc chiến
Lại tưa vai vào nhau như sau bao trận đánh
Ta bên nhau rạng rỡ nụ cười
Đạn bom thù không giết nổi em ơi
Bởi chúng mình tựa lưng vào Tổ Quốc.

***
Lại Đăng Thiện
Lời vợ liệt sỹ

Em giấu anh trong ngực
Suốt cuộc chiến tranh
Trăng Xuân vẹt mòn hao khuyết…
Anh lạc chốn non xanh
Không ai biết.
Em hoàng hôn
Thao thức
Cháy rừng chiều…!
***
Viên Lan Anh        
Nhớ ngày 27
  Cha ơi, con là cô gái
Gặp cha chỉ có một lần
Cái ngày cha được về phép
Mẹ chờ cha đặt tên con…
Thế rồi cha đi biền biệt
Con lớn, thay cha lợp nhà
Ngày mưa, thay cha che mái
Mẹ buồn, thương đứa em xa.
Ngày con xuống đò, rời bến
Không Người tiễn bước cô dâu
Thế rồi tin đau ập đến
Người đi … trong thế đánh đầu…
Người cùng bao chàng trai trẻ
Đã thành sông núi Việt Nam
Mỗi năm,  giỗ ngày 27
Con nâng chén rượu dâng Người
Hương hồn  em trai con nữa
Vội tìm cha… phía trời mây…
Cuộc sống  biết bao ghềnh, thác
Con đi, mạnh bước trên đời
Ở phía cao xanh vời vợi
Cha yên lòng… hãy nghỉ ngơi…

***
Phạm Minh Tâm
Viếng bạn
(Kính viếng Liệt sĩ Nguyễn Quang Sinh)
  Thoắt đà bốn chục năm rồi
Hôm nay mới lại được ngồi với nhau
Không trà rượu, chẳng trầu cau
Một bông hoa trắng, trắng màu tinh khôi
Gặp nhau gói gắm kiệm lời
Nói sao cho hết thuở thời có nhau
Chung cái rét giữa rừng sâu
Mảnh dù kéo trước hở sau, đắp cùng
Thư dành nhau đọc – chia mừng
Đạn bom chia lửa, sốt rừng chia cơn
Măng ngàn nước suối thay cơm
Tuổi xuân như thể hoa thơm có thì
Thế rồi đêm ấy anh đi
Thế rồi đêm ấy … biệt ly giã từ
Đạn bom trời đất mịt mù
Tiễn anh, nào biết thực hư phận mình.

Thế rồi tắt lửa chiến chinh…
Thế rồi tôi đến bạn mình nằm đây
Tuổi xanh về với cỏ cây
Nắm xương gửi đất, gió mây gửi hồn
Vò đầu giữa tuổi hoàng hôn
Vái người thiên cổ còn mơn mởn đời
Cũng đành thế, cũng đành thôi
Tiếc mình sinh trưởng phải thời loạn ly
Ai mơ chinh chiến làm gì
Để bao trai tráng có đi không về
Nước non đã vẹn lời thề
Biết bao gia cảnh não nề phân ly.

Viếng anh còn biết nói gì
Hai thằng còn một thầm thì bơ vơ
Những mong chén rượu, cuộc cờ
Hay đâu bạc tóc đến giờ lạy nhau.

BBT

(Chùm thơ đăng trên Tạp chí Sông Lam , Số 7/Bộ mới/2020)