Sinh năm 1956. Quê Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An. Phương Việt là bút danh của 3 tập thơ đã xuất bản trong khoảng 10 năm: “Ta vẫn là ta thôi” (Nxb. Văn học, 2011); “Mùa” (Nxb. Văn học, 2013); và “Nốt Trầm” (Nxb. Nghệ An, 2019). Sức viết như thế chưa thể gọi là nhiều, nhưng niềm say mê, theo đuổi thi ca ở cây bút thơ Phương Việt là điều có thật, được bạn bè, đồng nghiệp trong giới tìm đọc, ghi nhận. Ở tập thứ nhất là nhà thơ Anh Ngọc với bài giới thiệu mở đầu sách, và ở tập thứ hai là nhà thơ Bằng Việt, cũng với bài in đầu đầu tập thơ; cả hai đều trân trọng một giọng thơ, cùng những nỗ lực buổi đầu của ông, trên con đường thơ vô tận.

Tác giả Phương Việt

   Đọc “Nốt Trầm” qua 46 bài thơ, dễ thấy ngòi bút Phương Việt quan tâm tới không ít chuyện đời thường xoay quanh mình, cả nhiều khía cạnh bị khuất lấp, nhiều vui buồn khi vỡ òa khi thầm thĩ, và cả bao trăn trở, vật vã về Thi ca, về Nghệ thuật, về những con người làm nghệ thuật mà ông có dịp ghé qua, chiêm nghiệm… Có lần bạn ông nói “Đang tại chức mà in thơ là dại”. Ông soát lại, ngộ ra “mình đã khôn bao giờ”, chỉ là cái tội “không nỡ dối lòng” mỗi khi Nàng thơ gõ cửa trái tim thì làm thơ, rồi in sách, vậy thôi (Bài “Với thơ”). Thơ đôi khi chỉ như “hòn bi ve” làm vui cho tuổi nhỏ, nhưng cũng đừng vì thế mà so sánh với “viên ngọc quý” chuyên làm đẹp cho quân vương, mỹ nữ. Cả hai thứ đó, đều có thân phận riêng, đều đáng trọng như nhau (Bài “Ngọc và Bi ve”). Phương Việt chẳng là hội viên của bất cứ một tổ chức Văn học nghệ thuật nào, bởi ông quan niệm vào mà không có gì để phấn đấu, để viết nữa thì vào để làm gì (Bài “Mừng bạn vào Hội Nhà văn”). Ông còn thán phục một “Người họa sỹ mù”, hài hước trò tán thưởng “Trong rạp hát”. Từ sau “ Công sở, ngày cuối cùng” trở về nhà mình, ông chỉ thích thú làm một “nốt trầm” vậy thôi.
Làm thơ, viết văn suy cho cùng cũng là anh làm nghề, dù nghề ấy không bao giờ nuôi nổi mình. Càng từng trải, càng theo đuổi nghề thơ, hình như Phương Việt càng có nhu cầu trở về với nghề và những ai ít nhiều đã thành danh. Riêng cụ Nguyễn Du, trong tập thơ này, ông dành đến ba bài: “Trước mộ Nguyễn Du”, “Chân Kinh”, và “Phỏng vấn cụ Nguyễn Du”. Trước mộ cụ Nguyễn Tiên Điền, tác giả chỉ biết “Cúi đầu nghiêng nghiêng cỏ Thanh minh”, một biểu tượng đẹp và gợi nhiều liên tưởng, vì người ta đã viết về cụ nhiều lắm rồi. Biết cúi đầu trước vĩ nhân, để không viết thêm một thứ gì tầm phào, thế cũng là “biết” vậy.

Tập thơ Nốt trầm của tác giả Phương Việt

Đến bài “Chân Kinh” ra mắt đúng dịp Kỷ niệm 250 năm sinh Đại Thi hào, ông băn khoăn không biết có ai giữa đoàn người cuồn cuộn đi quanh mộ cụ Nguyễn, đã thấy được “Chân Kinh” chưa giữa một thế giới đang điên đảo, ít vinh lắm nhục? Phương Việt còn bạo dạn “Phỏng vấn cụ Nguyễn Du”, vui buồn lẫn lộn, nhưng lần này thì vui nhiều hơn, bởi ông thấy chẳng cần đến vài trăm năm nữa mới có người biết khóc thương cho thân phận Thi nhân và nàng Kiều!
Tôi biết tác giả thơ Phương Việt từ hồi còn làm Báo Nghệ An cuối tuần, trước năm 2015. Ở đấy có trang văn nghệ, trang thơ, thi thoảng lắm ông mới gửi bài cộng tác. Mà có gửi ông cũng yêu cầu tôi đọc, biên tập thật kỹ, nếu thấy còn yếu thì thôi, không in. Những cộng tác viên của báo như vậy không nhiều, như vậy sẽ được “lợi” cả về chất lượng tờ báo lẫn công phu cần có ở mỗi cây viết. Năm 2009, Phương Việt có dịp sang công tác, ghé thăm Thành phố Pisa của đất nước Italia. Tháp Pisa xây dựng từ năm 1173. Xây xong thì bị nghiêng 3,97 độ, thế mà vẫn tồn tại đến hôm nay, bất chấp thời gian và sự bất hợp lý của kiến trúc. Thì ra, cái còn lại của tháp kia là… “dáng nghiêng”, chứ không phải luôn luôn là dáng thẳng đứng, như ta thường thấy ở khắp nơi. Nghệ thuật trường tồn cũng theo quy luật riêng của nó, đấy là điều ông ngộ ra. Một bận khác, ông gửi nhờ tôi đọc dùm bài thơ “Học lái xe”. Câu chuyện ngoài đời này khó đi vào thơ, vậy mà ông viết thành thơ, có cái để đọc. Bây giờ tai nạn giao thông quá nhiều, mới thấy lái xe không dễ, vì xem nó dễ nên tai họa mới nhiều đến thế? Học lái xe, để rồi lái cho tốt chuyến xe đời mình, ai biết rõ phía trước sẽ là gì, phúc hay họa. Bài thơ hơi sa vào kể, nhưng đọc vẫn thú vị, có bạn còn nói với tôi, học lái kỹ như cụ Phương Việt thì học xong rồi, chỉ ngồi cho… người khác lái thôi?! Riêng tôi, còn thích bài thơ “Khoai lang” của ông nữa. Quê Nghi Lộc, giàu truyền thống chữ nghĩa và nuôi lớn bao người tài, nhưng đấy cũng là miền quê nghèo, khoai lang thành đặc sản nổi tiếng. Tác giả tự hào với củ khoai đã đành, đây còn là dịp để ông cắt nghĩa cái đức tính “gàn” của người Nghệ, dân Nghệ:

Khoai lang
Hàng chục món ẩm thực Á, Âu
Trong nhà hàng tự chọn
Tôi vẫn tìm đến món khoai lang.
Quê tôi ngàn đời khoai là đặc sản
Khoai của mọi nhà
“Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai; khoai ba bữa”
Khoai cứu sống bao thế hệ
Khoai nuôi dưỡng những trạng nguyên, tiến sĩ, người tài
Khoai làm nên cốt cách gàn dân Nghệ
“Nghệ nhân” mang thuộc tính khoai!

Khoai lang gàn luống dọc bò ngang
Để cho người Nghệ vẫn gàn như xưa…
Câu “Khoai lang gàn luống dọc bò ngang”, mượn ý một câu thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, từ đó Phương Việt đẩy lên câu thơ tiếp theo, rất tự nhiên: “Để cho người Nghệ vẫn gàn như xưa”. Ai cũng biết, người Nghệ ngàn xưa nổi tiếng là bảo thủ, gàn bướng. Bên cạnh điều dở cần khắc phục, thì “cái sự gàn” của người Nghệ nên được cảm thông, phần nào tôn trọng, nếu gàn đi kèm với niềm tin, bản lĩnh trước sau như một, ở một địa bàn chưa bao giờ thuận lợi cả về thiên nhiên, làm ăn, và lòng người?!
    Đọc tập thơ thứ ba “Nốt Trầm”, tôi mừng thầm, Phương Việt còn viết được, viết tốt, không lặp lại mình, với bút pháp định hình, chững chạc. Thơ ông ngày càng nén lại, để ý tưởng, tư tưởng, triết luận bật lên, găm vào lòng bạn đọc. Nếu có đề phòng, thì đấy là ở chỗ, ông đừng để lý trí lấn át chất thơ vốn hồn nhiên, tự nhiên, chân thật, như bắp ngô nướng, củ khoai luộc nơi đồng bãi quê ông!

NGUYỄN VĂN HÙNG