Sau ba tập thơ “Ta vẫn là ta thôi” (2011), “Mùa” (2013), “Nốt trầm” (2019), đến 100 bài thơ của tập “Ngoại thành” (NXB Hội Nhà văn, 2023), bạn đọc nhận ra thơ Phương Việt đã có sự chuyển đổi bên trong, từ cảm hứng, đề tài, vấn đề được quan tâm, đến ngôn ngữ, thi pháp; đem đến không ít cảm nhận thú vị, bất ngờ về thơ của một tác giả đất Nghệ ngay từ đầu đã không lấy thơ làm… nghề!

 

Ở tập thơ “Ngoại thành”, Phương Việt trân trọng đặt lên đầu một bản tự bạch, trăn trở và khiêm tốn, giãi bày đến tận cùng tâm sự với bạn đọc của anh:

LỜI CỦA BÚT
Thầm thĩ, trở trăn suốt đêm dài
Ấy lời của bút
Ngỏ cùng ai.

Ý tứ giãi bày lên mặt giấy
Nào dám phô phang với đua tài
Dốc lòng đến cạn bầu tâm huyết
Trải ruột cho xem, biết vắn dài…

 Cuộc đời ngắn ngủi đầy gang tấc
Biết có lưu gì
Chút mực phai?!

Còn nhớ, hồi Phương Việt xuất bản tập thơ đầu tay lấy cái tên là lạ ngang ngang “Ta vẫn là ta thôi” (2011), nhà thơ Anh Ngọc đồng hương Nghi Lộc trong bài “Những câu thơ nặng trĩu” in đầu sách, đã phát hiện: “Với tác giả, sự trân trọng dành cho Thơ đã đến mức linh thiêng”. Tới tập “Mùa” (2013), ở lời đề tựa, nhà thơ Bằng Việt – lúc đó là Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, nhận xét khá tinh: “Có loại thơ chỉ phù hợp để ngâm ngợi hay thù tạc, có loại thơ lại để chiêm nghiệm, cứ dần dà thấm vào ta lặng lẽ, lâu bền. Thơ Phương Việt, theo tôi nghĩ, thuộc loại thơ thứ hai”. Đúng 10 năm sau, năm 2023, lúc tuổi đời không còn trẻ nữa, Phương Việt cho xuất bản tập thơ “Ngoại thành”. Cái chất thơ để bạn đọc suy ngẫm, chiêm nghiệm vẫn được anh tiếp tục phát huy trên cơ sở lối tư duy và ngôn ngữ có một số khía cạnh khác trước.

Một điểm dễ nhận ra, phần lớn bài thơ trong “Ngoại thành” sử dụng thể thơ 5 chữ truyền thống của thơ ca Việt Nam, rất tiện cho việc kể chuyện, dẫn chuyện, miêu tả, phân tích đối tượng nhà thơ quan tâm. Ngôn từ dung dị, mộc, gần gũi đời thường, ít cách điệu, chủ yếu hướng tới bạn đọc phổ thông. Tất cả nhằm chuyển tải những triết lý, triết luận cứ ngỡ cao xa mà lại hết sức gũi gần, thiết thực, ai cũng có thể gặp trong đời mình, ai cũng cần được chia sẻ, được chỉ ra; nhờ đó họ tự chuyển hóa thành người tử tế giữa một thời đại hết sức phức tạp, cái giả dối, cái ác đang có chiều hướng “lên ngôi”.

Nhiều mẩu tin, hình ảnh, câu chuyện, nghịch lý, điển tích, châm ngôn của các bậc hiền nhân, bác học, của dân gian trên các trang mạng xã hội, hằng ngày ta đọc xong dễ bỏ qua nhưng đi vào thơ Phương Việt thì thành ra dễ hiểu, dễ nhớ. Ngoài một số bài viết quen theo lối trước đây (“Hoa mua ra phố”, “Đôi khi”, “Hoa dại”, “Lẽ nào”, “Tự vấn”, “Tờ lịch cuối năm”,…), hầu hết trong các bài khác của tập “Ngoại thành”, hình như anh muốn “hy sinh” bớt phần thơ, những tìm tòi, mơ mộng để chắt chiu nhận về phần đời hữu ích, thiết thực qua từng trang viết. Các bài có số câu chữ hơi nhiều, hơi dài như “Chữ Hiếu”, “Chuyện hai nhà sư”, “Hiệu ứng Đi-đờ-rô”, “Hành hương Đất Phật”, “Bốn phép tính cuộc đời”, “Đàn ông”, “Cúi đầu và ngẩng đầu”, “Chuyện về cá hồi”,… đều là những áng thơ hay, dẫn dắt câu chuyện có duyên, cần được đọc từ từ, cần được ghi nhận theo hướng này. Bài thơ “Chuyện về cá hồi” kể về một loài cá xa xôi, sinh ra ở thượng nguồn, rồi theo suối sông ra biển lớn. Vào thời kỳ sinh nở, lũ cá này lại vượt qua bao thác ghềnh, nguy hiểm, kể cả cái chết để trở lại ngọn nguồn, chỉ một ít con về đến “quê hương bản quán”: “Khi hoàn thành sứ mệnh/ Trứng nở con từng đàn/ Cá hồi mẹ lặng lẽ/ Chết thanh thản, nhẹ nhàng”. Từ đấy, nhà thơ liên tưởng tới mọi sinh vật trên đời trong đó có con người: “Trên đời mọi sinh vật/ Đều có cội có nguồn/ Cá hồi là biểu tượng/ Cho tình yêu quê hương!” Thông điệp không mới nhưng mãi còn chứa đựng giá trị thời sự. Con người khi đã đến “ga cuối”, chẳng bao giờ có vé khứ hồi nữa, cách tốt nhất là cứ an nhiên tự tại, sống thuận theo lẽ trời – đất. Đi tìm “Hạnh phúc tuổi già” đâu có gì to tát: “Đưa đón cháu đi học/ Làm thơ, chăm sóc cây/ Vào mạng, vui với bạn/ Đêm, nhẹ nhàng giấc say”. Cái tứ trong bài “Khi đàn ông khóc” chắc chạm đến nhiều người, họ cần được cảm thông và xả bỏ: “Khi thấy đàn ông khóc/ Hãy tin tưởng một điều/ Chất đàn ông trong họ/ Sẽ mạnh lên rất nhiều”. Nhưng tốt nhất là đàn ông đừng khóc, có khóc cũng phải để cho nước mắt chảy vào trong. Ở bài “Ngoại thành” lấy tên cho cả tập, gửi gắm nhiều tâm sự của nhà thơ những tháng năm về hẳn với gia đình, sống cùng ngôi nhà, hàng xóm, bè bạn. Ờ nhỉ, suy cho cùng, mình chỉ là thứ “ếch ngồi đáy giếng”: “Nghe luận đàm thế sự/ Ngẩng mặt nhìn lên trời/ Nghĩ, ếch ngồi đáy giếng/ Ngoại thành, ngoại thành ơi!” Thiên nhiên bao đời nay trở thành một yếu tố để trò chuyện an toàn, để lui về ẩn dật, nó cứu rỗi con người nhất là với người già. Phương Việt vô cùng trân trọng, nâng niu thiên nhiên, hoa cỏ – theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Các bài “Đường và cây”, “Bởi có em là hoa”, “Phi điệp đột biến”, “Bông hồng có phép lạ” cho phép ta nhận ra điều này, xin gửi tới anh lời cảm tạ giữa bối cảnh Trái đất chúng ta sống đang có xu hướng ấm lên, mà con người thì thờ ơ nhiều quá… Tôi nghĩ, về phương diện nào đó, nhà thơ đã thành công khi biết khai thác một “vỉa mới” cho thơ mình, trên con đường lao động nghệ thuật vốn âm thầm, tự nguyện nhưng đầy chông gai, thách thức, rất dễ rơi vào nhàm tẻ, bỏ cuộc dù chỉ là cuộc chơi.

Nhà thơ Phương VIệt

Quê xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An; Phương Việt là một kỹ sư Nông nghiệp. Sau này, công việc đảm nhiệm trực tiếp liên quan tới lĩnh vực xã hội, văn hóa, tư tưởng nên anh có điều kiện đi nhiều, đọc nhiều, gần gũi đời sống nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là với trí thức xứ Nghệ. Từ nhỏ, anh may mắn sống trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học ở Nghi Lộc, ham đọc, mê văn chương. Thời đi học phổ thông, nghe kể anh đã làm thơ, thời sinh viên còn mạnh dạn gửi thơ đăng báo. Có bận anh bộc bạch, thơ với mình chẳng khác những giọt nước cốt được chưng cất từ tâm hồn và trí tuệ con con người gửi tới đồng loại, để cảm nhận, chia sẻ, tâm sự, phần nào xoa dịu vết thương đau cuộc đời. Tập thơ đầu tay “Ta vẫn là ta thôi” xuất bản năm 2011. Đến tập “Ngoại thành” ra đầu Xuân 2023, khi anh đã gần chục năm nghỉ hưu, trở về ngôi nhà, mảnh vườn của mình, làm một công dân bình thường tại một vùng đất ngoại ô Vinh. Có chừng hơn chục năm tôi tham gia biên tập tờ Nghệ An cuối tuần, thỉnh thoảng thấy Phương Việt gửi thơ cộng tác qua bì thư, nét chữ chân phương, tình cảm. Anh viết kỹ, viết khó và mỗi khi báo in được thơ anh cũng chẳng dễ chỉ vì cái tính “cầu toàn” của cộng tác viên. Thơ đã vậy, con người anh trong cuộc sống thực càng kỹ lượng, chu tất. Cuộc sống đa tạp, nhiều va quệt, hiếm khi bạn bè thấy anh chấp nhặt, để bụng ai bao giờ. Cho đến hôm nay, đã có trong tay bốn tập thơ đầy đặn đứng riêng, anh vẫn không là thành viên, hội viên của một tổ chức văn học – nghệ thuật nào cả. Có lẽ, nhờ yêu thương chi chút, lặng lẽ buông bỏ, mở rộng kết nối, không ồn ào háo danh, đã khiến hồn thơ Phương Việt dường như càng tuổi tác càng đầy đặn, phong phú, nhạy cảm và sâu đằm hơn?!

Xin chúc mừng nhà thơ với tập thơ thứ tư, ở tuổi 67 của anh. Phương Việt ở tập này đã thành thật nói rõ, làm thơ với anh giờ chỉ là một phương pháp rèn luyện trí não, chống lão hóa. Nói vậy, chỉ đúng một khía cạnh thôi. Tập “Ngoại thành” không phải như tác giả khiêm tốn băn khoăn ở “Lời ngỏ”, không phải nó chỉ quanh quẩn “nằm ở ngoại thành của miền thơ ca”. Không, nó là nỗ lực cao, là thơ ca rồi đó. Cũng cần ghi nhận thêm, các trang mạng anh sử dụng, khai thác mấy năm lại đây đã thành “trợ thủ” đắc lực, giúp anh thuận tiện tìm tòi, tra cứu tài liệu hay công bố, chia sẻ những áng thơ, tản văn vừa viết đến với không ít bạn đọc mến mộ anh…

Trong cuốn sách “Đừng lo lắng” (Bản tiếng Việt, NXB Lao Động, 2022), Thiền sư nổi tiếng người Nhật Shunmyo Masuno khuyên: “Khi về già, ta có thể thất vọng hoặc lo lắng lúc hoài niệm về tuổi thanh xuân đi qua. Nhưng dù kháng cự thế nào, ta vẫn không thể làm gì khác. Đơn giản, ta phải chấp nhận sự già và giữ một thái độ thoải mái, vô tư”. Với nhiều bài thơ, câu thơ thấm thía, xúc động, lắm khi pha chút tự trào hài hước, đem lại nụ cười sảng khoái cho lớp bạn đọc chủ yếu là cao tuổi, tập thơ “Ngoại thành” của Phương Việt đã làm tốt điều mà vị thiền sư người Nhật nhắn gửi các thế hệ cùng thời cũng như sau ông!

Nguyễn Văn Hùng

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam số 31, tháng 3/2023)