Trong khuôn khổ của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 – Nguyên tiêu Quý Mão 2023, cuộc tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” đã được tổ chức vào sáng 5-2 (Rằm tháng Giêng) tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) với sự tham gia thảo luận của nhiều nhà thơ thuộc nhiều thế hệ. Các ý kiến tuy đa chiều nhưng đều tập trung làm rõ những vấn đề quan trọng của “Thơ hiện nay”, bao gồm cả những mặt mạnh và mặt yếu, đáng mừng và đáng lo, cùng những đề xuất liên quan (công tác lý luận – phê bình, in ấn – phổ biến, giải thưởng…) để chấn hưng và phát triển thơ ca đương đại.

Cuộc tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” và Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 có thể nói đã kết thúc khá thành công. Thế nhưng hậu Ngày Thơ lại rộ lên trên báo chí và nhất là mạng xã hội (MXH) những ý kiến xung quanh sự kiện trên đây. Nhiều vấn đề được thảo luận rất nghiêm túc, thiện chí, học thuật trong cuộc tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay”, lại được cư dân mạng bàn luận với thái độ giễu cợt, chê bai, “phủ định sạch trơn”…

Tuy nhiên, cũng như những ồn ào lâu nay trên MXH, những bàn luận này nọ về thơ nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 cũng đã dần dần lắng xuống. Lắng xuống không phải vì tranh luận về thơ là bất phân thắng – bại, vì thơ là thứ “bất khả tri” nên thiên hạ… “bất khả luận”(!). Mà có lẽ vì qua nội dung những ý kiến trao đổi đa chiều, nhất là qua cách bày tỏ chính kiến của các “nhà phê bình”, công chúng đã chọn cho mình một thái độ phù hợp, một “kết luận” khả dĩ… Vả chăng, cuộc sống nói chung và đời sống văn học nói riêng, còn có nhiều vấn đề cần được sự quan tâm hơn của mọi người…

Câu chuyện trên đây khiến nhiều người lại nhớ đến cuộc khen – chê bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”, một trong ba bài thơ của tác giả Tòng Văn Hân ở Điện Biên được trao giải Nhì (không có giải Nhất), trong cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) cách nay 2 năm. Theo lý giải của những người có trách nhiệm, bài thơ ấy có cái ngô nghê, thật thà của một người miền núi, nhưng qua đó lại là hình ảnh rất đẹp về con người nói chung mà chỉ tư duy của người miền núi mới có được. Triết lý dân gian cho rằng “bần cùng sinh đạo tặc”, nên “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” nhưng không phải là đánh kẻ trộm cắp hay hình sự hóa vấn đề, mà bài thơ là ước muốn xóa bỏ tận gốc sự đói nghèo để trả cho đời sống sự lương thiện cần thiết. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội đồng chung khảo, còn nhấn mạnh: “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” là một bài thơ rất độc đáo ở nội dung những câu “chửi”, rất thú vị ở sự nhân văn, độ lượng của người “chửi”. Và sự “nôm na” mà mọi người phê phán chính là giọng thơ của một người dân tộc sống ở miền núi.

Tuy đánh giá như thế, nhưng Hội đồng chung khảo vẫn không xếp bài thơ giải Nhất, mà chỉ là giải Nhì, thì rõ ràng những người cầm cân nảy mực cuộc thi đều đánh giá đây không phải bài thơ xuất sắc, toàn bích. Nó được xếp vào hàng cao nhất cuộc thi (giải Nhì, không có giải Nhất) là vì trong số hàng vạn bài thơ dự thi, không có bài nào xuất sắc nổi trội hơn. Điều này đã được thừa nhận ngay trong sự ồn ào phê phán cũng chưa có ý kiến phản biện nào dẫn ra được tác phẩm nào hay hơn, xứng đáng hơn bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”.

Lâu nay, “hậu Ngày Thơ” hoặc “hậu trao giải” các cuộc thi (không chỉ riêng văn chương) đều ít nhiều có điều tiếng chê bai, phản đối. Đó là quyền của mỗi người và cộng đồng, là động lực thúc đẩy sự phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, sự chê bai, phản đối phải xuất phát từ tâm thế và thái độ thiện chí, tích cực, gọi chung là “văn hóa phê bình”. Chê bai, phản đối trong lĩnh vực văn học nghệ thuật càng cần phải có văn hóa phê bình, bởi đây là một lĩnh vực quan trọng của văn hóa. Một khi đối tượng được phê bình là những vấn đề văn hóa thì chỉ có thể dùng các tiêu chí của văn hóa – từ nội dung học thuật đến thái độ phê bình – thì mới có thể làm sáng tỏ được chân lý. Hơn nữa, văn học nghệ thuật là một hiện tượng định tính, những “số liệu” về các phẩm chất của nó (đúng – sai, hay – dở, cao – thấp…) không thể cân đong đo đếm chính xác trực quan, cụ thể được. Bởi vậy trong phê bình văn học nghệ thuật, bên cạnh các lập luận chuyên môn, rất cần phải có thái độ thận trọng, chừng mực, cầu thị, khách quan, thiện chí…

Tiếc thay gần đây, trong các cuộc tranh luận văn học nghệ thuật, không ít người vì những lý do này nọ mà đã quên mất văn hóa phê bình. Họ dùng những lời lẽ nặng nề để phán xét, qui kết; họ lôi những chuyện ngoài nội dung học thuật để bàn luận; thậm chí có người mang những bức xúc, hóng hớt ngoài xã hội vào cuộc “phê bình” để trút giận, xúc phạm, thóa mạ… Hiện tượng này chủ yếu xuất hiện trên mạng xã hội, là thế giới của các “hiệp sĩ bàn phím”. Đáng buồn là đôi khi trên một vài tờ báo chính thống – cả báo giấy và báo mạng – cũng ít nhiều có hiện tượng trên đây. Chẳng hạn như trong “làn sóng” phê bình bài thơ vừa dẫn trên đây, một vài tờ báo gọi đó là thơ “tân con cóc”, cho rằng trao giải như vậy là “tôn vinh bài thơ dở nhất nước”, là “giết chết nền thơ Việt”, v.v… Lại có tờ báo chơi chữ khi đặt tên bài viết là “Mẹ tôi chửi kẻ trộm và tôi chửi thơ”.

Nhìn ở góc độ tích cực, thì sự ồn ào khen – chê thơ hiện nay lại là một tín hiệu đáng mừng cho thơ hôm nay. Thì ra bạn đọc thời nay đâu có quay lưng với thơ? Thì ra công chúng vẫn còn yêu thơ, vẫn còn nặng lòng với thơ lắm lắm! Cũng đúng thôi, thơ là tiếng nói của trái tim, của tâm hồn, nó đáp ứng nhu cầu sẻ chia và tiếp nhận những tình cảm tương đồng giữa người với người. Thơ không làm ra của cải, nhưng thơ có thể giúp một doanh nhân không trở thành trọc phú và một nhà quản lý không trở nên độc tài. Ở nước ta, có nhà thơ kháng chiến từng tuyên bố: Những lúc ngã lòng tôi vịn câu thơ mà đứng dậy. Có giai thoại rằng trong một lần bị địch vây hãm trên chiến trường, các chiến sĩ của ta đã điện về hậu cứ yêu cầu chi viện thêm đạn và thơ Phạm Tiến Duật (!). Và có một nhà sư danh tiếng từng viết rằng: Trên cánh đồng lúa chín bời bời, có sự đóng góp rất lớn của câu ca dao Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

Trong thời đại kỹ trị, thơ vẫn không “chết”, mà ngược lại con người càng cần đến thơ hơn để cân bằng cuộc sống thường nhật. Có điều, sáng tạo thơ và cảm thụ thơ trong thời đại công nghệ phát triển phải khác trước. Công nghệ kỹ thuật số đang tạo ra một môi trường sống mới, chi phối mọi hoạt động, thói quen, cảm xúc, nhận thức… của con người, khác hoàn toàn so với trước đây. Trong môi trường ấy, có người thích nghi và thụ hưởng những tiện ích của “chuyển đổi số” rất nhạy bén và thoải mái; nhưng cũng có người không quen, lúng túng, cảm thấy phiền phức khó chịu. Sáng tạo và tiếp nhận thơ cũng nằm trong môi trường “chuyển đổi số” ấy. Và có lẽ vì thế mà những băn khoăn, lo lắng, bàn luận (thậm chí đôi khi khen – chê hơi bị thái quá) về nền thơ nước nhà hôm nay, về một vài tác giả và tác phẩm thơ cụ thể, là lẽ tất nhiên; như trong quá khứ đã từng có những cuộc “xung đột” giữa thơ niêm luật kinh điển với thơ tự do tân thời, giữa thơ có vần điệu và thơ văn xuôi…

Thời gian là bạn đọc công tâm và tin cậy nhất của thơ. Những giá trị đích thực của bài thơ hay, sẽ được thời gian minh định. Thơ tinh hoa và thơ đại chúng đều rất cần cho cuộc sống, nhưng xin đừng nhầm lẫn hòa đồng hai loại thơ ấy. Băn khoăn lo lắng cho thực trạng thơ đương đại là cần thiết, nhưng đừng quá bi quan và nhất là đừng xúc phạm thơ và những người làm thơ, vì bản chất của Thơ là thiện.

Nhà thơ MAI NAM THẮNG