Tư tưởng Hồ Chí Minh về phụ nữ được thể hiện qua câu nói của Bác: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ.”(1) Suốt chiều dài lịch sử, trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta đều có đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ “chân yếu tay mềm”. Trong mảng thơ ca tuyên truyền cách mạng của Bác, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam là một đề tài xuyên suốt, được Người viết bằng lòng yêu thương, sự tôn vinh, trân trọng; góp phần thay đổi nhận thức và nâng cao vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội.

Bác Hồ về thăm các bà mẹ Pác Bó, Cao Bằng, ngày 19/12/1961. Nguồn ảnh: Zingnews.vn

Hồ Chí Minh xác định: “Dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”(2). Chính vì vậy, trong phần lớn sáng tác văn chương, Người đã hướng ngòi bút tới đông đảo quần chúng lao động. Những bài thơ viết về phụ nữ Việt Nam của Hồ Chí Minh thuộc bộ phận thơ tuyên truyền, vận động cách mạng, mục tiêu chính là tập hợp quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chống thực dân, phong kiến, đế quốc và xây dựng đất nước.

Trong các sáng tác của mình trước Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã thể hiện một tư tưởng mới mẻ, tiến bộ về người phụ nữ. Trong diễn ca Lịch sử nước ta, Bác khẳng định:

“Phụ nữ ta chẳng tầm thường,
Đánh Đông, dẹp Bắc, lắm gương để đời”

Người luôn nhìn thấy những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Qua bài Cô Vượng khuyên chồng, Người đã xây dựng hình ảnh người phụ nữ nhẫn nại, kiên trì, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, làng xã. Cô Vượng khuyên chồng tu chí làm ăn, nhưng quan trọng hơn là làm những điều tốt đẹp, ích nước lợi nhà, tốt cho tập thể. Chính vì vậy mà cô đã cảm hóa được người chồng bướng bỉnh, hay chửi đổng trở nên thay đổi:

“Chị kiên nhẫn, bảy ba kiên nhẫn,
Làm cho anh đổi giận sang hiền.
Anh nghe lời vợ anh khuyên,
Hội giao công việc anh chuyên cần làm.
Làm đứng đắn không tham lợi vặt,
Nói như làm thẳng thắn phân minh.                                                                              Một người tính dữ hoá lành,
Cả hội hợp tác khen anh vô cùng”.

Ở bài Thư vợ gởi chồng, Người đã tạc nên một bức “vọng phu mới” – người đàn bà chờ chồng không chỉ đơn thuần vì thương nhớ mà còn đau đáu tình nước non:

“Thù nước, thù nhà, chàng gắng trả,
Việc nhà, việc cửa, thiếp xin đương.
Bao giờ đuổi sạch quân thù địch,
Ta sẽ sum vầy ở cố hương.”

Nỗi đau mất nước là nỗi đau chung, người phụ nữ còn phải gánh thêm nỗi đau gia đình. Chồng đi làm cách mạng, ở nhà cha già, mẹ yếu, con thơ, bao công việc nặng nề đều đặt lên đôi vai gầy yếu của chị em. Thế nhưng họ vẫn vui lòng để chồng ra đi làm việc nước, còn mình thì mòn mỏi ngóng trông và chống đỡ với muôn vàn vất vả, cơ hàn:

“Cha mẹ già yếu con thơ,
Nuôi già dạy trẻ cậy nhờ vào đâu?
Đói no bữa cháo bữa rau,
Tuy lao khổ em dám đâu phàn nàn”.
(Thơ vợ gởi chồng đi làm cách mạng)

Nếu như trong những bài ca dao xưa, người phụ nữ thường than thân, trách phận về nỗi khổ của mình thì trong thơ Bác họ ý thức được vị thế, công việc mình làm:

“Đêm khuya em tự hỏi han,
Vì ai ta phải lìa tan thế này”
(Thơ vợ gởi chồng đi làm cách mạng)

Người Việt có câu, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Trong công cuộc bảo vệ độc lập dân tộc, nhiều tấm gương phụ nữ anh hùng đã xuất hiện như Bà Trưng, Bà Triệu, công chúa An Tư, Huyền Trân, nữ tướng Bùi Thị Xuân… Nhưng đó là những cá nhân kiệt xuất. Ngày nay, Hồ Chí Minh muốn cách mạng phải là việc của số đông phụ nữ. Bài thơ “Phụ nữ” vừa ca ngợi truyền thống các thế hệ phụ nữ của dân tộc ta suốt bốn ngàn năm, vừa đề cao vai trò của chị em phụ nữ – những người lao động bình thường – trong thời hiện tại:

“Mấy năm cách mạng khẩn trương,
Chị em phụ nữ thường thường tham gia.
Mấy phen tranh đấu xông pha,
Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai?
Kìa như chị Nguyễn Minh Khai,
Bị làm án tử đến hai, ba lần.
Đánh Tây, đánh Nhật cứu dân, cứu nhà.
Chị em cả trẻ đến già,
Cùng nhau đoàn kết để mà đấu tranh.”

Không chỉ khuyên cán bộ các cấp, Người còn khuyên chị em cần – kiệm – liêm – chính, đó cũng là những chuẩn mực xây dựng đời sống mới: “Cần, kiệm, liêm, chính – Giữ được vẹn mười – Tức là những người – Sống đời sống mới” (Thư gửi chị em phụ nữ xuân Bính Tuất – 1946)

Không kêu gọi chung chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lấy những tấm gương phụ nữ anh hùng cụ thể để toàn dân noi theo. Chị Mạc Thị Bưởi là một ví dụ:

“Chiến tranh càng khó bao nhiêu,
Tinh thần càng vững, càng nhiều chiến công.
Khi đánh giặc, khi giao thông,
Tuyên truyền tổ chức, chị không ngại nề”.
(Nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi)

Bác viết về sự hy sinh oanh liệt của chị bằng tất cả sự kính phục:

“Rồi quay mặt lại đàng hoàng,
Chửi vào mặt giặc, giặc càng căm gan.
Chúng liền đạp chị ngã lăn,
Đứa dao khoét vú, đứa chân dậm đầu.
Đứa thì tay đỡ chậu thau,
Đứa thì mổ chị từ đầu đến chân.”
(Nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi)

Người không quên gửi niềm tin vào thế hệ tương lai. Tặng quà cho cháu Nông Thị Trưng, trong quyển vở nhỏ xinh chất chứa bao niềm hy vọng, gói ghém lòng tin yêu, trìu mến của Người: “Mong cháu ra công mà học tập – Mai sau cháu giúp nước non nhà” (Tặng cháu Nông Thị Trưng).

Tư tưởng về phụ nữ của Hồ chí Minh gắn với tinh thần đoàn kết, phụ nữ là một nửa đất nước, một nửa thế giới, sức mạnh và vai trò của họ là vô cùng lớn lao. Hồ Chí Minh luôn giương cao ngọn cờ đoàn kết: đoàn kết giữa chị em phụ nữ, đoàn kết giữa phụ nữ và các bộ phận, tầng lớp xã hội khác; đoàn kết toàn dân tộc. Hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam trong thơ Hồ Chí Minh là những con người khoẻ khoắn, đầy nghị lực, giàu sức mạnh và tình thương yêu bao la. Họ ý thức trách nhiệm cá nhân gắn với vận mệnh đất nước.

Ngôn ngữ thơ của Bác dung dị, gần gũi, dễ thuộc, dễ nhớ, phù hợp với mục tiêu cách mạng và đối tượng quần chúng nhân dân. Những thể loại mà người thường sử dụng là lục bát, song thất lục bát, thơ 4 chữ, lối diễn đạt gần với thể vè dân gian. Người sử dụng nhiều câu hỏi tu từ, câu kể, tường thuật như đang trò chuyện với mọi người.

Tư tưởng về phụ nữ của Hồ Chí Minh kết hợp đề cao nữ quyền và đề cao vai trò, sức mạnh của phụ nữ đối với tiến trình cách mạng, gắn với vận mệnh dân tộc. Giải phóng dân tộc phải gắn với giải phóng phụ nữ. Bác nói: “Phụ nữ chiếm một nửa nhân loại, nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng xã hội chủ nghĩa chỉ một nửa.” (3)

Trần Hữu Vinh
(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Thơ Hồ Chí Minh”, Nxb Nghệ An, 1998.)


(1) Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế Phụ nữ – 8/3/1952, Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2009, tập 6.

(2) Hồ Chí Minh – Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. NXB Văn học 1981.

(3) Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi, 19-3-1964, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11.