Nơi con sông đổ về biển là tên tập thơ của anh Nguyễn Hữu Quyền (Nxb Nghệ An, 2021) và là tập thơ nối tiếp Về miền hoa lộc vừng (thơ, 2020). Tôi hăm hở đón nhận tập thơ anh tặng, trước nhất là trân quý cách anh làm thơ, in thơ, cốt không để trở thành… nhà thơ. Và chỉ có gã khờ Nguyễn Hữu Quyền mới tìm về, loanh quanh nơi con sông đổ về biển. Nơi ấy, đâu dành cho những kẻ đang mải miết lợi danh. Chỗ ấy, những người hăm hở, tất bật tìm kiếm cuộc mưu sinh cũng quay mặt, ngó lơ. Chốn này, chẳng mấy ai khao khát tìm về.

Tôi là người không biết bơi, lại càng không dám ngụp lặn lâu nơi con sông đổ về biển. Tôi chỉ đứng trên bờ, nơi giáp ranh sông biển ấy để dò tìm một lối vào thơ anh mà sao vẫn cứ ngập ngừng, phân vân. Thơ là tinh chất của văn học, mà văn học thì vẫn còn đi trên đường. Có lẽ, từ lập luận ấy chăng mà Nguyễn Hữu Quyền tự tin trình diễn một lối thơ lạ, đứng một cõi riêng để tạo cá tính; một lối thơ có thể dùng để xác tín cho định nghĩa Thơ là thơ; Mỗi bài thơ là một định nghĩa về thơ. Để phô diễn cái mới, cái lạ của thơ riêng anh, Nguyễn Hữu Quyền chọn rặt lối thơ tự do. Nghĩa là, anh quyết buông bỏ những thể thức, định chế, những luật lệ bằng bằng trắc trắc, cố tình đi chệch những khuôn thước định sẵn của thơ để cho tiếng lòng dẫn dắt, và để vô thức hiện hữu. Năm hai bài thơ là những mảnh kí ức của anh; có những mảnh, anh vo tròn lại trong mấy con chữ, thậm chí một chữ; có những mảnh, anh rải ra trong một nắm chữ, tuồng như đầu ngô mình sở; nhưng mảnh nào cũng thường rất ngắn. Về cấu tứ, về tư duy thơ, Nguyễn Hữu Quyền chọn màu tượng trưng pha nhuyễn với minh triết và siêu hình học phương Đông. Do phép tượng trưng được pha trộn nhuần nhuyễn với minh triết và siêu hình học phương Đông nên thơ anh không dành cho những người đọc dễ dãi, hoặc những độc giả thiếu kiên nhẫn, bền lòng. Rồi cách anh khai thác và sử dụng chất liệu, tổ chức hình thức ngôn từ trong thơ cũng in đậm dấu vết ông giáo có thâm niên văn chương chữ nghĩa. Vậy là, cùng ghé vai với Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng, Dương Tường,…, tiếp sau là Thanh Thảo, Y Phương, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Việt Chiến, Vi Thùy Linh,… đẩy con thuyền thơ Việt hiện đại, rồi đương đại ra biển lớn, hội nhập với nền thơ thế giới nhưng cách đóng góp của Nguyễn Hữu Quyền là cố gắng vượt thoát những gì thơ Việt đã có, tìm cách đến gần hơn với người đọc, nhưng cũng không chiều lòng bạn đọc, dẫn dụ độc giả cùng dự phần tạo dựng ngôi đền thơ huyền bí, thiêng liêng.

Thơ Nguyễn Hữu Quyền, hình như, khởi sinh từ vô thức. Khi vô thức trỗi dậy, hiện hữu, nhà thơ nhân đó dàn lên trang giấy thành dòng, thành khổ, rồi thành những thi phẩm. Bằng những thể nghiệm và nỗ lực sáng tạo, anh đã mở rộng vùng thẩm mĩ trong thơ. Dễ nhận ra, thơ Nguyễn Hữu Quyền cùng tồn tại hai nguồn cảm xúc tương liên, đan bện với nhau: một bên là cuộc đối thoại với vũ trụ bằng những câu hỏi siêu hình về tồn tại, thế giới, vạn vật, về không – thời gian và một bên là những trăn trở không nguôi về kiếp phận con người mà chủ yếu khởi phát từ sự trở về miền kí ức: Ngọn đồi năm xưa trăng sáng giờ vẹt một nửa/ Người ta cưa nó làm đôi đào bớ/ Vật đổi sao dời. Vơi cạn/ Thế mà đêm đêm sao rơi còn trăng cứ sáng/ Thăm thẳm thời gian [Tí tách thời gian]. Nhà thơ thảng thốt trước tí tách thời gian, trước sự vô tận, vô thủy vô chung của thời gian, trước sự sinh diệt của tạo vật theo dòng chảy vô tận và hữu hạn phận người. Đứng trong trời đất, người làm thơ tìm cách nhìn xuyên thấu vạn vật, dùng sự vật để soi xét bản thân, chứng nghiệm cuộc đời: Thung lũng ấy là của trời/ Không biết tự lúc nào/ Một mảnh thiên thạch rơi/ Tạo nên khe suối [Thung lũng]. Những thi ảnh thung lũng, khe suối và nhân vật người đàn bà bán cam chị giống ngọn suối gây nên sự tình lụt lội trong bài thơ là nhằm biểu dương sức mạnh, vẻ đẹp và sự quyến rũ của con người, kiêu hãnh cùng thiên nhiên, tạo vật. Có trường hợp, Nguyễn Hữu Quyền dùng các thi ảnh thời gian như đêm, bình minh, sáng (ra) chắp nối với các sự kiện như nắng ngủ, lòng biển, trăng vỡ, ngõ trời, hố đen,… tương hợp và tương phản về màu sắc và âm thanh; chúng hút nhau, đưa đẩy nhau và hòa kết với nhau tạo thành những tầng nghĩa cho câu thơ, khổ thơ: Đêm/ Nắng ngủ trong lòng biển/ Bình minh rắc bằng lăng […] Đêm nay trăng vỡ trên biển lộ một ngõ trời/ Tinh hà. Sa số. Va đập. Nhấp nhô/ Có một hố đen bị lấp […] Tết này trời bao nhiêu tuổi? [Tết này trời bao nhiêu tuổi]. Một câu thơ đứng riêng ra thành một khổ thơ kết bài thơ. Một câu hỏi nhưng không có câu trả lời và cũng không cần câu trả lời, hay đó cũng chính là câu trả lời. Người thơ đang thảng thốt trước vòng quay thời gian, vũ trụ, đời người; tự hỏi mình, tự tra vấn tuổi mình trước sự tuôn chảy của thời gian.

 Dễ nhận ra, các thi ảnh trong thơ Nguyễn Hữu Quyền có tính đa nghĩa. Chẳng hạn, anh dùng hình ảnh hoa tóc tiên tuy dịu dàng nhưng mảnh mai, mong manh như sương như gió để nói cái mong manh trong sâu thẳm tâm hồn con người, về những khoảng trống, những nỗi buồn trong vắt tận đáy tâm hồn, nỗi cô đơn kiếp người; và đó là tất yếu của lẽ vô thường, của triết lí âm dương chuyển hóa: Đáy hồn tôi tóc tiên nở đón mưa/ Nước làm màu đỏ của hoa vỡ/ Lộ những khoảng không [Nơi đó hoa tóc tiên nở].

Thơ Nguyễn Hữu Quyền là một thế giới đa sắc, đa thanh, vừa hiện hữu, vừa siêu hình, xoay quanh ý thức và vô thức, được phát lộ từ những mảnh kí ức trong trẻo và những trăn trở thời thế. Nhân vật trữ tình dù xưng tôi, ta, hay là em, chị, ông, người đàn bà, em bé, người quét rác, người ta,… nhưng đều là những nhân vật tưởng tượng; tất cả đều quy chiểu về nhân vật tôi – chủ thể trữ tình. Bởi ý thơ của Nguyễn Hữu Quyền ít khi nương theo cơ chế nội sinh mà được xác lập trong sự tương tác, biến hóa uyển chuyển, nhịp nhàng giữa các hệ thống ngôn từ. Chẳng hạn, bài Gửi Sài Gòn thực chất là một cuộc đối thoại tưởng tượng. Nhân vật tôi tự phân thân để đối thoại với chính mình nhằm khắc họa nỗi cô đơn, côi cút giữa miền đất xa lạ, rằng chốn ấy không thuộc về mình: Bữa đó em nói với tôi/ Dù người ta có thế nào. Riêng em cứ đợi/ Cơi nới chi cho phiền/ Mười hai bến nước/ Người được. Em thua. Vó cất rồi [Gửi Sài Gòn].

Bìa tập thơ “Nơi con sông đổ về biển” của Nguyễn Hữu Quyền

Với Nguyễn Hữu Quyền, ý thơ là không có sẵn, không có một dự trình cho trước mà thơ anh là thơ đang nghĩa (chữ của Dương Tường); nghĩa là, nó chỉ có thể hoàn tất khi có sự tham gia tạo nghĩa của người đọc. Theo đó, cách miêu tả không gian, cách kể về thời gian cũng rất đặc biệt. Thời gian trong thơ anh dù là quá khứ xa như thuở đó, hồi đó, năm xưa, năm đó,…, hay quá khứ gần như hôm qua, chiều qua, tối qua,…, hoặc hiện tại như hôm nay, trưa nay, giờ này,…, cũng đều là những thời gian bất định, mơ hồ, mờ ảo, phiếm chỉ, siêu thực. Còn không gian trong thơ Nguyễn Hữu Quyền, dù là miêu tả hiện thực gồm các địa danh như Sài Gòn, Hồng Hà, Nghĩa Đàn, thành cổ Vinh, sông Cửa Tiền, sông Giăng, cầu Yên Xuân,.., hay các không gian ít xác định hơn như cánh đồng làng, bến đò, mảnh vườn, đồng cỏ, con sông, ngã ba, đình chợ, sân ga,… đều là những không gian nhuốm màu tâm trạng, riêng tư, thường là mơ hồ, mờ nhòe, bất định; trong nhiều trường hợp là những hình ảnh ẩn dụ hoặc được nhân hóa: Tiếng tắc kè kêu. Mặc chiều. Mong đợi…/ Ngày em đi lấy chồng. Đồng không. Nức nở/ giấc mơ mùa Hạ/ Trắng phau thương nhớ. Hoa bông [Thương nhớ đồng quê]. Hay: Có gì nơi người đàn bà quét rác mà thành phố thức?/ Thành Cổ lắc lư huyền sử [Thành cổ và tôi].

Trở lại khuynh hướng tượng trưng trong thơ Nguyễn Hữu Quyền, có thể nhận thấy đặc điểm nổi trội trong thơ anh là các thi ảnh, biểu tượng thơ đều có tính đa nghĩa; chúng được xác lập dựa trên sự liên hội ý nghĩa giữa các đơn vị ngôn từ trong dòng thơ/câu thơ, khổ thơ, bài thơ. Màu sắc tượng trưng trong thơ Nguyễn Hữu Quyền thể hiện trên hai bình diện: cách tạo tính đa nghĩa cho thơ và cách xác lập những mã ngôn ngữ riêng, một cú pháp thơ riêng. Về cách tạo tính đa nghĩa cho thơ, trước hết, được thể hiện ở các biểu tượng thơ. Nếu như Thanh Thảo sử dụng các biểu tượng quen thuộc trong thơ ca nhân loại nhưng vẫn còn xa lạ với người Việt (đàn ghi ta, áo choàng đỏ, vàng trăng, đáy giếng,…), Vi Thùy Linh sử dụng các biểu tượng tính nữ (đêm, bóng tối, ẩm ướt, nguồn nóng, mùa ái ân, hoa mẫu đơn,…) thì Nguyễn Hữu Quyền vẫn dùng những biểu tượng truyền thống như (các loài) hoa, bến cũ, bếp lửa, dòng sông,…, nhưng nhà thơ đã cấp cho chúng những ý nghĩa mới, thành mã thẩm mĩ mới. Chẳng hạn, nếu bếp lửa của Bằng Việt chỉ là nỗi niềm của đứa cháu nhớ bà để khẳng định bếp lửa của tình thân, tình người nhóm lửa ấp iu nồng đượm thì bếp lửa của Nguyễn Hữu Quyền lại nhen ở phố, trời mưa, gió mùa về, nhen lên niềm hứng thú, một cách sinh thú, là ẩn ức nhập nhòe niềm quê, là khuấy lên những hương vị ngọt ngào nơi quê, là nỗi niềm người xa quê và tận cùng là hồn quê neo đậu trong tâm tưởng nhà thơ và cả trong mỗi chúng ta: Ở phố mà sáng nào cũng nhen bếp lửa/ Hôm nay trời mưa/ Gió mùa về. Rụng lá/ Khói bay lên cuộn hình đụn rạ/ Bao la/ Phía trời […] Than chạm vào tim tóe sáng/ Lửa trời [Bếp lửa].

 Nguyễn Hữu Quyền rất có ý thức sáng tạo các chất liệu truyền thống. Đó là cách anh làm mới các phép tu từ như ẩn dụ, so sánh, câu hỏi tu từ,… Các ẩn dụ trong thơ anh được xây dựng từ những thi ảnh rất quen thuộc, gần gũi như trăng lưỡi liềm, hoa địa lan, hoa tóc tiên, hoa khế, hoa cỏ may, mưa đá, tiếng còi tàu, biển, sông, vách trời, nắng trời, nụ cười,…; nhưng khi chúng vào thơ anh, trở thành những ẩn dụ thi ca thì người đọc cứ ngỡ như chúng mới xuất hiện lần đầu, rất ám gợi, mời gọi người đọc thả sức liên tưởng. Chẳng hạn, ẩn dụ trăng lưỡi liềm trong khổ thơ sau đây: Không biết vì lẽ gì tôi thích trăng lưỡi liềm/ Lúc nào cũng ngắm phía bị lẹm/ Nó giống tháng Giêng/ Bung biêng mùa Xuân lộ dần trong nắng [Tháng Giêng]. Thi ảnh trăng lưỡi liềm được bao quanh bởi một câu hỏi và các câu trả lời, và cả trong sự hồi cố các khổ thơ đầu của bài thơ, ẩn dụ này có các tầng nghĩa: chỉ sự nguyên sơ, khởi thủy, tinh khôi; chỉ sự mảnh mai, thanh khiết, duyên dáng, e ấp; chỉ sự chưa vẹn nguyên, chưa tròn đầy, ẩn chứa bí ẩn và hy vọng, khát khao; cộng gộp lại, ngợi ca cái đẹp tinh khôi nhưng đầy ẩn ức của bản thể, khởi nguyên. Đây là cái đẹp bản thể, cái đẹp của con người, hay cái đẹp của văn hóa, hay là cả ba. Nhà thơ tuyên bố đứng về trăng lưỡi liềm, phía bị lẹm, nghĩa là luôn hướng cái nhìn về phía chưa tròn nguyên, chưa hoàn mĩ và nhiều ẩn ức, một cái nhìn vô thập toàn theo minh triết phương Đông. Cũng vì thế chăng mà năm hai mảnh kí ức trong chừng ấy bài thơ nơi dòng sông đổ về biển, mảnh nào cũng đẹp không trọn vẹn, đẹp rưng rưng. Cùng với trăng lưỡi liềm còn là câu liêm ngoắc vành trăng, vành trăng thượng huyền,…, và cả sợi tóc bà chúa Thượng Ngàn, chẽn đòng đòng, điệu ví giặm xuất hiện trong thơ Nguyễn Hữu Quyền, đó là những thi ảnh nằm chông chênh trên đường biên giữa thực tại và hư vô, hiện hữu và siêu thực, trực giác và ảo giác; chúng như những bào ảnh, những bí ẩn lung linh của bản thể, của tự nhiên xuất hiện trong nguồn mạch thi hứng của tác giả. Cùng với ẩn dụ, phép so sánh cũng được nhà thơ sử dụng thực sự có hiệu quả trong việc kiến tạo những biểu tượng thơ đa nghĩa. Nhiều phép so sánh trong thơ Nguyễn Hữu Quyền hết sức tự nhiên nhưng luôn tạo sự bất ngờ, đánh thức trí tưởng tượng của người đọc bởi sự độc đáo, mới lạ: Nụ cười em trắng như trăng [Thiên đường]; Sài Gòn sáng nay lặng như hơi thở [Gửi Sài Gòn]; Ai lội vào bầu trời/ Làm rơi một mảnh/ Xanh như cát [Tết này trời bao nhiêu tuổi?]; Cậu cười tươi như buổi trưa/ Tiếng ghi ta trong như bữa đó/ Gần như đá trên đường mà thật xa [Áp Tết]; Một bông hoa rớt xuống cỏ/ Thoạt nhìn giống nụ cười [Nụ cười trong bão]; Tôi gặp người đàn bà bán cam/ Chị giống ngọn suối [Thung lũng]; Đến tận cùng hạnh phúc/ Tôi gặp cô đơn/ Trong như chiếc bánh bột lọc [Nơi đó hoa tóc tiên nở]; Có phải em là châu thổ/ Trong như gió mùa. Đầy như giấc mơ [Châu thổ Hồng Hà];… Cái độc đáo, mới lạ, cái hấp dẫn trong phép so sánh của Nguyễn Hữu Quyền xuất hiện chủ yếu ở cái được so sánh; đôi khi, ở cả cái so sánh và cơ sở so sánh. Chẳng hạn: Miền thiếu phụ/ Vành trăng vẹt hắt ánh sáng vào đêm/ mềm mại [Hoa địa lan nở]. Đây là khổ thơ thứ hai trong bài Hoa địa lan nở. Khổ thơ gồm hai câu thơ được kiến trúc bằng một phép so sánh ngầm; so sánh mà cứ ngỡ như không. Bởi xét về cấu trúc so sánh, câu đầu là cái so sánh, còn câu sau, vắt dòng là cái được so sánh; sự tương đồng giữa hai vế sẽ được xác định từ những liên tưởng miên man nơi người đọc; cố nhiên, hình ảnh mà nó gợi ra vừa cụ thể vừa mờ nhòe, vừa hiện hữu vừa siêu thực, nhưng qua cái vầng mờ ấy, ta vẫn nhận ra điều nhà thơ định nói: cái đẹp cứ vô tình, vô tư hiện hữu, có khi, nằm ngoài khao khát của con người. Nguyễn Hữu Quyền cũng rất sáng tạo trong việc sử dụng chất liệu truyền thống qua cách nhà thơ lựa chọn và sử dụng câu hỏi tu từ. Những câu hỏi trong thơ anh gần như không cần câu trả lời, bởi cũng chính là câu trả lời; có khi không ai bị hỏi, không hỏi ai, nhà thơ vắng mặt. Những câu hỏi trong thơ anh không còn chuyên chở ý nghĩa, vì bị làm mờ nhòe, bị mơ hồ trong sự dùng dằng giữa kiếp phận con người và bản thể: Sao rơi để lại lỗ thủng trên trời/ Vô biên. Vô hạn/ Thời gian? Phận người? [Tí tách thời gian].

Về màu sắc tượng trưng trong ngôn ngữ thơ Nguyễn Hữu Quyền, có thể nhận biết và cảm thấu từ cách nhà thơ dùng chữ và kết hợp chữ, về tổ chức vần – nhịp, dòng thơ/câu thơ, khổ thơ,… Về cách dùng chữ, trong thơ tự do, do các câu thơ bất thường dài ngắn khác nhau, vả lại, thơ tự do gần với văn xuôi nên nhu cầu làm mới chữ không lớn; nhưng với Nguyễn Hữu Quyền, mỗi con chữ trong thơ anh thường trở nên lấp lánh, có độ sáng riêng. Anh không dùng chữ như một kí hiệu (signe) ngôn ngữ mà coi chữ như một sự vật (chose), một vật thể – chữ (mots-choses). Cách nhà thơ làm mới chữ là tách các chữ ra khỏi ngôn ngữ chiếu vật, nhặt chúng lên và biến đổi thành một hóa trị mới, một tham chiếu khác, rồi đặt chúng trong tương tác với các chữ lân cận trong dòng thơ/câu thơ. Chẳng hạn, các chữ lấp láy (từ láy) được anh sử dụng dày đặc trong thơ; trong đó, có vài ba chữ lạ như nao niết, bung biêng, lắc lơ, bì bập, ngất ngơ,…, còn lại chủ yếu là những chữ có sẵn nhưng được dùng theo cách riêng, rất Nguyễn Hữu Quyền: dùng nhiều chữ lấp láy trùng điệp (láy hoàn toàn) như chang chang, biêng biếc, thăm thẳm, vành vạnh, loang loáng, văng vẳng, phần phật, mồn một, vời vợi, bong bóng,…; dùng nhiều những chữ lấp láy âm đầu (láy âm) như lúng liếng, se sắt, lặng lẽ, buồn bã, chập chùng, phất phơ, ngơ ngác, mải miết, lăn lóc, nhấp nhô, miên man, mê man, mênh mông, xao xác, vi vút, lênh láng, lấp loáng, nức nở, nhòe nhoẹt, chấp chới, mải mốt, ngắn ngủi, lập lòe, cắc cớ,…; còn các chữ lấp láy vần (láy vần) xuất hiện rất ít. Các chữ lấp láy, khi thì bao quanh các chữ sự vật (danh từ) để đặc tả, làm phát lộ các nét nghĩa tinh tế của chữ sự vật: cái lạnh lúng liếng, khóm lau phất phơ, nước bì bập, nước xốn xang, châu thổ tơi bời, gió vi vút, mùa Thu ngất ngơ, mưa lênh láng, bàn thờ Phật lung linh, ước mơ phiêu diêu, giấc mơ nhòe nhoẹt, con đường hun hút, cánh diều chấp chới, núi đồi nhấp nhô, cuối trời mải miết,… (đứng sau chữ sự vật); biêng biếc kỉ niệm, bung biêng mùa Xuân, thăm thẳm thời gian, ngơ ngác ngày xưa, vành vạnh trăng sâu, lăn lóc dọc đường, lặng lẽ nắng trời, loang loáng gạo châu, củi quế, lắc lơ chùm quả (vú bò), văng vẳng màu đỏ, tơ hơ vành nong, ngẩn ngơ ngã ba, lăn lóc cuộc đời, phần phật mùa lau, tơi bời gió, lấp loáng tuổi thơ, nức nở cái nhìn, mồn một mùa Hè (năm ngoái), chang chang nắng vàng, lang thang bến vắng, mênh mông đèn trời, vời vợi con đò (xưa), ngắn ngủi đời người, lập lòe hoa phượng,… (đứng trước chữ sự vật). Các chữ lấp láy còn bao quanh các chữ hành vi, vận động (động từ) để tô đậm màu sắc, tính chất, trạng thái, hồn vía của các hành vi, vận động của người và vật: (chuông) reo loang loáng, đánh rơi ngơ ngác, (mắt cá) không thôi nao niết, (phấn) rơi lả tả, vác xao xác (đi),… (đứng sau chữ hành vi, vận động); thông thốc thổi, lặng lẽ bay (lên), ì oạp sóng vỗ, thao thiết (đa đa) gọi, đột ngột mưa rơi, chót vót mưa, vời vợi thương (ai),… (đứng trước chữ hành vi, vận động). Có trường hợp, chữ lấp láy như một khớp nối, đường dẫn câu thơ chứa nó với câu trước trong khổ thơ, thực hiện chức năng kép: Trước nhà ai có chậu hoa địa lan/ Sao cửa đóng hoài/ Nao niết không chịu mở [Hoa địa lan nở]. Chữ nao niết vừa lạ, vừa tự nhân đôi “nhiệm vụ”, đứng sau chữ hành vi đóng (hoài) ở câu thơ trước, vừa đứng trước các chữ hành vi không chịu mở ở câu thơ chứa nó. Lại nữa, chữ nao niết được đặt trong từ trường các chữ đối lập / không, đóng/ mở làm cho các câu thơ vừa có vẻ văn xuôi, vừa trùng lặp trở nên giàu tính thơ, vang lên một nhạc điệu khác thường – nhạc điệu của thổn thức, day dứt, và có chút đay đả. Chữ lấp láy nao niết có lẽ là triền miên trong câm lặng, im ỉm vĩnh viễn chăng. Theo đó, thông điệp của khổ thơ, đó là bí ẩn của cái đẹp người nữ, vẻ đẹp tinh khiết, vô tư, sang quý của con người, của bản thể, tự nhiên chăng. Nguyễn Hữu Quyền dùng chữ hết sức biến hóa, linh hoạt, đa dạng và độc lạ, làm cho chữ giàu thêm trong mỗi câu thơ. Đó là cách nhà thơ dùng những chữ hành vi (động từ) như chạm, ló, chọc, nhúng, thách, ngắm, lộ, vạt, thả, cơi nới, hắt, quẫy, vỡ, quăng, rớt, lấp, vỡ toác, va quệt, rắc, đẩy, cài, ngã ngập,… Những chữ này liên hội, tương tác với những chữ vây quanh nên bị nhòe nghĩa bởi bị bao quanh một vầng mờ; chính trong cái vầng mờ ấy chúng được tạo sinh nghĩa mới và được mở rộng đường biên nghĩa. Và nghĩa của chúng đóng vai trò trung tâm, chi phối nghĩa các chữ khác trong câu thơ, khổ thơ. Chẳng hạn, các chữ chạm, ló ở hai câu thơ trong khổ thơ dưới đây là một minh chứng: Con cộng vó lướt qua mặt hồ trong tôi chạm phải/ cái lạnh lúng liếng/ Mùa Xuân ló bên bờ ruộng [Tháng Giêng]. Có những chữ, nhà thơ tách lìa ra, hoặc vặn xoắn, đảo đổi trật tự cốt để chúng tương liên, hô ứng nhằm phát huy tối đa vai trò tạo nghĩa của chúng. Đó là tổ hợp chữ (thành ngữ) kéo cưa lừa xẻ được tách đôi thành hai câu thơ (trong dòng thơ) trong bài Tôi và lịch sử, cũng là cách tác giả gửi niềm trăn trở về những khoảng tối sáng, những đứt gãy, hưng phế của lịch sử. Hay cách dùng các chữ trượt trơn, trơn trượt cũng trong hai câu thơ trong bài Hồng hoang; đây chính là niềm thao thức của nhà thơ trước những thăng trầm dâu bể, những biến thiên hưng phế của vũ trụ, thiên hà: Các vương triều neo thời gian tan trong mưa/ Kéo cưa. Lừa xẻ [Tôi và lịch sử]. Và: Bao năm vật đổi sao dời/ Trượt trơn. Trơn trượt [Hồng hoang].

Bên cạnh những chữ chính thể (từ toàn dân), những chữ biến thể (từ địa phương) cũng được tác giả sử dụng tạo thành những mã thẩm mĩ. Các chữ này được dùng song tồn, đối ứng, biểu thị những nghĩa khác nhau, do chúng mới được kiến tạo nghĩa trong câu thơ. Chẳng hạn, các chữ biểnbể trong bài Nơi con sông đổ về biển; các chữ chi trong bài Tháng Giêng. Trong tiếng Việt, những chữ này là tương ứng về ngữ âm, tương đồng về ý nghĩa; nhưng trong thơ Nguyễn Hữu Quyền, chúng là những chữ khác nhau, do ý nghĩa khác nhau.

 Về sự kết hợp các chữ trong thơ, Nguyễn Hữu Quyền cũng có những sáng tạo riêng, rất độc đáo. Trước hết, nhà thơ đặt các chữ bên nhau theo phép điệp (lặp): khi thì điệp âm (âm đầu, vần), khi thì điệp thanh (thanh bằng, thanh trắc), khi thì điệp nghĩa (những chữ cùng trường nghĩa); khi thì kết hợp cả điệp âm, điệp thanh, điệp nghĩa. Chẳng hạn: Khăng rơi/ Chị quét rác nhặt quăng vào sọt rác [Bào ảnh]. Trong tổ hợp chữ quét rác nhặt quăng vào sọt rác, ta thấy, các chữ vừa điệp vần, đó là các vần et/ac/ăt/ot/ac (vần thông) trong các chữ quét, rác, nhặt, sọt, rác; vừa điệp thanh trắc cũng trong các chữ điệp vần; vừa điệp nghĩa, đó là các chữ quét, nhặt, quăng, rác, sọt rác, cùng biểu thị hành vi làm sạch môi trường. Do cách kết hợp từ theo phép điệp trên mà câu thơ chùng xuống, đứt gãy (do nhịp thơ 1/2/1/1/3); ý thơ chênh vênh giữa hiện hữu và bào ảnh, giữa thực tại và hư vô. Lại có những cách kết hợp theo nguyên lí tính thơ, theo cách của ngôn ngữ thơ như cái lạnh lúng liếng, miền thiếu phụ, thời gian vỡ, mảnh trăng vụn niềm cơ nhỡ, một mảnh niềm vui, mảnh vỡ kí ức, nắng trắng, lửa đánh ghen, mây chiều bung vỡ, hồn đầy, vỉa trăng,… (kết hợp chữ có chữ sự vật làm trung tâm); chọc vào màu xanh nhúng nắng, vo cái lạnh, vớt nắng lên, rớt lại thương nhớ, chạm phải tiếng còi, tưới ướt thời gian, làm rớt sao mai, vỡ đôi giọt nắng, gói giấc mơ thành hạt, làm rơi ước mơ ở chợ, dát chị Hằng vào nong, đánh rơi ngơ ngác, gom nắng dát vào mây, đẩy trời rơi xuống bến, gặt hái trăng mai, quảy ước mơ đi, vác xao xác trong mưa, cầm trên tay nụ cười, bơi trong tháng Mười, gặp bùa mê trên biển, rới cái mong manh, hốt vạt bóng tối,… (kết hợp chữ có chữ hành vi, vận động làm trung tâm); trắng chân trời quê, xao xác ảo giác,… (kết hợp chữ có chữ tính chất, đặc trưng làm trung tâm). Chẳng hạn, cảnh sắc, không gian, thời gian của khoảnh khắc giao mùa được hiện lên trong khổ thơ dưới đây: Hạ gom nắng dát vào mây/ Thu về đẩy trời rơi xuống bến/ Tôi đến thì hồn đầy [Mùa Hạ không còn nữa].

 Trong thơ Nguyễn Hữu Quyền, vần – nhịp được tổ chức theo một cách riêng, khá đặc biệt. Về hiệp vần, thơ tự do không nhất thiết có vần, hoặc là vần chân, nhưng với Nguyễn Hữu Quyền, vần thơ xuất hiện dày đặc, nhiều kiểu, đa dạng. Ngoài vần chân (gồm vần liền, vần cách), các chữ hiệp vần xuất hiện nhiều trong nội bộ dòng thơ/câu thơ và giữa các dòng thơ/câu thơ theo nhiều vị trí khác nhau. Hầu hết các dòng thơ/câu thơ, khổ thơ đều có nhiều chữ hiệp vần. Các chữ trong dòng thơ/câu thơ, khổ thơ gọi nhau, rủ rê thả vần và bắt vần một cách tự nhiên, cứ như tự chúng tìm đến với nhau, không có gì là kĩ thuật cả. Có thể khảo sát bất cứ dòng thơ/câu thơ nào, khổ thơ nào cũng nhận ra điều đó. Chẳng hạn: Chị đẩy xe lên trời. Xuôi về hạ giới/ Bỏ bùa mê trên dòng suối trôi ra sông [Thung lũng]. Các cặp vần ơi/uôi/ơi/uôi/ôi trong trời, xuôi, giới, suối, trôi; vần e/ê/ê trong xe, về, mê; vần ên/ên trong lên, trên, vần a/o/ua/a trong hạ, bỏ, bùa, ra; vần ong/ông trong dòng, sông hòa phối với nhau làm cho nhạc điệu của khổ thơ ngân lên trong trẻo, tươi sáng, tinh khôi.

Cách ngắt nhịp và cấu trúc nhịp điệu trong thơ Nguyễn Hữu Quyền cũng có những nét riêng, giàu tính sáng tạo và cách tân. Thơ anh không có một mô hình nhịp điệu nhất định; các khuôn nhịp luôn biến hóa, chuyển đổi không ngừng, bất thường. Chẳng hạn: Tiếng cúc cu gáy/ giữa lòng thành phố/ làm vỡ đôi/ giọt nắng/ Thấy trong đó/ quê tôi/ gió lào/ cát trắng phau [Ngằn ngặt hoa khế]. Nhịp điệu là yếu tố hàng đầu thể hiện sự thay đổi, cách tân thơ; bởi là nơi người viết dự phần vào trò chơi ngôn ngữ, thể hiện nỗ lực đổi mới tư duy thơ: Khăng rơi/ Chị/ quét rác/ nhặt/ quăng/ vào sọt rác [Bào ảnh]. Nhịp thơ Nguyễn Hữu Quyền đã vượt thoát khỏi các mô hình nhịp thơ cách luật, phản ánh trung thành nhịp thở đương đại: gấp gáp, biến hóa, đứt gãy, vô thường. Trong thơ Nguyễn Hữu Quyền, vần thơ và nhịp thơ tạo nên nhiều phức điệu, vang lên một thứ nhạc điệu khác thường. Mà nhạc điệu là ngôi vị hàng đầu của thơ (Verlaire).

Trong thơ Nguyễn Hữu Quyền, cách tổ chức dòng thơ/câu thơ, khổ thơ cũng khá đặc biệt, thường theo một lối riêng. Dòng thơ, câu thơ và câu văn phạm ít khi gặp nhau mà chủ yếu là xê xích, vênh lệch: có khi, một dòng thơ có hơn một câu thơ; có khi, một câu thơ dừng lại ở giữa, hoặc vắt dòng; giữa câu thơ và câu văn phạm có cấu trúc không như nhau: Lốc tố trên đồng ngô. Nước trong vườn dầm dề/ Lá cọ xòe ra uống. Ngọc ngà! Giọt giọt. La đà/ Ừng ực. Buông lơi. Lồi lõm. Môi mọng… [Mưa bóng mây].

Cấu trúc khổ thơ cũng khác thường: khổ bốn câu, khổ hai câu, khổ ba câu, khổ năm câu và khổ một câu; chủ đạo là khổ ba câu và một câu. Khổ thơ ba câu của Nguyễn Hữu Quyền có bóng dáng thơ Haicu của Nhật, còn khổ một câu là chủ ý thẩm mĩ của tác giả, thể hiện các ý đồ nghệ thuật khác nhau: là linh hồn của bài thơ (Hoa địa lan nở, Chiều nay tôi đến đó, Vành trăng dát,…), là điểm nhấn ngữ nghĩa của bài thơ (Tôi và lịch sử, Hạ giới, Thiên đường, Ngằn ngặt hoa khế,…), là sự thăng hoa của xúc cảm (Tết này trời bao nhiêu tuổi? Vành trăng dát, Chiếc vòng bạc của tôi,…), là thực hiện chức năng liên kết (Tí tách thời gian, Nghe nói có mưa đá, Thiên đường,…),… Thơ Nguyễn Hữu Quyền, không có bài nào, các câu thơ dắt nhau đi cho đến hết bài mà bài nào cũng chia khổ. Cách chia khổ, tạo dựng khổ thơ của anh là nhằm thực hiện ý đồ nghệ thuật: cùng với dòng thơ, câu thơ, khổ thơ cũng là mã thẩm mĩ của riêng anh.

Với Nơi dòng sông đổ về biển, Nguyễn Hữu Quyền đã đứng về phía đổi mới, cách tân thơ, nỗ lực không mệt mỏi đưa thơ đến gần hơn với người đọc. Thơ anh đi theo khuynh hướng tượng trưng, pha nhuyễn với minh triết và siêu hình học phương Đông, nhưng vẫn thấp thoáng màu sắc siêu thực và tân hình thức; cũng có chút vẻ hậu hiện đại. Cố nhiên, lối rẽ nào thì vẫn là vân chữ Nguyễn Hữu Quyền. Thơ anh, đứng ngoài lời, như một cái gì không thể bộc lộ, không thể nói hết, là thứ thơ đang nghĩa; sức mạnh nằm ở ma thuật ngôn từ. Cũng chính những điều ấy, đôi chỗ, các sự vật trong thơ anh chỉ còn là biểu tượng hơn là chính nó. Đó cũng là sự thường trên mọi ngả cách tân, đổi mới. Nhưng rất trân trọng hướng đi của anh, người đọc luôn ở bên anh, vẫn đang hi vọng thơ anh ở phía trước.

Nguyễn Hoài Nguyên

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 20, tháng 1+2/2022)