đời không thiếu những bất ngờ. Có bất ngờ đau đớn. Có bất ngờ làm ta sung sướng hạnh phúc. Lại có bất ngờ làm ta tưởng đã chết bỗng hồi sinh. Mấy hôm nay, tôi có một bất ngờ. Nó pha tạp lẫn lộn. Có lẽ thế nên tôi chơi vơi, khốn đốn…

Ấy là sự xuất hiện của anh sau hơn hai mươi năm. Anh là thần tượng, là tình yêu đầu đời. Tôi đã chôn vùi nó trong chín tầng địa ngục ký ức. Đàn bà lạ thế. Đào sâu chôn chặt thì vẫn cứ đau đáu tận lúc xuống mồ.

Dẫu mới chỉ có ý định và gặp qua cuộc gọi, tin nhắn nhưng tôi chẳng biết vui hay buồn. Khốn khổ. Anh đột ngột tìm lại tôi chẳng đúng lúc chút nào.

Hơn hai mươi năm trước, tôi quen anh trong kỳ hội giảng giáo viên giỏi tỉnh. Tôi và anh đều dạy Văn cấp trung học. Mới gặp, tôi như bị anh hớp hồn ngay cái nhìn đầu tiên. Tôi không sao hiểu được sự vỡ vụn của cảm xúc. Tôi như người say nắng, chẳng kiểm soát được hành vi của mình nữa.

Hội giảng là nơi “anh hoa phát tiết” của những giáo viên giỏi. Đủ sắc màu, đủ sự khoe mẽ. Những câu bông phèng, những mẩu tiếu lâm đời mới râm ran. Đáng nói nhất là những kịch bản độc đáo được thiết kế qua bài soạn, thể hiện khi lên lớp.

Anh không khoe mẽ trước đồng nghiệp, chỉ lẳng lặng mỉm cười, nhưng chẳng hiểu sao anh vẫn có sức hấp dẫn, trước hết với tôi. Sự nhạy cảm của một người đang khao khát yêu đã mách bảo tôi. Mà trực giác phụ nữ có khi chính xác lắm. Tần số sóng tình có khi còn cao hơn sóng radar. Tôi cố tìm hàng tá lí do để được tiếp cận anh.

Tôi rủ Hội, bạn dạy cùng tôi mời anh đi uống cà phê sau buổi làm quen. Nói là nhờ anh góp ý bài dạy…

Và từ cái buổi tiếp xúc đầu tiên cho hết tuần hội giảng, cho đến hơn hai mươi năm sau, anh luôn là ẩn số. Mới biết trên đời này, cả tỉ người, chẳng ai giống ai, mỗi người có một hằng số hấp dẫn riêng.

Tôi mời anh đến quán café sâu hút trong phố. Là khách mời nhưng anh là người làm chủ tình thế. Anh chọn bàn dưới gốc cây trứng cá yên tĩnh. Tôi đang loay hoay thì anh đã chủ động gọi hai sinh tố xoài cho tôi và Hội, còn anh cà phê đen. Tôi trở nên lúng túng…

Rồi chúng tôi bắt đầu chuyện trò. Chúng tôi kể cho nhau chuyện dạy Văn ở huyện mình, trường mình. Những năm đó, lương thấp, đời sống kém xa giờ nhưng dạy Văn là niềm say mê của chúng tôi. Học sinh thời đó cũng đang thích thú học Văn. Có lẽ vì thế mà ba chúng tôi luận bàn hào hứng.

Anh có vốn liếng văn chương đáng nể. Lại còn sắc sảo trong đánh giá. Tôi và Hội cảm thấy mình chỉ đáng học trò. Tôi thán phục anh có cái nhìn sắc sảo về các văn bản ở sách giáo khoa mà thường ngày chúng tôi cứ dạy theo công thức, cứ lấy sách giáo viên làm “bảo bối”. Tôi nhớ mãi phát hiện mới mẻ của anh khi bàn đến “Chiếc lá cuối cùng” của O.Henry. Đây là văn bản Hội dạy.

Rồi anh nói về “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu.

Cứ thế anh giúp tôi và Hội hiểu được sự ẩn chứa sâu xa của một số văn bản khó. Anh chậm rãi, nhỏ nhẹ, không ồn ào. Chỉ thế, anh đã thuyết phục hai đứa tôi. Sau đó, tôi biết anh không phải giáo viên đi thi mà chỉ đi tư vấn cho giáo viên huyện anh. Anh là giáo viên giỏi tỉnh kỳ trước.

            Hai ngày sau, bài dạy “Bến quê” của tôi thành công. Tôi đã cho học sinh cảm nhận văn bản theo định hướng của anh. Bước ra khỏi lớp, người tôi nghĩ đầu tiên là anh. Tôi tìm anh nói lời cảm ơn. Anh nói đó là thành công của người dạy. Tôi cố kìm giữ một ý nghĩ bất chợt. Nếu như chỉ có anh, tôi sẽ ôm lấy và đặt vào má anh một nụ hôn.

Đến bài dạy thứ hai, tất nhiên tôi không thể không bám vào anh. Lần này không chỉ bài dạy mà có gì đó làm lòng tôi rộn rạo hơn. Tôi đưa anh đến quán café ven sông phía nam thành phố. Ở đây không gian thoáng đãng thơ mộng.

Bài dạy thứ hai của tôi là “Mùa Xuân nho nhỏ” của Thanh Hải. Đến bây giờ, sau hơn hai mươi năm tôi vẫn nhớ như in những gì anh hướng dẫn khi bình đoạn thơ “Ơi con chim chiền chiên, hót chi mà vang trời, từng giọt long lanh rơi, tôi đưa tay tôi hứng”. Anh còn dặn, lúc bình cần kiệm lời, chậm rãi, giao cảm với học sinh để có sự lắng đọng, rung cảm…

Trao đổi bài xong, tôi cùng anh xuống bờ sông hóng gió, ngắm những cánh buồm căng gió trên dòng Lam trong xanh. Những cánh buồm nâu đẹp như tranh vẽ. Ra về, tôi cố tình đi sát anh rồi nép vào anh. Anh đưa tay quàng lên vai tôi. Chờ có thế, tôi quay người thu gọn mình vào vòng tay anh. Anh ôm tôi trong vòng tay và hôn nhẹ lên mái tóc thoảng hương bồ kết mới gội lúc chiều.

Bài giảng “Mùa Xuân nho nhỏ” của tôi đạt loại giỏi. Lần này bước chân ra khỏi lớp, tâm trí tôi không có gì khác ngoài anh. Hai ngày nữa là kết thúc hội giảng. Với tôi, đây là quãng thời gian vàng ngọc. Tôi không giấu diếm tình cảm. Cơ hội đâu có nhiều. Mà giấu làm chi một tình cảm đẹp đang rạo rực. Tôi đã yêu anh. Nếu ngày đầu tôi như bị hớp hồn từ cái nhìn đầu tiên thì bốn ngày qua, tình cảm trong tôi mãnh liệt dần đến lúc không cưỡng nổi.

Chiều trước ngày kết thúc hội giảng, tôi dúi vào tay anh một mẩu giấy: “Tối nay đi chơi với em nhé?”. Nhận được tín hiệu, anh nháy mắt mỉm cười.

Tối đó, tôi rủ anh đi thuyền ra bãi bồi giữa sông. Rừng phi lao đã khép tán nên bãi bồi đậm đặc màu xanh. Trăng đêm nay không trong xanh như đêm hôm trước. Gió từ mặt sông thổi đều đều như tưới lên da thịt. Chẳng có nơi nào lý tưởng hơn nơi đây cho trai gái tình tự. Tôi và anh ngồi sát bên nhau tỉ tê. Bao cảm xúc, nỗi niềm, sự ngưỡng mộ từ hôm đầu gặp nhau đến nay tôi không ngại ngùng trải lòng.

Tâm sự một lúc, anh đọc thơ tôi nghe: “Em vừa đủ để anh khao khát/ Vừa đủ làm anh thật là anh/ Trời chớm Thu vừa đủ nét xanh/ Quả chua ấy cũng vừa đủ ngọt…”[1]… “Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh/ Cứ một nửa, như đời anh, một nửa/ Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ…”[2]

Chao ôi, sao những câu thơ anh đọc quyến rũ cõi lòng đến thế! Giọng anh sao truyền cảm đến thế! Anh đọc thơ xong, tôi ngồi sát vào lòng anh. Anh không nói gì và tôi cũng vậy. Giữa khoảng lặng đó, tôi mạnh bạo nói điều thiêng liêng nhất: “Em yêu anh!”.

Nhẹ nhàng, anh hôn lên mái tóc tôi như đêm hôm trước. Tôi ngước nhìn anh, hỏi: “Anh thì sao?” Anh nói “Thơ đã nói hộ lòng anh rồi…”.

Tôi kéo tay anh ép sát vào ngực mình. Anh đặt bàn tay lên làn áo mỏng. Tôi kín đáo lần mở từng cúc áo, để tay anh chạm lên bầu thanh tân căng tròn. Tôi nghe da thịt cơ thể mình mơn man, anh lại rụt rè.

“Anh không yêu em à?” Tôi hoài nghi. Anh nói trong run rẩy “Anh rất yêu em”. “Em dâng tặng anh mà…”.

Cơ thể tôi mỗi lúc một rạo rực, nhưng anh giữ tay tôi lại: “Đừng em!”. Nằm trên bãi cỏ. Anh quàng tay lên người tôi, riết vào lòng…

Tất cả chỉ có thế. Chỉ những nụ hôn là cháy bỏng.

Hôm chia tay, tôi giấu những giọt nước mắt vì nhớ. Vì sự mỏng manh. Vì một linh tính. Anh tặng tôi cái bút cuốn trong mẩu giấy với dòng thơ: “Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ? Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau..”[3].

Sau ngày chia xa, tôi và anh vẫn thư từ qua lại. Tôi nồng nàn, nông nổi. Anh đằm thắm, kín đáo. Kín đáo nhưng tôi vẫn nhận ra sự mơ hồ khác thường. Có thư anh bàn luận về tình yêu. Với anh, yêu và hôn nhân không đồng nhất. Anh hỏi tôi có thấy cuộc sống thế không? Lấy nhau không bắt đầu từ yêu có hạnh phúc không…?

Thì ra anh đã chuẩn bị tâm thế để tôi khỏi hụt hẫng. Gần một năm sau, anh xin tôi tha lỗi để cưới vợ. Anh cưới vợ vì cái nghĩa, vì muốn giữ cho tâm can bố anh được thanh bình. Đó cũng là lòng hiếu thảo. Anh quan niệm thế.

       Vợ anh là con một người bạn của bố. Hai người từng là đồng đội chiến đấu, vào sinh ra tử ở chiến trường Quảng Trị. Là đồng đội lại cùng quê, cùng nhập ngũ một ngày, cùng đơn vị huấn luyện và chiến đấu. Giữa chiến trường ác liệt, hai người đã kết nghĩa sống chết có nhau. Hẹn, nếu một trong hai hi sinh thì hòa bình, người còn lại sẽ kết nối hai gia đình làm anh em. Đẹp nữa là thông gia. Người may mắn trở về là bố anh, dẫu trên mình mang nhiều thương tích. Đúng như ý nguyện người đã hi sinh, bố anh đã sống phần còn lại đầy đủ, nghĩa tình. Bố muốn anh nên chồng, nên vợ với người con gái của bạn như hẹn ước năm nào.

Nghĩa sinh tử ấy không thể không làm anh nặng lòng. Anh phải nghĩ ngợi suốt hai năm trời. Trước lúc gặp tôi một năm và sau năm nữa. Cái nghĩa không phải phân vân. Còn tình yêu, nếu không có hoặc chỉ là mường tượng thì trong sâu thẳm riêng tư mỗi người, liệu có hạnh phúc? Anh cảm thông cho cách nghĩ không thể khác của bố. Nếu anh nên nghĩa chồng vợ với người con gái đó, tâm can bố sẽ thanh thản. Bố sẽ cảm thấy trọn tình vẹn nghĩa với bạn.

Cô ấy học trung cấp tài chính và được ưu tiên nhận vào làm ở hợp tác xã tín dụng. Anh luôn xem cô như em gái.

Giữa những tháng năm chưa rành mạch lòng mình, anh gặp tôi ở hội giảng. Vì rất yêu tôi mà anh giữ ngọc ngà cho tôi. Còn lúc đó, tôi không hiểu được sự e dè của anh.

Ngày nhận thư anh xin lỗi được cưới vợ, tôi thấy như rơi vào ngõ cụt. Có lẽ tôi quá yêu anh, hy vọng quá nhiều vào tình yêu này? Biết anh không có lỗi, nhưng tôi vẫn gửi thư kèm lời trách móc giận dỗi.

Anh hồi âm tôi năm, sáu lá thư. Anh cưới vợ và bắt đầu sống cuộc đời cho người khác. Con người anh là như thế. Một người có hiếu như anh thật khó lòng rành mạch được, khác đi được.

          Rồi tôi nhắm mắt lấy chồng, không khởi nguồn từ yêu. Tôi chỉ có một người yêu, một tình yêu. Tình yêu ấy, người yêu ấy giờ chỉ hiện hữu như vầng trăng tít tắp cuối trời.

Chồng tôi là nhân viên phòng tài chính huyện. Anh đeo đuổi tôi từ lâu, nhưng dường như tôi không để ý. Anh khô khan như con số cộng trừ hàng ngày. Tôi thì ướt át lãng mạn. Trong những ngày sống chới với, anh đến và tôi gật đầu theo phản xạ. Những lúc ấy, tôi chẳng buồn nghĩ gì. Thật là tai hại. Tôi đang trong những ngày khủng hoảng.

Trước ngày cưới, tôi lại phạm sai lầm. Tôi viết thư xin gặp anh một lần. Ý định của tôi thật rồ dại. Tôi muốn dâng hiến thanh tân cho người tôi yêu. Sau hai tuần tôi nhận được thư anh. Anh nói bận công việc nên ngày cưới mới đến chúc mừng tôi được. Sự từ chối cao thượng, nhưng khiến tôi giận vô cùng. Từ hôm đó, tình yêu ấy đã lặng lẽ chết. Cũng từ đó, tôi biệt vô âm tín với anh.

Nhắm mắt lấy chồng là một tai hại. Sống cùng nhau có hai mặt con nhưng tôi không cảm nhận được hạnh phúc. Không biết chồng tôi có nhận ra điều đó? Còn sau này, tất nhiên rồi. Đời sống chăn gối ngày càng chán ngắt. Để giải phóng cho nhau, tôi và chồng ngầm thỏa thuận ly thân nhưng không cho con biết. Mỗi người có thể tìm mảnh trời riêng.

Giờ đã hai mươi năm có lẻ. Anh chủ động tìm lại tôi. Anh tìm tôi làm gì nhỉ?

Để yêu? Để bù đắp cho tôi? Nếu vậy, lẽ ra nên sớm hơn chứ? Còn vì cái nghĩa thì muộn một chút có lẽ hơn. Khi nắng đã tà, ở cái tuổi đã mất dần cảm xúc, cái tuổi mà người đàn bà không mặc cảm bản năng nữa…

Còn lúc này, sao trớ trêu thế? Mọi sự nồng nàn, man dại ngày nào giờ đã nguội lạnh…

Sau những cuộc gọi, những tin nhắn, tôi mới biết, qua Hội anh đã biết tường tận cuộc sống của tôi. Anh biết, tôi không hạnh phúc và ôm mối sầu nặng trĩu. Tôi vừa giận vừa tự ái. Cứ thế chúng tôi nhắn tin qua lại với nhau.

Chất men tình yêu thuở nào vô tình đánh thức những ký ức tưởng chừng đã ngủ yên, chôn chặt trong tôi. Anh làm tôi lúng túng. Sự lúng túng không của lí trí mà của bản năng. Chả trách sách vở ca tụng tình yêu kỳ diệu làm con người trẻ lại. Tôi nghe rõ từng tế bào già nua trong cơ thể được hồi sinh… Sau hơn hai mươi năm, tôi lại có cảm giác của người đang được yêu.

Anh tha thiết xin gặp tôi. Anh muốn bù đắp khoảng trống tôi âm thầm chịu đựng hơn hai mươi năm. Muộn còn hơn không. Tôi hỏi “làm thế anh không thấy có lỗi với chị ấy?”. Anh chia sẻ “Hơn hai mươi năm, anh cũng âm thầm chịu đựng khoảng trống lòng mình để đưa lại hạnh phúc cho vợ rồi”…

Tôi thấp thỏm chờ đợi. Hồi hộp. Hy vọng. Lo âu. Sự nguội lạnh của cơ thể bắt đầu được sưởi ấm. Tôi sẽ được anh ôm chặt vào lòng, được anh hôn khắp cơ thể. Tôi sẽ lọt thỏm trong thân hình săn chắc của anh. Chao ôi, chỉ hình dung ngày được gặp lại anh mà bao khao khát trong tôi hồi sinh.

      Đang đê mê trong mộng tưởng, tôi giật mình như người ngủ tỉnh giấc. Tôi cầm điện thoại, gửi tin nhắn cho anh:

“Anh cứ giữ liên lạc với em. Còn gặp nhau? Em không đủ can đảm nữa. Anh cứ nghĩ, cứ hình dung em như hơn hai mươi năm trước để giữ lấy sự thánh thiện của tình yêu”.

 

 

  1. Bài thơ Vừa đủ (Trần Nhương)
  2. Bài thơ Hai nửa vầng trăng (Hoàng Hữu)
  3. Trích “Hai nửa vầng trăng” (Hoàng Hữu)

Nguyễn Việt Hòa

(Truyện ngắn đã đăng trên Tạp chí Sông Lam 19 bản in)