Tôi sinh ra, lớn lên ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) nay là thị xã Nghi Sơn, giáp với huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Những năm tháng tuổi thơ, tôi từng chứng kiến cuộc sống còn đói nghèo, lạc hậu của nông thôn miền Trung. Hồi đó, tôi và các bạn bè đi chân đất đến trường, không có áo ấm để mặc trong mùa Đông giá lạnh. Năm 1963, khi lên chín tuổi, tôi được ba mẹ cho đi thăm anh em họ hàng ở thị xã Thanh Hóa, nay là TP. Thanh Hóa. Dạo quanh khu bờ hồ nằm giữa trung tâm thị xã, tôi đã ngỡ ngàng trước cuộc sống nhộn nhịp của chốn thị thành. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy đèn điện chiếu sáng, máy nước công cộng, lại được ăn kem que lạnh buốt răng. Sau lần đó, tôi có ước mong lớn hơn là thăm thành phố Vinh, bởi vì mọi người kể, Vinh là thành phố lớn, hiện đại hơn nhiều mà đoạn đường ngắn lại hơn so với chặng đường tới Thủ đô Hà Nội. Hơn nữa, TP. Vinh – còn là thủ phủ của xứ Nghệ, quê hương của Bác Hồ kính yêu. Nhưng ước mong của tôi không thể trở thành hiện thực, vì cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Những năm tháng đó, Quốc lộ 1A từ quê tôi vào Vinh được gọi là “con đường máu lửa”. Hàng ngày máy bay Mỹ điên cuồng bắn phá, tàu chiến Mỹ thuộc Hạm đội 7 pháo kích thường xuyên từ Biển Đông. Mọi cây cầu trên đường Quốc lộ 1A nối liền quê tôi và Vinh đều bị đánh sập. Ban ngày, không một chiếc ô tô nào có thể di chuyển trên đường, phải chờ đến đêm, các đoàn xe mới có thể nối đuôi nhau, ì ạch chuyển bánh dưới ánh sáng từ đèn gầm.

Đầu năm 1972, khi vừa tròn 18 tuổi, đang học lớp 10 trường phổ thông hệ 10/10, tôi nhận giấy báo nhập ngũ và trở thành chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vừa khoác bộ quân phục lên người, tôi đã nghĩ mình có thể sẽ trở thành chiến sĩ pháo binh, sẽ tham gia chiến đấu bảo vệ vùng trời thành Vinh. Nhưng không, sau ba tháng huấn luyện tân binh ở vùng rừng núi của tỉnh Hòa Bình thì nhận lệnh “đi B dài”. Tôi mừng thầm, có lẽ đây là cơ hội hiếm có để đến Vinh trên đường hành quân về phương Nam. Trước đó, nhiều đoàn quân ra trận bằng tàu hỏa vào Vinh, sau đó hành quân bộ vượt dãy Trường Sơn. Lại một lần nữa, tôi thất vọng, ước mong đã không thành hiện thực vì ngày 6/4/1972, Tổng thống Mỹ ra lệnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Đây cũng là cuộc chiến tranh ác liệt hơn, tàn bạo hơn so với lần thứ nhất. Ngày 10/4/1972, máy bay B.52 Mỹ ném bom TP Vinh, ga Vinh bị tàn phá tan hoang. Để tham gia chiến dịch Xuân – Hè Trị – Thiên năm 1972, từ địa điểm tập kết ở ngã ba Chuối (nay là thị trấn Nông Cống, Thanh Hóa), tôi và đồng đội di chuyển bằng xe quân sự theo đường 15 vào ban đêm. Vì mưa to gió lớn, chúng tôi quá vất vả khi vượt qua dốc “Bò Lăn” để vào huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Sau một ngày ở Binh trạm Nghĩa Đàn, đêm đến chúng tôi đi xe tiếp đến Binh trạm Nam Đàn. Gọi là Binh trạm, nhưng đó là khu dân cư, và chúng tôi được bố trí ăn nghỉ trong các gia đình. Qua trò chuyện, tôi biết, ông chủ nhà có hoàn cảnh như ba tôi, sinh ra và lớn lên ở TP. Huế. Tôi hỏi “Bác ơi, TP Vinh có xa đây không?”. Ông bảo: “Vinh ở phía đông, cách đây 15 km, sao chú lại hỏi, có anh em họ hàng chi ở đó?”. Tôi thổ lộ chân thật rằng từ bé tôi đã ao ước một lần đến Vinh, nay “đi B” chưa biết bao giờ có dịp được tận mắt nhìn thấy. Ông chủ nhà liền đáp, nếu đơn vị cho phép đi thăm thành phố tôi cho chú mượn xe đạp của nhà. Tôi mừng rỡ đi gặp trung đội trưởng và nói, em muốn xuống Vinh thăm người bác ruột, đi xe đạp của ông chủ nhà, em đi khẩn trương độ sau một tiếng đồng hồ là tới nơi và quay lại ngay. Câu trả lời làm tôi tiêu tan hy vọng: “Không được, có thể chiều nay đơn vị hành quân tiếp”. Đúng thế, khi mặt trời vừa lặn, chúng tôi đã hành quân bộ theo đường đê sông Lam vào Binh trạm Đức Thọ ở Hà Tĩnh, rồi vào Quảng Bình để nhập “đường mòn Hồ Chí Minh” vào chiến trường Quảng Trị. Khi vượt sông Bến Hải ở thượng nguồn, tôi tự an ủi mình, mai kia hòa bình lập lại, tôi sẽ trở về và có nhiều cơ hội để thỏa lòng ước mong, được chiêm ngưỡng Vinh, thành phố giàu truyền thống cách mạng.

Ga Vinh được xây dựng quý II/1900, ngày 17/3/1905, chính thức đi vào hoạt động. Vị trí ga Vinh xưa hiện nay thuộc khu vực Trung tâm điện ảnh đa phương tiện và Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai, đường Quang Trung, TP Vinh. Ảnh tư liệu

Tới khi kết thúc trận Cửa Việt ở Triệu Phong – Quảng Trị ngày 31/1/1973, tôi và các đồng đội thuộc Tiểu đoàn 1 bộ binh, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, đã trải qua những chuỗi ngày gian khổ và trận chiến đẫm máu. Nhưng bằng việc ký Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, miền Bắc nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng, có điều kiện để bắt đầu khôi phục và xây dựng lại, đó là cuộc sống yên bình. Một lần họp đơn vị để phổ biến tình mới, tôi vô cùng sung sướng khi nghe thủ trưởng đơn vị thông báo: Ngày 1/5/1974, Phó Thủ tướng Đỗ Mười (sau này là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng lại TP. Vinh. Thành phố được xây dựng lại với sự hỗ trợ của Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức. Các chuyên gia đề nghị thiết kế đô thị theo kiểu hiện đại, tức là với các đại lộ lớn, rộng và các dãy nhà chung cư. Như mở cờ trong bụng, tôi tự khuyên mình hãy kiên trì chờ đợi, một ngày không xa sẽ có dịp dạo bước trên đường phố Vinh. Và điều kỳ diệu đã đến, tháng 10-1974, từ một điểm chốt phía nam trong tuyến phòng thủ bảo vệ cảng Cửa Việt, tôi nhận lệnh ra Bắc đi học trường quân đội. Từ thị trấn Đông Hà đổ nát (nay là TP Đông Hà – Quảng Trị), chúng tôi khởi hành bằng xe quân sự của Binh đoàn 559, vượt sông Bến Hải bằng cầu phao dã chiến nằm ở phía tây cầu Hiền Lương bị bom Mỹ đánh sập năm 1967. Sau hơn hai năm xa miền Bắc thân yêu, nước mắt tôi dâng trào khi đặt chân lên thị trấn Hồ Xá – Vĩnh Linh.

Thành phố lên đèn cũng là lúc chúng tôi đến Binh trạm Vinh. Đêm đầu tiên tại Vinh tôi không thể ngủ được, cứ thao thức chờ trời sáng. Dậy từ lúc tờ mờ, tôi chạy ra cổng doanh trại đứng nhìn quang cảnh đường phố, người xe tấp nập ngược xuôi. Lúc đó tôi mới ý thức được rằng, ước mơ của tôi đã thành hiện thực, tôi đang ở Vinh, và hơn thế nữa, tôi đã trở về hậu phương. Sau khi được thông báo, đoàn chúng tôi sẽ rời Vinh vào buổi tối bằng chuyến tàu hỏa Vinh – Hà Nội, tôi tranh thủ dành toàn bộ thời gian trong ngày để thực hiện hành trình cấp tốc khám phá thành Vinh. Trong một ngày tôi không thể đi thăm thú toàn bộ thành phố, nhưng hình ảnh những nơi tôi đặt chân đến và tận mắt chứng kiến vào ngày hôm đó vẫn đọng lại trong tâm trí, đó là vô số hố bom chằng chịt khắp nơi, xen kẽ là những ngôi nhà đổ nát, những đống gạch ngổn ngang. Những vết tích đau thương còn lại đó cũng đủ để cho thấy rằng rất nhiều người dân Vinh đã mất mát trong những đợt bom rải thảm của không quân Mỹ. Thành phố lên đèn cũng là lúc tôi chia tay thành phố và tin tưởng rằng người dân Vinh sẽ xây dựng lại quê hương mình “đàng hoàng hơn to đẹp hơn” như Bác Hồ đã căn dặn.

Thành phố Vinh ngày nay. Ảnh Trung Hà

Sau nhiều năm đi du học, làm việc ở CHDC Đức, mãi đến những năm 1990 của thế kỷ trước, tôi mới có điều kiện trở lại thăm Vinh. Đến lúc đó, người dân Vinh đã vượt qua các năm tháng khó khăn vất vả của thời hậu chiến. Nhờ chính sách Đổi mới, xứ Nghệ nói chung và TP. Vinh nói riêng đã thay da đổi thịt. Các con tôi sinh ra, lớn lên ở Đức, lúc đầu chỉ biết qua lời kể của tôi rằng: xứ Nghệ là “địa linh nhân kiệt” nhất trong rất nhiều vùng đất “địa linh nhân kiệt” của Việt Nam. Tôi sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm tuyệt vời khi tôi đưa các con về thăm xứ Nghệ, lần đầu đi xe từ Hà Nội vào Vinh và Huế, lần sau đó, từ Đà Nẵng ra Huế và Vinh. Đã từng đưa các con đi du lịch nhiều quốc gia, đã bay qua Đại Tây Dương và Biển Đông, nhưng hành trình về thăm miền Trung nói chung và xứ Nghệ nói riêng, là những chuyến đi hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi và các con. Rất thích thú, các con tôi không chán khi ngắm dãy núi Hồng Lĩnh từ phía TP. Vinh trải dài vào Hà Tĩnh, dọc theo sông Lam. Trước đó, khi ghé thăm thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu), các con tôi nhìn thấy dãy núi trùng điệp nằm ở phía tây và hỏi, đó có phải là dãy Trường Sơn hùng vĩ ôm ấp con đường huyền thoại  – “Đường mòn Hồ Chí Minh” mà ba đã chinh phục thời chiến tranh chống Mỹ. Mỗi lần truyền hình ở Đức chiếu cảnh ngập lụt và sạt lở núi ở miền Trung, các con tôi đều rơi nước mắt và hỏi, đó có phải là quê hương của Bác Hồ, nơi mà gia đình mình đã có những chuyến đi tuyệt vời? Các chi tiết đó cho tôi biết rõ, không chỉ trái tim của tôi, mà cả trái tim của các con tôi, đã luôn mỉm cười và đôi khi khóc cùng mảnh đất của những con người xứ Nghệ mến khách.

Là một cựu chiến binh, mỗi khi về thăm Việt Nam tôi đều về thăm chiến trường xưa Quảng Trị, thắp nén tâm nhang cho các đồng đội đã ngã xuống và đó cũng là cơ hội để tôi ghé thăm Vinh. Và mỗi lần đến Vinh, tôi lại khám phá ra những thay đổi của thành phố, một đô thị hiện đại, không thua kém nhiều thành phố lớn ở châu Âu, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ đã ngày càng được mở rộng và thuận tiện. Một trong những tin vui nhất đối với tôi là: năm 1994, trước nhu cầu khai thác vận chuyển hàng không, Nhà nước đã đầu tư trên 20 tỷ đồng để sửa chữa đường cất – hạ cánh, xây dựng nhà ga, đường lăn, sân đỗ; năm 1995 đưa vào khai thác thường lệ đường bay Hà Nội – Vinh – Đà Nẵng; tháng 1 năm 2015 khánh thành nhà ga hành khách mới và công bố quy hoạch Cảng Hàng không Vinh thành cảng hàng không quốc tế. Trong lần về nước năm 2018, tôi đi từ Vinh tới Cửa Lò và biết đến kế hoạch chuẩn bị xây dựng cầu Cửa Hội. Nhịp cầu bắc qua cửa sông Lam nơi đổ ra Biển Đông là niềm mong mỏi của nhiều thế hệ người dân Nghệ – Tĩnh. Ngay từ lúc đó, tôi đã mong muốn sẽ đi qua cầu này trong lần về thăm tiếp theo. Khi hình ảnh cầu thông xe vào ngày 14/3/2021 công bố trên mạng, tôi đã lên kế hoạch bay về Việt Nam, đáng tiếc, chuyến bay phải tạm ngừng do đại dịch Covid-19. Và tôi tự hẹn một ngày không xa, khi Việt Nam chế ngự căn bệnh thế kỷ thành công, tôi sẽ trở về để thăm lại Vinh, chiêm ngưỡng cầu Cửa Hội. Tôi tin là lần trở về đó, sẽ tiếp tục được chứng kiến thêm nhiều kỳ tích trên quê hương xứ Nghệ của tôi.

Hồ Ngọc Thắng

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 20, tháng 1+2/2022)